Những ngày qua trên
mạng xã hội cũng như truyền thông trong và ngoài nước bùng lên thông tin về cá
chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung Việt Nam từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên -
Huế.
Xác cá trôi giạt vào
bờ có vô số cá bé, cá lớn và có chỗ có cả cá heo là loại cá sống rất xa bờ.
Sự kiện đã gây hoang
mang tột cùng cho dân và tạo ra khủng hoảng kinh tế tại nhiều tỉnh thành, từ
Nghệ An vào tới Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và xuống đến Nha Trang vì ngư dân đánh
cá đem lên bán không còn ai muốn mua nữa.
Trong thời gian tới
sự kiện cá chết hàng loạt có cơ nguy lan rộng ra cả nước thành khủng hoảng mắm
vì có tin một số con buôn trục lợi đã gom mua cá chết về để làm nước mắm. Với
chính sách kiểm soát lỏng lẻo, với tệ nạn tham nhũng lan tràn thì việc trục lợi
dễ xảy ra, như đã bị phát giác trong hoa quả, rau, thực phẩm có nhiều độc tố
trên thị trường Việt Nam những năm qua.
Số cá chết do độc tố
được ước tính khoảng 70 tấn. Còn số cá ngư dân đánh bắt đem lên không bán được,
có hàm lượng độc tố cao hơn bình thường hay không thì không biết, nhưng con số
này chắc cũng không ít và không rõ rồi sẽ được xử lý ra sao - vất ra đường, vất
lại xuống biển hay vì miếng cơm manh áo mà ngư dân sẽ phơi khô để ăn hay làm mắm
để dùng sau này mà chưa biết có nguy hại gì cho sức khoẻ trong tương lai.
Tại nhiều tỉnh miền
Trung ngư dân đã phải ngưng hành nghề, sẽ mất thu nhập mà chưa biết đến bao giờ
mới có thể ra biển trở lại để mưu sinh.
Những lời ca (trong
Hội trùng dương – Tiếng Sông Hương của Phạm Đình Chương) nói lên cảnh nghèo của
vùng đất cày lên sỏi đá lại thường xuyên gặp thiên tai bão lụt, hạn hán. Nhưng
hiện nay người dân ở đây đang phải đối diện với thảm họa môi trường do con người
gây ra ngay trên quê hương của Hồ Chí Minh (Nghệ An), Võ Nguyên Giáp (Quảng
Bình), Lê Đức Anh (Thừa Thiên), Phạm Văn Đồng, Trần Đức Lương (Quảng Ngãi).
Cách xử lý của nhà
nước trong vụ này, trước hết là thiếu trách nhiệm vì cá chết nổi lên và trôi dạt
vào bờ từ đầu tháng Tư, đã cả tháng qua mà nguyên do vẫn chưa được xác định.
Quan chức thì tránh những câu hỏi của báo chí, nhưng lại biểu diễn tắm biển, ăn
cá ngay trong những khu vực bị ảnh hưởng càng làm người dân nghi ngờ về những
hành động mang tính tuyền truyền của nhà nước.
Để phản bác, ban Nhạc
Trắng (trang.tv) của mấy bạn trẻ thích viết nhạc đã chế lời và cùng hát để nói
lên những bức xúc xã hội. Các bạn vừa phổ biến bài ca Nguyên nhân cá chết hàng
loạt, chế lời từ bài 60 năm cuộc đời của nhạc sĩ Y Vân sáng tác trước năm 1975.
Bài hát được đưa lên
mạng YouTube hôm 27/4 và đến nay đã có hơn 420 nghìn lượt xem:
Như ca từ diễn tả,
nhiều thông tin nói cá chết là do chất thải từ khu công nghệ luyện gang thép rộng
hơn 3 nghìn mẫu của công ty Formosa đặt ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, một dự án đầu tư của
Đài Loan với vốn đầu tư 10 tỉ đôla.
Câu nói của ông Chu
Xuân Phàm, phụ trách đối ngoại của Formosa, rằng: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà
máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”
là dấu chỉ rõ nhất cho thấy nguyên do gây cá chết là từ chất thải của công ty
này.
Nếu đó là sự thực
thì mức ô nhiễm trong vùng biển này trong tương lai còn nguy hại hơn vì đến giờ
Formosa mới chạy thử, mai này khi nhà máy đi vào hoạt động toàn bộ thì ảnh hưởng
đến môi trường còn trầm trọng đến mức nào và sẽ kéo dài bao lâu, vì hợp đồng Việt
Nam đã ký cho phép công ty hoạt động là 70 năm.
Sự phẫn uất của người
dân đã thể hiện qua những cuộc biểu tình ngay tại địa phương sau khi có cá chết
nổi lên bờ và đánh cá đem lên không có người mua. Ở Quảng Bình ngư dân đã đổ cá
ra đường và tuần hành. Trên bình diện rộng, ngày 1/5 đã có hàng nghìn người
tham gia biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn, trên tay giương cao những biểu ngữ
“Formosa. Get out of Vietnam”, “Dân Muốn Cá Sống”.
Tuy nhiên đến nay
nhà nước vẫn chưa đưa ra những biện pháp xử lý minh bạch. Không xử lý ngay
không phải vì các cơ quan chức năng thiếu chuyên môn mà vì sự phức tạp và bí mật
trong cách quản lý kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Formosa nói họ làm
đúng với những gì ghi trong hợp đồng. Trong khi nhà nước Việt Nam nói hợp đồng
giữa chính quyền Hà Tĩnh với Formosa không được sự đồng ý của chính quyền trung
ương.
Những nhà đầu tư vào
Việt Nam cho biết ở mỗi tỉnh thành có một ông quan cai trị một cõi riêng và được
một ông vua trong bộ chính trị đỡ đầu.
Dẹp Formosa, hay buộc
công ty này phải sửa lại hợp đồng sẽ làm giới đầu tư nước ngoài lo. Điều chỉnh
lại hay hủy bỏ hợp đồng, bắt bồi thường thiệt hại cho dân, thiệt hại môi trường
cũng sẽ khởi động những màn đấu đá khác trong nội bộ đảng về những dự án đầu tư
nước ngoài đã được chấp thuận, mà mỗi dự án đều có một ủy viên bộ chính trị bảo
kê, gọi là nhóm lợi ích, và tiền bôi trơn không phải là ít.
Trong một cuộc phỏng
vấn với báo Thanh Niên, khi phóng viên đặt vấn đề với quan chức Bộ Tài nguyên
và Môi trường về cá chết là có khả năng bị "nhiễm kim loại nặng",
nghe câu hỏi, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu tắt máy và nói với phóng viên rằng
hỏi thế là làm "tổn hại hình ảnh đất nước".
Không đưa ra được
câu trả lời rõ ràng liên quan đến việc cá chết hàng loạt, đó mới là làm tổn hại
đến hình ảnh đất nước. Vì người dân sẽ phải chịu nhiều hậu quả, ngay trước mắt
có thể chết vì ăn cá hay chạm vào nước biển có chất độc mà sinh bệnh.
Những thông tin mới
nhất do ngư dân Philippines báo động về đảo Pag-asa (Thị Tứ), trong vùng quần đảo
Trường Sa, cũng có hiện tượng cá chết hàng loạt và nghi là do các tàu của Trung
cộng xả độc để tiêu diệt môi trường quanh đó khiến ngư dân không thể đánh cá được
nữa.
Sự kiện này đặt ra
nghi vấn, có thể những tàu đánh cá Trung cộng đã giả dạng và xâm nhập vào được
hải phận Việt Nam, thả độc chất xuống biển để gây ra thảm họa cá chết trong những
tuần qua.
Đó là một cách thâm
độc để Bắc Kinh bao vây và đánh vào kinh tế Việt Nam, trước viễn cảnh Hà Nội
đang đến gần hơn với Washington trong quan hệ hai nước.
Dù nguồn hoá chất đến
từ đâu, di hại về ô nhiễm biển có thể kéo dài trong nhiều năm, khi đó ngành xuất
khẩu hải sản của Việt Nam, trị giá gần 7 tỉ đô-la một năm, sẽ bị ảnh hưởng vì
người tiêu dùng sẽ e dè với các sản phẩm làm từ tôm cá cua mực từ Việt Nam.
Dân Việt khắp nơi
đang chờ đợi nhà nước giải quyết sự kiện cá chết một cách minh bạch.
Không làm
được điều đó sẽ nguy hại đến hình ảnh đất nước, vốn dĩ đã có nhiều bất cập.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.