Pages

Saturday, April 24, 2021

Không chỉ là âm nhạc _ Câu chuyện về nhạc cụ của người Maori

 image

“Đó là trong màn đêm, các vị thần cất tiếng ca vang khi sáng tạo nên thế giới. Từ thế giới của ánh sáng, đến thế giới của âm nhạc,” thủ lĩnh bộ lạc Ngai Tahu là Matiaha Tiramorehu kể lại câu chuyện Thần tạo ra người Maori vào năm 1849.

 

Tất nhiên, Tiramorehu đã nói bằng tiếng của người Maori: Kei a te Po te timatatanga o te waiatatanga mai a te Atua. Ko te Ao, ko te Ao marama, ko te Ao tu roa.


image


Brian Flintoff, một nghệ nhân điêu khắc bậc thầy và là nhà sản xuất nhạc cụ truyền thống của người Maori, nhấn mạnh câu chuyện trên trong cuốn sách của mình “Taonga Puoro: Kho báu âm nhạc: Nhạc cụ của người Maori” (Taonga Puoro: Singing Treasures: The Musical Instruments of the Maori). Flintoff cho rằng để biết trân quý các nhạc cụ của người Maori, thì cần phải tìm hiểu nguồn gốc ra đời của chúng, đó chính là những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết của người Maori.

image

Thợ điêu khắc bậc thầy Brian Flintoff bên ngoài xưởng của ông ở Nelson trên Đảo Nam của New Zealand.

 

Những câu chuyện này đã được truyền miệng qua nhiều thế hệ, với những chi tiết có đôi chút khác nhau. “Có rất nhiều phiên bản của câu chuyện này trong quá trình truyền miệng, trong đó những chi tiết quan trọng được thêm vào hoặc bỏ qua để phù hợp với hoàn cảnh kể chuyện, do vậy bản in sẽ có những sai sót không tránh khỏi,” Flintoff nói trong một email.

 

Nhạc cụ truyền thống của người Maori không chỉ giới hạn ở thứ âm nhạc mà họ tạo ra.

 

“Tất cả các thể loại bài hát của người Maori đều bắt nguồn từ cảm xúc của các vị thần trong suốt quá trình sáng tác. Đó là những bài hát về nỗi buồn, sự giận giữ, lời than khóc; nỗi cô đơn, niềm hân hoan hoặc nỗi khát khao; và sự yên bình và tình yêu. Âm thanh của những nhạc cụ kết hợp với các vũ điệu góp phần làm nổi bật các bài hát,” Flintoff viết.


image


Do đó, nhạc cụ của người Maori là một phần quan trọng trong việc duy trì truyền thống kể chuyện của dân tộc họ, chúng được sử dụng để truyền đạt những câu chuyện thần thoại, kiến thức của tổ tiên v.v., từ đó truyền thừa truyền thuyết Maori cho các thế hệ tương lai.

 

Bài hát cho cuộc sống hạnh phúc

 

Một trong những nhạc cụ đơn giản nhất là Porotiti, tiếng Maori có nghĩa là vòng tròn. Nhưng thực tế, một chiếc Porotiti có hình dạng rất phong phú miễn là nó cân bằng. Nó quay trên một sợi dây được kéo ra kéo vào qua hai lỗ ở trung tâm, khi tăng tốc độ nó phát ra âm thanh vo vo – Flintoff giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.


image


Flintoff nói: “Khi còn nhỏ, chúng tôi thường sử dụng nút áo bằng một miếng bông”. Trong di sản cổ truyền của người Scotland nhiều người có thể biết tới trò chơi yo-yo, nó tương tự như porotiti.

 

Nhưng người Maori đã làm một điều thực sự độc đáo với nhạc cụ này. Họ sẽ thổi vào porotiti khi nó đang quay, vì vậy nó trở thành một vật bắt những giai điệu âm nhạc, ông giải thích.


image

Một chiếc porotiti được nghệ nhân Brian Flintoff làm từ xương. Âm thanh được tạo ra bằng cách quay porotiti và thổi vào nó khi nó quay.

 

Porotiti không chỉ tấu lên các bài hát mà âm nhạc của nó còn được cho là thần dược.

 

Trong những ngày đầu định cư ở Âu Châu, khi dịch cúm đến New Zealand, người Maori không có biện pháp phòng chống. Flintoff kể rằng có một nhóm người Taranaki ở phía tây Đảo Bắc của New Zealand đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ chơi trò porotiti không bị ốm. Vì vậy, người Maori đã chơi cùng tất cả bọn trẻ vào ban đêm và không ai bị cúm. Trong khi đó, các khu vực khác của New Zealand đều bị dịch cúm tàn phá.

 

Flintoff nói: “Những người già giống như tôi, sẽ xoay nó, nhảy theo nó và di chuyển nó qua nhiều vị trí khác nhau, và những rung động tạo ra trên sợi dây sẽ giúp chữa viêm khớp.”


image


Ngày nay, người ta đã thành công trong việc sử dụng nó để giúp đỡ những người mắc bệnh hen suyễn, ông nói thêm.

 

Những thông điệp ẩn giấu 


image


Lắng nghe thật kỹ tiếng koauau, loại sáo phổ biến nhất của người Maori, bạn có thể nghe thấy nhiều thứ hơn cả âm nhạc. Các nhạc sĩ chuyên nghiệp có thể chơi koauau theo cách khiến bạn tưởng chừng như nghe thấy lời của bài hát thông qua ống sáo. Vì vậy, nếu bạn thực sự hiểu rõ về bài hát, bạn có thể hiểu được những gì nhạc sĩ đang “nói”, theo ông Flintoff.


image

Một cây koauau do Brian Flintoff tạo ra. Mỗi đầu sáo được chạm khắc một khuôn mặt: Đầu để thổi tượng trưng cho khuôn mặt của nhạc cụ, và đầu kia là khuôn mặt của âm nhạc. Âm nhạc được tạo ra bằng cách kết hợp hơi thở của cây sáo với hơi thở của nhạc sĩ.

 

Có những câu chuyện tuyệt vời về những nhân vật đã truyền thông điệp bí mật thông qua các bài hát. Ông kể lại một câu chuyện như vậy về một chàng trai trẻ bị bắt gặp đang tán tỉnh công chúa của một bộ tộc khác, mà hình phạt của anh ta sẽ là cái chết: Người thanh niên hỏi liệu có thể vui lòng cho phép anh chơi cây koauau của anh trước khi chết không. Và anh ấy chơi một bản nhạc cho người yêu của mình. Nghe bài hát, cô gái hiểu rằng anh ấy đang nói với cô rằng hãy gặp anh ở một địa điểm nào đó. Ngoài cô ra không ai hiểu lời nhắn. Anh ấy tiếp tục chơi trong bốn giờ, và tất cả mọi người đều say mê với màn trình diễn tuyệt vời của anh ấy đến nỗi chìm vào giấc ngủ. Nhân cơ hội đó anh trốn thoát. Anh ta bỏ chạy và nhảy từ một vách đá xuống dòng nước bên dưới, nơi các anh trai của anh đang đợi trên một chiếc thuyền để đưa anh đến gặp công chúa.

 

Nhận thức về Thần


image


Kèn putatara hay kèn vỏ sò được nhắc đến đầu tiên trong câu truyện thần thoại của người Maori, đó chính là tiếng kèn vang lên báo hiệu sự trở về của Tane, thường được gọi là thần rừng. Câu chuyện kể rằng, Tane phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn là lên thiên đàng để mang về ba giỏ kiến thức (kete o te wananga) về cho con người. Mỗi một giỏ chứa một loại kiến thức khác nhau: kiến thức về thần, kiến thức về tổ tiên và kiến thức về cuộc sống.


image

“Chiếc kèn Pumoana Karoro” của thợ khắc bậc thầy Brian Flintoff. Kèn vỏ sò thường được gọi là putatara. Trước đây, putatara được làm từ vỏ của một loài sò. Khi Brian Flintoff sử dụng loại vỏ sò khác, anh ấy gọi kèn vỏ sò của mình là pumoana.

 

Chuyến đi đến thiên đường của Tane đầy thử thách, cũng như tất cả các nhiệm vụ thần thánh khác. Anh không chỉ phải lên thiên đường thứ 12 để thỉnh cầu vị hần tối cao, Io-matua-kore (Io) ban cho các giỏ kiến thức mà người anh trai Whiro của anh còn luôn cố gắng ngăn cản anh bằng mọi cách. Mặc dù Tane đã được thần lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ, nhưng Whiro tin rằng, với tư cách là người anh cả, anh ta mới xứng đáng mang về ba giỏ kiến thức.

 

Whiro thả rất nhiều sinh vật ghê tởm như côn trùng, bò sát và chim ăn xác từ Thiên đường xuống để ngăn cản hành trình của em trai mình. Những sinh vật ác độc này cố gắng lấy máu của Tane để nguyền rủa và tiêu diệt anh. Nhưng Tane vẫn tiếp tục bay lên trên bầu trời với sự trợ giúp của những cơn gió thiêng — cơn gió lốc và những đứa trẻ của gió là những người bảo vệ và đẩy anh lên cao hơn.


image


Khi tới Thiên đường, Tane gặp các vị Thần hộ mệnh của Io-matua-kore; anh được tẩy tịnh và sau đó được tôn vinh với nhiều danh xưng thiêng liêng. Tất nhiên, Io-matua-kore đã ban cho Tane 3 chiếc giỏ theo lời thỉnh cầu của anh. Các vị Thần hộ mệnh ban cho anh những chiếc giỏ và hai viên đá thần, để có thể phân biệt mong muốn của một người là thiện hay ác.

 

Câu chuyện kể về Tane chiến thắng cái ác và sự thanh tẩy của anh khi chịu đựng nhiều thử thách thiêng liêng trong quá trình lên trời và xuống đất.

 

Khi Tane quay trở lại trái đất, các thành viên gia đình của anh là Uru-ao và Tupai đã chơi một hồi kèn có thể lan tới khắp các thiên đường, báo hiệu cho các vị Thần rằng Tane đã trở lại trái đất thành công. Đó là lần đầu tiên chiếc kèn vỏ sò của người Maori do Tupai tạo ra được nhắc đến.

 

Lễ vật cầu hòa

 

Flintoff nói, người Maori là một trong số ít nền văn hóa trên thế giới, bao gồm cả người Tây Tạng, đã thêm đầu thổi vào chiếc kèn vỏ sò. Chiếc đầu thổi bằng gỗ lại có câu chuyện riêng của nó. Nó được thêm vào putatara vì gỗ đến từ đất liền và vỏ sò đến từ biển.

 

“Đất liền và biển luôn có chiến tranh. Nó đã từng là một cuộc chiến tẻ nhạt kinh khủng, nhưng bây giờ nó đã dịu lại một chút.”


image

Một chiếc kèn vỏ sò của người Maori, được gọi là putatara, do Brian Flintoff chế tạo. Maori là một trong số ít các nền văn hóa trên thế giới có thêm đầu thổi vào kèn vỏ sò

 

“Đây là cách của các vị Thần. Họ nói, chúng tôi sẽ sử dụng gỗ và vỏ để làm nhạc cụ như một lễ vật cầu hòa. Và vì vậy, việc tặng quà để cầu hòa sinh ra dựa trên một câu chuyện đáng yêu, và nó trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống của bạn,” Flintoff nói.

 

Trên khắp New Zealand vẫn có thể nghe thấy kèn vỏ sò như một phần trong nghi lễ của người Maori tại các marae (nhà và sân họp của người Maori) và hơn thế nữa. Một số trường thậm chí còn sử dụng chúng thay cho chuông để báo hiệu kết thúc tiết học. Có lẽ các vị Thần tiếp tục được nghe thấy chúng vang vọng trên các tầng trời.

 

 

 

Lorraine Ferrier _ Thuần Thanh

image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.