Pages

Thursday, October 17, 2024

Quen với tiếng bom nổ hơn tiếng đồ chơi

 BM

Cùng nhau, họ ghi lại những vụ đánh bom, hàng loạt cuộc sơ tán, những cái chết và cả nỗi ám ảnh mà lũ trẻ phải trải qua khi bị kẹt trong cuộc xung đột.


Khalid


BM

Dưới sàn nhà của một ngôi nhà đã bị bom tàn phá ở miền bắc Gaza, Hamoud (6 tuổi) và Halloum (4 tuổi) đang chơi trò đóng vai bác sĩ cứu thương.


Hai đứa lôi ra một con búp bê nhỏ và giả vờ khâu nó bằng những sợi chỉ tưởng tượng.


“Nó đang bị thương,” Hamoud nói.


“Rất nhiều gạch đá đã rơi trúng nó.”


Đó là cảnh tượng mà Hamoud và anh chị em của cậu đã phải chứng kiến vô số lần ở Gaza trong vòng một năm qua.


Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành, cứ ba người chết trong cuộc chiến ở Gaza thì có một trẻ em.


BM

Israel phát động cuộc chiến sau khi Hamas giết chết khoảng 1.200 người trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023 và tới nay chiến sự vẫn chưa chấm dứt.


Khalid, cha của hai đứa trẻ, đứng nhìn chúng chơi từ đằng xa với vẻ mặt lo lắng.


“Đây không phải thứ trò chơi mà chúng nên chơi,” Khalid nói. “Mỗi khi thấy chúng thế này, tim tôi vỡ vụn.”


Khi các bệnh viện ở bắc Gaza đã ngừng hoạt vào tháng 12/2023 (chỉ vài tháng sau khi chiến tranh nổ ra), Khalid đã bất tuân yêu cầu của Israel di tản về phía nam, mà quyết định ở lại nhà mình ở Jabalia (bắc Gaza) để cung cấp dịch vụ y tế cho người dân xung quanh.


Khalid không phải là bác sĩ, nhưng từng được huấn luyện để trở thành một nhà vật lý trị liệu, và cũng từng làm công việc phân phối ở một công ty chuyên cung cấp vật tư y tế.


“Tất cả mọi người ở khu này đều biết rằng tôi là nhà vật lý trị liệu chứ không phải bác sĩ. Nhưng với tình hình khó khăn hiện tại, tôi bảo họ rằng mình có thể thay băng và khâu vết thương, đặc biệt là cho trẻ con.


“Nếu tôi rời đi, những người tôi đang chăm sóc có thể sẽ mất mạng vì chẳng còn bệnh viện hay phòng khám nào hoạt động cả.”


Với kỹ năng phẫu thuật cơ bản và khả năng tiếp cận thuốc men, một số loại đã hết hạn, Khalid đã mở một phòng khám tại nhà và tập trung chữa trị cho trẻ em.


Con của Khalid bắt đầu bắt chước những gì chúng thấy.


BM

“Xe cứu thương, mang anh ấy ra xe cứu thương!” Hamoud hét lên khi đóng giả bác sĩ cứu thương cùng em gái – trò chơi mà hai đứa trẻ đã nghĩ ra trong thời chiến.


Khalid tình cờ nghe thấy tiếng con trai anh chẩn đoán vết thương của bệnh nhân. Vết thương do tên lửa bắn tới, do mảnh bom hay do nhà sập?


“Hamoud quen với tiếng bom nổ hơn cả tiếng đồ chơi. Còn Halloum bé nhỏ đã phải chịu đựng quá nhiều khi mới chừng này tuổi,” Khalid nói.


“Tôi sợ rằng cuộc chiến này sẽ gây ra những thương tổn tâm lý dài hạn cho chúng.”


Ủy ban Cứu trợ Quốc tế nói rằng tác động của việc phải rời bỏ nhà cửa, sang chấn tâm lý và không được đi học có khả năng cao sẽ để lại những vết sẹo tâm lý vĩnh viễn cho những đứa trẻ ở Gaza.


Mắc kẹt ở phía bắc, những đứa con của Khalid không những phải chịu tổn thương tâm lý mà cả những cơn đói điên cuồng.


BM

Vào tháng Sáu, Liên Hợp Quốc ước tính rằng 96% người dân ở Gaza phải đối mặt với tình trạng “mất an ninh lương thực nghiêm trọng."

Trong lúc Hamoud đứng trên nóc nhà và vẫy một lá cờ tự chế nhằm ra hiệu cho một máy bay cứu trợ thả gói hàng xuống gần ngôi nhà, một tiếng nổ kinh thiên vang lên và khiến mặt đất rung chuyển.


Một máy bay của Israel vừa mới thả bom vào một tòa nhà ở gần đó, một đám khói đen bùng lên cách chỗ Hamoud vài dãy nhà.


“Cháu không thích máy bay thả bom đâu,” Hamoud nói một cách buồn bã.


“Cháu thích nó thả đồ ăn xuống cơ.”


Aseel


BM

Ở nam Gaza, người mẹ 24 tuổi Aseel đang tính toán cách nào để kiếm đồ ăn cho cô con gái sơ sinh Hayat.


“Chợ hết đồ ăn mất rồi, nên tôi không ăn uống đàng hoàng để cho nó bú được, đành cho nó uống sữa công thức,” Aseel nói.


Trước đó trong tháng này, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã cảnh báo rằng 17.000 bà mẹ mang thai ở Gaza đang mấp mé bên bờ vực của nạn đói.


“Sữa công thức, tã, mọi thứ em bé cần đều trở nên cực kỳ đắt đỏ trong bối cảnh chiến tranh,” Ibrahim, chồng của Aseel, nói.


Tìm mua được chúng cũng là một thách thức, anh nói thêm.


Đây không phải viễn cảnh mà Aseel từng tưởng tượng sẽ trải qua trong những tháng đầu với cô con gái nhỏ.


Nghe theo yêu cầu sơ tán của Israel, Aseel cùng chồng và cô con gái 14 tháng tuổi tên Rose đã phải rời khỏi ngôi nhà của họ và tiến về phía nam trong những tuần đầu của cuộc chiến.


Liên Hợp Quốc ước tính cứ 10 người Palestine ở Gaza thì có 9 người đã phải rời khỏi nơi ở ít nhất một lần từ khi cuộc chiến bùng nổ vào tháng 10/2023.


BM

Khi đang mang bầu tám tháng, Aseel phải đi bộ nhiều cây số về phía nam trên một tuyến đường an toàn được vạch sẵn.


“Lúc ấy chúng tôi không có đủ nước uống và tôi bị thiếu máu. Xác người vương vãi khắp nơi. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ được là Rose và đứa bé đang lớn lên trong bụng.”


Aseel và chồng đã có một giao kèo, cô kể, “nếu điều gì bất trắc xảy ra với anh ấy, tôi sẽ tiếp tục đi tiếp một mình và chăm sóc cho Rose và đứa bé trong bụng. Nếu tôi gục xuống vì kiệt sức, anh ấy biết rằng nên dẫn con gái đi tiếp và bỏ tôi lại đó.”


Khi họ tới được một khu vực tương đối an toàn ở Deir al-Balah ở nam Gaza, một vấn đề mới đã nảy sinh: gần như không có bệnh viện nào còn hoạt động để Aseel có thể sinh con. Bệnh viện Al Awda ở Nuseirat là nơi duy nhất có thể tiếp nhận những ca sinh đẻ.


Hayat đã chào đời tại đó vào ngày 13/12/2023.


Tên của cô bé, có nghĩa là cuộc sống trong tiếng Ả Rập, được đặt như một sự gợi nhắc về cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc mà họ mong sẽ có lại sau khi chiến tranh kết thúc.


BM

“Cứ như thể con bé đã thổi luồng sinh khí mới vào cuộc sống của tôi vậy, giữa những hoang tàn nơi đây. Con bé nhắc cho tôi nhớ rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn ngay cả trong những nghịch cảnh tồi tệ nhất.”


Ibrahim là một thợ ảnh và đã phải bỏ lại vợ, con gái Rose và cô con gái mới sinh phía sau để ra thực địa làm việc, mạo hiểm mạng sống để có thể chu cấp cho gia đình.


Sau một lần vướng vào một trận đấu súng và thoát được trong gang tấc, Ibrahim đã nói:

“Tôi làm tất cả những việc này chỉ để có thể lo cho những thứ cơ bản của cuộc sống, tã, sữa công thức và quần áo.”


“Tôi có cảm giác như thể mọi khó khăn ở Gaza đang đè lên vai tôi vậy. Tôi rất lo cho con gái mình và cảm thấy rằng tôi không đủ khả năng chu cấp cho đứa con gái mới sinh của tôi.”


Vào tháng Năm, Ibrahim và Aseel đã đoàn tụ ở Deir al-Balah, và lái ô tô đưa lũ trẻ đi chơi.


BM

“Hayat chưa từng sống ngày nào mà không có chiến tranh,” Ibrahim nói.


“Con bé được sinh ra giữa những hoang tàn, tiếng bom nổ và tin tức về chiến sự.”

Hayat, khi đó khoảng sáu tháng tuổi, ngồi trên đùi mẹ ở ghế trước.


Chiếc xe lướt qua hàng loạt những tòa nhà hư hại trên con đường đã bị chôn vùi dưới cát và những mảnh gạch vỡ.


“Nhưng bất chấp tất cả,” Ibrahim nói, “con bé vẫn cứ mỉm cười.”




Lara El Gibaly & Haya Al Badarneh


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.