Thursday, August 31, 2017

Tiếng vọng từ nông thôn nước Mỹ

image

Mặc cho những bất ổn chính trị bao trùm Washington, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn được những người theo ông ủng hộ nồng nhiệt, đặc biệt là những người da trắng vùng nông thôn nước Mỹ.

image

Họ là những người bị lãng quên sau những gì mà ông Trump đã hứa hẹn rất nhiều. Họ là những người cảm thấy rằng các chính quyền tiền nhiệm đã quá tập trung vào những nhóm người mang danh là tầng lớp tinh hoa ở thành thị và duyên hải.

image

Các phóng viên đài VOA mới đây đã đi tới các địa hạt vùng nông thôn dọc thượng lưu sông Mississippi, những nơi đã chuyển từ “xanh” sang “đỏ” – từ ủng hộ ông Barack Obama của đảng Dân chủ, chuyển qua ủng hộ ông Donald Trump của đảng Cộng hòa năm 2016.

image

Các phóng viên trò chuyện với các nông dân, thợ thuyền, công nhân và những người hưu trí tại các cộng đồng phần lớn là tầng lớp trung lưu lao động da trắng Kitô giáo, những người mong muốn thay đổi, và những người đã quá chán chường chuyện đó. Đây là những câu chuyện của họ:

image

Hầu hết các vụ xả súng ở Hoa Kỳ trong những năm gần đây đều do người da trắng bản địa ra tay. Nhưng các cuộc tấn công thực hiện dưới danh nghĩa Hồi giáo cực đoan được chú ý nhiều hơn, và những cam kết lặp đi lặp lại của Tổng thống Donald Trump trong việc đối phó với mối đe dọa này gây tiếng vang sâu rộng với các ủng hộ viên của ông, thậm chí tận các vùng nông thôn như Boscobel, Wisconsin.

TRANSCRIPT:

Giờ mọi chuyện đã khác so với khi tôi còn nhỏ. Hồi bé, tôi có thể chạy sang chơi bóng ở nhà hàng xóm, mà không phải suy nghĩ gì. Chúng tôi không hề nói hay nghĩ về khủng bố.

Nhưng giờ nó tràn lan, ngay cả ở Mỹ. Tôi tin là ISIS nay đã lan tới Mỹ. Chúng ta không biết chúng trông như nào và đang ở đâu mà thôi. Chúng có thể bỗng dưng xuất hiện ở các bệnh viện hoặc quán rượu như từng thấy ở Florida hay ở California. Tôi ghét nói tới chuyện đó, nhưng đó là điều đang xảy ra đối với chúng ta hiện nay. Giờ đã khác. Hiện luôn có lo ngại về chuyện đánh bom ở trường học hay tại bệnh viện. Đáng lẽ ta không cần phải bận tâm về chuyện đó.

Dù mọi người vẫn chào đón người nước ngoài tới Mỹ, vì đây là quốc gia tuyệt vời nhất thế giới, nhưng hiện có tư tưởng lo ngại. Chúng ta phải thanh lọc những người này, xem họ là ai, họ đến từ đâu và động cơ của họ là gì. Đây là một sự khác biệt so với 20, hay thậm chí 30 năm trước.

Phải thận trọng hơn đôi chút về xuất nhập cảnh. Phần đông mọi người không phải tới đây để giết tôi, gia đình tôi hay người Mỹ. Nhưng vẫn có “con sâu làm rầu nồi canh”. Cần có thêm các luật lệ chặt chẽ hơn, chứ không phải chỉ củng cố những cái đã có.

Todd Schmitz, Tài xế xe tải
Boscobel, Wisconsin

***



Hơn nửa thế kỷ nay, các nỗ lực duy trì những quy định trong Hiến pháp tách rời giáo hội và nhà nước đã bị một số người xem là một sự tấn công vào các giá trị của Cơ đốc giáo, từ việc cấm các buổi cầu nguyện do trường bảo trợ vào những năm 1960 cho tới những nỗ lực gần đây nhắm hạn chế kỳ thị dựa trên nguồn gốc tôn giáo. Tại Hạt Jo Daviess, bang Illinois, nơi đa số dân theo Cơ đốc giáo, người ta vẫn cảm thấy tôn giáo đang bị kèm cặp.

TRANSCRIPT:

Tôi đi nhà thờ ít nhất một lần mỗi tuần. Vợ chồng đã nuôi dạy con cái lớn lên từ chính nhà thờ này.
Phần lớn mọi người ở đất nước này tin vào chúa và mặc định là như vậy, có một số thì không, nhưng họ không nên áp đặt quan điểm của họ lên người khác và nói rằng người khác sai hay “đó không phải là cách sống. Đây mới là cách sống.”

Bạn không còn được phép nói những câu như Giáng sinh vui vẻ nữa vì bạn đang áp đặt giá trị của bạn lên người khác, không, tôi không hề. Tôi chỉ muốn gửi một lời chúc nhiệt thành và từ tấm lòng tôi tới bạn thôi.

Chúng tôi cầu nguyện rất nhiều cho tự do tôn giáo. Trong 8 năm trở lại đây, chúng tôi cảm thấy tôn giáo ở Mỹ đang bị tấn công. Luật chăm sóc sức khỏe mới thời ông Obama chẳng hạn, ép buộc các tôn giáo phải làm những thứ và trả tiền cho những điều mà họ không tin và trái với niềm tin của họ. Như vậy là không đúng. Bạn không nên xâm phạm bất kỳ tín ngưỡng nào.

Nước Mỹ được thành lập dựa trên các nguyên tắc và giá trị của Do thái giáo – Cơ đốc giáo và chúng ta không thể đánh mất chúng. Dường như khi bạn nhìn thấy một nước Mỹ đang đi lạc ra khỏi những tôn giáo và sự tự do mà tổ tiên của chúng ta đã tới đây và đấu tranh để có thì bạn có thể thấy mọi thứ ở đất nước này đang đi chệch hướng.


Vickie Middendorf, Y tá
Menominee, Illinois

***


Lịch sử Hoa Kỳ là quá trình đô thị hóa: khi mới thành lập, chỉ có một phần trăm dân Mỹ sống ở thành thị. Một thế kỷ trước, một nửa dân số là cư dân thành thị. Ngày nay, tỷ lệ này là 80 phần trăm. Cái nhìn lý tưởng hóa về một cuộc sống ở nông thôn hay thị trấn nhỏ vẫn còn lưu lại trong trí tưởng tượng hơn là trên thực tế.

TRANSCRIPT:

Tôi đã sống ở thị trấn này từ lúc 9 tuổi. Những năm 60 và cuối những năm 70, có những tiệm quần áo, tiệm giày, một cửa hàng Coast to Coast, các cửa hàng đồ kim khí, một tiệm cắt tóc, hay các nhà hàng. Cảm giác giống như đang đi bộ ở trung tâm thành phố Chicago vậy.

Khi Cao đẳng Shimer đóng cửa, các doanh nghiệp điêu đứng. Tiệm này đây, tôi từng đến đây khi còn nhỏ. Cha mẹ tôi dẫn tôi đến đây để cắt tóc. Và khi bạn bước qua cánh cửa này thì thường có 10, 13 người ngồi trên ghế đợi cắt tóc, và tất cả đều nói về chuyện xảy ra trong ngày.

Giờ những cửa hàng này đóng cửa và người ta đã rời đi. Tôi cảm thấy rất buồn. Rất buồn là tất cả các nơi đã dẹp tiệm và các tòa nhà trống rỗng. Ở đây giờ giống như thị trấn ma vậy.

Không còn nhiều thứ ở đây. Nhưng tôi vẫn thích nó. Tôi thích những thị trấn nhỏ. Tôi sẽ ở đây đến khi qua đời.


Roger Brashaw, Công nhân đã nghỉ hưu
Mount Carroll, Illinois

***


Kể từ khi tranh cử chức Tổng thống, ông Donald Trump coi di dân tương tự như tội phạm. Khi nhắc tới người Mỹ gốc Phi, ông thường nhanh chóng chuyển sang thảo luận về tội phạm. Dù có bằng chứng cho thấy những sự liên kết đó gây ra hiểu nhầm, nhưng có thể bắt gặp lối tư duy của ông Trump ở Tampico, Illinois, nơi 99,74% cư dân là người da trắng.

TRANSCRIPT:

Tampico, Illinois là quê hương của Tổng thống Ronald Reagan. Tôi không đồng ý 100% với tất cả những việc ông ấy làm. Nhưng ở đây chúng tôi tự hào về Ronald Reagan.

Tôi năm nay 58 tuổi. Tôi chưa bao giờ thấy đất nước bị chia rẽ như thế này trong ba năm qua. Mọi người sử dụng “lá bài” sắc tộc đối với nhau. Tất cả chúng ta đều là người Mỹ. Nếu mọi người cùng tuân thủ luật lệ, chúng ta không phải chứng kiến điều này.

Đúng vậy, tất cả chúng tôi đều quan ngại, nhưng tôi sẽ không đối xử khác với bạn nếu bạn là người Mỹ gốc Mễ, người Mỹ gốc Phi. Mọi người đều là người Mỹ. Nếu bạn là một công dân Hoa Kỳ, thì chuyện bạn thuộc chủng tộc gì không quan trọng. Thật vậy, điều đó không quan trọng. Miễn là bạn tôn trọng tôi thì tôi sẽ đáp lại cũng với sự tôn trọng. Nếu bạn đi cướp một ai đó, thì bạn không tôn trọng họ, đúng không? Nếu bạn bắn ai đó, bạn cũng không tôn trọng họ. Đúng không? Vậy tôi có phải tôn trọng người đã cướp tôi không? Không.

Cảnh sát của chúng ta, luật lệ của chúng ta đang bị tấn công. Nếu chúng ta không tuân thủ luật lệ và không tôn trọng những người thi hành luật pháp, tôi đoán đó là vì chúng ta không tôn trọng pháp luật.

Đây là cuộc chiến sắc tộc phải không? Điều này đang trở thành một cuộc chiến sắc tộc. Chúng ta có thể thay đổi cuộc chiến này không? Có thể làm được không? Tất cả những gì chúng ta có thể làm là hy vọng và cầu nguyện.


Bonnie Anderson, Chủ quán bar
Tampico, Illinois

***


Với những hứa hẹn táo bạo khi tranh cử, ông Trump đã khiến nhiều người ngưỡng mộ - từ việc xây tường biên giới, cải thiện các thỏa thuận thương mại, đến chuyện ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.’ Nhưng một số người cho rằng các khẩu hiệu khoa trương không được thực hiện tốt khi xuất phát từ một nguyên thủ.

TRANSCRIPT:

Tôi thực ra đã làm nghề nông từ năm 12 tuổi. Đó ít nhiều là một nông trại gia đình, suốt ba thế hệ rồi. Chúng tôi trồng ngô và đậu nành.

Trung Quốc là thị trường lớn đối với đậu nành của chúng tôi. [Ông Trump] bắt đầu áp thuế nhiều thứ khác và các nước sẽ trả đũa. Họ sẽ làm điều tương tự.

Tôi nghĩ rằng nên tìm cách kiểm soát [di dân], nhưng việc xây tường ngăn hay những thứ đại loại vậy thật nực cười. Mexico mua rất nhiều thứ từ Hoa Kỳ, nhất là ngũ cốc và ngô. Và những gì người ta sẽ thực hiện sẽ khiến Mexico tức giận và họ sẽ mua nông phẩm từ nước khác.

Chúng ta phải nhận ra một điều rằng nước Mỹ không phải bên bán hàng duy nhất. Những quốc gia này có thể giao thương với các nước khác.

Ồ, chắc chắn là tôi lo ngại. Ý tôi là, nếu Tổng thống Trump thôi viết lách trên Twitter và bắt đầu xử lý những chuyện ở đây, chúng ta có thể giải quyết nhiều việc. Nhưng nếu ông ấy vẫn nói văng mạng về các nước khác, thật khó nói trước chuyện gì sẽ xảy ra.


Dean Verbeck, Nông dân
Annawan, Illinois

***


Có sự gia tăng các trang tin tức giả mạo trong năm vừa qua - các tin giật gân, không có dữ liệu xác thực đôi khi được châm ngòi bởi chính trị, hay bởi lợi ích tài chính. Cụm từ "tin tức giả mạo" đã được Tổng thống Trump dùng để miêu tả giới truyền thông chính thống, đặc biệt là những kênh tin tức ông cho là bất công với ông, và dường như tình trạng này đang diễn ra ngay cả ở thị trấn nhỏ Mount Carroll thuộc Illinois.

TRANSCRIPT:

Tôi là một nhà xuất bản, chủ báo và cũng là tổng biên tập của một tuần báo tỉnh lẻ – một tỉnh lỵ rất nhỏ bé.
Nguồn sinh kế của tôi lệ thuộc vào việc tường trình tin tức địa phương. Tôi có thể nói là những người mà tôi giao lưu, nhiều người, rất nhiều người trong cộng đồng và quận hạt này, thái độ của họ nói chung là không tin vào bất cứ điều gì. Vì họ không tin vào những gì xuất hiện trên truyền thông xã hội, họ cũng không tin vào việc làm của các công ty truyền thông toàn quốc, các kênh thông tin quốc gia cũng như báo chí dòng chính, như tờ the New York Times, báo Washington Post hay Chicago Tribune. Họ cũng tỏ ra hoài nghi về những tờ báo ấy.

Có người đùa với tôi, nói rằng: ‘Ồ Bob, phải đó là tin giả không?’, hoặc ‘Làm thế nào để biết đó không phải là những dữ kiện ‘giả’. Họ nói đùa. Thực ra họ chỉ lặp lại những gì đã nghe trên truyền hình hoặc truyền thông toàn quốc.

Đối với người dân vùng quê chúng tôi, tôi nghĩ hạt giống hoài nghi đó đã được gieo vào đầu họ, rằng ở bình diện quốc gia, họ không còn chắc có thể tin hay không nên tin điều đó. Và cứ thế, sự hoài nghi đó lan truyền xuống cấp độ địa phương, và họ trở nên nghi ngờ.

Phải nói là tôi chưa thấy điều đó ở cấp địa phương, ngoài những lời bông đùa. Nhưng phía sau những lời bông đùa, chúng ta nhận biết nó đang trong tiến trình suy nghĩ của họ. Họ nghĩ về điều đó. Và chúng ta tự hỏi liệu tình thế này sẽ đi xa tới đâu. Tôi có cảm giác là nó đang đi theo hướng đó.


Bob Watson, Chủ báo
Mount Carroll, Illinois

***


Làm nông ở Mỹ đang ngày càng trở thành lĩnh vực của những người cao tuổi: Gần hai phần ba nông dân trên toàn quốc trên 55 tuổi. Một phần là do sức quyến rũ của các thành phố lớn. Một phần là do sự kết hợp các trang trại gia đình thành các công ty lớn hơn, làm thay đổi diện mạo bức tranh nông thôn.

TRANSCRIPT:

Gia đình ông tôi đã lập nên trang trại này và cha của tôi đã tiếp quản nó. Tôi đã có thể tận dụng cơ hội này nếu tôi muốn. Câu hỏi lớn là tôi có muốn hay không. Có rất nhiều thứ còn chưa rõ; điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế của chúng ta. Do đó, một phần trong tôi muốn có được tấm bằng về dạy học để tôi có được sự ổn định, có được bảo hiểm (y tế), và biết rằng mình có một nguồn thu, vì nếu làm nghề nông, vì phải tự thân, không thể biết liệu có kiếm ra tiền hay lại thua lỗ. Và do đó, ta không bao giờ biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Đó là vấn đề của nghề nông, may mắn lắm bạn mới có được bảo hiểm y tế khi tự làm trang trại. Tôi cho rằng bảo hiểm y tế là cái tất cả mọi người đều phải có được với giá cả phải chăng và tại thời điểm này, không có chuyện đó. Chuyện đó thật đáng sợ.

Đối với thế hệ của chúng tôi, nước Mỹ thật bất ổn. Chúng ta đang đi về đâu? Khái niệm cho rằng nếu chúng ta làm việc chăm chỉ, chúng ta có thể kiếm sống, nuôi một gia đình, nuôi chính bản thân và gia đình bạn, giờ đây đang bị đe dọa.

Hàng đêm tôi tới đây và nói chuyện với ông tôi. Chúng tôi có nhiều mối lo lắng như nhau khi ông còn ở tuổi như tôi. Ông lớn lên vào thập niên 1930 và 1940 và lúc đó mọi thứ, dù không hoàn toàn như bây giờ, nhưng cũng có mối lo ngại rằng không biết điều gì sẽ xảy ra. Do đó, tôi thích nghe những điều ông nghĩ khi ông ở độ tuổi của tôi cũng như về tương lai.


Connor McCormick, Nông dân
Mayville, Minnesota

***


Thị trường quốc tế tăng trưởng nhanh chóng khiến nhiều nông gia cảm thấy bấp bênh. Một số người trông mong chính quyền Tổng thống Trump sẽ đảm bảo quyền lợi cho họ, nhưng không phải mọi người đều nhất trí về cách thức bảo hộ. Đây là một quan điểm từ Galesville, Wisconsin.

TRANSCRIPT:

Tôi làm canh nông đã 20 năm.
Tình hình ổn định. Theo tôi thì thị trường suy thoái trong thời gian gần đây khiến tình hình tài chánh có phần khó khăn hơn. Nhưng nhìn chung thì mọi việc vẫn tốt.
Mọi người nao núng, nhưng tôi nghĩ họ phải nhận thức rằng chúng ta ở trong một môi trường năng động mới hoàn toàn trong tổng thể của một thế giới. Nhiều lúc tôi kinh ngạc với điểm đến của sản phẩm của mình. Chúng ta đang ở trong một thị trường toàn cầu.
Nhiều người không phải luôn muốn thay đổi, nhưng chúng ta phải hội nhập với những thay đổi đó.
Tôi nghe nói nhiều người cảm thấy mình cần phải thuê mướn chính người của nước mình thay vì mướn người Mỹ La tinh. Nhưng nếu chúng ta không có người muốn làm những công việc đó, mình vẫn cần phải có ai đó làm việc. Tôi muốn nói là công việc cần phải có người làm.
Tôi nghĩ đất nước bây giờ đang đứng trước cơ hội tiến theo một hướng tốt hơn. Nhưng tôi không biết chính xác đó là hướng nào.

Neal Burken, Nông dân
Galesville, Wisconsin

image 

Không thể nói chuyện được với Bắc Hàn
Donald J. Trump: Người là ai ?
Từ Công nương Diana đến bom mìn Quảng Trị
Sự thật về tempura Nhật Bản
Việt Nam trông cậy vào năm loại vũ khí để ngăn chặ...
Giáo sư Mỹ nói bão Harvey là quả báo với dân Texas...
Bão Harvey: lũ lụt vẫn nghiêm trọng
Hình mẹ con gốc Việt trở thành biểu tượng trong bã...
In God We Trust
Tesla: Nhà máy năng lượng Gigafactory
Street Flooding rescue in Houston Texas
Những ý nghĩa kinh ngạc đằng sau mũ trùm đầu trắng...
Văn nghệ sĩ Liên Xô chống lại kiểm duyệt ra sao?
Phóng viên cứu tài xế xe tải bị gập nước ở Houston...
Harvey moves back over water: Historic rainfall wi...
Người Việt ở Houston trong cơn bão lũ Harvey
Đường đã biến thành sông ở Houston Texas
Breaking news: deep dives on weather
Flooding in Houston Texas 2017
Từ đường đi spa xa hoa tới hầm trú bom khốc liệt

Không thể nói chuyện được với Bắc Hàn

image
Trump: 'Không thể nói chuyện được với Bắc Hàn'

Tổng thống Hoa Kỳ nói rằng "nói chuyện không phải là cách" để giải quyết các hành động quân sự đã và đang diễn ra của Bắc Hàn.

"Hoa Kỳ đã nói chuyện với Bắc Hàn, và thanh toán khi bị tống tiền, trong 25," ông viết trên Twitter.

Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng, James Mattis, vào hôm thứ Tư nói vẫn còn khả năng cho giải pháp ngoại giao.

image
Thông tấn xã Bắc Hàn cung cấp hình ảnh này, được cho là khoảnh khắc tên lửa rời bệ phóng hôm thứ Ba

Bắc Hàn vào hôm thứ Tư nói việc phóng tên lửa qua không phận Nhật Bản là "bước đầu tiên" của các hành động quân sự ở Thái Bình Dương.

Tên lửa phóng hôm 29/8 đã bay ngang qua hòn đảo Hokkaido phía bắc của Nhật trước khi rơi xuống biển.

image

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi nói chuyện với ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson qua điện thoại nhấn mạnh rằng việc tăng thêm các biện pháp trừng phạt với Bắc Hàn chỉ phản tác dụng.

Ông Trump đưa ra bình luận này chỉ vào ngày sau khi ông nói rằng lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đang "bắt đầu tôn trọng" Hoa Kỳ.

Truyền thông Bắc Hàn hôm thứ Tư lặp lại các lời đe doạ đối với hòn đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, mà nó gọi là "một căn cứ tân tiến của sự xâm lược".

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp vào cuối ngày 29/8 tại New York yêu cầu Bắc Hàn ngừng tất cả các cuộc thử nghiệm tên lửa.

Tuy nhiên, tuyên bố này không đe dọa có thêm lệnh trừng phạt mới lên Bình Nhưỡng.

image 

image 

Bắc Hàn đã nhiều lần tiến hành phóng tên lửa trong những tháng gần đây, bất chấp việc bị cấm theo luật của Liên Hợp Quốc.

Tên lửa gần đây nhất là loại Hwasong-12 được phóng vào sáng thứ Ba ở một địa điểm phóng gần Bình Nhưỡng.
Tên lửa đã bay xa khoảng 2,700km ở một độ cao thấp bất thường so với các vụ thử tên lửa gần đây của Bắc Hàn.

Tên lửa bay ngang qua Hokkaido trước khi rơi xuống ở một khu vực ngoài khơi cách bờ biển phía đông của Nhật Bản khoảng 1,180km.

Đây là lần đầu tiên, KCNA, cơ quan thông tấn chính thức của Bắc Hàn thừa nhận đã cố tình phóng tên lửa đạn đạo qua phía Nhật Bản. Những vụ phóng về phía Nhật trước đây được cho là các vụ phóng vệ tinh.

Đây được cho là phản ứng trực tiếp đối với các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn hiện đang diễn ra, cũng như đánh dấu kỷ niệm ngày Hiệp ước Nhật-Hàn năm 1910.

image

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nói rằng "giống như một cuộc chiến tranh thực sự", cuộc bắn thử tên lửa mới đây nhất là "bước đầu tiên trong hành động quân sự của [Quân đội Nhân dân Triều Tiên] KPA tại Thái Bình Dương và một khúc dạo đầu có ý nghĩa để khống chế Guam".

Bắc Hàn bắn tên lửa ngang qua Nhật Bản

image
Vụ thử tên lửa gần đây nhất của Bắc Hàn khiến chính quyền Nhật Bản nổi giận

Bắc Hàn đã bắn một tên lửa bay qua miền bắc Nhật Bản trước khi rơi xuống ngoài khơi Hokkaido phía bắc nước này.

Phía Nhật Bản không tìm cách bắn hạ tên lửa.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói tên lửa này là một mối đe dọa "chưa từng có".

Bắc Hàn đã bắn thử hàng loạt tên lửa trong thời gian gần đây nhưng hiếm khi phóng tên lửa bay qua Nhật Bản.

Hoa Kỳ và Nhật Bản đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp để có phản ứng.

Vào hôm 25- 26/8, Bắc Hàn đã bắn ba tên lửa tầm ngắn xuống bờ biển phía đông của nước này.

Khi tên lửa gần đây nhất bay tới Nhật Bản, tín hiệu cảnh báo được phát đi khắp miền bắc nước Nhật, nhưng đài NHK cho biết không có dấu hiệu thiệt hại nào.

image

Ông Abe nói vụ phóng tên lửa này là "một hành động thái quá" và "là mối đe doạ nghiêm trọng chưa từng có làm tổn hại đến hòa bình và an ninh khu vực".

Ông nói chính phủ của ông đang làm hết sức để bảo vệ tính mạng của người dân.

Đường bay của tên lửa cho thấy sự leo thang của căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Quân đội Nam Hàn nói rằng tên lửa bay qua bầu trời qua Nhật Bản và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương, bay xa hơn 2,700km ở độ cao tối đa khoảng 550km.

Theo truyền thông địa phương, tên lửa đã bay qua hòn đảo Hokkaido phía bắc trước khi vỡ thành ba mảnh và rơi xuống biển.

image 

Từ Công nương Diana đến bom mìn Quảng Trị
Sự thật về tempura Nhật Bản
Việt Nam trông cậy vào năm loại vũ khí để ngăn chặ...
Giáo sư Mỹ nói bão Harvey là quả báo với dân Texas...
Bão Harvey: lũ lụt vẫn nghiêm trọng
Hình mẹ con gốc Việt trở thành biểu tượng trong bã...
In God We Trust
Tesla: Nhà máy năng lượng Gigafactory
Street Flooding rescue in Houston Texas
Những ý nghĩa kinh ngạc đằng sau mũ trùm đầu trắng...
Văn nghệ sĩ Liên Xô chống lại kiểm duyệt ra sao?
Phóng viên cứu tài xế xe tải bị gập nước ở Houston...
Harvey moves back over water: Historic rainfall wi...
Người Việt ở Houston trong cơn bão lũ Harvey
Đường đã biến thành sông ở Houston Texas
Breaking news: deep dives on weather
Flooding in Houston Texas 2017
Từ đường đi spa xa hoa tới hầm trú bom khốc liệt
Kama Sutra: Khám phá của thế giới Ả-rập
Rockport, Texas - Hurricane Harvey