Amnesty
International và Human Rights Watch (tổ chức Theo dõi Nhân quyền) trong các báo
cáo đã lên tiếng về vi phạm nhân quyền của Hà Nội.
Lãnh đạo của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất là các nhà sư Thích Huyền Quang và Thích Quảng
Độ bị Hà Nội chỉ định quản chế. Giáo hội này bị cấm từ năm 1981, khi nhà
nước cho thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực thuộc Mặt trận Tổ quốc, tu
sĩ bị ép buộc tham gia, nhiều người phản đối đã bị quấy nhiễu hay lãnh án tù.
Các nhà sư Thích
Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu, những học giả uyên bác về Phật học, đã bị nhà nước
kết án tử hình với tội danh hoạt động "lật đổ chính quyền nhân dân"
sau khi bị bắt vào năm 1984, mà các tổ chức nhân quyền quốc tế đều cho là Hà Nội
áp đặt nhằm tiêu diệt những tu sĩ không theo giáo hội do nhà nước lập ra. Với sự
lên tiếng can thiệp của thế giới, Hà Nội đã giảm án xuống còn 20 năm tù.
Công giáo cũng chung
số phận với nhiều tu sĩ bị quản chế dài hạn hay giam tù như Giám mục Nguyễn Văn
Thuận, các linh mục Trần Hữu Thanh, Đinh Bình Định, Nguyễn Công Đoàn, Nguyễn
Văn Lý.
Tin lành có mục sư
Nguyễn Tự Cường bị án tù 10 năm tù.
Nhiều tu sĩ đã chết
trong tù, trong đó có Hòa thượng Thích Thiện Minh, Linh mục Vũ Khánh Tường.
Cuối năm 1986, Đại hội
6 Đảng Cộng sản đưa ra chính sách Đổi mới, chuyển kinh tế tập trung sang tự do
kinh doanh nhiều thành phần. Việt Nam mở cửa đón du khách phương Tây. Dân được
tự do buôn bán và những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu
tư. Đời sống của dân trở nên khá hơn vì được tự do kinh doanh.
Tổng Bí thư Nguyễn
Văn Linh cho "cởi trói văn nghệ" nên văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm
được thế giới biết đến: Dương Thu Hương với Những thiên đường mù,
Trần Mạnh Hảo với Ly thân, Nguyễn Huy Thiệp với Tướng về hưu, Bảo
Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Trần Văn Thủy với phim Chuyện tử tế.
Vài năm sau, tự do
sáng tác bị xiết lại trước làn sóng dân chủ hóa ở Đông Âu mà Hà Nội
lo sợ sẽ lan đến Việt Nam.
Nhà văn Dương Thu
Hương, một người lên tiếng chỉ trích nhà nước, đã bị bắt vào tháng 4/1991 với
cáo buộc chuyển bí mật nhà nước ra hải ngoại mà thực tế là bản thảo Tiểu
thuyết vô đề của bà. Sau nhiều tháng bị giam, bà đã được thả ra mà không hề
qua xét xử.
Những ai lên tiếng
đòi cải cách chính trị, mở rộng không gian thảo luận về những vấn đề của đất nước
đều bị trấn áp hay bỏ tù.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế
sáng lập Cao trào Nhân bản vào ngày 11/5/1990 thì chỉ một tháng sau đã bị công
an bắt giam và sau đó bị kết án tù 20 năm.
Luật sư Đoàn Thanh
Liêm bị bắt sau khi gặp gỡ những người Mỹ để tham vấn cho họ trong việc mở công
ty tại Việt Nam, nhưng lý do chính cho việc bắt giữ là việc ông kêu gọi tự do
tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Ông bị kết án tù 12 năm với tội danh liên quan đến
"tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa".
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt
bị bắt vào tháng 11/1990 khi cho xuất bản tờ báo chui Diễn đàn Tự do với những
bài viết kêu gọi tự do dân chủ cho Việt Nam và bị kết án 20 năm tù, cùng với
các cộng sự Phạm Đức Khâm bị án tù 16 năm và Nguyễn Văn Thuận 12 năm.
Trước làn sóng dân
chủ ở Đông Âu, Bộ trưởng Công an Bùi Thiện Ngộ trong bài viết Một số vấn đề
chiến lược An ninh Quốc gia trong giai đoạn mới trên Tạp chí Cộng sản đã
đưa ra lời cảnh báo rằng sau cuộc cách mạng nhung 1989 ở Đông Âu, kẻ thù của Việt
Nam, trong và ngoài nước, đang nắm lấy cơ hội để đòi đổi mới chính trị theo kế
hoạch "diễn biến hòa bình", vận động cho đa nguyên, đa đảng nhằm chấm
dứt sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Đã có những nhân vật
cấp cao lên tiếng đòi dân chủ hóa đất nước như Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân
Bách, Trung tướng Trần Độ, Giáo sư Phan Đình Diệu.
Trung tướng Trần Độ muốn
có một xã hội đa nguyên, không độc quyền theo một chủ thuyết và lãnh đạo phải
thật sự là của dân, do dân và vì dân.
Những đề xướng của
Trung tướng Trần Độ, cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa và cũng là Phó Chủ tịch Quốc hội,
đã không được Bộ Chính trị đồng tình. Ông đã bị trù dập, bị khai trừ đảng vào
năm 1999. Khi qua đời, đám tang của ông còn bị an ninh quấy nhiễu.
Lên tiếng trong kỷ
nguyên internet
Đầu thiên niên kỷ,
khi mạng thông tin toàn cầu trở nên phổ biến thì công an bắt đầu trấn áp và
giam giữ những ai dùng internet để phát tán những tài liệu, thông tin về tình
hình nhân quyền tại Việt Nam.
Theo Amnesty
International và Human Rights Watch, nhiều người dùng internet để vận động cho
nhân quyền đã bị giam tù.
Lê Chí Quang, 32 tuổi,
bị bắt tại một quán cà phê ở Hà Nội vào tháng 2/2002. Ông đã phát tán trên mạng
thông tin lên án nhà nước ký hiệp ước biên giới với Trung Quốc và bị kết án 4
năm tù về tội "tuyên truyền chống nhà nước."
Doanh nhân Nguyễn Khắc
Toàn, 48 tuổi, bị bắt vào tháng 1/2002 vì đã dùng internet để chuyển ra nước
ngoài những thông tin về các cuộc biểu tình của nông dân phản đối nhà nước thu
hồi đất. Ông bị kết án 12 năm tù.
Luật sư Nguyễn
Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân năm 2007 bị kết án tù vì lên
tiếng cho tự do tôn giáo. Luật sư Lê Quốc Quân lãnh án tù 30 tháng vì
hoạt động "nhằm lật đổ chế độ". Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị
kết án tù 3 năm vì làm báo "chui" Tổ quốc và là thành viên
của Khối 8406, một tổ chức vận động cho dân chủ.
Năm 2012, "Điếu
Cày" Nguyễn Văn Hải, cựu bộ đội Quân đội Nhân dân Việt Nam, bị kết án 12
năm tù với tội "tuyên truyền chống nhà nước."
Năm 2014, "Anh
Ba Sàm" Nguyễn Hữu Vinh, sinh năm 1956, cựu sĩ quan an ninh, bị kết án 5
năm tù khi cho đăng trên Blog Anh Ba Sàm, có hàng vạn người vào đọc mỗi ngày,
những thông tin, bình luận từ quốc nội và quốc tế liên quan đến Việt Nam.
Từ năm 2000, những
người lên tiếng phản kháng chế độ gồm nhiều người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc
Việt Nam. Sau nhiều thập niên sống dưới chế độ cộng sản, họ cũng đã nhận ra những
bất công và sự thiếu tự do dân chủ trên quê hương.
Không chỉ những người
tranh đấu cho công bằng xã hội, cho dân oan mà nhà báo, nghệ sĩ cũng bị bắt
giam. Việt Khang Võ Minh Trí, 34 tuổi, bị kết án tù về tội danh
"Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo
Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 khi sáng tác các ca khúc kêu gọi nhà nước trả
lại cho dân những quyền tự do căn bản.
Ngày
14/12/2021, Phạm Đoan Trang, sinh năm 1978, nhà báo, người làm xuất bản
sách, cũng bị cáo buộc vi phạm Điều 88 vì "Làm ra, tàng trữ, lưu hành các
tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam" và bị kết án 9 năm tù. Bà là đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp
chí và tác giả của nhiều tác phẩm về xã hội và nhà tù ở Việt Nam.
Phạm Đoan Trang muốn
"khai dân trí" qua nhiều tác phẩm, điển hình như Chính trị bình
dân, Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù để người dân hiểu
được những quyền căn bản của mình.
Tiến sĩ Nguyễn Sơn Lộ - bút
danh Minh Đường, Giám đốc của viện nghiên cứu SENA - chủ trương "khai quan
trí" qua những tập sách nghiên cứu và đề nghị chính sách ông chỉ gửi đến
những ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Quốc hội. Năm 2023, ông bị bắt và kết
án 5 năm tù theo Điều 331 Bộ luật Hình sự: "Lợi dụng các quyền tự do dân
chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá
nhân."