Chính quyền đã huy động
đông đảo tất cả các lực lượng để ngăn, vây bắt người biểu tình.
Theo dõi cuộc
biểu tình tại Sài Gòn và Hà Nội vào ngày Chủ nhật 8 tháng 5 vừa qua, ngoài niềm
vui khi thấy rất đông người tham dự, tôi còn có một nỗi buồn nặng trĩu trong
lòng khi thấy đám công an và thanh niên xung phong, sắc phục cũng như không sắc
phục, đánh đập những người đi biểu tình một cách hết sức bất nhẫn. Đàn ông,
thanh niên bị đánh, đã đành. Kể cả phụ nữ và trẻ em cũng bị đánh. Đánh xong,
người ta kéo xềnh xệch những người biểu tình và vất họ lên xe buýt để chở về
các đồn công an, ở đó, một số người còn bị đánh tiếp. Xem, tôi cứ ngạc nhiên tự
hỏi: Tại sao người ta đối xử với dân chúng một cách tàn bạo như vậy?
Trước đây, với các
cuộc biểu tình chống các hành động gây hấn ngang ngược của Trung cộng, nhà cầm
quyền mạnh tay dẹp thì cũng có thể hiểu được: Họ sợ làm Trung cộng nổi giận.
Nhưng cuộc biểu tình
vào ngày 8 vừa qua, cũng như cuộc biểu tình vào ngày 1 trước đó, chỉ để đòi hỏi
những điều rất ư hiền lành: cá sạch, biển sạch và môi trường sạch. Đó là những
điều ảnh hưởng đến sức khoẻ của tất cả mọi người, hơn nữa, còn ảnh hưởng đến cả
tương lai của dân tộc. Những đòi hỏi ấy rõ ràng là rất chính đáng, hoàn toàn
phù hợp với những lời hứa hẹn của những người cầm quyền. Vậy tại sao lại đánh đập
và bắt bớ những người biểu tình?
Lý do chính, theo
tôi, chủ yếu là vị họ sợ.
Trước hết, họ sợ những
đòi hỏi kế tiếp, đằng sau những đòi hỏi về cá sạch, biển sạch và môi trường sạch:
Đó là những đòi hỏi về sự minh bạch và những chính sách liên quan đến môi trường
của chính phủ. Sự kiện cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh đến
Thừa Thiên-Huế, đã bắt đầu từ đầu tháng tư, vậy mà, đến nay, chính quyền vẫn
chưa công bố nguyên nhân và phương án giải quyết. Trong khi chính quyền trung
ương im lặng, chính quyền các địa phương thì lại bất nhất, lúc người ta khuyên
không tiêu thụ hải sản, lúc người ta lại khuyên mọi người ăn tâm ăn tôm cá, thậm
chí, như ở Đà Nẵng, người ta lại kêu gọi cán bộ ăn hải sản để làm gương cho dân
chúng. Rồi người ta lại rủ nhau xuống biển tắm để chụp hình và đưa lên đài, lên
báo. Để cứu ngành ngư nghiệp và du lịch, người ta bất chấp cả những vấn đề quan
trọng nhất liên quan đến sức khoẻ của con người. Trong khi đó, cá vẫn tiếp tục
chết. Lặn xuống đáy biển, người ta thấy các rạn san hô cũng chết. Và tôm cá
cũng chết đầy dưới đáy biển.
Không phải chỉ thiếu
minh bạch, chính sách của chính phủ, vốn chỉ biết tập trung vào phát triển kinh
tế mà xem nhẹ môi trường cũng là một sai lầm. Môi trường không chỉ là một khái
niệm trừu tượng và chung chung. Môi trường gắn liền với kinh tế. Trường hợp cá
chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung là một ví dụ. Nó làm cho cả hàng chục ngàn
gia đình ngư dân bị điêu đứng. Nó cũng làm cho ngành du lịch ở địa phương bị khủng
hoảng trầm trọng. Đó là chưa kể đến sức khoẻ của con người. Bỏ lên bàn cân, liệu
những cái lợi từ khu công nghiệp Vũng Áng có thể sánh được với những mất mát mà
mọi người phải gánh chịu trước mắt cũng như trong tương lai?
Lý do thứ hai khiến
chính quyền sợ biểu tình vì chính bản thân cái gọi là biểu tình. Biểu tình, bất
kể xuất phát từ động cơ gì, tự bản chất, bao giờ cũng là một sự phản đối mang
tính tập thể. Mà các chế độ độc tài toàn trị thì sợ mọi sự phản đối. Họ biết rõ
quyền lực và quyền lợi của họ rất dễ bị lung lay trước những làn sóng phản đối
của dân chúng. Hơn nữa, với bản chất lừa bịp, họ không muốn thế giới nhìn thấy
những sự phản đối ấy. Hệ thống tuyên truyền của họ lúc nào cũng tô vẽ nên sự đồng
thuận của dân chúng đối với sự cai trị độc tài và độc đoán của họ.
Họ không những sợ biểu
tình; họ còn sợ chữ “biểu tình”. Trong các phương tiện truyền thông đại chúng,
khi bị buộc phải nhắc đến các cuộc biểu tình trong nước, họ đều dùng chữ “tụ tập
đông người”. Chỉ là “tụ tập” chứ không phải là biểu tình, tức không phải phản đối.
Lý do thứ ba là người
ta sợ việc dân chúng ý thức về những cái quyền của họ và cương quyết đòi thực
thi những cái quyền ấy. Độc tài nào cũng chà đạp lên các quyền làm người và quyền
làm dân của mọi người. Khi dân chúng nhận thức ra các quyền của họ, họ sẽ không
còn ngoan ngoãn nghe lời chính quyền nữa. Bằng cách này hay cách khác, họ sẽ
lên tiếng và bày tỏ thái độ. Hôm nay người ta có thể yêu sách cá sạch, biển sạch
và môi trường sạch, ngày mai, họ có thể yêu sách dân chủ, đa đảng và nhân quyền.
Hôm nay chỉ có mấy ngàn người đổ xô xuống đường, ngày mai có thể cả hàng chục
ngàn, rồi hàng trăm ngàn, rồi có thể có cả hàng triệu người xuống đường. Sức mạnh
của các cuộc biểu tình nằm ở số đông. Khi cả mấy trăm ngàn người biểu tình,
không có tên bạo chúa nào dám ra lệnh bắn vào dân chúng. Mà có ra lệnh, công an
và quân đội cũng không dám làm. Tấm gương về sự sụp đổ của các chế độ độc tài ở
Đông Âu và Trung Đông cho thấy điều đó.
Những nỗi sợ hãi ấy
khiến chính quyền thẳng tay trấn áp những người xuống đường biểu tình một cách
ôn hoà. Từ sự sợ hãi của họ, họ muốn dân chúng cũng sợ hãi, không dám xuống đường
nữa. Khi gieo rắc sự sợ hãi như thế, họ biến thành khủng bố.
Có thể nói, một cách
vắn tắt, mọi chế độ độc tài, với những mức độ khác nhau, đều là những nhà nước
khủng bố.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.