Đường xe lửa gần như không thể nhìn thấy. Bị vùi sâu dưới sườn dốc trên Hẻm núi Avon ở Bristol của Anh, thậm chí hai cửa vào của nơi này cũng gần như được ẩn kín. Trên đỉnh đồi, biển hiệu hào nhoáng của đường rày đã bị che khuất bởi khách sạn Avon Gorge có từ thời Victoria; ở đáy hầm, đường ngầm trổ ra một đường cao tốc nơi vài người khách qua đường dừng chân lại ghé nhìn cánh cổng bằng đá cũ mòn.
Kết quả là, chỉ có những cư dân sống trong cộng đồng tại địa phương mới nhận ra có một đường hầm ở đó - mà chẳng bao giờ để tâm vì sao nơi này thật đặc biệt.
Đường hầm kín đáo này có một đường rày xe lửa dưới lòng đất - nơi từng được sử dụng làm hầm trú ẩn tránh bom trong cả hai kỳ đại chiến thế giới và là trung tâm phát sóng bí mật của Đài BBC. Nơi từng được xây dựng nhằm phục vụ việc đi lại tới một khu spa thời Nữ Hoàng Victoria đã trở nên khác hẳn, xập xệ hơn nhiều.
Trong 12 năm qua, một nhóm tình nguyện đã làm việc để thay đổi điều đó. Có vẻ như họ sẽ không thể đưa đường rày trở lại hoạt động được. Nhưng bằng cách khôi phục nhiều phần trong đường hầm và mở cửa cho khách tham quan, họ hy vọng, ít nhất, có thể rọi chút ánh sáng (theo nghĩa đen) lên phần này của lịch sử Anh Quốc.
Và không chỉ với kỳ công của những kỹ sư thời Victoria. "Câu chuyện thời chiến cũng quan trọng như câu chuyện về đoạn đường rày," Maggie Shapland từ Quỹ Hỏa xa Cliffon Rock, một nhóm tình nguyện đang tái tạo đường hầm, cho biết.
Dù vậy, câu chuyện về đường hầm - chỉ còn bốn đoạn rày, hay còn gọi là "đường sắt leo núi", trên thế giới - là câu chuyện kỳ lạ.
Đường đến nhà tắm xa xỉ
Vào cuối thập niên 1800, Clifton, thời đó còn là một thị trấn biệt lập so với Bristol, là khu vực nhà phố cao cấp gồm các căn nhà liền kề xây cất từ thời Georgia. Tuy nhiên, khu vực với dòng sông chạy dọc bên dưới này từng là một khu cảng đông đúc với tấp nhập những thủy thủ và thương nhân. Không có cách nào dễ dàng và hiệu quả để những người sống bên dưới đi bộ lên đỉnh đồi.
Các tình nguyện viên tái dựng cảnh đoàn tàu đi từ dưới đường hầm lên
Rất nhiều cư dân ở Clifton thích như vậy. Nhưng doanh nhân George Newnes có ý tưởng khác. Là nhà xuất bản nổi tiếng với tạp chí The Strand, nơi đầu tiên đăng tải loạt truyện về thám tử Sherlock Holmes, ông biết nếu kết nối hai vùng lại với nhau thì tuy việc đó có thể khiến nhóm cư dân giàu có ở Clifton không hài lòng nhưng lại có thể giúp hái ra tiền.
Chỉ vài thập niên trước đó, Clifton đã trở thành điểm đến cuả người mê đi tắm hơi. Nếu ông xây dựng một phòng tắm hơi trên hẻm núi và có phương tiện giao thông nối giữa các nhà tắm và khu cảng, Newnes sẽ kiếm được nhiều tiền từ những du khách muốn nghỉ ngơi… và Clifton cũng vậy.
Thị trấn trao quyền cho Newnes xây dựng đường rày, nhưng với nhiều giới hạn. Để tránh làm hư hỏng góc nhìn từ hẻm núi, phương tiện phải di chuyển bên trong bằng đường hầm. Không được bán rượu. Và để những vị khách sang trọng tới nghỉ trong khách sạn được tách biệt khỏi "những người bình dân" cũng đi xe lửa, cổng đường hầm ra vào phải chia thành hai cổng riêng biệt từ vườn khách sạn Victoria bên cạnh, Shapland, người đang viết một quyển sách về lịch sử đường hầm, nói.
Có được giấy phép chỉ mới là bước khởi đầu. Ban đầu các kỹ sư nghĩ đường hầm, dài khoảng 150m và sâu 70m, có thể phải đào trong một năm. Họ nhanh chóng tính toán lại. Nhờ vào lượng đá rơi khi đào hầm ở độ dốc 45% qua các vỉa đá vôi đứt gãy, kỹ sư quyết định rằng đường hầm cần phải được xây quanh bằng gạch.
Quá trình xây dựng rất nặng nhọc. Vỉa đá vôi bị cho nổ thành hầm rộng 8,2m, khiến nơi này trở thành đường hầm rộng nhất trong kiểu hầm này tại Anh Quốc. Sau đó hầm được dựng giàn giáo bằng các đà gỗ ngang và xây tường bằng gạch cao 0,5m. Công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên biệt khiến công nhân phải được đưa từ Canada đến.
Dù vậy, quá trình xây dựng vẫn gặp tai nạn: một tảng đá rơi xuống chỉ sáu tuần trước khi đường hầm được hoàn thành, suýt rơi trúng một xe ngựa đi bên dưới.
Khi đường hầm mở cửa vào năm 1893, công việc có vẻ được trả công xứng đáng. Hơn 6.000 người đã đi các chuyến lên xuống đỉnh và chân hẻm núi; trong năm tiếp theo, đường hầm đón đến 427.492 lượt hành khách.
Theo Shapland, nhà tắm mới trên đỉnh đồi mà Newnes trang bị với những cơ sở vật chất mới nhất để nơi này trở thành nhà tắm "lớn nhất và tuyệt nhất ở Anh", là một lý do chính giúp thu hút khách. Nhưng ngay bản thân đường hầm xe lửa cũng là một lý do quan trọng.
Vì là đường xe lửa sử dụng ròng rọc, khi một toa xe đi lên theo đường hầm, nó được giữ thăng bằng nhờ một toa xe khác ở phía bên kia, kết nối bằng cáp và đi theo chiều xuống. Những thùng nước khổng lồ được dùng để toa xe đi xuống cũng phải vừa đủ nặng để kéo xe đi lên. Người điều khiển toa xe ở bên dưới sử dụng một máy điện tín - vào thời đó là thiết bị tân tiến - để thông báo cho công nhân trên đỉnh biết có bao nhiêu hành khách, và từ đó, cần bao nhiêu nước đổ vào toa xe đối diện.
Suy giảm mạnh
Là một công trình ấn tượng đến vậy vào thời đó, nhưng đường xe lửa không đủ để khiến du khách quay lại. Vào thập niên 1920, đường xe lửa lỗ khoảng 1.000 bảng Anh mỗi năm. Mọi người bắt đầu tự lái xe đến, và vì mọi người không sống ở cảng bên dưới hẻm núi nên không xảy ra kẹt xe.
Những chuyến xe lửa cuối cùng được thực hiện vào năm 1934.
Sau đó Thế Chiến thứ Hai ập tới.
Ngày nay, cầu thang dẫn lên khu trú ẩn tránh các cuộc không kích và các phòng thu dưới lòng đất trông kỳ quặc và trống rỗng
"Bạn có một đường hầm không sử dụng - và mọi người đều muốn trốn xuống đất," Shapland kể.
Điều này đặc biệt chính xác ở Bristol. Là thành phố bị ném bom nhiều thứ năm tại Anh Quốc trong Thế Chiến, nơi này trở thành mục tiêu không kích vì hai lý do. Thứ nhất, đây là nơi có một cảng biển nhộn nhịp và là nơi đặt trụ sở của hãng sản xuất máy bay Bristol Aeroplane Company, là hãng sản xuất một số loại máy bay chiến đấu quan trọng nhất của Anh. Thứ hai, cả cây cầu biểu tượng của nơi này và Sông Avon đều rất dễ bị định vị làm mục tiêu. Trong cuộc oanh kích Blitz từ 11/1940 đến 4/1941, 77 cuộc không kích đã làm 1.299 người thiệt mạng và phá hủy hơn 80.000 nhà cửa trong thành phố.
Phần trên của đường hầm được mở cửa lại cho cư dân địa phương tránh bom. Phần dưới được hãng tin BBC trưng dụng, và quyết định sử dụng nơi này làm nơi trú chân của Giàn nhạc Giao hưởng BBC khi họ sơ tán khỏi London.
"Đầu tiên chúng tôi thuê Khách sạn Clifton Spa và phòng dạ tiệc để cho họ trú ẩn, nhưng trước sự hoảng loạn của chúng tôi và ngay khi họ đến nơi, Hãng hàng không Imperial Airways đã trưng dụng toàn bộ khách sạn," Gerald Daly, kỹ sư phụ trách BBC vùng miền Tây Anh thời đó viết trong một lá thư nhắc lại sự kiện.
Cuối cùng, BBC ổn định chỗ trong đường hầm xe lửa cũ - nơi mà sau đó 60 nhạc công đã chơi nhạc dưới hầm. Người ta nhận ra rằng nếu đủ an toàn, đường hầm khiến cho chất lượng âm nhạc "tốt hơn mong đợi".
Khi các cuộc đánh bom tăng cường, Giàn nhạc Giao hưởng phải chuyển về Bedford. Nhưng đài BBC vẫn cần có trung tâm phát sóng dự phòng để một phần các nhân viên từ London sử dụng. Nếu đường truyền bị ngắt ở London, dù điều này khó có thể xảy ra, nghĩa là thành phố đã bại trận - thì cần có một đài phát sóng dự phòng cho công chúng và giúp giữ tinh thần. Không chỉ vậy, có một đài phát thanh địa phương ở Bristol cũng cần một nơi an toàn hơn để vận hành.
Các tình nguyện viên đã thu dọn sáu thùng lớn các chai lọ vỡ chỉ từ riêng khu vực trú ẩn, tránh các cuộc không kích đầu tiên
Họ quyết định thiết kế lại đường hầm và biến chúng thành phòng thu. Hệ thống này được mệnh danh là Pháo đài Đường hầm.
"Pháo đài" nằm sâu 15m dưới lớp đá cứng, thấp hơn phần dưới của đường hầm, được chia tách ra nhờ các cửa hàn kín và khóa chặt tạo thành các hầm tránh bom công cộng. Nơi đây bao gồm một phòng truyền tín hiệu, luôn giữ liên lạc với tất cả các trạm khác của BBC phòng khi đường dây điện thoại bị ngắt; một phòng thu âm, một phòng điều khiển chính truyền phát chương trình đi với 40 ngôn ngữ khác nhau, và một căn-tin. Sau sáu tháng xây dựng, nhân viên được chuyển tới vào năm 1941.
"Cho đến hết cuộc chiến, đây là trung tâm đầu não của đài BBC ở miền tây Anh Quốc," Daly viết. "Tất cả các chương trình của BBC trong nước và quốc tế đều đi qua phòng điều khiển của Hầm trong bốn năm sau đó."
Vào thời đó, khu hầm được thiết kế lại; người ta cho rằng nếu London thất thủ, hầm sẽ là trụ sở cuối cùng của đài BBC. Daly viết rằng mẹ vợ ông đôi khi ngồi ăn tối với chính Winston Churchill trong thời gian chiến tranh. Bà từng hỏi ông trong trường hợp xấu nhất, liệu ông có chuyển đầu não của đài BBC theo cùng nếu ông đến Canada lánh nạn không. "Họ sẽ làm gì ở đó?" ông được cho là đã trả lời như vậy. "Hãy để họ cố thủ đến cùng ở Đường hầm Bristol - đó là nơi tốt nhất cho phòng tuyến cuối cùng mà tôi biết!".
Cũng không cần phải làm gì như vậy. Khi nhân viên đài ổn định, các trận không kích ở Bristol giảm dần và kết thúc.
BBC vẫn còn ở lại đây trong nửa thời gian đầu của Chiến tranh Lạnh khi người ta cho rằng nên có một căn cứ dự phòng nếu quân Xô Viết tấn công. Cuối cùng nơi này ngưng hoạt động vào năm 1960, đường hầm được phép để hoang không sử dụng.
Nhiều gia đình nghĩ rằng sẽ còn quay lại tránh bom cho nên họ để lại nhiều đồ vật trong hầm, thậm chí cả những đôi giày trẻ em
Ngày nay, được mở cửa cho công chúng vào những ngày "mở cửa" hoặc khi có người đặt chỗ , đường hầm bước sang một giai đoạn mới.
Nơi này trở nên trống rỗng và lạ lùng. Khi bước chân vào phòng vé - vốn vẫn còn sử dụng cửa cuốn han rỉ - và đi xuống đường hầm, như thể ta đi bộ qua chiếc tàu Titanic trên cạn. Nước rỉ xuống từ tường gạch. Khi điện tắt, ta mắc kẹt hoàn toàn trong bóng tối.
Mở cửa lại đường hầm dự phòng là một nỗ lực nhẫn nại đòi hỏi phải dọn dẹp hàng tấn đổ nát, lắp đặt đèn chiếu sáng, thực hiện triển lãm và sắp xếp những chuyến tham quan thường xuyên (trong năm ngoái, tình nguyện viên đã hướng dẫn 86 đoàn tham quan). Chỉ riêng tại khu hầm trú ẩn không kích đầu tiên, Shapland cho biết, họ đã phải dọn ra sáu thùng lớn các chai lọ vỡ.
Còn rất nhiều việc phải làm. Đá, các mảnh vỡ và thậm chí cả những đồ nội thất hư hỏng còn chất đầy trong phòng làm việc của BBC. Nước rỉ vào hầm liên tiếp cũng là vấn đề hiện thời. Mọi việc đang được tình nguyện viên thực hiện nên công việc tu sửa và duy trì nơi này có thể bắt đầu hoặc kết thúc.
Nhưng ngay cả như vậy, hoặc có lẽ đặc biệt là ở giai đoạn hiện tại, đường hầm là một sự nhắc nhở phi thường về thời đã qua. Một biển hiệu ghi "Nội quy Sử dụng Hầm tránh Không kích" vẫn còn đóng trên tường, nhắc nhở rằng mọi người phải bỏ lại tất cả nôi em bé và thú cưng lại. Vì mọi người sẽ quay lại trú trong cùng một nơi trong hầm nhiều lần, họ có xu hướng bỏ lại đồ đạc tại chỗ. Kết quả là, nhiều đôi giày trẻ em giờ được xếp hàng trên kệ trưng bày trong khu vực triển lãm nhỏ. Tình nguyện viên còn tìm thấy cả một ấm pha trà trong căn-tin của BBC.
Tuy nhiên, dấu vết khiến người ta chạnh lòng hơn cả có lẽ không đến từ Thế chiến thứ Hai. Mà ở cuối đường hầm, tại phòng vé ở bên bờ sông, một ai đó đã phác thảo một bức vẽ graffiti trên tường. Một phác thảo là hình ảnh một người đẹp gợi cảm. Một bức hình khác là hình ảnh phiên bản ban đầu của Chuột Mickey, với đôi mắt đen to ấn tượng mà chú chuột được vẽ vào thập niên 1930. Có lẽ họa sĩ là một trong những người cuối cùng đi xe lửa trước khi nơi này đóng cửa.
Có vẻ như ai đó đã để lại dấu ấn của họ nhiều năm trước khi đường xe lửa ngừng hoạt động và Thế Chiến thứ Hai bắt đầu. Nhìn lại thời đó, khó có ai có thể tiên đoán được đường sắt bỏ hoang này - một thời là công trình rực rỡ dưới thời Victoria - lại được tái cấu trúc lại để dành cho những ngày đen tối nhất của nước Anh.
Amanda Ruggeri
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.