"Bạn đã sẵn sàng cho việc ổn định cuộc sống chưa?"
Đây là câu hỏi mà Kyung Mi Lee, sinh viên Đại học Yale đặt ra trong bài viết hồi tháng 2/2020 cho trang tin Yale Daily News của trường, bài viết có tựa đề 'Ổn định cuộc sống: Yêu đương trong Kỷ nguyên Thế hệ Z' (Gen Z, tức là Thế hệ Z, được dùng để chỉ những người chào đời trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2012).
Liệu cô và bạn bè cùng trang lứa có theo xu hướng trì hoãn kết hôn của Thế hệ Thiên niên kỷ (là thế hệ được sinh ra trong khoảng thời gian từ đầu thập niên 1980 đến 1996) không?
Gần hai năm sau khi viết bài báo đó, Lee cảm thấy câu trả lời là có - nhưng vì một lý do có thể là khác với bạn bè cùng trang lứa.
"Trong trí tưởng tượng của tôi, chuyện thanh niên (Thế hệ Thiên niên kỷ) không thích quan hệ lâu dài có nghĩa là mọi người đang gặp gỡ qua đường rất nhiều," Lee, 23 tuổi, nói. Nói cách khác, đối với cô dường như giới trẻ không muốn ổn định ngay vì họ bận tận dụng cuộc sống độc thân.
Đối với Thế hệ Z, cô hình dung, "mọi người ác cảm với quan hệ lâu dài bởi vì họ... suy tư nhiều hơn về kiểu quan hệ họ muốn có".
Ngày càng có nhiều nghiên cứu xác nhận ý kiến này: các thành viên Thế hệ Z dường như có cách tiếp cận đặc biệt thực tế về quan hệ so với các thế hệ trước, và họ không quan hệ tình dục nhiều bằng.
"Họ nhận ra rằng họ có thể có bạn tình khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong đời, nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau," cô Julie Arbit, phó chủ tịch cao cấp toàn cầu của tập đoàn Vice Media, cho biết.
Trong nghiên cứu của mình, vốn xem xét 500 người được vấn ý ở Anh và Mỹ (chủ yếu là Thế hệ Z và Thế hệ Thiên niên kỷ, với một số thuộc Thế hệ X - chào đời từ giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1980 - 'để so sánh'), cô thấy chỉ 1 trong 10 người Thế hệ Z cho biết họ "cam kết sẽ lập gia thất".
Các nhà nghiên cứu khác cũng đi đến kết luận tương tự.
Theo một nghiên cứu về Gen Z ở Ấn Độ, 66% số người được hỏi chấp nhận rằng 'không phải tất cả quan hệ đều lâu bền', với 70% bác bỏ 'quan hệ yêu đương ức chế'.
Cả các nhà nghiên cứu và giới trẻ thế hệ Gen Z đều cho rằng điều này là do một vài yếu tố.
Thứ nhất, thế hệ này trưởng thành vào giai đoạn đặc biệt mong manh, được đánh dấu bởi đại dịch Covid-19, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ và bất ổn tài chính.
Nhiều người cảm thấy họ cần ổn định bản thân trước khi có thêm người khác bước vào cuộc sống họ. Ngoài ra ngày càng có nhiều thông tin về quan hệ trên mạng, tạo điều kiện cho Thế hệ Z có ngôn ngữ cần thiết để nói rõ họ là ai, cũng như họ muốn gì từ quan hệ mà không phải hy sinh bản sắc và nhu cầu cá nhân.
"Họ quá tập trung vào bản thân," Arbit nói, "và không phải vì họ ích kỷ. Họ biết rằng họ chịu trách nhiệm cho thành công và hạnh phúc của chính họ, và họ biết họ cần có khả năng tự chăm sóc mình trước khi chăm sóc cho người khác."
Tìm kiếm sự ổn định
"Trở lại những năm 1960 và 1970, một thanh niên 25 tuổi bình thường có thể nuôi gia đình bằng thu nhập của mình và không cần vợ đi làm," Stephanie Coontz, giám đốc nghiên cứu và giáo dục công cộng của Hội đồng Gia đình Đương đại ở Mỹ, nói.
Đối với nhiều người Thế hệ Z, ý nghĩ người chồng 25 tuổi có thể nuôi cả gia đình và muốn vợ ở nhà không còn phù hợp với hoàn cảnh đương đại - và, đối với một số người, thậm chí còn có vẻ buồn cười.
Thay vào đó, Thế hệ Z đang ưu tiên tạo lập nền tảng tài chính vững chắc cho bản thân, khiến cho việc kết hôn càng đến muộn hơn, Arielle Kuperberg, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bắc Carolina ở Greensboro, Mỹ, nói. "Phải mất nhiều thời gian hơn để thành gia thất bởi vì họ mất nhiều thời gian hơn mới đạt được sự ổn định tài chính."
Lee và bạn bè đồng ý. Cô nói thuộc về một thế hệ mà cô cảm thấy là "bất an nhất, bất ổn tài chính nhất từ trước tới giờ" là một trong những lý do khiến họ muốn có "độc lập tài chính" trước khi ổn định cuộc sống với bạn đời.
Là sinh viên năm cuối, Lee nói cô và bạn bè nhiều khả năng ưu tiên sự nghiệp hơn là yêu đương, để có thể có vị thế tài chính ổn định hơn. "Hiếm có người bạn nào nói là, 'Tớ sẽ chuyển chỗ để tới ở cùng với bạn đời'," cô nói. Thay vào đó, họ tập trung vào những gì tốt nhất cho sự nghiệp và làm sao hài hòa chuyện tình cảm với sự nghiệp.
Nghiên cứu của Kuperberg về Thế hệ Z khớp với điều này; bà đã phát hiện những người trẻ gian nan kiến tạo sự nghiệp ít có khả năng hẹn hò chính thức hơn giới trẻ Thiên niên kỷ.
"Tôi không nghĩ là họ không muốn có quan hệ lâu dài mà là họ đang trì hoãn," bà nói.
Ngoài ra, Kuperberg đã thấy sự bất ổn hiện tại ở những người trẻ đã khiến nhiều người chuyển về sống chung với cha mẹ vì họ không đủ sức tự lập ở độ tuổi 20. "Quan hệ qua đường nhiều hơn và quan hệ nghiêm túc ít đi... bởi vì tìm kiếm quan hệ nghiêm túc khó khăn hơn."
Gần đây, điều này trở nên không hề nhỏ nhoi vì đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm xu hướng thanh niên không thể tự lập.
Kuperberg phỏng vấn một nam thanh niên Thế hệ Z hồi mùa xuân năm 2020, vốn chuyển từ Washington, DC đến North Carolina với cha mẹ không lâu sau khi dịch bùng phát ở Mỹ. Anh nói với các nhà nghiên cứu rằng anh sẽ không hẹn hò nữa cho tới khi anh về lại thủ đô DC.
Chiêm nghiệm lại
Một nghiên cứu của Tập đoàn Vice Media từ tháng 9/2020, Yêu đương sau Phong tỏa, có 45% số người được hỏi thuộc Thế hệ Z, cho thấy 75% trong số họ hiện độc thân và không yêu đương trong dịch. Nhiều người nói điều này một phần là vì họ muốn dành thời gian sống lẻ loi để hiểu rõ hơn về bản thân trước khi tìm bạn đời.
"Tôi bắt đầu nghĩ về bản thân, những gì tôi muốn làm và những gì không muốn... và nó dạy tôi rất nhiều," một bạn nam Thế hệ Z giấu tên đến từ Ý, nói trong cuộc khảo sát. Một bạn nữ Thế hệ Z ở Mỹ hưởng ứng: "Tôi cách biệt mọi người và tôi có thể lùi lại một bước và nói: 'Tôi là ai?'"
Tất nhiên, thái độ này có thể có từ sự thiếu lựa chọn trong thời gian phong tỏa, thay vì xu hướng suy gẫm của Thế hệ Z. Tuy nhiên, Thế hệ Z khắp nơi trên thế giới có nhiều nguồn lực hơn để tìm hiểu họ là ai, trong đó có ứng dụng mạng xã hội như TikTok, nơi việc các nhà trị liệu thảo luận về phong cách yêu đương và mẹo giữ quan hệ tình cảm lành mạnh đã trở nên bình thường.
Thuộc về một thế hệ tự thấy là "bất an nhất, bất ổn tài chính nhất từ trước tới giờ" là một trong những lý do khiến giới trẻ thời nay muốn có "độc lập tài chính" trước khi ổn định cuộc sống với bạn đời
Chẳng hạn, Lee lưu ý rằng các em gái cô (đang học đại học năm nhất và năm hai) đã hình thành ngôn ngữ chuyên sâu trên TikTok để nói về việc yêu đương.
"Giới trẻ đi khắp nơi nói về phong cách yêu đương của họ với người tình và bạn tình của họ, dùng ngôn ngữ như, 'Tôi là kiểu người lo lắng, phụ thuộc vào người mình yêu'," cô nói.
Điều này đánh dấu cách tiếp cận hẹn hò tự nhận thức vốn ưu tiên tìm kiếm người có ý nghĩa cho bản thân, thay vì tìm người họ thấy thu hút hay thú vị. Mặc dù những ưu tiên này chắc chắn không phải chỉ Thế hệ Z mới có, nhưng họ có một loạt các nguồn lực dễ tiếp cận hơn để sáng suốt tìm người bạn đời phù hợp hơn với họ, theo những cách mà các thế hệ trước có thể không biết để nghĩ đến.
Thái độ thay đổi về tình dục và vai trò giới cũng là một yếu tố.
Trong Thế hệ Z, có sự sụt giảm thấy rõ sự tuân thủ nhị phân giới tính, trong lúc "những người sẵn sàng khám phá xu hướng tình dục của mình" lại tăng lên, Kuperberg nói.
Trong nghiên cứu của bà mà BBC Worklife xem qua, bà đã ghi nhận một thống kê cho thấy khoảng 50% Thế hệ Z xác định mình có khuynh hướng tình dục dị tính và "nhiều người nói rằng họ dị tính linh hoạt".
Sự cởi mở đối với các dạng bạn tình và quan hệ khác nhau gợi nhớ những quan sát của Arbit về Thế hệ Z rằng họ không nhất thiết tìm kiếm "bạn đời duy nhất", mà là nhiều người khác nhau để đáp ứng các nhu cầu khác nhau, cho dù là yêu đương, tình dục hay vì điều gì đó hoàn toàn khác.
"Cha mẹ chúng tôi có thể tìm kiếm bạn đời cùng tôn giáo hay cùng quan điểm chính trị," Arbit nói. "Thế hệ này tìm kiếm sự trung thực và đam mê và một người khiến họ phấn khích khi bước xuống giường vào buổi sáng... so với các thế hệ trước, họ sẵn sàng hẹn hò với các tuýp người khác nhau và cho mọi người cơ hội."
Dấu hiệu của sự thay đổi
Cách tiếp cận toàn diện này khác đáng kể những gì được các thế hệ trước chấp nhận.
Coontz ở Hội đồng Gia đình Đương đại nói khi bà phỏng vấn cho cuốn sách về phụ nữ và gia đình của bà hồi thập niên 1960 và hỏi phụ nữ tại sao họ quyết định kết hôn, "họ trông có vẻ như giật mình... và nói, 'Đó chỉ là vấn đề thời gian'," bà nhớ lại. "Có cảm giác lúc đó rằng hôn nhân là điều cần để trưởng thành... Giờ thì ngược lại."
Đó là dấu hiệu thay đổi đối với Thế hệ Z; Mặc dù hôn nhân từng là con đường đến trưởng thành, ngày nay, đó là dấu hiệu bạn đã trưởng thành.
Xã hội đã đi theo hướng này khá lâu, với mỗi thế hệ trở nên linh hoạt hơn trong suy nghĩ về gia đình truyền thống và tầm quan trọng của nó trong cuộc sống họ.
Cho dù Thế hệ Z đang định hình xã hội với những thái độ này, hay xã hội đang định hình Thế hệ Z, rất khó phân tích.
Tất nhiên, xu thế này không đúng với tất cả. Trong các sinh viên, Kuperberg phát hiện rằng sắc tộc, tầng lớp, giới tính và tôn giáo của một người Thế hệ Z có thể có vai trò trong cách họ hẹn hò và tìm kiếm mối quan hệ.
"Người da trắng theo đuổi những mối quan hệ thoáng qua với mức độ cao hơn. Người da màu chú ý tới mối quan hệ yêu đương hay hẹn hò chính thức nhiều hơn," bà nói, và nói thêm rằng những người có điều kiện kinh tế xã hội cao thì cởi mở hơn trong cả việc có những cuộc gặp gỡ 'qua đường' lẫn xây dựng quan hệ lâu dài - mà quan hệ lâu dài nhiều khả năng là bởi họ "có nhiều nguồn lực hơn" để tạo dựng sự ổn định.
Mặc dù nhiều dấu hiệu cho thấy Thế hệ Z trì hoãn kết hôn hoặc tìm bạn đời lâu dài so với các thế hệ trước, nhưng lý do của họ dường như ngày càng thực dụng.
Chắc chắn, Thế hệ Thiên niên kỷ trì hoãn kết hôn vì những lý do thực tế như sợ ly hôn và vì họ không đủ khả năng.
Nhưng Thế hệ Z thừa hưởng một thế giới thậm chí còn bất trắc hơn khi các vấn đề vây quanh Thế hệ Thiên niên kỷ (như biến đổi khí hậu) trở nên gay gắt và các vấn đề mới (như đại dịch) phát sinh.
Điều này có thể đòi hỏi nuôi dưỡng sự ổn định cá nhân như ưu tiên số một của Thế hệ Z thậm chí còn nhiều hơn thế hệ lớn hơn họ một chút.
"Chúng tôi nói đùa về việc ai sẽ kết hôn đầu tiên trong nhóm chúng tôi," Lee nói, "như thể việc ai đó đính hôn ở độ tuổi 20 là điều buồn cười."
Jessica Klein
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.