Monday, March 28, 2022

Ai sẽ thắng từ chuyện bác nông dân Ukraine luôn ‘hoài nghi’?

 BM

Trên thế giới thì nông dân Ukraine chắc chắn là những người đặc biệt nhất, lý do là bên cạnh máy kéo, máy cày thì họ còn sở hữu nhiều chiến xa Nga nhất.


Có một bác nông dân đã sưu tập đến 5 chiếc xe tăng, kéo về chất đầy trong vườn nhà. Phóng viên quốc tế đặt câu hỏi là bác lấy xe tăng để làm gì? Câu trả lời: "Hết chiến tranh thì xe tăng sẽ được sử dụng để làm nhuyễn đất canh tác trồng lúa mì."


BM


Như vậy là từ công cụ giết người mà để trở thành công cụ giúp nuôi sống con người thì sự khác biệt chỉ nằm ở "Hoài nghi".

 

Bác nông dân Ukraine, người cả đời chỉ có ước muốn làm ra thật nhiều lúa mì, đã nhìn nhận chiếc xe tăng gớm ghiếc kia là công cụ lao động hiền hoà bởi vì bác "Hoài nghi" về chức năng nguyên thủy của nó là giết người.


Bản chất của sự "Hoài nghi" này là chủ nghĩa kinh nghiệm, dựa trên trực giác và những điều rút tỉa ra trong quá trình canh tác (trong một chừng mực nào đó cũng có thể xem đó là tri thức).


Nhưng, điều quan trọng nhất để cho phép nhìn nhận chiếc xe tăng của ông Sa Hoàng như một công cụ lao động là sự "Hoài nghi" của bác nông dân Ukraine được nâng đỡ bởi một nền tảng vững chắc về nhân văn sinh ra từ môi trường sống hiền hoà truyền thống của bác là trồng cấy lúa mì.


BM


Và cũng bởi vì nếu không có điều này thì chiếc xe tăng kia sẽ vẫn có thể bảo tồn được chức năng nguyên thuỷ của nó là giết người: nếu bác nông dân để lòng tham và sự tàn bạo dẫn dắt bằng cách sử dụng nó để tấn công bác nông dân hàng xóm không có xe tăng hòng chiếm đoạt cánh đồng màu mỡ của bác này.


Trong một chừng mực nào đó, cách hành xử của bác nông dân Ukraine có xe tăng Nga đã đưa bác trở thành môn đệ của chủ nghĩa Hoài nghi trong triết học phương Tây (scepticism).

 

Như phía trên đã viết về sự "Hoài nghi" của bác được nâng đỡ bằng nhân văn, vì vậy mà bác trở nên vĩ đại bởi đó là một sự "Hoài nghi" đúng đắn khi vẫn không phủ định tri thức, tức nền công nghiệp đã tạo nên chiếc xe tăng, mà chỉ phủ định (lật ngược/nghi ngờ) chức năng nguyên thủy của sự vật đang được quan tâm mà thôi.


BM


Vậy thì, nếu ông Sa Hoàng cũng được sống và làm việc trong một môi trường của đầy ắp những "Hoài nghi" đối với những quyết định của ông ta, tức phản biện từ những người trong bộ máy hoạch định chính sách Nga và rộng hơn là từ cả xã hội Nga, thì có lẽ nước Nga ngày hôm nay đã không bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của thế giới.

 

Tất nhiên, sự "Hoài nghi" dành cho những quyết định của ông Sa Hoàng để có thể cứu vãn được nước Nga, không thể chỉ đến duy nhất từ kinh nghiệm trực giác như trường hợp của bác nông dân Ukraine và chiếc xe tăng, mà nó phải đến chủ yếu từ tri thức cùng công cụ (cách thức) được pháp luật bảo hộ để việc biểu đạt sẽ nằm ở tầm mức gây ra được ảnh hưởng đáng kể nhất, và cao hơn tất cả thì vẫn là chế tài để buộc ông Sa Hoàng phải chấp nhận sự "Hoài nghi" một khi nó đã được luật pháp thừa nhận về tính đúng đắn.

 

Và để thiết lập ra được cái chế tài đó, việc phân chia quyền lực để kiểm soát ông Sa Hoàng nhằm ngăn chặn chủ nghĩa giáo điều lộng hành sẽ đóng vai trò quyết định và cho tương lai của nước Nga.

BM

Nhưng đó vẫn chỉ đang là "nếu" vào lúc này.

 

Hình ảnh về việc ông Sa Hoàng độc chiếm một mình một đầu của chiếc bàn dài đến 6m trị giá 100.000 EUR do doanh nghiệp của Ý chế tác trong suốt 3 năm, đầu bên kia là những người nằm trong bộ máy chịu trách nhiệm hoạch định và thi hành những chính sách của nước Nga, thì viễn cảnh về sự "Hoài nghi" đối với những quyết định của ông ta là vẫn còn xa vời vợi đối với nước này.

 

Dám đặt câu hỏi với 'nếu'

 

Ngạn ngữ Pháp có câu: "Với Nếu, người ta có thể nhét cả Paris trong một cái chai."

 

Tuy nhiên, không có "Nếu" thì loài người sẽ mò mẫm để đi tìm sự tiến bộ do mất đi khả năng nhìn trước, mất khả năng dùng lịch sử (quá khứ) và hiện tại để dự đoán và chuẩn bị cho tương lai, mất khả năng thay đổi bằng cách tạo ra cách mạng vì đổi mới, và cũng là tương tự như vậy cho nước Nga đương đại.

BM

Người nông dân Ukraine dùng máy cày kéo xe tăng Nga về nhà để sau chiến tranh thì sẽ sử dụng như công cụ làm ra lúa mì, đó là hình ảnh tuyệt đẹp và mang ý nghĩa nhân văn cao lộng, rất gần gũi với những áng văn của Nguyễn Trãi ở Bình Ngô đại cáo của Việt Nam:

 

"Đem đại nghĩa mà thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo."

 

Chính nghĩa thuộc về ai là điều không cần phải bàn cãi nữa, và thường thì "Đại nghĩa và Trí nhân" sẽ phải luôn thắng "Hung tàn và Cường bạo" cho dù giá phải trả có thể sẽ là vô cùng đắt đỏ.


BM

 

Ở cuộc chiến này, máy cày Ukraine chắc chắn sẽ thắng xe tăng Nga nhờ sự "Hoài nghi" được nâng đỡ bởi tính nhân văn của một dân tộc hiền hòa, sinh sống ở đất nước được cả châu Âu mệnh danh là "Kho bánh mì" của họ. Hình ảnh minh hoạ cho kết cục của cuộc chiến này sẽ là như vậy.


BM

Dự đoán rằng, chậm nhất là sau 10 năm kể từ lúc Ukraine trở thành thành viên chính thức của EU, dòng người lao động sẽ dịch chuyển từ Nga vào nước này.

 

Viễn cảnh về hàng dài người Nga xếp hàng để xin visa lao động tại Ukraine, nước thành viên của EU, sẽ là hiện thực ngay từ trung hạn. Công nhân xây dựng, khai thác hầm lò, giúp việc gia đình, quét dọn thành phố, canh tác nông trang, bốc dỡ kho cảng... là những lĩnh vực mà Ukraine sẽ cần rất nhiều lao động từ Nga.

 

Ở chiều ngược lại, Ukraine sẽ cung cấp cho Nga nguồn nhân sự chất lượng cao theo chuẩn EU để làm chuyên gia, bán cho Nga những hàng hóa - dịch vụ chứa hàm lượng công nghệ lớn và tất nhiên là cả hình mẫu về một xã hội hạnh phúc - phồn thịnh để nước Nga nhìn vào đó mà mơ ước.

 

Lúc đó, câu hỏi "Ai mới thực sự là kẻ thống trị?" sẽ nhận được câu trả lời cuối cùng mà không cần phải nhờ đến cuộc xâm lược với xe tăng khạc lửa, như những gì mà Nga đang làm hiện nay ở Ukraine.


BM


Xin được chúc mừng sự "Hoài nghi" của nông dân Ukraine đối với xe tăng Nga.

 

 

 

Nguyễn Đức Đại Vượng _ VN

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.