Pages

Friday, November 1, 2024

Rồi người Lính có về không?

 BM

Tại sao chưa đánh đã đầu hàng? Tôi nghe rõ câu hỏi nghẹn ngào đó trong những ánh mắt ngơ ngác của người Sài gòn quanh tôi. Trời hết âm u, nhưng vẫn chưa có nắng. Vẫn thiếu nắng vàng rực rỡ. Dân Xóm Lách kéo lên. Lề đường Công Lý, gần nhà tôi đông nghẹt. Dẫu lòng ngổn ngang bối rối, tôi còn chút hạnh phúc trên những khuôn mặt buồn bã của đám dân “vô sản” Xóm Lách. Không một nụ cười. Khó tìm ra niềm hân hoan. 


BM

Ngay cả những người đã truy nã kỹ thân phận mình, sự nghiệp của mình ròng rã 20 năm Việt Nam cộng hòa, thấy chẳng dính líu gì tới “nợ máu” với cộng sản, cũng hồi hộp vì “biển máu.” Chưa bao giờ tôi thấy, kể từ nhận Sài gòn làm quê hương, một cảnh tượng Sài gòn não nề đến thế! Tôi có cảm tưởng Sài gòn đang sợ hãi cơ hồ tôi đang sợ hãi, cơ hồ mọi người đang sợ hãi. Xe cộ ngưng chạy. Những gia đình có “máu mặt” rút hết vào nhà. Cổng đóng kín mít. Cửa sổ gác cao he hé mở. Ai đã nhìn tôi qua ô cửa kính mắt lệ mờ?


Tôi sinh ra ở miền Bắc, thị xã nhỏ bé, êm đềm Thái Bình. Ấu thơ của tôi, trải dọc theo hàng cây hồi thấp và vương vấn cùng khắp cầu Bo. Niên thiếu của tôi lãng đãng vùng trời Hà Nội. Tôi khôn lớn ở Sài gòn. Sài gòn cho tôi những bước xuống đời cay đắng để tôi làm cuộc đời tôi, Sài gòn cho tôi tình yêu, cho tôi thi ca, cho tôi tiểu thuyết. Công sinh không nặng bằng công dưỡng. Sài gòn đã nuôi dưỡng tôi. Sài gòn là mẹ tôi. Mẹ Sài gòn săn sóc tôi 20 năm. Tôi đã làm gì cho Sài gòn? Đã làm gì, vẫn chưa đủ, vẫn chỉ mới là cái hữu hạn trong cái vô hạn. Bây giờ, đứa con phóng đãng ôm ghì mẹ mình bằng đôi tay rời rã, nước mắt ròng ròng. Đứa con bất lực, đứa con hèn hạ, đứa con khiếp nhược, đứa con mải rong chơi nỡ để mẹ mình lạc vào tay thù. Mà chỉ biết khóc. Mà chỉ rên rỉ. Mà chỉ luyến tiếc hàng me xanh, ghế đá công viên và những cuộc tình phù phiếm. Tôi hiểu những giọt nước mắt của tôi vô nghĩa, chẳng dám khóc, chẳng thiết khóc, mà mắt tôi cứ căng mọng và lệ cứ rơi. Tôi đã biết khóc vì Sài gòn, vì một thành phố kỷ niệm.


BM

Một toán quân xuất hiện. Quân ta. Tôi đếm: 19 người. 19 người lính, 19 người chiến sĩ, đầu trần, chân đất, quần xà lỏn, áo thun, máng súng trên vai, mũi chúc xuống, mặt cúi gầm, lầm lũi bước. Tối hôm qua, tôi đã thấy quân ta ngang qua đây. Quân ta và xe tăng. Hình ảnh người lính sửa xích tăng đã in vào tiềm thức tôi. Tối hôm qua, tôi đã thấy tướng Vĩnh Lộc chủ chiến. 10 giờ 30 hôm nay, tôi nghe Dương văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Và, sau lệnh đầu hàng của Dương văn Minh, tôi lặng người ngắm toán quân chiến bại. Cảm giác đầu tiên của tôi là ngậm ngùi. 


Tôi nhớ một câu thơ của Corneille: “Ô cruel souvenir de ma gloire passée” mà Thế Lữ cảm hứng viết: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu? 


BM

Thời oanh liệt đâu? Những chiến tích rực rỡ dội vang sông núi của quân lực Việt Nam cộng hòa, những chiến tích làm bàng hoàng thế giới, làm vỡ mộng xâm lược của cộng sản, nay còn đâu? Tôi không bao giờ quên người Do Thái đã bày tỏ công khai với nhân loại rằng, họ mơ thành người An Lộc. Tôi vốn không ưa các chế độ, các nhà lãnh đạo, một số tướng lãnh bất tài vô học, tham nhũng của miền Nam sau 1963, nhưng, luôn luôn, tôi yêu mến và cảm phục quân đội. Chế độ đã xóa bỏ chế độ, lãnh đạo đã hạ bệ lãnh đạo, quân đội tồn tại như quê hương. Bởi vì quân đội bảo vệ quê hương. Quân đội không phải là công cụ riêng của chế độ, của lãnh tụ. Một số tướng lãnh hèn mạt, vì quyền lợi cá nhân, vì địa vị khốn kiếp, đã bán mình cho chế độ, cho lãnh tụ để bán xương máu của quân đội và làm nhạt nhòa cái kiêu sa của người lính. Kẻ bán xương máu của lính nhiều nhất, kẻ dùng quân đội làm thang lưng leo lên danh vọng là Nguyễn văn Thiệu.


Bây giờ, Thiệu đã bỏ đi. Cao văn Viên đã bỏ đi. Vô số tướng lãnh đã đào ngũ chạy trốn. Dương văn Minh đã đầu hàng. Quân đội tiếp tục chiến đấu. Quân đội sẽ tiếp tục chiến đấu, nếu Dương văn Minh không hám cái hư vị “tổng thống miền Nam trung lập” đến nỗi thỏa hiệp với cộng sản. Tham vọng bần tiện của Dương văn Minh còn là tham vọng của vài ông tướng, vài ông nghi sĩ, vài ông dân biểu “nhất định” ở lại làm Tổng trưởng. Bùi Tường Huân là một thí dụ. Những người khác đã đi học tập cải tạo, đã vượt biên sang âu châu, Mỹ châu thì xin miễn kể tên, sợ mất ép-phê chống cộng của quý vị ấy.


BM

https://www.youtube.com/watch?v=1SrQR_-eSCM


Thế giới đã thiếu sự công bình tối thiểu để khắc nghiệt lên án sự tan hàng bệ rạc của quân đội ta. Họ không thèm quan tâm tới sự tôn trọng kỷ luật tối đa của quân lực Việt Nam cộng hòa. Quân đội không tuân lệnh đầu hàng của Dương văn Minh mà tuân lệnh đầu hàng của vị Tổng thống nước Việt Nam cộng hòa kiêm Tổng tư lệnh quân lực Việt Nam cộng hòa. Quân đội nước nào cũng thế cả, trừ trường hợp người ta làm cách mạng, làm đảo chính lật đổ Tổng thống. Tôi yêu quân đội của đất nước tôi. Tôi không xuẩn ngốc phán xét quân đội. Tôi có bổn phận ngưỡng mộ quân đội quốc gia. Và tôi đau đớn nhìn quân đội của tôi đầu trần, chân đất, quần xà lỏn, áo thun, máng súng trên vai, mũi chúc xuống, mặt cúi gằm, lầm lũi bước. Ông Nguyễn văn Thiệu không chứng kiến thảm cảnh này. Các ông tướng đào ngũ không chứng kiến thảm cảnh này. Tôi nghĩ các ông ấy chẳng nên nói về quân đội, nhắc đến quân đội nữa.


Một bà mẹ hớt hơ hớt hãi, từ dốc chợ Xóm Lách, chạy lên đuổi theo toán quân, (tôi quả quyết quân đội ta không thua trận. Quân đội ta mãi mãi chiến thắng, mãi mãi anh dũng. Chế độ Nguyễn văn Thiệu thua trận, các ông tướng đào ngũ thua trận và chính sách Mỹ ở Việt Nam thua trận). Bà mẹ già ôm chặt lấy một người lính:

– Mày đi đâu nữa con? Sao không về nhà? Hết chiến tranh rồi, hòa bình rồi. Về thôi, con?


Người lính cố gỡ nhẹ tay mẹ mình ra:

– Con không thể về được.


Bà mẹ khóc. Bà mẹ khóc tức tưởi:

– Sao vậy? Có lệnh hàng rồi mà.


Người lính lắc đầu:

– Con không thể về được.


Toán quân đã băng qua ngã tư Công Lý – Yên Đổ. Bà mẹ vẫn níu chặt người con chiến sĩ lại:

– Mày đã đi đánh nhau bao lâu nay, có được hưởng gì đâu?


Người lính nghẹn ngào:

– Con không thể nào bỏ các bạn con.


Bà mẹ rên rỉ:

– Bỏ hết, bỏ hết đi con, về với má, không sao đâu.


Người lính gỡ mạnh tay mẹ mình ra:

– Má về đi, con phải theo các bạn con.


Người lính chạy nhanh để bắt kịp các chiến hữu. Bà mẹ đứng bên đường mắt đẫm lệ, nhìn theo con mình...


– Rồi người lính có về không?


Đó là câu hỏi của ký giả Patrick Sabatier của nhật báo La libération đã đến tận nhà tôi ở Ivry sur Seine phỏng vấn tôi để làm số báo đặc biệt cho ngày 30/4/1985. Tôi đã kể câu chuyện trên nhằm trả lời câu hỏi “Điều gì còn làm ông nhớ Sài gòn nhất”?


– Tôi không biết, ông Patrick ạ! Sau 6 năm tù đầy trở về, tôi hỏi thăm người Xóm Lách, được rõ là bà mẹ còn sống, và người con vẫn biệt tăm...


– Anh ta đi đâu?


– Tôi nghĩ rằng anh ta đi làm cuộc chiến đấu mới, không cần viện trợ Mỹ, cố vấn Mỹ và lính Mỹ. Dân tộc tôi cần thiết cuộc chiến đấu mới mẻ này.


– Tại sao?


– Nó mới đích thực là cuộc chiến đấu của dân tộc tôi nhằm tiêu diệt chế độ cộng sản, chủ nghĩa cộng sản để giành lại tự do, dân chủ, độc lập cho Việt Nam. Cuộc chiến đấu mới của dân tộc tôi loại bỏ hết tay sai của Mỹ, của ngoại bang. Như thể, chúng tôi gọi là một cuộc chiến đấu có chính nghĩa, tuy cô đơn, lãng mạn như tổ tiên chúng tôi đã lãng mạn, cô đơn chiến đấu.


– Rất đẹp, rất cao quý.


– Ông ủng hộ cuộc chiến đấu mới của chúng tôi chứ?


– Vâng, tôi hết lòng.


Số báo đặc biệt của La libération, một tờ báo khuynh tả, xuất bản ngày 30/4/1985 viết về Việt Nam đã như gáo nước lạnh hắt vào mặt đảng cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Số báo này có đăng thêm một đoạn trong bài thơ Sài gòn ra đường của tôi trên trang nhất.


BM

19 người lính đi tới đâu, đi về đâu, tôi không biết. Hình ảnh bi thảm của họ khiến lòng tôi se lại nhưng cũng sưởi ấm tâm hồn tôi. ít ra, tôi còn được tự hào là người Sài gòn, người miền Nam. 19 người lính quốc gia đã anh dũng chiến đấu cho tới phút giây nghe lệnh đầu hàng. Vẫn 19 người lính này, biểu tượng của quân lực Việt Nam cộng hòa bất khuất, tháo bỏ quần áo Mỹ, giày nón Mỹ, tiếp tục chiến đấu sau lệnh đầu hàng. 


Tôi đã thèm sống hèn, càng thèm sống hèn hơn. Để nói lên được cái hào hùng của người lính, cái tâm sự não nề của người lính, những con người không được phép chiến thắng, những con người bị tước đoạt quyền chiến thắng cộng sản. Thế giới đã không có hân hạnh nhìn 19 chiến sĩ Việt Nam. Thế giới đã không có hân hạnh nghe người lính giã từ mẹ mình lên đường nhập cuộc chiến đấu mới. Thế giới, cái thế giới mù lòa, điếc, ngọng, đã bảo chúng ta thua trận, đã miệt thị quân đội chúng ta tan hàng bệ rạc. Tôi đợi, tôi đã đợi, tôi đang đợi những kẻ tự nhận mình sống hùng viết những trang tâm sự của người lính sau 30/4/1975.


Thú thật, tôi đã chai lì từ dạo cắm sừng nhọn vào đầu đề đương đầu với cuộc đời và người đời. Thế mà tôi còn khóc được hôm nay, khóc như kẻ mau nước mắt nhất. Giống hệt người mẹ anh lính, tôi cũng mắt đẫm lệ nhìn theo anh ta. Côn hỏi:


– Buồn quá hả, Long?


Tôi nói:

– Buồn hơn một chuyện tình buồn trong tiểu thuyết.


– Nếu mày còn sống và có cơ hội viết nhỉ?


– Ở đâu?


– Mỹ.


– Ông mơ mộng hơn cả tôi rồi.


– Sống phút nào mơ mộng phút ấy.


BM

11 giờ, đường Công Lý nườm nượp những người đầu trần, chân đất, quần xà lỏn, áo thun cắm cúi rảo bước. Nhiều người chạy. Đó là lính, là sĩ quan của chúng ta. Họ đã liệng súng đạn. Họ về nhà mình, nhà thân nhân của mình. Khuôn mặt họ, sự sợ hãi pha trộn sự phẫn nộ. Dân chúng hai bên đường im lặng. Không một nụ cười dè bỉu. Không một ánh mắt khinh khi. Người ta đã thù ghét chế độ, thù ghét Nguyễn văn Thiệu và tập đoàn thống trị tôi mọi cùng đám tướng lãnh dốt nát, hống hách nhưng chẳng bao giờ người ta thù ghét quân đội*. Chỉ thiếu những tiếng hoan hô nồng nhiệt, những tràng pháo tay bất tận như những lần quân ta chiến thắng sau mỗi chiến dịch trở về thành phố. Tiếng nhạc quân hành, tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay, lúc này, là tiếng vỡ của trái tim, tiếng nứt của mạch máu, tiếng rơi của nước mắt. Lúc này, cả thành phố thấy mình chiến bại, cả thành phố chia xẻ nỗi đau chiến bại, bởi vì, những kẻ đầu trần, chân đất, quần xà lỏn, áo thun là anh, là chồng, là cháu, là em của người Sài gòn. Của Sài gòn.


Có phải khi người ta đã quá sợ chết thì người ta hết biết mình sợ chết? Tôi bỗng quên nỗi sợ chết của tôi. Hoặc là tôi đã chết rồi, linh hồn tôi đậu trên chân đất của người lính tìm về nhà mình. Người lính ấy, 20 năm ròng rã đứng giữa biên giới sống chết, 20 năm chưa một lần cúi đầu, nửa tiếng đồng hồ trước vẫn ngẩng mặt và, lúc này... Tôi hết biết mình sợ chết. Hơn cả thế, tôi biết mình nên sống hèn, không nên sống hùng để cùng bị chết hèn lãng nhách.


– Côn!

– Hả?

– Ông nhớ sau hôm đảo chính 1945 chứ?

– Nhớ.

– Thực dân Pháp đã chạy dài, đã lột bỏ quần áo, giày vớ, đã chân đất, đội nón mê cắm cúi bước. Đã bị phát xít Nhật truy lùng.

– Chúng ta đứng bên kia cầu Bo nhìn các ông Tây kéo xe bò chở đất, các bà Đầm khóc sướt mướt và phát-xít Nhật cười hoan hỉ.

– A, chúng ta đã vỡ lẽ chiến bại và chiến thắng từ năm 10 tuổi.


Chúng tôi trở vào nhà, đóng cổng kỹ lưỡng. Chuông điện thoại reo vang. Tôi nhấc máy:

– Alô, alô, tôi muốn nói chuyện với Duyên Anh.

– Chính tôi.

– Phạm Lê Phan đây...


BM

Phạm Lê Phan, nhà văn, nhà thơ, tác giả nhiều truyện ngắn đăng rải rác trên các tạp chí Bách Khoa. Chi Đạo từ 1960 là bút hiệu của thượng sĩ Phạm văn Kiệm, phục vụ tại Cục tâm lý chiến. Anh ta đã viết thi phẩm Chiến ca mùa hè mà Phạm Duy phổ nhạc.


Chiến ca mùa hè như những trang quân sử bằng thơ ghi lại mùa hè đỏ lửa.


BM

– Mày chạy không thoát à?

– Ừ.

– Tao gọi bạn bè, chẳng còn thằng nào. May quá, còn mày.

– May cái con c...! Mày chưa về nhà ư?

– Về hả? Tao là thượng sĩ nhưng là chiến sĩ, hơn cả, tao là kẻ sĩ. Tao đại diện quân lực Việt Nam cộng hòa chuẩn bị tiếp xúc với Việt cộng.

– Cục mày hết người... lớn rồi à?

– Còn mỗi mình tao. Tao là tân Cục trưởng. Cục trưởng cút lâu rồi. Cục phó Phan Trọng Thiện vừa về... nhà.

– Mày cũng nên về đi.

– Tại sao tao lại phải về? Lính văn nghệ đang chơi nhau dữ dội ở cầu Thị Nghè. Tao thủ trái lựu đạn, ngồi tại văn phòng Cục trưởng Tâm lý chiến thuộc Tổng cục chiến tranh chính trị của quân lực Việt Nam cộng hòa. Chai whisky trên bàn vơi quá nửa rồi. ông tu chất cay. Bọn nó vào mà tử tế, ông giao Cục, dở trò hỗn láo, ông cho lựu đạn nổ... Tao sẽ gọi mày sau. Thôi nhé!


BM

Người lính văn nghệ, thượng sĩ Phạm Lê Phan không muốn cộng sản vào Cục tâm lý chiến như vào nhà hoang. Anh ta ngồi đợi kẻ thù tới tiếp thu. Không còn cấp bậc và huy chương nào tưởng thưởng anh ta cả. Anh ta có quyền về nhà, được phép về nhà mình mà không ai dám kết tội anh ta đào ngũ hèn nhát. Nhưng mà “lính văn nghệ đang chơi nhau dữ dội ở cầu Thị Nghè.” Anh ta kiêu hãnh nói “tại sao tao phải trở về”?


Sẽ chẳng một ai đủ liêm sỉ bắt chước Phạm Lê Phan tự vấn lòng mình “Tại sao tôi lại đào ngũ”. Tôi ngồi hút thuốc, chờ điện thoại của Cục trưởng Tâm lý chiến: Thượng sĩ Phạm văn Kiệm.


BM
“Lính văn nghệ đang chơi nhau dữ dội ở cầu Thị Nghè”. Tôi biết rõ những người lính ấy. Họ là nhà báo vô danh, là kép cải lương thứ yếu, là ca sĩ tân nhạc hạng xoàng. Họ còn là thanh niên Chợ Lớn, thanh niên con nhà giàu sợ hãi chiến trường, được ẩn thân ở Cục Tâm lý chiến dưới sự “bảo trợ” của tướng bà Cao văn Viên. Hai hạng người dưới, lương quân đội lĩnh xong phải cộng thêm tiền gia đình nộp cho người bảo trợ hàng tháng, chưa kể khoản tiền nặng ra mắt và được chấp thuận bảo trợ. Lính văn nghệ cơ hữu của Cục tâm lý chiến chỉ có bổn phận canh gác giữ an ninh cho Cục ngày và đêm. Sự canh gác mang tính cách trình diễn, dù đã học 9 tuần quân sự ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Vòng đai an ninh của Cục bé nhỏ. Đã có lực lượng bảo vệ an ninh của Cục an ninh quân đội, của Đài phát thanh Sài gòn lo giùm hết. Vậy bên đây cầu Thị Nghè, kế sát Cục, là nơi lính văn nghệ canh gác ban đêm để bảo vệ Đài phát thanh quân đội, tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến, văn phòng của các quan văn nghệ... Nói ra hơi buồn, lính văn nghệ gác cầu, chỉ nhằm trình diễn tinh thần kiểng và tạo oai phong cho các quan tâm lý chiến chơi xì-phé, mạt chược những đêm trực.


BM

Truyện kể về những người lính văn nghệ gác cầu Thị Nghè sáng 30/4/1975 như sau: Xe tăng cộng sản vào thành phố Sài gòn để vô Dinh Độc Lập bằng hai ngả. Ngả thứ nhất: Từ ngã tư xa lộ Hàng Xanh, T-54 của cộng sản chia đôi. Không nhiều gì đâu. Có 10 chiếc thôi. 5 chiếc rẽ phải vô Hàng Xanh, qua đường Bạch Đằng, qua đường Chi Lăng, Võ Tánh Phú Nhuận, bọc lên đường Cách Mạng, Công Lý. 5 chiếc rẽ trái vô Thị Nghè, qua cầu, qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua đường Thống Nhất. Chiếc thứ nhất bị lính văn nghệ chặn đánh ở bên kia cầu. Với súng M-16, lính văn nghệ đã nhắm T-54 mà khạc đạn. Lúc ấy, 10 giờ 45 phút, sau lệnh đầu hàng của Dương văn Minh 15 phút. Lính văn nghệ đã gây cảm hứng cho quần chúng. Sự phẫn nộ nổi lửa, nhiệt tình và lòng tự phụ của tuổi trẻ Thị Nghè bốc phừng phừng. Bất chấp cái chết, thanh niên Thị Nghè đã viết những trang sử đấu tranh mới bằng những chai xăng châm lửa ném tới tấp vào T-54 của kẻ thù. Lửa cháy trên nóc T-54. Lửa cháy dưới T-54. Lửa cháy xích T-54. Lửa cháy đàng trước T-54. Lửa cháy đàng sau T-54. Lửa Thị Nghè bất khuất. Lửa Thị Nghè của Sài gòn. Ngọn lửa tiên phong của cuộc chiến đấu mới. Chiếc T-54 dẫn đầu đứng khựng. Nó bất động.


BM

5 người bộ đội xe tăng, công cụ tội nghiệp của cộng sản, đã chết thảm dính chùm trong một sợi xích khốn kiếp. Đã chết mà không biết mình bị mê hoặc:


BM

Một chiếc T-54 bị bốc cháy. Là thừa thắp sáng cuộc chiến đấu mới. Là thừa mở mắt thế giới đui mù. 4 chiếc sau phải dừng lại, ngơ ngác. Kẻ thù hoảng sợ. Nó hung hãn khạc đạn. Nó trấn áp. Nó vất vả qua cầu Thị Nghè. Hà Nội phải hiểu họ không có đại thắng. Bởi vì, theo Ngô Khởi, chiếm được đất mà không chiếm nổi lòng người thì không bao giờ chiến thắng cả. Xác chiếc T-54 nằm nhục nhã bên kia cầu Thị Nghè trọn ngày 30/4 và những ngày kế tiếp là biểu tượng bất hủ của lịch sử nòi giống và của quân sử Việt Nam cộng hòa.




Duyên Anh


https://baomai.blogspot.com/
Mở toang biên giới
Thanksgiving_lễ Tạ Ơn & Tránh nói về chính trị trong dịp Lễ Tạ Ơn
Lễ Tạ Ơn
Vì sao nhỏ không học lớn lên thành... tiến sĩ?
Trump dọa truy tố những người này nếu đắc cử
Bầu cử Mỹ thay đổi thế giới như thế nào?
Oan Hồn Truyền Kiếp
Thời đại “Lừa Đảo” trong Xã Hội ngày nay
Một người Việt tiết lộ đường dây nhập cư lậu vào Anh
Sơ lược về cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2024
Người Việt buôn người: bán suất ‘ưu tiên’ vượt eo biển Manche
Cựu Tổng Thống Trump sẽ tái đắc cử
Căn cứ Quân Sự của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương
Bẫy tử thần qua eo biển Manche của những kẻ buôn người
Liệu lời lẽ thiếu kiềm chế có khiến ông Trump thất bại?
Cá cược bầu cử TT Mỹ 2024
Tại sao Tôi ủng hộ Trump
Chương trình podcast Joe Rogan trong một cuộc phỏng vấn Donald Trump
Phía sau cuộc bầu cử Mỹ giữa đàn ông và phụ nữ
Israel không kích Iran: Những điều đáng chú ý

Mở toang biên giới

 BM

Một nước phải có biên giới thì mới gọi là 1 nước, có những người cùng chủng tộc, cùng tiếng nói, sống hòa đồng với nhau và tạo ra luật lệ để giữ sự an bình, cùng giúp đất nước đó tốt hơn.


Nếu không có biên giới, thì chỉ là 1 giải đất không thuộc về ai, và không gọi là 1 nước được.


Đơn giản nữa là 1 cái nhà, 1 gia đình cũng có 4 bức tường và hàng rào để phân định diện tích nhà mình, tránh sự va chạm với hàng xóm. Đơn giản là thế đó và hiển nhiên ai cũng công nhận là lẽ phải, là bình thường ở đời.


BM

Ấy thế bây giờ có 1 nước đang tự mở toang biên giới của mình cho bất cứ ai vào cũng được, không cần biết lý lịch, tại sao đến, bệnh tật ra sao và muốn vào bao nhiêu cũng được, bất chấp hơn 1/2 dân trong nước không đồng ý. Chuyện tưởng kỳ lạ, không tưởng mà nó đang xảy ra trước mắt chúng ta và giới lãnh đạo và đám loa phường truyền thông tay sai cố tình giấu diếm và bịp bợm người dân như không có gì xảy ra.


Khỏi cần nói ai cũng biết là chuyện này đang xảy ra tại nước Mỹ, 1 nước tự hào văn minh và tiên tiến, có luật lệ rõ ràng.!!


Ai cũng biết từ hồi lập quốc, khi người Tây Ban Nha đến St Augustine năm 1565 và thành lập vài pháo đài sát biển nhưng chưa đưa dân đến, thì ở miền Bắc nước Mỹ 1 nhóm người Anh đã đến nước Mỹ thành lập thành phố Jamestown Virginia năm 1607. Họ sống bằng nghề nông và trồng thuốc lá, nhưng gặp sự chống đối của thổ dân (Algonquian tribes) và năm 1609,hơn 100 người mới tới để lập nghiệp đã chết vì đói và bệnh tật(starvingtime) .Một người định cư tên John Rolfe đã cưới 1 cô thổ dân tên Pocahontas tạo sự hòa bình giữa 2 giống dân và được thổ dân giúp đỡ. Sau đó ông John Rolfe tìm giống thuốc lá mới để trồng và bán về Anh và từ đó Jamestown phát triển.


BM

Năm 1620 để tìm tự do tôn giáo thêm 1 nhóm người Anh (pilgrims) khoảng 100 người đã tới Mỹ  trên 1 chiếc tàu tên Mayflower và  thiết lập vùng Plymouth, Massachusetts .Sau đó cả chục ngàn người theo sau và tạo ra các nhóm ở Massachusetts, Connecticut, New Haven..


Những người Anh tới sau đa số là dân thành phố có giáo dục và nhiều tay nghề khác nhau. Họ đã tạo ra trường Đại học đầu tiên của nước Mỹ là Đại học Harvard năm 1635 và thiết lập các cơ cấu để giúp đỡ để bảo vệ lẫn nhau.


BM

Sau đó ta thấy các di dân Âu Châu khác đổ tới như người Hòa Lan (Dutch) tới lập nghiệp dọc theo giòng sông Hudson River, (tức tiểu bang New York ngày nay) năm 1626. Họ làm nghề nông và buôn bán đổi chác với thổ dân và tạo ra thành phố New Amsterdam (nay là New York City) và Albany. Họ phát triển thêm xuống các vùng như Delaware, Maryland, Pennsylvania, Connecticut và New Jersey.


Người Hòa Lan kiểm soát các vùng này 40 năm trước khi nhượng lại cho người Anh quản lý (1664). Cũng khoảng thời gian này ta thấy di dân từ Đức và Tô cách Lan (Scotland) Ái nhĩ Lan chạy qua Mỹ để tránh chiến tranh ngược đãi tôn giáo, sự nghèo đói tại quê hương.. Họ thiết lập các khu định cư tại New York, Virginia, North Carolina, Georgia.. Ohio, Indiana.


Khác với các vùng miền Bắc vì mùa đông lạnh giết chết muỗi nên ít bệnh tật. Các vùng phía Nam có nhiều bệnh sốt rét, sốt vàng da (yellow fever) và nhiều bệnh tật khác nên dân định cư mới gặp nhiều khó khăn kể cả đụng chạm với thổ dân. Sau đó thổ dân bị bệnh tật như sởi, đậu mùa, dịch hạch.. do di dân mới mang tới nên chết rất nhiều.


BM

Các vùng đồn điền trồng thuốc lá, gạo, bông gòn.. được thành lập và chủ đồn điền cần nhân công nên mướn dân lao động từ Âu Châu và Phi Châu. Từ 1700 tới 1740, đa số dân mới tới là người da đen từ Phi Châu. Khoảng thời gian đó vùng phía Nam có 55% là gốc Anh, 7% gốc Đức và 38% gốc Phi Châu. Các vụ buôn bán người gốc Phi Châu chỉ chấm dứt sau cuộc cách mạng chống lại người Anh (American revolution) và bất hợp pháp tại đa số các tiểu bang khoảng 1800. 


13 tiểu bang Mỹ đầu tiên đều có tính cách tự trị, tự mình sản xuất và cai quản. Lúc đầu người Đức và Hòa Lan còn nói tiếng nước họ và dùng Anh ngữ là ngôn ngữ buôn bán giao dịch. Các tiểu bang này thiết lập luật lệ riêng và chọn người quản lý hành chánh.


BM

Năm 1776, 13 tiểu bang này tuyên bố độc lập từ Vương quốc Anh và nước Mỹ ra đời (July 4th 1776) Dân số lúc này khoảng 2.5 triệu người (Người gốc Anh khoảng 64 %, dân da đen từ Phi Châu khoảng 20%, gốc Đức 7%, Hòa Lan 4%, còn lại là Pháp và các di dân khác.


Từ 1774 đến 1830 ít có di dân mới, dân số tăng trưởng vì đẻ nhiều chết ít.


Từ giữa năm 1850 đến 1930 có 5 triệu người Đức di dân đến Mỹ và đa số ở các tiểu bang Midwest.


Năm 1875, nước Mỹ có luật di trú đầu tiên (First immigration law) The page Act of 1875 cũng được gọi là The Asian exclusion Act vì cấm nhập khẩu thợ thuyền gốc Á Châu. Năm 1882  Quốc hội Mỹ thông qua luật The Chinese Exclusion Act cấm nhập khẩu người lao động Trung cộng và đạo luật này bị xoá bỏ năm 1943.


BM

Năm 1910 có hơn 2 triệu người Ý di dân qua  Mỹ và 1.5 triệu người từ Thụy Điển và Na Uy tới.


Năm 1921 có luật The Emergency quota Act và 1924 có luật di dân (Immigration Act) hạn chế số người tới từ Đông Âu và ngăn chặn người Á Châu.


BM

Ellis Island là 1 hòn đảo nổi tiếng ở vịnh New York, nơi đã là chỗ tiến hành việc kiểm soát và thông qua việc định cư của 8 triệu di dân khoảng năm 1855 và 12 triệu người nữa từ 1892 đến 1954. Sau đó nó được sửa chữa và tu bổ năm 1976 và 1990.


Từ 1920 đến năm 2000., nước Mỹ cho nhập cư hạn chế 1 số người lánh nạn cộng sản từ Âu Châu và Cuba, người Do Thái chạy trốn Đức quốc xã..


Người Mễ vào Mỹ từ đầu 1900 vì nội chiến tại nước Mễ tây cơ và sau này vì lý do tìm việc làm.


BM

Người Phi luật Tân di dân nhiều tới Mỹ từ năm 1965 và tới năm 2004 có khoảng gần 2 triệu. Còn người Đại Hàn sau chiến tranh 1950 tới Mỹ khoảng 1 triệu người (2005).


Năm 1965 có 1 sự thay đổi quan trọng do Tổng thống London Johnson ký thông qua: Immigration and Nationality Act of 1965 (còn gọi là Hart -Cellar Act). Đạo luật này thay đổi hẳn khuôn mặt của nước Mỹ. Nó chấm dứt chính sách nhận di dân dựa trên chủng tộc và quốc gia và đưa đến tình trạng di dân hàng loạt hợp pháp và bất hợp pháp .Nó chấm dứt số lượng dựa trên các quốc gia (National-origins quotas) đã áp dụng từ năm 1920 để bảo đảm di dân tới Mỹ là người Âu Châu và giới hạn số di dân từ Á Châu, Phi Châu, Trung Đông..


BM

Đạo luật này đưa ra chính sách di dân dựa vào quan hệ gia đình với dân Mỹ (family-based immigrants) và sau đó tay nghề.


Đạo luật này đã thay đổi sâu rộng nước Mỹ. Năm 1965 có gần 300,000 người được cấp thẻ xanh, sau đó tăng dần lên 1 triệu mỗi năm. Năm 1965 có 9.6 triệu người Mỹ đẻ tại nước ngòai, năm 2015 con số này tăng lên 45 triệu. Sau năm 1970, có rất nhiều di dân tới Mỹ từ Đại Hàn, Trung cộng, Ấn độ, Philippines, Pakistan và Phi Châu.. Người tị nạn Việt Nam đổ tới Mỹ sau biến cố 1975 khi miền Nam mất về tay Cộng sản.


BM

Số người Việt Nam định cư tại Mỹ hiện nay khoảng 2.5 triệu người (1/2 tổng số người Việt tị nạn tại nước ngoài). Dân số người Việt đứng thứ 4 trong nhóm người Mỹ gốc Á Châu sau người Hoa, Ấn, và Phi luật Tân.


Dân Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho quê hương mới, đáng kể là mục ẩm thực. Phở và bánh mì thịt rất thông dụng tại Mỹ.


BM

Nhìn chung ta thấy nước Mỹ bành trướng theo thời gian từ khởi thủy gốc Anh và Âu Châu sau đó pha trộn thêm các sắc dân khác. Tuy nhiên các người di dân tuyệt đại đa số đều hợp pháp theo các quy định khác nhau. Chỉ gần về sau ta mới thấy rất nhiều di dân bất hợp pháp xuất hiện. Dưới thời Tổng thống Trump số người di dân bất hợp pháp khoảng 1.4 triệu.


Con số này tăng vọt lên gấp 4 lần dưới chính phủ của Tổng thống Biden, kỷ lục là hơn 12000 người 1 ngày tháng 12 năm 2023., tức hơn 300, 000 người vào trái phép 1 tháng!!


Ước tính hiện tại là từ 8 đến 10 triệu người tràn vào bất hợp pháp, Tổng thống Biden cho phép nhập khẩu dễ dàng trên căn cứ là sợ hãi vì 1 lý do nào đó!!!


BM

Nguy hiểm nhất là không ai kiểm soát được số người này từ đâu đến với mục đích gì. Rất nhiều người đến từ các nước thù địch với Mỹ như Trung cộng, Trung Đông, Ả rập, Iran, Nga, đám Hồi giáo cực đoan ISIS ..


Giám đốc FBI  Christopher Wray đã cảnh báo trước Quốc hội Mỹ nhiều lần là Nguy cơ khủng bố từ đám dân lậu này rất cao, chưa rõ khi nào đám điệp viên hay đặc công này ra tay!!!


Hiển nhiên chúng ta không ai chấp nhận cho 5 hay 10 người lạ mặt không biết tông tích vào nhà mình ở và bắt mình phải nuôi dưỡng. Họ có thể giết mình hay thân nhân mình và cướp nhà mình!!!


Do đó chính sách mở toang biên giới hiện nay của chính quyền Biden là 1 sai lầm lớn và chúng ta không chấp nhận.


BM

Một lãnh đạo tốt là biết đặt quyền lợi của tổ quốc trên quyền lợi mình hay đảng mình, phải đòan kết quốc gia thay vì chia rẽ và đàn áp. Sẵn sàng bước xuống nếu thấy ai giỏi hơn mình làm nước Mỹ tốt hơn.


Chúng ta nên theo dõi đường lối từ thành quả kinh tế, ngoại giao, y tế, lạm phát, chiến tranh trên thế giới, tình trạng tội ác, dân không nhà, dân chết vì nghiện ngập.. ảnh hưởng trực tiếp đời sống mình ra sao.. và từ đó kết luận mình nên bỏ phiếu cho ai.


BM

Nước Mỹ đang rơi vào khủng hoảng nội bộ chia rẽ trầm trọng, do đó lá phiếu chúng ta rất quan trọng.


Ta nên tỉnh táo lúc này.




Vinh Ngô


Vote Voting GIF

Thanksgiving_lễ Tạ Ơn & Tránh nói về chính trị trong dịp Lễ Tạ Ơn
Lễ Tạ Ơn
Vì sao nhỏ không học lớn lên thành... tiến sĩ?
Trump dọa truy tố những người này nếu đắc cử
Bầu cử Mỹ thay đổi thế giới như thế nào?
Oan Hồn Truyền Kiếp
Thời đại “Lừa Đảo” trong Xã Hội ngày nay
Một người Việt tiết lộ đường dây nhập cư lậu vào Anh
Sơ lược về cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2024
Người Việt buôn người: bán suất ‘ưu tiên’ vượt eo biển Manche
Cựu Tổng Thống Trump sẽ tái đắc cử
Căn cứ Quân Sự của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương
Bẫy tử thần qua eo biển Manche của những kẻ buôn người
Liệu lời lẽ thiếu kiềm chế có khiến ông Trump thất bại?
Cá cược bầu cử TT Mỹ 2024
Tại sao Tôi ủng hộ Trump
Chương trình podcast Joe Rogan trong một cuộc phỏng vấn Donald Trump
Phía sau cuộc bầu cử Mỹ giữa đàn ông và phụ nữ
Israel không kích Iran: Những điều đáng chú ý
George Stephanopoulos phỏng vấn Joe Biden