Vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh, khi trẻ em Mỹ được dạy về phương pháp “duck and cover” (“cúi xuống che chắn”) trong lớp học, bà Sharon Packer đã quyết tâm phải bảo đảm rằng gia đình mình sẽ sống sót qua một cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô.
“Tôi đã xây dựng hầm tránh bom đầu tiên khi chỉ mới 8 tuổi. Tôi đào một cái hố và dựng ván ép để giúp chúng tôi có thể sống sót,” bà Packer hồi tưởng lại sau hàng thập nhiên trong một buổi phỏng vấn.
Bà nói rằng đó là một hầm trú ẩn tránh bụi phóng xạ phía sân sau nhà an toàn như bất kỳ chiếc hầm nào khác vào thời điểm đó. Đủ rộng cho vài người và đủ sâu để che chắn khỏi các bức xạ gây thương vong.
Bà Packer, 82 tuổi, một kỹ sư hạt nhân đã nghỉ hưu sinh sống tại thành phố Salt Lake, tiểu bang Utah, khi trưởng thành đã nhiều năm kiếm sống bằng nghề xây dựng những chiếc hầm trú ẩn tránh bụi phóng xạ.
Điểm nhanh đến năm 2022 và đó là một sân chơi địa chính trị hoàn toàn mới, bà cho biết.
Đã qua rồi “Đế chế Tà ác” của Tổng thống Reagan, cụm từ mô tả việc Liên bang Xô viết quyết tâm ném bom biến nước Mỹ trở về Thời kỳ đồ đá.
Bảo đảm hủy diệt lẫn nhau (MAD), học thuyết phổ biến về chiến lược quân sự và chính sách an ninh quốc gia khi đó, cho rằng sẽ không có kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Bà Packer cho biết, kết quả là chương trình phòng thủ dân sự của quốc gia đã bị dừng lại.
Trong tuần qua, Liên bang Nga đã xâm lược nước láng giềng Ukraine với lý do lo ngại về an ninh và nhằm ngăn chặn liên minh phương Tây NATO mở rộng hơn về phía đông.
Khi cuộc chiến ngày càng căng thẳng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt quốc gia của mình trong tình trạng báo động hạt nhân cao. Moscow được cho là đã đăng tải một bản đồ trực tuyến về hệ thống rộng lớn các hầm trú ẩn của thủ đô để tránh các vụ nổ hạt nhân và bụi phóng xạ trong tình huống phóng hỏa tiễn đạn đạo qua lại với phương Tây.
Còn những hầm trú ẩn của nước Mỹ nằm ở đâu trong cuộc khủng hoảng hiện nay?
Trên thực tế, hầu hết các hầm trú ẩn đã bị dỡ bỏ vào những năm 1960 và 70, bà Packer, một thành viên trong ban quản trị Hiệp hội Phòng vệ Dân sự Hoa Kỳ (TACDA) cho biết. Tổ chức bất vụ lợi này được thành lập vào năm 1961 để giáo dục cho người dân về sự cần thiết của một chương trình phòng thủ dân sự vững chắc với những hầm trú ẩn tránh bụi phóng xạ cho mọi người dân.
“Thật không may là không hề có, hoặc có rất ít, hầm trú ẩn để tránh bụi phóng xạ cho dân chúng mà chúng tôi được biết. Trên thực tế, đây là lý do [TACDA] được thành lập cách đây 60 năm. Những nhà sáng lập… đã lo ngại về cuộc Chiến tranh Lạnh và về thực tế là không hề có chương trình liên bang nào về phòng thủ dân sự và không có nơi trú ẩn tránh bụi phóng xạ nào để bảo vệ người dân,” giám đốc điều hành hiệp hội Roseanne Hassett cho biết.
Năm 1965, Hoa Kỳ có khoảng 200,000 hầm trú ẩn tránh bụi phóng xạ công cộng và tư nhân có thể đưa vào sử dụng.
Những hầm trú ẩn này là những căn phòng đơn giản nằm dưới tầng hầm chứa đầy thức ăn, nước uống, và thuốc men để có thể sống sót trong vài tuần.
Đại học Stanford từng có đến 56 hầm trú ẩn dành riêng để tránh bụi phóng xạ bên trong khuôn viên trường, với sức chứa tối đa gần 50,000 người.
Trong khi hầu hết các hầm trú ẩn được thiết kế để chống lại các tác động sinh học của bụi phóng xạ nguyên tử ở mức độ ít hoặc nhiều — chứ không phải từ làn sóng của một vụ nổ hạt nhân trực tiếp – thì nhiều hầm trú ẩn đã bị đóng cửa hoặc biến thành kho chứa đồ trong những năm sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tại tòa nhà của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Quận Maricopa (MCEM) ở Phoenix, tiểu bang Arizona, những tàn tích lịch sử của một chiếc hầm trú ẩn lớn và khu lưu trú tập thể dưới lòng đất vốn được xây dựng để bảo toàn “tính liên tục của chính phủ”, có tác dụng như những lời nhắc nhở nghiệt ngã về một thế giới đã trở nên “ĐIÊN KHÙNG”.
Những hiện vật này bao gồm các lon nước được niêm phong, mặt nạ phòng độc, vật tư y tế, vật tư vệ sinh cá nhân, và các vật dụng khác để bảo đảm đủ để sống sót trong hai tuần. Đó là khoảng thời gian cần thiết để các bức xạ tồi tệ nhất từ bụi phóng xạ tiêu tán hết.
Hầm trú ẩn này được xây dựng vào năm 1956, sâu khoảng 20 feet (6m) dưới lòng đất, được bảo vệ bằng một cánh cửa thép cường lực và các bức tường bê tông dày 1 foot (30cm) để ngăn chặn bức xạ gamma gây chết người. Chuyên viên truyền thông cao cấp của MCEM, ông Ron Coleman cho biết, hầm trú ẩn này chủ yếu được thiết kế nhằm ngăn bụi phóng xạ, giúp các quan chức quận có thể “sống sót qua” một cuộc chiến tranh hạt nhân.
“Bất cứ ai sống sót được cho đến khi lượng phóng xạ giảm xuống mức độ có thể hoạt động được” trên thực tế chính là những người tái thiết xã hội, ông Coleman chia sẻ với The Epoch Times. “Thực tế là chưa từng có một chiến dịch toàn quốc nào để xây dựng các hầm trú ẩn nhằm tránh bụi phóng xạ cho toàn bộ người dân.”
“Thành thật mà nói, chúng tôi đã nhận được một vài cuộc gọi vào sáng nay (24/02)” từ những người hỏi về các địa điểm trú ẩn tránh bụi phóng xạ do tình hình ở Ukraine. “Có những hầm trú ẩn tránh bụi phóng xạ khắp thung lũng này — không nhiều như trước đây. Tôi không biết những hầm này ở đâu. Tôi nghĩ số lượng tùy thuộc từng tòa nhà,” ông cho biết.
Nếu xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân, cơ quan này sẽ liên lạc thường xuyên với người dân từ một vị trí chỉ huy trung tâm, phát đi thông tin về “các bước tiếp theo cần làm gì,” ông Coleman cho biết.
“Ở đây, tại Quận Maricopa này, chúng tôi là một tổ chức đối phó với mọi hiểm họa — tất cả mọi thứ từ nhiệt độ và bão gió đến các vụ phóng xạ. Điều đầu tiên chúng tôi nói với người dân là hãy bắt sóng đài địa phương. Chúng tôi kết hợp nhiều công cụ, kể cả hệ thống cảnh báo tình trạng khẩn cấp kiểu cũ,” ông cho biết.
Cơ quan này cũng có một hệ thống cảnh báo không dây cho các khu vực mục tiêu và các trung tâm chăm sóc di động được trang bị máy dò phóng xạ, ông cho biết.
“Hầu hết các chương trình quản lý tình trạng khẩn cấp là kết quả của các chương trình phòng thủ dân sự ban đầu,” ông Coleman chia sẻ.
Trọng tâm chính của MCEM ngày nay là về việc phối hợp ứng phó với lũ lụt cũng như cháy rừng thường xảy ra ở Arizona, mặc dù phản ứng của cơ quan này đối với một sự kiện hạt nhân cũng “sẽ không có gì khác biệt,” ông nói.
“Thực sự còn phụ thuộc vào tình hình thực tế. Chúng tôi thúc giục việc chuẩn bị sẵn sàng đối phó trên toàn khu vực, cho dù đó là một vụ cháy nhà, cháy rừng hay một sự kiện quy mô lớn hơn,” ông Coleman nói thêm.
Bà Packer cho biết không như Hoa Kỳ, Nga vẫn cảnh giác và tập trung vào phòng thủ dân sự, điều này chỉ cho thấy rằng quốc gia này cam kết với một niềm tin rằng người dân có thể sống sót qua một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Bà Packer nói rằng: “Răn đe là có thật nếu quý vị sở hữu một hệ thống như nước Nga đang có.”
Bà Packer cho biết bà cũng tin rằng phòng thủ dân sự cần phải là một yếu tố trọng tâm trong công cuộc phòng thủ chung của quốc gia và “nếu không có sự thúc đẩy, Quốc hội sẽ tiếp tục tập trung vào những thứ khác.”
“Khi tôi còn ở trường tiểu học, chúng tôi vẫn thực hành phương pháp “duck and cover”. Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về những vũ khí hạt nhân đó. Chúng tôi thực sự quan tâm và nó rất thật đối với chúng tôi. Tôi cứ nghĩ về vấn đề này và tự hỏi, “Tôi cần phải làm gì?” bà Packer bày tỏ.
Vì vậy, một ngày kia, bà quyết định đi ra sân sau của gia đình mình, đào một cái hố sâu và dựng một hầm trú bom.
Bà Packer tiếp tục xây dựng nhiều hầm trú ẩn cho khách hàng của bà cũng như cho những người dân bình thường, thông qua quan hệ đối tác kinh doanh lâu dài với cư dân tiểu bang Utah và chuyên gia hạt nhân Paul Seyfried, người ủng hộ một chương trình phòng thủ dân sự quy mô lớn tương tự như của Thụy Sĩ.
“Họ có nơi trú ẩn, còn chúng ta thì không,” ông Seyfried nói.
Ông Seyfried cho biết vào năm 2004, Tổng thống Putin đã bắt tay vào một chương trình phòng thủ dân sự đầy tham vọng, tạo ra 250,000 nơi trú ẩn mới cho người dân chỉ tính riêng trên toàn khu vực Moscow.
Mặt khác, Thụy Sĩ, một quốc gia với 8.5 triệu dân, có hơn 7,000 còi báo động để “cảnh báo người dân trong hàng loạt các trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra, kể cả một vụ tai nạn hạt nhân,” và các hầm trú bom đủ sức chứa cho hầu hết mọi người dân, theo trang swissinfo.ch.
Hệ thống còi báo động được “kiểm tra hàng năm vào thứ Tư đầu tiên của tháng Hai. Tín hiệu báo động tổng được phát ra khi có khả năng xuất hiện mối đe dọa đối với cộng đồng. Tín hiệu này báo hiệu cho mọi người biết rằng họ nên bật đài radio và làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.”
Ông Seyfried nói rằng vấn đề đối với chương trình phòng thủ dân sự lỗi thời của Hoa Kỳ là “quý vị không thể sơ tán các thành phố” một cách kịp thời.
“Quý vị phải có nơi trú ẩn tại nơi quý vị đang sinh sống, nơi làm việc, và nơi thờ phượng. Chúng ta hiện không được chuẩn bị sẵn sàng,” ông cho biết.
Theo Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA), bụi phóng xạ “nguy hiểm nhất trong vài giờ đầu tiên sau khi phát nổ, khi đó nó phát ra mức phóng xạ cao nhất.”
“Phải mất một khoảng thời gian để bụi phóng xạ rơi hết xuống mặt đất, thường là hơn 15 phút đối với các khu vực bên ngoài vùng chịu thiệt hại tức thời do vụ nổ,” FEMA cho biết trong tờ thông tin tháng 03/2018. “Đây là thời gian đủ để quý vị có thể phòng ngừa phơi nhiễm bức xạ nặng nề bằng cách làm theo các bước đơn giản sau đây,” đó là vào bên trong [hầm trú ẩn], ở yên trong đó và theo dõi các mạng lưới phát sóng khẩn cấp.
“Xác định vị trí trú ẩn tốt nhất gần với nơi mà quý vị dành nhiều thời gian, chẳng hạn như nhà riêng, nơi làm việc, và trường học. Các vị trí tốt nhất là dưới lòng đất và ở giữa các tòa nhà lớn hơn,” tờ thông tin cho biết thêm.
Bà Packer cho biết tin tốt là 90% bức xạ từ bụi phóng xạ sẽ bị phân hủy sau bảy giờ và 90% nữa sẽ bị phân hủy sau hai ngày.
Sau hai tuần, mức độ bức xạ chỉ còn khoảng 1/1000 so với mức ảnh hưởng ban đầu của chúng, bà cho biết.
“Sẽ có rất nhiều người sống sót sau một cuộc tấn công hạt nhân nếu họ trú ẩn dưới tầng hầm của mình, nhưng họ không biết điều đó. Có quá nhiều thứ cần phải được hướng dẫn,” bà Packer bày tỏ.
Allan Stein _ Doanh Doanh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.