Người nhận tiền sẽ được lựa chọn một cách ngẫu nhiên từ danh sách chữ ký trong bản kiến nghị ủng hộ Hiến pháp Mỹ của AmericaPAC.
AmericaPAC là siêu ủy ban chính trị do ông Musk lập ra để ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump trong nỗ lực tái tranh cử tổng thống.
Tấm séc theo kiểu xổ số đầu tiên đã được trao cho một người tham dự trước sự ngỡ ngàng của người này tại một sự kiện ở Pennsylvania hôm 19/10. Tới ngày 20/10, một tấm séc khác đã được trao.
Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro, một đảng viên Dân chủ ủng hộ bà Kamala Harris, nói chiến thuật của ông Musk “gây quan ngại sâu sắc”.
Ông Shapiro nói trên chương trình "Meet the Press" (Gặp gỡ Báo chí) của NBC News rằng các cơ quan thực thi pháp luật có lẽ nên xem xét các khoản thanh toán này.
Những người có khả năng nhận tiền là cử tri ở Pennsylvania, Georgia, Nevada, Arizona, Michigan, Wisconsin và Bắc Carolina - tất cả đều là những bang dao động quan trọng sẽ quyết định kết quả của cuộc đua vào Nhà Trắng.
Chuyên gia luật bầu cử Rick Hasen viết trên blog cá nhân Luật Bầu cử (Election Law) rằng ông tin việc treo thưởng của ông Musk “rõ ràng là bất hợp pháp”.
Ông Hasen là giáo sư tại trường luật Đại học California, Los Angeles (UCLA).
Theo luật liên bang, bất kỳ ai "trả tiền hoặc đề nghị trả tiền hoặc chấp nhận thanh toán để đăng ký bỏ phiếu hoặc để bỏ phiếu" sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10.000 USD hoặc án tù 5 năm.
Dù về mặt kỹ thuật thì ông Musk đang yêu cầu cử tri ký vào một bản kiến nghị, ông Hasen đặt nghi vấn về ý đồ thực sự của ông Musk khi sử dụng chiến thuật này.
“Ai có thể ký bản kiến nghị đó? Chỉ những cử tri đã ghi danh tại các bang dao động, đó là lý do tại sao việc này phạm pháp,” ông Hasen nói.
Những người ký vào bản kiến nghị - trong đó cam kết ủng hộ tự do ngôn luận và quyền sở hữu súng – phải cung cấp thông tin liên lạc chi tiết, điều đó có thể cho phép AmericaPAC liên lạc để nói về những lá phiếu của họ.
Ông Musk và AmericaPAC đều đã được liên hệ để bình luận.
Các ban tranh cử và ủy ban hành động chính trị thường dựa vào các chiến thuật như ký tên vào bản kiến nghị, yêu cầu tham gia khảo sát hoặc bán lẻ sản phẩm để xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ về thông tin cử tri.
Những dữ liệu này sau đó có thể được sử dụng để xác định các cử tri một cách chính xác hơn hoặc để gây quỹ từ những người đã ủng hộ ứng cử viên.
Ở Pennsylvania, ông Musk trao 100 USD cho mỗi cử tri ký vào bản kiến nghị, và thêm 100 USD cho mỗi chữ ký của những người họ giới thiệu.
Cử tri ở các bang khác nhận được 47 USD cho mỗi chữ ký của người họ giới thiệu.
Chiến thuật này có thể lọt qua một khe hở trong luật bầu cử Mỹ vì không có ai được trả tiền trực tiếp để bỏ phiếu, mặc cho việc Musk đưa yếu tố tiền vào một quy trình mà từ đó có thể giúp xác định những người có khả năng sẽ bầu cho ông Trump.
Ở Mỹ, việc trả tiền để một người đi bỏ phiếu là phạm pháp – không nhất thiết là bỏ phiếu cho một người cụ thể, mà chỉ hành động bỏ phiếu cũng đã khiến việc này phạm pháp.
Quy định này đã khiến hãng kem Ben & Jerry's từ bỏ ý định ban đầu là chỉ phát kem cho những người có miếng dán “Tôi đã bỏ phiếu”, và quyết định phát kem miễn phí cho tất cả mọi người vào ngày bầu cử năm 2008.
Trong một chiến dịch tranh cử vào ngày 20/10, ông Trump được hỏi về việc tặng tiền của ông Musk.
Vào tháng Bảy, ông Musk đã lập ra AmericaPAC với mục đích hỗ trợ ban tranh cử của ông Trump.
Đến nay ông đã góp 75 triệu USD cho AmericaPAC – siêu ủy ban chính trị đã nhanh chóng trở thành một nhân tố chính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Ban tranh cử của ông Trump phụ thuộc rất nhiều vào các nhóm bên ngoài như AmericaPAC để tiếp cận cử tri.
Trang web chính thức của ban này nêu rõ: AmericaPAC được lập ra để ủng hộ những giá trị cốt lõi: Biên giới được bảo đảm, Thành phố an toàn, Chi tiêu hợp lý, Hệ thống tư pháp công bằng, Tự do ngôn luận, Quyền tự vệ".
Ông Musk từng nói rằng mình muốn “hơn một triệu, có thể là hai triệu, cử tri ở các bang dao động ký vào bản kiến nghị ủng hộ Tu chính án thứ nhất và Tu chính án thứ hai.”
“Tôi nghĩ điều đó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những chính trị gia đắc cử của chúng ta,” ông nói thêm.
Ông Musk hiện đang là người giàu nhất thế giới, với khối tài sản ước tính là 248 tỷ USD, theo tạp chí kinh doanh Forbes của Mỹ.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.