BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, nói rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc toàn cầu hóa khi các chính phủ và doanh nghiệp cắt đứt quan hệ với Nga, đồng thời cảnh báo rằng việc định hướng lại chuỗi cung ứng trên quy mô lớn sẽ gây lạm phát.
Ông Fink viết trong một bức thư hôm 24/03 gửi cho các cổ đông: “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã kết thúc toàn cầu hóa mà chúng ta đã trải qua trong ba thập kỷ qua,” trong đó ông lưu ý rằng cuộc tấn công của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy các quốc gia cắt đứt tài chính và quan hệ kinh doanh với Moscow.
Ông Fink viết, “Thống nhất trong cam kết kiên định hỗ trợ người dân Ukraine, họ đã phát động một cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ chống lại Nga.”
Nga đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt làm tê liệt đối với cái mà Nga gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Các biện pháp này đã nhằm vào các ngân hàng Nga và các nhà tài phiệt giàu có, đã có sự đóng cửa không phận đối với máy bay Nga và việc xuất cảng các công nghệ quan trọng [sang Nga] đã bị cấm.
Các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm việc đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ mạnh của ngân hàng trung ương Nga, một động thái chưa từng có mà Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hôm 23/03 đã tố cáo là “hành vi trộm cắp.”
Ông Fink lưu ý trong bức thư của mình rằng thị trường vốn, các tổ chức tài chính, và các công ty đã hành động xa hơn các lệnh trừng phạt do chính phủ áp đặt, tiến tới nhanh chóng chấm dứt các mối quan hệ kinh doanh và đầu tư lâu đời.
Ông dự đoán rằng việc Nga tách khỏi nền kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy các chính phủ và công ty đánh giá lại các cơ sở sản xuất và lắp ráp của họ một cách tổng thể hơn và xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào các quốc gia khác.
Ông Fink viết: “Xu hướng này có thể dẫn đến các công ty phải hoạt động trong nước hoặc gần thị trường nội địa hơn, dẫn đến việc một số quốc gia rút lui [các hoạt động của các công ty] nhanh hơn.”
Ông nói, sẽ có những thách thức đối với các công ty khi họ tìm cách sắp xếp lại các chuỗi cung ứng.
“Sự tách biệt này chắc chắn sẽ tạo ra thách thức cho các công ty, bao gồm chi phí cao hơn và áp lực về tỷ suất lợi nhuận.”
Ông nói thêm: “Trong khi bảng cân đối kế toán của các công ty và người tiêu dùng ngày nay là mạnh mẽ, tạo cho họ nhiều cơ hội hơn để vượt qua những khó khăn này, thì việc tái định hướng quy mô lớn của chuỗi cung ứng sẽ gây lạm phát.”
Ông Fink cho biết các ngân hàng trung ương đang ở trong một thời điểm đầy thách thức, cân nhắc xem việc tăng lãi suất nhanh như thế nào trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đang gia tăng, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do xung đột ở Ukraine và các cú sốc giá năng lượng liên quan.
Ông nói: “Các ngân hàng trung ương phải lựa chọn sống chung với lạm phát cao hơn hay làm chậm lại hoạt động kinh tế và việc làm để giảm lạm phát một cách nhanh chóng.”
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 21/03 cho biết ngân hàng trung ương Hoa Kỳ phải hành động “khẩn trương” để tăng lãi suất và có thể “mạnh tay hơn” để giữ cho vòng xoáy tăng giá không trở thành cố hữu.
Bộ Kinh tế cho biết hôm 23/03, lạm phát hàng năm ở Nga đã tăng lên 14.5% hôm 18/03, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015, khi đồng rúp bị hạ giá khiến giá tăng vọt trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Tom Ozimek _ Vân Du
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.