Mẹ anh tức giận vì anh ủng hộ một nhà hoạt động dân quyền trên mạng xã hội, anh nói; bà nói "rất nhiều điều thực sự khủng khiếp về phân biệt chủng tộc", trong khi đứa con trai bảy tuổi của anh có thể nghe hết mọi chuyện.
"Tôi rất có cảm giác làm cha làm mẹ kiểu như 'quý vị không nên nói thế trước mặt con tôi, chúng tôi không nuôi dạy con như thế'," người cha hai con sống ở Bắc Âu giải thích.
Scott nói rằng giọt nước tràn ly là khi cha anh cố biện hộ quan điểm của mẹ anh trong email, trong đó có gửi kèm một đường dẫn đến một đoạn video về chủ nghĩa thượng tôn da trắng.
Anh thấy bối rối khi cha mẹ anh không thể hiểu được có những người trở thành nạn nhân vì nguồn gốc của họ, nhất là xét lịch sử gia đình của chính anh.
"'Thật điên rồ - mẹ là người Do Thái,' tôi nói. 'Nhiều người trong nhà chúng ta đã bị sát hại ở trại tập trung Auschwitz'."
Đó không phải là lần đầu tiên Scott đụng độ về giá trị với cha mẹ. Nhưng đó là lần cuối cùng anh quyết định nhìn mặt và nói chuyện với họ.
Mặc dù thiếu dữ liệu chắc chắn, nhưng các nhà trị liệu, nhà tâm lý học và nhà xã hội học có nhận thức ngày càng củng cố rằng hình thức 'cắt đứt' có chủ ý giữa cha mẹ và con cái này đang gia tăng ở các nước phương Tây.
Chính thức được gọi là 'estrangement', tức 'hóa người dưng', định nghĩa của các chuyên gia về khái niệm này hơi khác một chút, nhưng nó được sử dụng rộng rãi cho các tình huống ai đó cắt đứt mọi liên lạc với một hoặc nhiều người thân, tình huống kéo dài, ngay cả khi những người họ thân bị cắt đứt cố gắng xây dựng lại quan hệ.
"Tuyên bố 'Thế là hết' với một người thân là hiện tượng mạnh mẽ và khác biệt," Karl Andrew Pillemer, giáo sư phát triển con người tại Đại học Cornell, Mỹ, giải thích. "Nó khác với mối thù gia tộc, với các tình huống xung đột cao và với các mối quan hệ xa cách về tình cảm nhưng vẫn có liên hệ."
Sau khi nhận thấy có quá ít nghiên cứu lớn về việc bị người thân đối xử như người dưng, ông đã thực hiện khảo sát trên toàn quốc cho cuốn sách xuất bản năm 2020 của ông có tựa là 'Đường đứt gãy: Gia đình Đổ vỡ và làm sao hàn gắn'.
Khảo sát cho thấy hơn một phần tư người Mỹ cho biết họ bị người thân từ mặt. Nghiên cứu tương tự cho tổ chức thiện nguyện Stand Alone của Anh cho thấy hiện tượng này xảy ra ở một trong năm gia đình ở Anh, trong khi các nhà nghiên cứu học thuật và nhà trị liệu ở Úc và Canada cũng cho biết họ đang chứng kiến 'dịch bệnh thầm lặng' của các gia đình đổ vỡ.
Trên mạng xã hội, có sự bùng nổ các nhóm hỗ trợ trực tuyến cho những đứa con trưởng thành chấp nhận bị cha mẹ từ mặt, bao gồm một nhóm mà Scott tham gia với hàng ngàn thành viên. "Số lượng thành viên chúng tôi tăng đều đặn," anh nói. "Tôi nghĩ nó ngày càng phổ biến."
Thực tế là sự ghẻ lạnh giữa cha mẹ và con cái trưởng thành của họ dường như đang tăng - hay ít nhất là ngày càng được nhắc đến - dường như là do mạng lưới phức tạp các yếu tố văn hóa và tâm lý. Và xu hướng này đặt ra rất nhiều vấn đề về tác động của nó đối với cả cá nhân lẫn xã hội.
Kinh nghiệm quá khứ và giá trị hiện tại
Mặc dù nghiên cứu còn hạn chế, hầu hết các vụ từ mặt giữa cha mẹ và con cái thường do người con chủ xướng, Joshua Coleman, nhà tâm lý học và tác giả của 'Quy tắc từ mặt: Tại sao con cái cắt đứt quan hệ và làm sao chữa lành xung đột'.
Một trong những lý do phổ biến nhất là bạo hành trong quá khứ hoặc hiện tại của cha mẹ, cho dù là bạo hành tình cảm, ngôn từ, thể xác hay tình dục.
Ly hôn là ảnh hưởng thường xảy ra khác, với hậu quả từ việc con cái 'chọn phe' cho đến những người mới bước vào gia đình như anh em kế hay cha mẹ kế - điều này có thể thúc đẩy chia rẽ về cả 'tài chính và tình cảm'.
Xung đột về giá trị - như những gì Scott và cha mẹ anh trải qua - cũng ngày càng được cho là đóng một vai trò.
Nghiên cứu của Coleman và Đại học Wisconsin, Mỹ, được công bố vào tháng 10 cho thấy bất đồng về giá trị được hơn 1/3 những bà mẹ có con bị từ mặt đề cập.
Nghiên cứu mới đây của Pillemer cũng nhấn mạnh khác biệt giá trị như 'yếu tố chính' dẫn đến sự ghẻ lạnh, với xung đột do 'các vấn đề như sở thích đồng giới, khác biệt tôn giáo hoặc có cách sống khác'.
Cả hai chuyên gia tin rằng ít nhất một phần bối cảnh tạo ra sự đổ vỡ này là phân cực chính trị và văn hóa gia tăng trong những năm gần đây.
Tại Mỹ, một cuộc thăm dò của Ipsos cho thấy rạn nứt gia đình gia tăng sau cuộc bầu cử năm 2016, trong khi nghiên cứu của các học giả tại Đại học Stanford vào năm 2012 cho thấy tỷ lệ lớn hơn những cha mẹ không hài lòng nếu con cái họ lấy người theo đảng chính trị đối lập, điều không rõ lắm một thập kỷ trước đó.
Một nghiên cứu mới đây của Anh cho thấy 1/10 người dân Anh đã hục hặc với người thân do Brexit.
"Những nghiên cứu này làm nổi bật làm sao bản sắc trở thành nhân tố quyết định lớn hơn nhiều về ai chúng ta muốn giữ quan hệ gần gũi hoặc buông bỏ," Coleman nói.
Scott nói rằng anh chưa bao giờ nói về xu hướng bỏ phiếu của mình với cha mẹ. Nhưng quyết định cắt đứt của anh một phần bị ảnh hưởng bởi nhận thức tăng lên của vợ chồng anh vợ về các vấn đề xã hội, bao gồm phong trào Black Lives Matter và MeToo.
Anh nói rằng những người con khác trong nhóm hỗ trợ trực tuyến của anh đã đổ vỡ quan hệ do những bất đồng về giá trị liên quan đến đại dịch, từ những người cha mẹ già cả không chịu chích ngừa đến tranh cãi quanh các thuyết âm mưu về nguồn gốc virus.
Yếu tố sức khỏe tâm lý
Các chuyên gia tin rằng nhận thức ngày càng rõ của chúng ta về sức khỏe tâm lý, và về các mối quan hệ gia đình độc hại hay bạo hành có thể tác động đến sự an lạc của chúng ta như thế nào, cũng ảnh hưởng đến việc 'hóa người dưng'.
"Mặc dù không có gì đặc biệt hiện đại về xung đột gia đình hay mong muốn thoát ly khỏi gia đình, khái niệm hóa sự ghẻ lạnh người thân như là biểu hiện của sự phát triển cá nhân, như thường thấy ngày nay, gần như chắc chắn là điều mới mẻ," Coleman nói. "Quyết định giữ hay cắt đứt quan hệ với ai đã trở thành một chiến lược quan trọng."
Sam, ở độ tuổi hai mươi và hiện sống ở Anh, cho biết cô lớn lên trong một gia đình đầy biến động với cả cha lẫn mẹ đều nghiện rượu nặng.
Cô hầu như đã ngưng nói chuyện với cha mẹ ngay sau khi xa gia đình để vào đại học, và cho biết đã cắt đứt vĩnh viễn sau khi chứng kiến cha cô chửi bới đứa em họ 6 tuổi của cô tại một đám tang.
Được điều trị bằng liệu pháp đã giúp cô nhận ra những trải nghiệm của mình 'không chỉ là dạy con kém' và xử lý tác động tâm lý. "Tôi hiểu rằng 'bạo hành' và 'ghẻ lạnh' là những từ mô tả thời thơ ấu của tôi. Việc tôi không bị đánh không có nghĩa là tôi không bị tổn thương."
Cô đồng ý với Coleman rằng việc cắt đứt quan hệ với người thân "trở nên ngày càng được chấp nhận về mặt xã hội".
"Sức khỏe tâm lý bây giờ được nói đến nhiều hơn vì vậy rất dễ để nói rằng, 'Những người thân đó có hại cho sức khỏe tâm lý của tôi'. Tôi nghĩ rằng mọi người cũng đang tự tin hơn để xác định ranh giới của riêng họ và nói 'không' với người khác."
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân
Coleman lập luận rằng việc chúng ta tập trung ngày càng nhiều vào an lạc cá nhân xảy ra song song với các xu hướng lớn khác, chẳng hạn như sự chuyển hướng tới 'văn hóa mang tính cá nhân hơn'. Nhiều người trong chúng ta ít phụ thuộc vào người thân hơn các thế hệ trước.
"Không cần người thân hỗ trợ hay không tính thừa kế nông trại gia đình có nghĩa là việc muốn gần gũi với ai dựa nhiều vào bản sắc và nguyện vọng phát triển hơn là sự sống còn hoặc cần thiết," ông giải thích. "Ngày nay, không có gì ràng buộc con cái với cha mẹ ngoài mong muốn của người con muốn giữ quan hệ đó."
Ngày càng có nhiều cơ hội sống và làm việc ở thành phố hoặc thậm chí nước khác cũng có thể tạo điều kiện cho cắt đứt, chỉ đơn giản là do khoảng cách địa lý nới rộng.
"Tôi đi khắp nơi dễ dàng hơn nhiều so với 20 năm trước," Faizah, dân Anh gốc Nam Á, đồng ý. Cô tránh sống gần gia đình kể từ năm 2014.
Cô cho biết cô cắt đứt với cha mẹ do những hành vi 'kiểm soát' như ngăn cản cô đi phỏng vấn xin việc, tìm cách ảnh hưởng quan hệ bạn bè và gây áp lực buộc cô phải lập gia đình ngay sau khi học xong.
"Họ không tôn trọng ranh giới của tôi," cô nói. "Tôi chỉ muốn làm chủ cuộc đời mình và có quyết định của riêng mình."
Tác động của sự từ mặt
Có những mặt tích cực mạnh mẽ đối với những đứa con bị cạch mặt, những người tự tách mình ra khỏi điều mà họ tin là mối quan hệ gây hại với cha mẹ. "Nghiên cứu cho thấy phần lớn con cái cho rằng đó là điều tốt nhất," Coleman nói.
Mặc dù sức khỏe tâm lý cải thiện và cảm giác có thêm tự do là kết quả phổ biến của sự cắt đứt, Pillemer lập luận quyết định này cũng có thể dẫn đến cảm giác bất ổn, nhục nhã và căng thẳng.
"Việc chủ động cắt đứt quan hệ cá nhân có chủ ý khác với các kiểu mất mát khác," ông giải thích. Ngoài ra, mọi người mất lợi ích thiết thực của việc là thành viên gia đình: ví dụ như hỗ trợ vật chất và cảm giác thuộc về một nhóm ổn định, biết rõ nhau."
Cảm giác cô đơn và bị kỳ thị dường như trở nên trầm trọng hơn đối với nhiều người bị cạch mặt trong đại dịch.
Mặc dù 'bùng nổ Zoom' cho phép một số gia đình cảm thấy gần gũi hơn và giữ liên lạc thường xuyên hơn, nghiên cứu mới đây của Anh cho thấy người bị cắt đứt quan hệ thậm chí còn cảm nhận rõ hơn về mất mát cuộc sống gia đình trong thời gian phong tỏa.
Các nghiên cứu khác chỉ ra Giáng sinh và các ngày lễ tôn giáo khác là giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với những người bị từ mặt.
"Tôi có gia đình riêng, bạn đời và bạn bè thân thiết, nhưng không có gì thay thế những truyền thống với cha mẹ," Faizah tán đồng. Bây giờ vào độ tuổi ba mươi, cô vẫn thấy ngày lễ Hồi giáo Eid al-Fitr đặc biệt khó khăn, mặc dù cô đã tách khỏi tôn giáo của cha mẹ. "Thật khó khăn. Thật cô đơn... Tôi rất nhớ các món ăn mẹ tôi nấu."
Lựa chọn không giữ liên lạc với cha mẹ cũng có thể có tác động trực diện đến quan hệ và truyền thống gia đình trong tương lai. "Đối với tôi, điều hối tiếc lớn nhất là các con tôi lớn lên mà không có ông bà ở bên," Scott nói. "Cha mẹ tôi có thể nói với chúng là ối trời tôi không biết gì hết - nhưng tôi cảm thấy các con tôi bị mất mát."
Tất nhiên, tất cả những việc này cũng tác động đến các bậc cha mẹ vốn, thường miễn cưỡng, bị cắt đứt khỏi cuộc sống của con cái - và có thể là cháu họ.
"Việc đó làm cho hầu hết các bậc cha mẹ khốn khổ," Coleman nói. Cũng như việc mất chỗ đứng trong đơn vị gia đình truyền thống, họ thường "mô tả cảm giác mất mát, xấu hổ và hối tiếc sâu sắc".
Scott cho biết mẹ anh gần đây đã cố gọi cho anh. Nhưng anh đã nhắn tin cho mẹ nói rằng anh sẽ chỉ xem xét liên lạc trở lại nếu bà nhận ra những gì bà nói là "kỳ thị chủng tộc khủng khiếp" và xin lỗi.
Cho đến nay, anh cho biết bà đã không làm vậy. "Ngay cả khi tất cả những điều đó xảy ra, tôi sẽ luôn hạn chế những gì tôi nói với họ về cuộc sống của tôi và chắc chắn sẽ giám sát mỗi khi họ đến thăm bọn trẻ. Không may là tôi không thấy họ làm bất cứ việc gì trong số đó."
Cố gắng hàn gắn rạn nứt?
Với chia rẽ chính trị lên ngôi ở nhiều quốc gia, cũng như tính chủ nghĩa cá nhân ngày càng mạnh trong các nền văn hóa khắp thế giới, nhiều chuyên gia tin rằng xu hướng đổ vỡ quan hệ cha mẹ-con cái còn kéo dài dai dẳng.
Tuy nhiên, Pillemer lập luận rằng chúng ta không nên loại trừ việc cố gắng hàn gắn rạn nứt, nhất là những rạn nứt xuất phát từ chính trị hay giá trị đối lập (trái với các hành vi bạo hành hay gây hại).
"Nếu quan hệ trước đó tương đối gần gũi (hoặc ít nhất không mâu thuẫn), tôi nghĩ có bằng chứng cho thấy nhiều thành viên gia đình có thể phục hồi quan hệ. Tuy nhiên, việc này cần có thỏa thuận về một 'khu phi quân sự' mà ở đó họ không nói chuyện chính trị," ông nói.
Để viết sách, ông đã phỏng vấn hơn 100 người bị từ mặt hòa giải thành công, và thấy quá trình này thực sự được nhiều người định hình là "động cơ phát triển cá nhân".
"Tất nhiên không phải ai cũng vậy, nhưng đối với một số người, hàn gắn cách biệt, ngay cả khi quan hệ không hoàn hảo, là sự tự trọng và tự hào cá nhân."
Ông lập luận rằng cả việc có thêm các nghiên cứu chi tiết và việc chú tâm tới thực tế đều là điều cần thiết để vấn đề 'từ mặt nhau' được "đưa ra khỏi bóng tối và được thảo luận rõ ràng, cởi mở".
"Chúng ta cần các nhà nghiên cứu phải tìm ra những giải pháp tốt hơn - cho cả những người muốn hòa giải, lẫn cả việc hỗ trợ cho những ai muốn từ mặt nhau vĩnh viễn."
Scott hoan nghênh việc ngày càng có nhiều mối quan tâm tới tình trạng đổ vỡ quan hệ ở người trưởng thành. "Tôi nghĩ rằng điều đó có ích cho rất nhiều người," anh nói. "Vẫn có những cố kỵ lớn quanh chuyện từ mặt nhau. Chúng tôi nhìn thấy có những câu hỏi như thế này được đặt ra rất nhiều trong nhóm: 'Bạn nói với mọi người thế nào?' hoặc 'Bạn nêu vấn đề ra sao khi hẹn hò với người khác?'."
Nhưng anh không thể hòa giải với cha mẹ, trừ khi họ nhận ra họ kỳ thị sắc tộc.
"Câu nói 'một giọt máu đào hơn ao nước lã' - ý tôi là, 'sẽ rất tuyệt nếu bạn có một gia đình tốt, nhưng nếu bạn phải chịu đựng những người thân độc địa thì điều đó là bất khả thi."
Maddy Savage
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.