Thursday, August 17, 2017

Sự chăm chỉ: Kẻ thù của sáng tạo?

image
"Có một thứ còn kinh khủng hơn địa ngục của sự chịu đựng," tiểu thuyết gia người Pháp Victor Hugo viết trong cuốn Những người Khốn khổ vào năm 1862. "Đó là địa ngục của sự buồn chán."

Nhận xét này dường như vẫn còn đúng tới tận bây giờ. Ở xã hội hiện đại, nó là một thứ mà chúng ta muốn trốn chạy dù bằng trò chơi Angry Birds hay lướt mạng xã hội.

Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy sự buồn chán thật khó chịu.

image

Hãy nhìn vào tầm quan trọng của sự bận rộn trong xã hội: Những người giàu có nhất làm việc nhiều giờ hơn và sự bận rộn trở thành biểu tượng của vị thế xã hội.

Sự buồn chán và nhàn rỗi, ngược lại, là dành cho những kẻ kém cỏi, lười nhác. Nó được cho là xuất nguồn từ sự thờ ơ, thiếu sự cố gắng hay mục đích sống.

Trong một xã hội mà sự hạnh phúc và tích cực thường được gắn với hiệu suất trong công việc, những người buồn chán được coi là không hạnh phúc.

image

Nhà phân tâm học Martin Wangh mô tả sự buồn chán là một yếu tố "ức chế khả năng tưởng tượng". Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người "dễ bị buồn chán" thiếu sự kích thích từ bên ngoài và dễ bị nản chí trước các thử thách.

Nhưng có lẽ chúng ta đã hiểu sai về sự buồn chán. Một số nghiên cứu cho rằng nếu luôn giữ bản thân không thấy buồn chán thì chúng ta có lẽ đang đánh mất một thứ gì đó quan trọng.

Chuyển hướng sự nhàn rỗi

Những ý tưởng hay nhất thường nảy ra vào những lúc ta nhàn rỗi như lúc trên đường đi làm, lúc đang tắm hay đi bộ. Trên thực tế, chúng ta sáng tạo tốt nhất trong lúc buồn chán.

image

Trong một nghiên cứu ở trường Đại học Pennsylvania, các nhà tâm lý học Karen Gasper và Brianna Middlewood nhận thấy những người buồn chán thường có điểm cao hơn trong các bài sát hạch sự sáng tạo so với những người đang thấy thoải mái hoặc hứng khởi.

Họ yêu cầu những người tham gia xem video để kích thích một số cảm giác nhất định trước khi kiểm tra khả năng sáng tạo. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi được hỏi về phương tiện giao thông, phần lớn mọi người nói "ô tô," nhưng với những người đang buồn chán, tâm trí họ lơ đãng đến mức câu trả lời là "lạc đà".

Khía cạnh nhàm chán nhất trong công việc của chúng ta có thể là nơi nuôi dưỡng khả năng sáng tạo tới mức ngạc nhiên.

Trong một chuỗi các thử nghiệm thực hiện bởi hai nhà tâm lý học Sandi Mann và Rebekah Cadman từ Đại học Central Lancashire, Anh, người tham gia được yêu cầu sao chép các con số từ cuốn sổ điện thoại trước khi được yêu cầu nghĩ tới tất cả các chức năng của hai chiếc cốc nhựa.

image

So sánh với các nhóm khác, kết quả cho thấy những người được giao những công việc nhàm chán tỏ ra sáng tạo hơn. Ở nghiên cứu thứ hai, Mann và Cadman thêm một nhóm thứ ba và giao cho họ một công việc còn nhàm chán hơn: Đọc sổ điện thoại. Một lần nữa, nhóm phải làm việc nhàm chán nhất vượt qua điểm của các nhóm khác trong nhiệm vụ nghĩ ra các chức năng của cặp cốc nhựa.

Các nhà nghiên cứu cho rằng trạng thái buồn chán khiến bạn trở nên sáng tạo vì não bộ đưa ra tín hiệu kích thích bạn phải tìm cách giải toả khoảng trống trong đầu.

Hãy để tâm trí bạn lang thang, đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay, khi mà con người luôn bị quấy rầy bởi các công nghệ như email hay tin nhắn Facebook.

Điều này rất quan trọng cho sự sáng tạo.

Hãy để cho tiếng ồn lắng xuống

Khi để cho đầu óc thơ thẩn, chúng ta bắt đầu chạm tới tiềm thức. Tiềm thức vốn không bị giới hạn bởi trật tự. Theo Mann, "tiềm thức của chúng ta tự do hơn ý thức rất nhiều."

image

Bà cho rằng chìa khóa để suy nghĩ sáng tạo hơn là có những khoảng thời gian rảnh rỗi để cho tâm trí được tự do lang thang. Phần lớn chúng ta có thể có những thời điểm nhàn rỗi trong ngày nhưng chúng ta lại lấp đầy chúng bởi mạng xã hội và email. Mann gợi ý rằng chúng ta nên sắp xếp thời gian để "mơ mộng" hoặc tham gia các hoạt động như bơi lội để tâm trí được tự do mà không bị phân tâm bởi các thiết bị điện tử.

Đó là việc mà một số lãnh đạo kinh doanh thành công nhất thế giới vẫn làm - từ Warren Buffett đến Bill Gates đều sắp xếp thời gian để chỉ ngồi và suy nghĩ.

Theo Jerome Singer, người nghiên cứu về sự mơ mộng mang tính xây dựng và tích cực (PCD) - việc cố ý để tâm trí xao lãng như vậy cho phép bạn gợi lại các ký ức và những liên kết có ý nghĩa.

"Khi bạn buồn chán, bạn chạm tới vùng não tiềm thức, tìm lại được những ký ức cũ đã mất và liên kết các ý tưởng với nhau."

image

Chính khả năng tiếp cận tới kiến thức, ký ức, trải nghiệm và sự tưởng tượng này đã dẫn chúng ta tới những khoảnh khắc "lóe sáng" quý giá vào lúc mà ta ít ngờ tới nhất - Amy Fries, tác giả cuốn "Daydreams at Work: Wake Up Your Creative Powers", nói.

"Trạng thái điềm tĩnh và hơi tách biệt với thế giới bên ngoài giúp làm "át đi tiếng ồn", khiến chúng ta có thể tìm ra câu trả lời hay hoặc sự liên kết nào đó," bà nói.

Các nghiên cứu sử dụng kỹ thuật quét não MRI chỉ ra rằng so với việc tập trung suy nghĩ, liên kết giữa các vùng của não bộ tăng lên nhiều hơn khi chúng ta mơ mộng.

"Nó lý giải việc chúng ta có thể liên kết các ý tưởng khác nhau hoặc thậm chí tưởng tượng ra những điều chưa từng xuất hiện trong kiến thức và trải nghiệm vốn có," Fries nói.

Nhưng để trở thành một người giải quyết vấn đề tốt hơn, Fries gợi ý chúng ta lái sự mộng mơ của mình vào những thách thức đang cần giải quyết thay vì hướng tới những suy nghĩ cá nhân.

Cách tốt nhất để làm điều này là gieo sâu các vấn đề vào đầu, để khi bạn 'mơ mộng', chúng sẽ xuất hiện trở lại.

Bà cũng gợi ý tham gia các hoạt động để tạo điều kiện cho tâm trí được lang thang. Đi bộ chẳng hạn, là một cách tuyệt vời dẫn đến trạng thái mơ mộng - với điều kiện bạn không đang đeo tai nghe.

image

Sự buồn chán còn có thể khiến chúng ta làm việc hiệu quả hơn.

Theo Andreas Elpidorou, trợ lý giáo sư triết học ở trường Đại học Louisville - người đã dành nhiều năm nghiên cứu chủ đề này, "sự buồn chán khiến chúng ta nhận thức rằng các hành động của mình là có ý nghĩa và quan trọng". Ông tin rằng, sự buồn chán có vai trò thúc đẩy chúng ta hoàn thành các dự án.

"Nếu thiếu sự buồn chán, một người có thể bị mắc kẹt trong trạng thái không thỏa mãn và bỏ lỡ nhiều trải nghiệm giá trị về mặt cảm xúc, nhận thức và xã hội," Elphidorou nói.

"Sự buồn chán cảnh báo chúng ta rằng ta đang không làm điều mình yêu thích, đồng thời là 'lực đẩy' thôi thúc chúng ta chuyển hướng mục tiêu và dự án."

Với nhiều người, việc cho phép bản thân cảm thấy buồn chán có vẻ như là sự nuông chiều bản thân.

Nhưng Josh Bersin, chuyên gia nhân sự và nhà sáng lập công ty tư vấn Bersin, nói 'thời gian xả hơi' nên là một phần quan trọng trong môi trường kinh doanh ngày nay.

image

"Khoảng 80% nguồn vốn trên thị trường chứng khoán được thúc đẩy bởi sở hữu trí tuệ, bằng các phát minh và phần mềm - những thứ tạo ra bởi con người," Bersin nói.

"Nó không được tạo ra bởi dầu khí hay hàng tồn kho hoặc tài sản hữu hình. Điều này có nghĩa là gần như tất cả các công ty đang tham gia khai thác nguồn vốn con người."

"Và vì con người cần có thời gian để phục hồi, nếu bạn dùng con người như máy móc và giảm thiểu chi phí dành cho họ thì bạn sẽ không có được sản phẩm mong muốn."

Tại sao chúng ta buồn chán?

Sự buồn chán có vẻ như không có gì đáng sợ nhưng chúng ta cần phải ý thức rằng không phải tất cả mọi sự buồn chán đều có ích. Buồn chán có thể dẫn chúng ta tới sự sáng tạo và hiệu quả, nhưng buồn chán thường xuyên được cho là có thể gây ảnh hưởng lâu dài làm giảm mạnh tuổi thọ. Mann đã chỉ ra rằng buồn chán khiến con người thèm khát đồ ăn có đường và chất béo vì họ muốn tìm tới sự kích thích.

"Việc cảm thấy buồn chán hoặc không có đủ sự kích thích chỉ là một mặt của vấn đề," Mann nói. Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn nhận thấy cuộc sống của mình đang trở nên vô nghĩa. "Bạn có thể có nhiều việc để làm nhưng nếu chúng không có ý nghĩa và mục đích thì bạn có thể đang bị hội chứng buồn chán kinh niên."

image

Nó là một cảm giác thờ ơ có thể gây hại tới sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Trong quá khứ, chỉ những người rất giàu mới có thể tận hưởng sự buồn chán, và sự nhàn rỗi còn được coi là biểu tượng của giàu có và thành công.

Thế giới kinh doanh hiện đại đang cố thuyết phục chúng ta điều ngược lại - thời gian biểu của chúng ta cần phải được tận dụng tối đa. Nhưng đây cũng là thời điểm mà nền kinh tế số hoá cần tới những người sáng tạo, suy nghĩ vượt ra khỏi lối đi truyền thống.

Vì vậy có lẽ đây là lúc để coi trọng sự buồn chán. Thay vì sợ hãi địa ngục của Victor Hugo, bạn hãy nhớ rằng, có thể một khoảnh khắc lóe sáng đang đợi để xuất hiện.



Vivian Giang

image 

Lá phiếu cho Trump của người Mỹ trắng
Sức sống mãnh liệt: cây cối hay thực vật
Tordesillas: thành phố bị xẻ làm đôi
Thị trấn đa thê đối mặt với thảm họa di truyền
Kazakhstan: Phiên bản “tự nguyện hồi hương” và “th...
Bọ hung: từ huyền thoại đến đời thực
Singapore phạt roi Việt kiều Anh vì tội tấn công t...
Nhân vật góp tiền cho Clinton tiết lộ bí mật
Xe Hybrid là gì ?
Cảnh những người đẹp bị mổ phanh
Video tình dục tại Romania
OJ Simpson được phóng thích
Khách hàng nơi đây rất dễ tính?
Người Việt bỏ 3 tỉ đôla mua nhà ở Mỹ
Nhức đầu trong giấc ngủ (Hypnic headache)
Yếu sinh lý ở người bịnh tiểu đường
Lương tâm một nhà báo
Từ võ đến đời: Vị đắng của ngày hôm qua
Lưu Hiểu Ba có 'chết vô ích'?
Võ sư Flores 'sẵn sàng giao đấu với Cung Lê'

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.