Những phần trong ngoặc
kép là lời của nhân vật. Tất cả đều ẩn danh. Mọi liên tưởng chỉ là trùng lặp
tình cờ và không chính xác.
Trong những bài trước,
việc (1) chọn phe trong cuộc chiến ý thức hệ, (2) dùng chủ nghĩa
cộng sản làm nền tảng tư tưởng và (3) phân cực chính trị được
cho là có thể ảnh hưởng đến các chính sách hàn gắn dân tộc của Việt Nam. Bài viết
kỳ này tập trung vào các ý kiến xoay quanh di sản cuộc chiến ý thức hệ trong
các cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Quốc gia chống Cộng
Trong cuộc chiến tại Việt Nam, diễn ngôn của hai miền khá nhất quán về yếu tố "chống ngoại xâm".
Với miền Bắc, đây cuộc
chiến "chống Mỹ xâm lược". Với miền Nam, đây là cuộc chiến "chống
cộng xâm lược". Một bên "cõng rắn cắn gà nhà." Một bên "bán
rẻ đất nước cho quốc tế cộng sản".
Phần lớn người miền
Nam "không hề biết cộng sản mặt mũi thế nào." Tuy nhiên, chống cộng lại
trở thành một "tư tưởng bao trùm" thông qua những "chương trình
học tập chính trị sâu rộng và có hệ thống dưới chế độ Ngô Đình Diệm."
"Giáo dục thời
VNCH rất nhân bản, nhưng không hẳn là phi chính trị. Tôi nhớ trong sách học còn
có tranh minh họa 7 thằng Việt Cộng đu cành đu đủ không gãy." Cộng sản bị
miêu tả là "răng đen, mã tấu, dép râu." Họ đánh kiểu du kích, nấp ở
trong bưng biền, nên bị ví như "khỉ trên rừng," "thổ phỉ,"
"thoát ẩn thoắt hiện," "đánh bom khủng bố đồng bào."
"Họ vô thần, độc ác, thậm chí ăn thịt người". "Khi quân miền Bắc
đánh Sài Gòn, tôi nghe kể trẻ con hoảng hốt hỏi nhau liệu có phải mình sắp bị
ăn thịt không?"
"Ngược lại, anh
lính cộng hòa thì oai phong lẫm liệt, hào hoa phong nhã," "biết võ
thuật, biết nhảy đầm," "được những người em gái hậu phương ngưỡng mộ,
chung thủy, yêu thương."
Cách tuyên truyền
này không khác gì miền Bắc bị "tẩy não" rằng dân miền Nam đang
"rên xiết đói khổ dưới gót giày quân xâm lược." "Họ cần được giải
phóng."
Danh tính chống cộng
được bồi đắp bởi làn sóng người Bắc di cư năm 54 để "trốn cộng lần thứ nhất"
và làn sóng thuyền nhân sau 75 để "trốn cộng lần thứ hai."
"Những người miền
Nam hoảng hốt bỏ chạy vì quá khiếp hãi." Họ cho rằng cộng sản sẽ trả thù
kiểu "tắm máu" như "tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn."
(Nhân vật minh họa bằng
nghiên cứu của Nu-Anh Tran - Disunion: Anticommunist Nationalism and the
making of the Republic of Vietnam.)
Việt Nam Cộng hòa
không chỉ đơn giản là một nền cộng hòa. Cái tên chính xác của nó phải là
"Việt Nam Chống Cộng," bởi đó là "nền tảng danh tính của một
quốc gia." "Nó tồn tại, vì nó chống cộng."
"Cả hai miền đều
bị ảnh hưởng của tuyên truyền chính trị. Cho đến bây giờ, hệ sinh thái cộng sản
tại miền Nam vẫn bắt rễ kém hơn miền Bắc." Hàn gắn khó khăn vì "phân
cực chính trị được chủ động kiến tạo bởi một hệ thống, không phải tự nhiên
sinh ra bằng trải nghiệm."
Cộng đồng chống Cộng
"Ở hải ngoại,
những sĩ quan và công chức cũ trở thành lãnh đạo trong cộng đồng người tị nạn.
Họ truyền lại tư tưởng chống cộng cho những thế hệ tiếp theo."
Những thế hệ sau
cũng "không có trải nghiệm trực tiếp về cộng sản." Tuy nhiên, họ vẫn
"tiếp thu ký ức cộng đồng" và coi "chống cộng" là "một
danh tính, một đặc thù có tính bản sắc."
(Nhân vật minh họa bằng
nghiên cứu của Thien-Y Nguyen - Anticommunist Nationalism in the
Vietnamese Diaspora.)
"Tôi cũng muốn
tha thứ, muốn quên đi lắm chứ. Mà không nổi. Mỗi lần nhìn thấy cái cờ đỏ là tôi
phải ngồi xuống vì choáng váng."
"Tôi nhớ giọng
mẹ bảo: 'Con đừng quên tại sao mình phải trốn đến xứ này. Bà nội và các cô chú
của con đã bị chôn sống ngoài đồng. Họ cho trâu cày qua đầu. Thằng chăn bò xưa
nhà mình nuôi những ngày giáp hạt lúc đó là đội trưởng. Nó cầm cái que tre. Bồi
thêm mấy nhát. Vụt vào cái đống máu, tóc, óc người bầy nhầy…"
Năm 1977, "nhạc
sĩ Phạm Duy sáng tác một bài hát như sau:
Ta chống Cộng hay ta
trốn Cộng/ Đây là điều ta phải hỏi ta/ Ta đã thắng, khi ta vượt thoát/ Ra ngoài
cùng bao bạn đồng hương
Nuôi hận thù ta nhủ
người thương/ Ta phải về, chiếm lại quê hương
Ta chống Cộng, ta
không trốn Cộng."
Cộng đồng tị nạn hay
thế lực thù địch?
"Thời gian đã
khiến hận thù bớt đi nhiều. Đây không còn là một cộng đồng chống cộng như ngày
xưa nữa." "Không biết mấy ông lãnh đạo nói vậy vì quen miệng, hay mấy
ổng thực sự tin rằng bên này vẫn đang âm mưu lật đổ cộng sản Việt Nam?"
"Mấy chục năm
trước hồi ông Hoàng Cơ Minh thì có đó." Cuối những năm 90, "tôi đi vận
động hòa giải hòa hợp theo đường lối phi bạo lực. Nhưng tôi bị đâm mấy nhát vì
một số người cho rằng tôi đã thỏa hiệp với cộng sản."
"Nhưng giờ thì
tuyệt nhiên không. Chắc chắn là không."
"Dù trong nội bộ
có nhiều xu hướng khác nhau," "nhưng kể cả mấy người chống cộng cực
đoan nhứt họ cũng đã hiểu rằng cái rễ của chính quyền nó đã cứng cáp và lan rộng.
Lật đổ bây giờ chỉ là bứt lá bứt cành, chứ không chặt nổi cái cây đâu."
"Những người chống
cộng họ tuy còn 'thù', nhưng không phải 'địch' nữa."
Chụp mũ Cộng sản
Tuy nhiên,
"trong tâm thức của phần lớn thế hệ tị nạn thứ nhất vẫn là sự nghi ngờ."
"Họ không chống cộng, họ chỉ dè chừng thôi."
"Ở trong nước,
hơi một tí là bị chụp mũ 'ba que', 'cách mạng màu', 'diễn biến hòa bình'. Ở đây
cũng vậy." Hòa hợp dân tộc khó khăn vì chính những người đã "sẵn lòng
tha thứ lại sợ bị cộng đồng của họ cho là ăn phải bả cộng sản."
"Một lần tôi được
mời đi đón thủ tướng sang thăm. Vừa bước ra khỏi xe thì chạm mặt một rừng cờ
vàng và những tiếng hô: 'Đả đảo con Việt Cộng cái'. Tôi trở thành một 'con cái'
chứ không còn là con người. Tôi không biết nên khóc hay nên cười."
"Nếu họ biết
gia đình tôi là đại địa chủ đi theo Việt Minh, và sau khi Việt Minh đổi màu biến
thành cộng sản thì gia đình tôi đã tan nát ra sao. Liệu họ có còn chụp mũ cho
tôi là cộng sản?"
"Bạn tôi là đảng
viên, nhưng hay phê bình góp ý cho chính quyền lắm. Đến lúc định cư ở nước
ngoài còn bị công an mỉa là: 'Chúng tôi không thèm theo dõi anh đâu. Chính cộng
đồng bên ấy sẽ tìm ra con người thật của anh (đảng viên) và theo dõi
anh'."
"Có lần, tôi được
chấp nhận visa. Nhưng vừa xuống đến chân máy bay là một toán công an đã chờ sẵn,
có súng nữa, rồi tôi bị trả về khi còn chưa kịp ra khỏi sân bay. Tôi đã già yếu,
họ làm thế làm gì? Sao không từ chối visa ngay từ đầu để tôi khỏi lặn lội?"
"Tôi cũng không
biết nên vui hay buồn. Nếu tôi được phép về thường xuyên thì người trong cộng đồng
có thể nghi ngờ tôi là Việt Cộng nằm vùng. Nhưng nếu tôi bị chặn ở sân bay thì
họ càng hô hào là phải cảnh giác hơn nữa, vì cộng sản kìm kẹp tự do."
"Đằng nào cũng
chết." "Một số người còn oán hận lắm. Hòa hợp khó là do vậy."
Sự nghi ngờ đối với
chính quyền
Một luồng ý kiến nhỏ
cho rằng hòa hợp khó khăn vì "hận thù rất có thể chính là công cụ của
chính quyền."
Thứ nhất là
"chính quyền có lợi khi tồn tại một kẻ thù để đổ lỗi." "Nghe tới
câu 'những thế lực thù địch không ngừng chống phá' là biết đang nói đến ai rồi
đó."
Thứ hai, "kẻ
thù đó tồn tại để họ chứng tỏ vai trò và tính chính danh của mình là đang lãnh
đạo nhân dân 'đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác'."
Cuối cùng, "hận
thù có thể chia rẽ cộng đồng tị nạn." "Chính quyền chắc vẫn nghĩ đây
là chiến trường để đánh du kích, để rải Việt Cộng nằm vùng." "Miền Bắc
giỏi nghề gián điệp từ xưa, chui vô cả nội các ông Diệm."
Giờ thì "họ tạo
mâu thuẫn trong cộng đồng. Không cần biết ai thắng thua, chỉ cần mọi người cãi
lộn, nghi ngờ, sợ hãi, không nói thật lòng suy nghĩ là họ thành công rồi."
"Trên mạng cũng vậy, họ cứ xua dư luận viên vào chửi ào ào, lấy thịt đè
người, làm ô nhiễm không khí. Thế là ai cũng chán, không quay lại nữa."
"Tôi có thằng
em sang đây học, bố mẹ trong quân đội. Trước khi đi có mấy chú tới bảo 'cháu cứ
đi học thôi, rồi sau này hợp tác'."
Nhiều người tin rằng
chính quyền đang làm "văn hóa vận" bằng việc "đưa ca sĩ qua đây
hát hò, tài trợ tiền cho các hoạt động văn hóa, làm tâm lý chiến, thao túng, âm
mưu nhuộm đỏ và xâm chiếm một không gian văn hóa" mà họ đã "đổ máu và
mất mạng để gây dựng."
"Rồi họ tìm
cách đưa báo chí cộng sản qua đây. Mấy năm trước đài SBS của Úc bị cả chục ngàn
người biểu tình vì hợp tác phát sóng VTV4. Có hai người già tuyên bố sẵn sàng tự
thiêu ngay trước cổng đài nếu thỏa thuận này diễn ra. Thế là vụ đó phải
thôi."
"Mới 30/4 năm
nay thôi, trên diễn đàn người Việt có mấy đứa du học sinh cầm cờ đỏ chụp ảnh
kêu gọi 'Giải phóng Sydney'." "Rồi có con bé người Bắc bật nhạc 'Như
có Bác Hồ' thẳng vào mặt những người cờ vàng đang kỷ niệm Quốc hận."
"Cộng đồng đang
tranh cãi liệu đó là do thiếu hiểu biết, hay có bàn tay của chính quyền?"
"Nhưng dễ phản
tác dụng à nha." "Vì càng bị khiêu khích, họ lại càng đoàn kết hơn.
Giờ họ đang truy tìm xem mấy đứa đòi giải phóng Sydney là ai. Rồi báo cáo lên
an ninh cửa khẩu. Rồi tất cả chung tay ký đơn kiện cô kia."
"Chẳng ai, kể cả
những người có cảm tình với cộng sản, muốn sang đến đây rồi mà vẫn còn bị 'giải
phóng' cả."
Cộng đồng của nỗi
đau
Nếu ai đó nghi ngờ chính quyền dùng hận thù để chia rẽ cộng đồng, thì ở chiều ngược lại, nó cũng lại là "chất keo để kết nối cộng đồng." Không gì khiến người ta đoàn kết hơn khi có một "kẻ thù chung," "một nỗi đau chung".
"Điều này quan
trọng, nên phải nhắc lại." Với các nước khác, "hận thù chủ yếu là do
những gì xảy ra trong chiến tranh. Với Việt Nam, hận thù chủ yếu là do
chính sách sau chiến tranh."
Người ta oán hận
không hẳn vì cuộc chiến "nồi da xáo thịt đâu," mà còn bởi họ cho rằng
đã bị "trả thù" thời hậu chiến. Chính vì thế, "quá trình hòa giải
phải bắt đầu lại, vì đó là một cuộc chiến hoàn toàn mới."
Chính quyền không thể
chiếm được lòng tin của người Việt tị nạn nếu "họ không hiểu đây là một cộng
đồng được kết nối bởi nỗi đau."
"Hãy tưởng tượng
một thiếu nam 18 tuổi, non nớt đến mức xa nhà còn nhớ ba nhớ má. Rồi được đưa
cho một khẩu súng để giết người. Rồi bị thương. Hết chiến tranh thì đi tù. Đi
tù về thì không ai nhận làm, không ai trợ giúp, sống lay lắt. Vượt biên vài lần
đến khi gia sản khánh kiệt. Sống sót khi vợ con cha mẹ đã chết mất xác trên biển.
Tiếp đến là bao năm chờ trong trại tị nạn. Tới quê hương mới chỉ với bộ quần áo
trên người. Từ một chàng sĩ quan đẹp trai trở thành một kẻ làm đủ nghề hèn mạt
để kiếm sống. Bị kỳ thị. Bị xa lánh. Họ trở thành một người đàn ông xế chiều với
cơ thể và tâm hồn đầy vết sẹo. Cả cuộc đời chỉ toàn là những ký ức buồn đau, ký
ức chống cộng."
Đó là một thế hệ mà
danh tính được xây bằng "nỗi đau và sự oán hận." "Nếu bị lấy đi
mà không có gì bù đắp lại, họ sẽ trống rỗng, không còn biết mình là
ai."
Nghị quyết 36
Tuy nhiên, tinh thần
hòa hợp của nghị quyết đang rất bị nghi ngờ.
"Tôi phải nói
thật, cô (chỉ tác giả) mà không có em tôi giới thiệu thì tôi sẽ không gặp đâu. Ở
bên này, ai nhắc đến 'hòa hợp' thì kẻ đó là cánh tay nối dài của cộng sản."
"Cứ mỗi năm
chính quyền lại mời một số Việt Kiều về thăm quê. Họ nói mấy câu xúc động, rồi
báo chí trong nước tung hô 'khúc ruột ngàn dặm'. Nhưng họ không đại diện cho cộng
đồng."
"Muốn biết
chính quyền đã hòa hợp với người tị nạn chưa thì phải làm ngược lại. Tức là mấy
ông cán bộ to phải đi thăm cộng đồng bên này. Chứ như bây giờ, sang tới nơi là
chui ngay vô sứ quán, tổ chức cái gì cũng ở trong bốn bức tường… thì tức là
chưa thu phục được lòng dân rồi."
"Tôi là chủ tịch
hội người Việt ở đây. Vậy mà bao nhiêu năm chưa có một ông bà đại sứ nào muốn gặp."
"Tất nhiên là vẫn còn người chống cộng. Nhưng nếu trên tư cách một 'kẻ bắc
cầu' mà những vị đại sứ đó cũng không muốn lắng nghe tìm hiểu, thì làm sao họ
hòa giải được với đồng bào mình?"
Làm sao để hòa giải
với cờ vàng?
Hiểu ý nghĩa 'chính trị' của cờ vàng
"Nhiều người ở
Việt Nam không biết một điều cơ bản rằng, cờ vàng không còn là lá cờ của một
'chế độ đã chết' hay một 'quá khứ cần níu kéo'."
"Khi những thuyền
nhân vượt biển trốn chạy cộng sản, lá cờ đó đã rũ bỏ quá khứ, tái sinh và trở
thành biểu tượng của tự do. Tên chính thức của họ là 'Cộng đồng người Việt
Tự do' (khỏi bàn tay cộng sản)."
"Năm mươi năm
qua, lá cờ ấy đã lột xác và có sức mạnh chính trị." Người Việt tị nạn
ngày càng nắm nhiều "chức vụ quan trọng" tại quê hương mới. Các chính
trị gia cả gốc Việt lẫn bản xứ "tranh cử bằng cờ vàng." Diễn ngôn của
họ phải phù hợp nếu họ muốn có "phiếu bầu từ hàng triệu người Việt."
Những chính trị gia
đó "nói tiếng nói của cộng đồng tị nạn trong chính phủ. Họ cũng sẽ là người
đối thoại với chính quyền Việt Nam."
Với Thái Lan, Ấn Độ,
Hàn Quốc, sức mạnh chính trị của cộng đồng hải ngoại là "chiến lược của
chính quyền" để "thúc đẩy hợp tác song phương, vận động chính sách,
thậm chí gây áp lực cho nước sở tại để tối đa lợi ích cho quê hương."
Trung Quốc thậm chí "thao túng chính trường" của phương Tây thông qua
"Chiến Tuyến Thống Nhất" (United Front Work).
"Việt Nam mình
thiệt thòi vô cùng. Mình không có 'con ngựa thành Troy'." "Trong giới
elite (tinh hoa), chính quyền chưa thuyết phục được những người Việt thành đạt.
Trong giới thường dân thì còn tệ hơn. Sự hận thù cờ đỏ-cờ vàng khiến chính quyền
đôi khi bị coi như thủ phạm chia rẽ thay vì yếu tố hàn gắn dân tộc."
Hiểu ý nghĩa 'di sản'
của cờ vàng
Nó cũng giống như
"cái nón lá, áo dài, cành mai hay cành đào ngày Tết vậy." Nó xuất hiện
ở khắp nơi, "từ phòng ngủ đến nhà thờ, từ trường học đến sạp hàng, từ ngày
sinh nhật đến rằm tháng tám." "Áo dài và khăn choàng cờ vàng là hình ảnh
thường thấy ở các buổi lễ tốt nghiệp. Nhiều nơi có luôn trong sách học ở trường."
"Khác với các
hình thái di dân khác, người Việt được xếp vào nhóm 'victim diaspora'. Họ không
rời bỏ quê hương một cách tự nguyện, mà là bất đắc dĩ phải trốn chạy với tư
cách nạn nhân." Chữ "hải ngoại" tuy trung tính, nhưng không
chính xác. Nếu chính quyền không "công nhận," không "chia sẻ cái
gốc đau thương của chữ 'tị nạn' thì không bao giờ thuyết phục họ được."
"Họ mất hết. Thứ
duy nhất còn lại là lá cờ."
"Nhiều quốc gia
đã công nhận đó là lá cờ di sản, chính thức đại diện cho cộng đồng người
Việt tị nạn."
"Thế nên cờ
vàng chính là biểu tượng quê hương." "Ngày 30/4 là ngày giỗ quê
hương, như giỗ cha giỗ mẹ vậy."
Hiểu sức mạnh 'văn
hóa' của cờ vàng
Trong mắt người bản
xứ, "cờ vàng gắn liền với ẩm thực, trí tuệ và sự bất khuất của tinh thần
Việt Nam." "Dù cuộc di dân này đau thương, nhưng nó lại đặt Việt Nam
lên bản đồ văn hóa thế giới."
Người ta nhắc đến thuyền nhân như những kẻ bị "dồn đến kiệt cùng của bi thương, đến quê hương mới với chỉ một manh áo và những thương tổn tinh thần thảm khốc." Họ khâm phục "những ông bố bà mẹ ở Việt Nam thì sống quý tộc, nhưng sang đây sẵn sàng đi cọ rửa bồn cầu để con cái được đổi đời." "Chỉ trong hai thế hệ, người Việt đã quật cường vươn lên, gần đuổi kịp những cộng đồng Á châu khác."
Người ta biết đến những
"món ăn đường phố số 1 thế giới." Người ta khâm phục "cách người
Việt kiếm ăn, khởi đầu từ những bộ đồ nghề ít vốn, không cần nói tiếng bản địa,
và biến nghề làm móng trở thành đế chế kinh tế doanh nhiều tỷ đô la."
Vì những ấn tượng với
cộng đồng tị nạn, người ta bắt đầu "tò mò về Việt Nam," "trở
thành khách du lịch," "nhà đầu tư," "đối tác" trong
kinh tế, khoa học, nghệ thuật. Các chính trị gia "thúc đẩy ngoại
giao" với Việt Nam.
Họ yêu quý Việt Nam
không phải vì "ta đánh Mỹ giỏi," mà khởi nguồn từ "sự dẻo dai,
nhẫn nại, khiêm cung" của một cộng đồng tuy phải "trốn chạy khỏi quê
hương," nhưng vẫn "chở nặng trên vai một chữ Việt."
Tôn trọng cờ vàng như một biểu tượng để đối thoại
Thậm chí, "theo
nguyên tắc tâm lý, càng chửi người ta càng bật chế độ phản vệ, càng gắn bó với
nó chặt hơn, khiến nó càng sống bền bỉ hơn."
"Để hòa hợp thì
trước tiên chính quyền phải công nhận sự tồn tại, ngừng sỉ nhục, và đối thoại
tôn trọng với lá cờ đó." "Chừng nào còn có sự chà đạp thì hận thù chỉ
càng sâu sắc thêm."
"Nó không còn
là 'lá cờ của ngụy' như ở nhà mình vẫn hiểu nữa đâu. Nó đã hóa thân thành một
cái tên riêng với ý nghĩa mới từ lâu rồi. Mình có ghét ai đến đâu cũng
không thay đổi được cái tên riêng của họ. Mình buộc phải gọi tên họ nếu muốn
trò chuyện với họ."
(Trong một buổi phỏng
vấn, nhân vật hỏi tác giả: "Cô đã tự thú nhận mình là con một gia đình cộng
sản. Giờ tôi hỏi cô, nếu cô muốn hòa hợp, thì cô sẽ ứng xử ra sao nếu có người
đặt vào tay cô lá cờ vàng? Cô có tránh như tránh tà, giống mấy người ca sĩ và
quan chức Việt Nam không?"
Tôi trả lời: "Nếu
ai đó đặt vào tay tôi lá cờ vàng, tôi thực lòng không thể giơ nó phất lên cao.
Bởi nó không gắn bó với trải nghiệm quê hương của tôi."
"Nhưng tôi sẽ nâng nó
lên bằng cả hai tay."
"Tôi sẽ nói rằng:
'Lá cờ này đại diện cho một trang sử đau thương của người Việt chúng
mình'."
"Bỏ ra ngoài yếu
tố chính trị, nó tiếp nối sắc cờ hoàng gia, từ thời Hai Bà Trưng 'Đầu voi phất
ngọn cờ vàng' đánh đuổi giặc phương Bắc. Nó được chiết xuất từ quẻ Ly của
Kinh Dịch, ứng với trục Bắc Nam một nhà. Nó có ba vạch đỏ tượng trưng cho người
dân ba miền. 74 nghĩa sĩ cộng hòa đã tử thủ bảo vệ Hoàng Sa dưới sắc cờ
này."
"Nó là biểu tượng
quê hương của cộng đồng người Việt tị nạn. Nếu ta cùng nguồn cội, làm sao có thể
không thể trân trọng phần máu đỏ da vàng của lá cờ này?")
Sự thành tâm là quan trọng nhất
Từ khóa "thành
tâm" liên tục được nhắc lại. "Không có sự thành tâm thì chính quyền
càng kêu gọi, người ta càng phẫn nộ." Câu nói của Nguyễn Văn Thiệu thường
xuyên xuất hiện trong các buổi phỏng vấn: "Đừng nghe những gì cộng sản
nói, hãy xem những gì cộng sản làm," thể hiện sự hoài nghi, kể cả từ những
nhân vật trong nước.
Vậy sự thành tâm ấy
được mong đợi qua những điều gì?
Đừng nôn nóng, đốt
cháy giai đoạn
"Điều hay của
cái nghị quyết 36 này là Việt kiều không còn là bọn phản động nữa. Nhưng điều dở
là cái giọng điệu quẹo lái, quay xe nhanh quá, khiến người ta không có
tin."
"Vừa mới hôm
qua còn là lũ 'Việt gian bán nước', hôm nay đã trở thành 'Việt kiều yêu nước'.
Giữa hai cái vế đó
tôi chưa thấy bước đệm nào khiến mình bị thuyết phục. Đáng lẽ phải có những
cái gạch ngang, như ghi nhận nỗi đau của chúng tôi, lắng nghe nỗi oan khuất của
chúng tôi, rồi chỗ nào cần thì xin lỗi."
"Phía này cũng
thế, có sự thành tâm thì chúng tôi cũng sẵn sàng ngồi nghe." "Rồi
khúc nào mình cực đoan quá thì mình xin lỗi." "Dần dần hiểu nhau hơn.
Cuối cùng là thôi mình xí xóa, bắt tay làm lại. Sau cái đoạn ấy rồi thì gọi
nhau là 'Việt kiều yêu nước' hay 'Khúc ruột ngàn dặm' người ta mới tin."
"Giữa hai con
người bình thường thì cái quá trình nó là như vậy. Giữa chính quyền và cộng đồng
hải ngoại cũng phải như vậy thì người ta mới tin."
"Chớ bây giờ gọi
nhau là khúc ruột nọ kia, chắc chỉ là vì coi chúng tôi là 'nguồn lực', kiều hối,
chất xám và đầu tư gì đó. Mấy nhà lý luận trong nước cũng nói phải công nhận
tính chính danh của Việt Nam Cộng hòa để đòi lại Hoàng Sa [Sự tiếp nối chủ quyền
Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạp chí Lý Luận Chính
Trị, ngày 21/12/2015]. Tức là nếu không vì những lợi ích đó thì chúng tôi lại
thành mẩu ruột 'thừa' ngay."
"Sai lầm của những
người tuyên truyền cho hòa hợp dân tộc là họ bỏ quên khâu 'hòa giải'."
Chưa "ghi nhận quá khứ" đã đòi "khép lại quá khứ."
Chưa "xóa bỏ hận thù" đã đòi "chung sống hòa thuận."
Đừng bắt nạn nhân phải
quên đi nỗi đau để hòa hợp dân tộc
"Có lần tôi được
hỏi ý kiến về một tờ rơi có vẽ cờ đỏ và cờ vàng hòa quyện vào nhau. Tôi thấy
mình bị xúc phạm."
"Với tôi, lá cờ
đỏ là nguồn cơn của những oan khuất thấu trời mà gia đình tôi phải chịu. Nó
không thể tự dưng đứng cạnh lá cờ tự do của cộng đồng tị nạn." "Giống
như để ảnh ba mẹ mình cạnh ảnh của kẻ sát nhân từng giết họ vậy."
"Sau 75 là một cuộc chiến mới." "Kẻ bị hại vẫn còn mang đầy thương tích của cải tạo, lý lịch, đánh tư sản, thuyền nhân…" "Họ có đầy đủ lý do để gọi đó là ngày Quốc hận."
"Nói đến hòa hợp bây giờ tức là yêu cầu nạn nhân phải bắt tay kẻ bức hại mình. Mà không hề có giải thích, chia sẻ, cảm thông, xin lỗi gì hết trơn hết trọi." "Chỉ người không phải chịu đau mới suy nghĩ ích kỷ và vô tâm như thế."
"Hôm đó tại hội
thảo có một tiến sĩ người Việt chia sẻ nghiên cứu về hòa hợp dân tộc. Nửa chừng
thì bị mọi người phản đối gay gắt. Họ nói 'chị là người ngoài, chị không hiểu
được nỗi đau của chúng tôi. Bố mẹ chị không bị giết, chị không phải lưu vong khốn
khổ nên chị mới nói đến cái từ hòa hợp một cách trơn tuột như vậy."
"Nếu bạn chỉ muốn
nạn nhân - kẻ từng bị bạn đánh cho bầm dập, phải im đi đừng có than khóc nữa để
bắt tay hợp tác… thì đó không phải là hòa hợp. Đó là một thương vụ làm ăn. Việt
kiều có thể làm ăn đấy, nhưng trong lòng họ không có phục."
"Chuyện này
hài, nhưng minh họa tốt. Ông chồng về nhà, uống xong miếng nước thì thấy vợ
đánh con ghê quá. Kêu thôi em đừng đánh nó nữa tội nghiệp. Cái bả kêu: 'Nước
anh vừa uống là nó đái vô đó'. Ông chồng xắn tay áo: 'Em mệt rồi, đưa roi đây
anh đánh tiếp'."
Thế nên "việc họ
có chống cộng một cách cực đoan hay không, thì chỉ những nạn nhân cũng từng trải
qua đau thương như họ mới nên tự vấn. Kẻ ngoài cuộc vô can như chúng ta mà phán
xét thì hơi thiếu công bằng."
"Tôi nói thật,
tôi cũng nhà cộng sản đây. Nhưng nếu tôi phải chứng kiến con gái mình bị hiếp,
rồi bị xẻo vú và bộ phận sinh dục trước khi xác bị quăng xuống biển, thì tôi thề,
kiếp nào được làm người là tôi sẽ chống cộng."
Hạn chế hận thù trên
mạng
"Cứ lên các
trang facebook thân chính quyền sẽ thấy dư luận viên dùng ngôn từ rất mất dạy."
"Đám 'hồng vệ binh' đó là quân của chính quyền, nghe lệnh chính quyền để
chửi bới."
"Nó rất khác với
bên hải ngoại không hề có chính quyền tập trung mà chỉ là cá nhân và hội
nhóm."
"Vấn đề là những
người ở hải ngoại chỉ giao tiếp với quê hương qua không gian mạng. Mà không
gian mạng thì quá độc hại. Nên họ có thể lầm tưởng không gian mạng chính
là toàn bộ sự thật." "Tức là ở Việt Nam ai cũng thù ghét cờ vàng như
vậy."
"Rồi cũng có một
hiểu lầm là cái đám 'bò đỏ - ba sọc' xỉ vả nhau trên mạng là cuộc chiến giữa
'trong nước - hải ngoại'. Không hẳn."
"Người hải ngoại
có chửi cũng ít khi hung hăng. Bởi mấy người còn chửi được bằng tiếng Việt họ
già hết rồi. Đám trẻ sinh ra ở đây nó có nói tiếng Việt mấy đâu. Nó cũng chẳng
quan tâm đến chính trị ở Việt Nam. Chửi cộng sản trên mạng hăng nhất bây giờ
chính là đám trẻ sinh ra ở xứ cộng sản."
"Sự thành tâm
được thể hiện mạnh nhất ở những hành động cụ thể." "Hành động có hiệu
quả nhất của chính quyền bây giờ là giảm thiểu tối đa cơn cuồng rủa xả của đám
dư luận viên."
Chính quyền nên chủ động với thái độ hòa nhã
"Cộng đồng hải
ngoại cũng không đủ tính chính danh để có thể cử người đại diện ra
đàm phán với chính quyền." Vì không phải là một thực thể thống nhất, nên vị
thế không có tính "song phương," quyền lực không có tính "cân đối."
Thế nên chính quyền
phải luôn "đi trước một hai bước." Đừng đòi hỏi kiểu "trao đổi
mua bán": "Tôi làm cái này thì các bạn phải làm cái kia."
"Tại sao tôi làm cái này rồi mà các bạn vẫn làm cái kia?" "Giải
pháp duy nhất là thực tâm, lời nói đi đôi với hành động. Dùng sự chân thành để
cảm hóa."
"Nếu được nữa
thì nên chú ý cái thái độ. Nhiều cán bộ vẫn còn kiêu ngạo cộng sản. Dù làm đúng
nhưng thái độ thiếu tế nhị, kẻ cả, ban ơn, trịch thượng kiểu bề trên, thành ra
rất phản cảm."
"Ông bạn tôi là
đại tá công an. Trong họ có đứa em làm cho NASA. Ổng muốn lấy cảm tình của nó.
Mọi chuyện rất ổn cho đến khi nó về nước, ổng giao cho một sĩ quan dưới cấp mời
nó tới cơ quan để thuyết phục. Nó giận ổng cả chục năm. Vợ ổng chửi
quá trời."
"Hồi nẳm có cái
video ông thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đưa Việt kiều đi thăm nghĩa trang Biên
Hòa. Hành động thì rất tốt. Ông Sơn cũng là một người thành tâm."
"Nhưng tôi
không kìm được cảm giác khó chịu khi ổng cứ liên tục la mắng thẳng vô mặt những
Việt kiều xung quanh là 'các ông chỉ biết ăn tục nói phét, vô đạo đức, bỏ quên
đồng đội, thiếu trách nhiệm với Tổ quốc, các ông phải biết xấu hổ với lương tâm
chứ, sao không về xây mộ cho những người đã khuất?"
"Ông Sơn nói vậy
người ta hiểu sai nữa. Cái nghĩa trang đó mãi tới tận năm 2006 mới được phi
quân sự. Trước đó, việc thăm viếng, tu sửa là vô cùng khó khăn. Đến tận
bây giờ vẫn khó khăn. Chỉ đào rãnh thoát nước với cắt rễ cây để mộ khỏi sụt lún
thôi cũng là cả một vấn đề. Nếu 'nghĩa tử là nghĩa tận' trở thành chính sách của
nhà nước ngay từ sau 75 thì đã không có cảnh hoang tàn như thế này."
"Nhìn tổng thể,
tôi cho rằng chính quyền đang đi chậm, nhưng đúng hướng. Việc quan trọng nhất họ
đã làm là xóa bỏ kinh tế tập trung, coi tư nhân là đầu tàu, mở rộng bang giao,
thay đổi cách gọi cộng đồng tị nạn, xây dựng kết nối dựa trên tình yêu quê
hương chứ không phải lý tưởng chính trị… Có thể nói họ đang ít cộng sản dần
đi."
"Chính sự chuyển
biến này đã khiến cộng đồng hải ngoại thay đổi. Họ cũng chống cộng ít dần
đi. Khi lượng chuyển hóa đủ thì chất thay đổi."
Chống cộng hay chống độc tài?
"Nếu bạn để ý,
tụi trẻ bây giờ ít chống cộng lắm. Nếu quan tâm đến chính trị là chúng nó chống
độc tài, chống toàn trị cơ." "Với chúng nó, Trump đích thị là một tên
độc tài."
"Chúng nó ủng hộ
cánh tả, đấu tranh cho tị nạn, cho quyền của thổ dân, cho Palestine, cho nữ quyền,
cho LGBT."
"Tôi từng là giảng
viên dạy Mác-Lê ở Việt Nam, sang thăm con thì thấy nó đang biểu tình cho Gaza
cùng một nhóm gọi là 'Những người Marxist trẻ'. Gặp tôi, chúng nó tranh nhau dạy
lại tôi (!) về chủ nghĩa Mác: 'Thưa bác, người ta vẫn có thể là một người
Marxist chân chính nhưng đấu tranh cho một xã hội dân chủ'."
"Những bạn trẻ
này không gắn bó với Việt Nam bằng tình yêu quê hương đất nước mà là một hệ
giá trị dân chủ và nhân văn. Thậm chí khái niệm 'cộng sản' không còn dơ bẩn mà
lại là một danh tính họ chủ động lựa chọn." "Những đảng phái có yếu tố
cộng sản là một diễn đàn đối lập quan trọng để họ bảo vệ quyền lợi của
mình."
"Để chiếm được
lòng tin của những thế hệ công dân toàn cầu này, nguồn cội thôi chưa đủ, cắt
cái đuôi XHCN cũng không cần."
"Đó phải là tư
duy và hành động để thuyết phục họ rằng: danh xưng 'cộng sản' thực sự đẹp như
đúng như lý tưởng nội hàm của nó."
TS _ Nguyễn
Phương Mai
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.