Quản lý thôi mà, chỉ là người làm công, thay mặt chủ mà làm, nhưng khách chơi đa phần tới đây là vì cách tiếp đón của chị. Chị duyên dáng, chị lịch thiệp. Chị nhớ từng tên khách quen và sở thích của họ. Chị chiều rất khéo, nhưng không để họ đi quá xa. Ở cái chốn, thiên hạ đốt tiền cho những cuộc vui. Ở cái nơi, người ta có quyền mua và bán, tất cả những thứ có thể mua bán được, giữ mình không dễ chút nào. Chị cũng bán nhiều thứ, chỉ không bán mình!
Chị đã từng có một gia đình êm ấm. Chính cái nghề nghiệp này, cái nghề tiếp xúc thường xuyên, với những gã đàn ông thừa tiền lắm của. Chị đã phải khó khăn, đã phải chịu đựng, đè nén bao ham muốn để thoát ra khỏi cái quyến dụ của nó. Chồng chị là một nhà giáo. Anh hiền nhưng cộc tính. Hai người đã có với nhau một đứa con gái. Anh biết, mọi thứ mang lại cho cuộc sống tạm sung túc hiện tại, phần lớn là nhờ vào đồng tiền của chị. Anh cũng biết, vợ mình bản lĩnh. Nhưng để phải chấp nhận, một người phụ nữ, ngày nào cứ 8,9 giờ tối, bỏ chồng ở nhà dỗ con. Son phấn, áo quần, rời nhà, tới quá nửa đêm mới mò về, người rã rượi và nặc nồng mùi bia rượu, thì quả là ngoài sức chịu đựng của một thằng đàn ông. Chưa nói tới, về là chị mệt nhoài, lăn ra ngủ, bỏ mặc anh với những thèm muốn bình thường nhứt. Bạn bè cùng trường dèm pha, bàn tán. Anh khó chịu, anh nhục nhã! Những lục đục, cải vã thường xuyên.
Mối nghi kỵ trong
anh cứ lớn dần. Chị vẫn cương quyết không nghỉ việc. Không phải chỉ vì đồng tiền,
mà chị đã quen mùi vũ trường, quen cuộc sống về đêm mất rồi. Chị yêu cái gia
đình nhỏ của mình, đồng thời yêu luôn cái không khí đầy khói thuốc và tiếng ồn
của những giai điệu quen thuộc, những bóng người xoắn lấy nhau, nhịp nhàng theo
tiếng nhạc. Ở đó, chị luôn nhận được những khen tặng và tán tỉnh. Thứ hiếm hoi
không còn tìm thấy ở anh nữa. Ở đó, nhân danh công việc, chị có những đêm vui bất
tận. Nhưng cũng vì anh, chị đã bỏ qua rất nhiều cơ hội kiếm tiền. Chị cố hết sức
để không phải lún sâu vào cái nghề nhiều tai tiếng này. Chị tự đặt cho mình những
nguyên tắc. Từ chối những gì cần từ chối. Vài vị khách đa tình, ham của lạ,
thích chị, rồi rủ rê. Chị đều lắc đầu, chuyện đó để dành cho em út, cho mấy đứa
dưới tay. Làm quản lý chứ không làm tú bà. Chị không ngó ngàng, không quan tâm
tới chuyện sinh hoạt, đi khách của mấy em ca-ve. Không chia phần, không dính
dáng. Chị cố sống tử tế được tới đâu hay tới đó. Vậy mà, việc gì tới vẫn tới. Họ
chia tay. Chị nhận nuôi con, nhận phần lỗi về mình. Sống một mình, chị buộc phải
thận trọng hơn. Cái còn lại, chị có được là lòng yêu mến của đồng nghiệp, trong
đó có hắn.
Hắn chơi organ. Hắn
mồ côi. Dân tu xuất, học đàn trong nhà dòng từ nhỏ.Hắn gần như là đầu tàu của
ban nhạc. Hắn chơi hết mình. Luôn hào hứng và nhiệt tình. Ca sĩ trẻ, mới vô nghề,
hát với hắn luôn được giúp đở tận tình. Có lỗi nhịp, có trật tông, có mất hơi,
quên lời, hắn dìu lướt qua hết. Bạn bè, anh em yêu mến hắn, không phải vì tay nghề
và kinh nghiệm mười mấy năm chơi nhạc của hắn. Nhiêu đó mà nhằm nhò gì. Họ quý
hắn vì cái quyết tâm làm lại cuộc đời của hắn. Không ai tin được, trong một con
người có tâm hồn, đam mê âm nhạc như hắn, lại tiềm tàng cái máu Lục vân Tiên. Hắn
cũng chẳng đòi làm tay anh chị gì cho cam.Chỉ là,không hiểu sao, ngay từ hồi
còn trẻ, hắn rất ghét những kẻ sống núp váy đàn bà. Hắn luôn sôi máu với những
tên ma cô, dắt gái, mấy thằng có cái tên chung rất kêu: Nài.
Chuyện đời, chuyện giang hồ, hắn không rành lắm, nhưng chuyện bất bình thì hắn ít chịu bỏ qua. Hồi mới đi làm ban nhạc chưa được năm, hắn đã được bạn bè nhắc tới nhiều, vì cái tánh ngang tàng, ngược đời này. Gái vũ trường thì hởi ơi, đủ thập loại chúng sinh, đầy hoàn cảnh và hoàn cảnh, thiệt giả lẫn lộn.Hắn giang tay hết, em nào nhờ, hắn cũng giúp, nhứt là ba cái chuyện ăn chận, làm khó của mấy tay nài. Người thương nhiều, kẻ ghét cũng không ít.Hắn ngây thơ gây thù chuốc oán, không biết mình vô tình đập bể nồi cơm người khác.
Tối đó về trễ, mới
ra khỏi cửa. Đang loay hoay đeo cây đàn, thì ăn nguyên cái chai từ phía sau
phang tới. Tiếng miễng chai bể, lạo xạo cắm vô đầu, vô gáy ngọt xớt, máu bắn
tung toé. Hắn buông cây đàn, tưởng hắn gục, nhưng không.Thằng đằng sau chưa kịp
định thần, thì bị hắn tóm gọn.Máu tuôn mặc máu, bao nhiêu sức lực còn lại, hắn
trút hết vào những đòn thù lên người thằng nọ. Lúc mọi người nhào ra can thì đã
hết tuồng. Thằng nọ nát như cái giẻ rách và hắncũng đổ ụp xuống bên cạnh.
Nằm ở bịnh viện cả
tuần, lúc tỉnh lúc mê. Hắn giựt mình khi nghe thằng nọ chết. Hắn không nhớ hắn
đã ra tay như thế nào nữa. Phần thằng nọ dân “sì”, độp thuốc lâu ngày, xương cốt
rệu rạo sẵn, thêm hắn dập trong cơn đau điên cuồng, bao nhiêu xương sườn bể
nát, lục phủ ngũ tạng tanh bành, thằng nọ đi luôn là phải. Ra tòa, xét đủ mọi
tình tiết giảm nhẹ, hắn lãnh 5 năm tù. Gở được 3 cuốn lịch, làm quen thêm một mớ
ngày tháng khốn nạn, thì hắn được ân xá cho về.
Về đời, mang cái án giết người, xin việc làm đâu dễ. May mà Trời còn thương, anh em chơi nhạc cũ, nhớ cái tình, lôi vô vũ trường Ruby làm. Từ đó, hắn hiền như cục đất. Hỏi chuyện cũ, hắn lắc đầu không nhớ, không muốn nhắc.
Mới đó mà đã gần 10
năm. Vũ trường cũng đã đổi chủ. Chủ mới là một Việt kiều giàu có, lớn tuổi.
Cũng chẳng ảnh hưởng gì tới những người làm công như hắn. Chị vẫn được giữ lại
làm, nhờ quá nhiều kinh nghiệm trong nghề, chỉ vất vã hơn lúc trước vì những
thay đổi và đòi hỏi nhiều hơn của chủ. Ở Ruby, chị luôn là người tới sớm nhứt
và ra về sau cùng. Mấy năm sau này, khi không còn ở với chồng, nhiều tối chị nhờ
hắn đợi để về chung. Đường khuya, sợ cướp bóc thì ít, sợ lẽ loi lại nhiều. Cái
cảm giác đơn độc trên đường, rồi đơn độc cả lúc đã về nhà, làm chị sợ.
Đôi khi, cả hai dừng
lại ăn tô mì, tô cháo. Nói chuyện bâng quơ trên trời dưới đất. Hắn ở cái nhà trọ
dưới chân cầu, bên kia sông. Ban ngày, hắn tới nhà dạy đàn cho vài đứa nhỏ con
nhà giàu. Sống cu ki một mình nên cũng tạm ổn. Chị hỏi:
– Sao không lấy vợ?
Hắn cười buồn:
– Ai chịu lấy thằng
sát nhân mà lấy!
Chị ở cái chung cư
bên này sông. Đứa con gái chị đã học trung học. Hỏi, chị cười, cũng buồn in hệt
nụ cười của hắn:
– Nhà có hai má con,
ở chung cư cho nó yên.
Không biết yên, là
chị nói tới chuyện chỗ ở, hay chuyện chị không đi bước nữa. Chỉ có vậy, đưa chị
tới nhà, hắn lặng lẽ qua cầu về chỗ của mình. Chưa một lần chị mời hắn ghé
chơi. Hắn cũng thấy mình chẳng có lý do gì để ghé!
Chiều nọ, lúc ban nhạc
đang dợt bài mới, lão chủ dắt lại một em mướt rượt, nói ca sĩ mới, nhờ tụi hắn
tập. Cô tên Hằng. Ca sĩ Thanh Hằng. Cô có giọng ca hoàn toàn trái ngược với cặp
chân dài và thân hình bốc lửa của mình. Cô mù nhạc lý, mù luôn cả giai điệu và
kiến thức tối thiểu về âm nhạc. Không sao, thứ này nhiều. Rất phù hợp với
khuynh hướng coi hát hơn nghe hát hiện nay. Tập sơ cho cô vài bài tủ. Tối đó,
cô lên sân khấu, là tay chủ muốn vậy, dĩ nhiên có lý do của lão. Còn cô, dặn rồi,
nói rồi, tới hồi lên hát, nhạc ở bờ đông, cô chèo bờ tây! Ban nhạc theo muốn hụt
hơi. Rồi cũng xong. Chủ hài lòng. Cô vui vẻ. Và tụi hắn được chủ thưởng ít tiền,
đủ bữa nhậu ngoài vĩa hè. Ngồi với anh em, lẽ ra hắn phải vui. Không hiểu sao mới
có mấy ly, qua tới ly kế, tay hắn bắt đầu run, như không còn chút khí lực nào.
Ly rượu nhỏ xíu tuột khỏi tay, rơi xuống bể tan. Đầu óc quay cuồng, hắn đứng dậy
đòi về, trước cái nhìn ngơ ngác của bạn bè, tửu lượng của hắn ai cũng biết, mấy
ly mà xỉn gì? Tay hắn cứng đơ, ráng lắm mới đưa được chiếc Dream về tới chỗ ở.
Sáng đi khám bịnh,
chụp hình, siêu âm hết một mớ tiền. Bác sĩ nói:
– Do vết thương cũ,
làm rối loạn chức năng của não và dây thần kinh. Coi như vô phương. Phẩu thuật
rất phức tạp và tốn kém vô cùng. Tạm thời, uống thuốc cầm chừng coi sao...
Tối đi làm, hắn mới
thấy rõ điều tệ hại này. Chơi chưa hết một “tua” nhạc, mấy ngón tay đã tê buốt,
hắn chệch choạc luôn mấy nốt. Biết không ổn, hắn ngó qua Phong guitaz ngầm ra
hiệu. Chơi chung với nhau lâu, Phong gật đầu hiểu ý. Từ đó cho tới hết buổi, hắn
chỉ đứng đó cho có tụ, mở nguồn, chạy phần đệm nhạc gài sẵn trong máy, ca sĩ
hát, tung hứng đã có tiếng guitaz của Phong che lấp giùm.
Sáng hôm sau, hắn
làm một vòng, xin nghỉ mấy chỗ dạy, đồng nghĩa với mất đi một khoản thu nhập cần
thiết. Phải chịu thôi! Chơi cho mình còn không được thì dạy ai. Hai bàn tay hắn,
những ngón tay tài hoa, giờ vụng về như đứa mới học đàn, nói ai nghe?
Hắn tới vũ trường sớm,
chị đã có mặt. Chị nhìn hắn ái ngại. Chị biết hết chuyện hắn chơi nhạc kiểu gì
tối qua:
– Ít tiền mọi người
góp lại giúp anh mua thuốc. Có bớt chút nào không? Đừng nói với ai. Cứ tạm như
vậy, rồi từ từ tính.
Hắn không muốn,
nhưng vẫn phải nói cảm ơn và cầm lấy. Hắn thực sự cần tiền. Thu nhập duy nhất để
sống của hắn, giờ cũng chỉ còn trông cậy vào nơi này.
Khuya, một mình
chong đèn. Hắn lôi cây đàn ra chơi câm. Không có một âm thanh nào phát ra, những
phím đàn nhún nhẩy gượng gạo. Hắn nghe trong đầu từng đoạn nhạc rã rời, đứt đoạn.
Những ngón tay không chịu nghe lời hắn nữa. Hắn chán nản, hắn suy sụp thấy mình
bất lực. Hắn rùng mình khi nghĩ tới những ngày sắp tới. Hắn giận ông Trời bất
công, muốn lấy, sao không lấy đi thứ gì khác của hắn, mà là đôi tay?
Hắn vẫn biết không
thể kéo dài cách chơi tạm bợ này được, nhưng không ngờ nó tới nhanh quá. Cuối
tuần, có ca sĩ Thanh Hằng hát. Hắn mở nguồn với phần đệm cài sẵn. Cô chới với,
cô rớt nhịp, cô lạc tông, và cô quên lời. Cô cho là hắn muốn phá, đổ thừa mọi
thất bại là do hắn. Sự nghiệp ca hát của cô tiêu tan là bởi tiếng đàn của hắn.
Cô học lại, cô tỉ tê tâm sự với chủ. Lão chủ lịnh xuống và chị là người thực hiện.
Lần này, nghe chị dặn
ở lại gặp, hắn biết ngay không phải để chờ chị về chung. Mọi người đã về hết.
Chị ngồi sau chiếc bàn, đầu cúi xuống. Hắn lên tiếng trước, cho bớt ngột ngạt,
cho chị bớt ái ngại:
– Anh T. muốn thay
người phải không?
Chị ngước lên nhìn hắn,
như chờ đợi một sự cảm thông, rồi lại cúi xuống, không nói. Hắn tiếp, giọng
chùng xuống:
– Không sao, chị đừng
lo. Trước sau gì cũng phải thay. Tôi chịu được mà...
Chị lấy trong bóp ra
2 cái bao thơ, chị nói:
– Cái này là tiền
lương của anh. Còn cái này... Anh em quyết định, mỗi người góp một chút hằng
tháng, cho anh thuốc men. Chừng nào anh khoẻ, đi làm lại thì thôi.
Hắn cầm lấy một cái,
cái kia hắn để lại:
– Cảm ơn chị, cảm ơn
mọi người. Giúp nhau lúc ngặt, tôi mang ơn. Nhưng nghèo giúp sao được. Anh em
cũng khổ. Tôi không nhận đâu. Không chơi đàn, thì tôi kiếm việc khác!
Hắn lãng qua chuyện,
hắn không muốn chị vì hắn mà buồn:
– Về chưa? Ghé ăn
cháo?
Chị bật cười:
– Chờ chút. Con nhỏ
dọn dẹp, mắc chứng nghỉ ngang xương, đang kêu đứa khác chưa được...
Hắn đứng bật dậy, xếp
những cái ghế bị xô lệch về cho ngay ngắn:
– Hay quá! Cái này
tôi làm được, khỏi kêu! Tôi biết chỗ cất đồ nghề rồi!
Không đợi chị trả lời,
hắn đi nhanh về phía nhà kho sau lưng sân khấu, lôi ra đủ thứ: chổi, xô, chậu,
khăn lau... Sàn nhảy trống trơn. Hắn ôm lấy cây lau nhà, xoay mấy vòng điệu nghệ,miệng
lẩm nhẩm hát mấy câu nhạc như đùa cợt với mình. Chị nhìn theo, chỉ còn biết thở
dài...
Vậy là hắn có việc
làm mới. Có cái cớ để lui tới Ruby, có cái cớ để gặp chị, để nghe những âm
thanh, để nhìn được những hình ảnh quen thuộc. Những thứ gắn bó với hắn bao
nhiêu năm dài, dù là phải đứng sau sân khấu nhìn ra, hắn vẫn còn thấy lấp ló
chút niềm vui, chút hy vọng. Dạo này hắn không về chung đường với chị nữa, vì
trái giờ. Có tới sớm, hắn cũng tránh không gặp, để không ai phải áy náy. Hắn
không muốn nhìn thấy sự thương hại trên mặt người khác.
Thuốc men gần 2
tháng trời vẫn không thấy thuyên giảm. Hai bàn tay hắn ngày càng tệ. Trước lúc
đi làm mỗi đêm, hắn đều lôi cây đàn ra ngắm nghía, vuốt ve từng phím một.Với hắn,
cây đàn là người bạn thân thiết nhứt, là người tình luôn mang lại cho hắn cảm
giác êm ái, những cảm xúc rất thực. Chỉ cần hắn đặt tay vào đó, là bao nhiêu kỷ
niệm, bao nhiêu mơ ước tràn về.
Vậy mà......
Gần tới kỳ tái khám,
hắn đã phải quay mặt đi, cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc khi chia tay
nó. Hắn cần tiền đã đành. Cái chính là hắn muốn trả cho cây đàn sự sống. Ở đây,
nó đang chết dần cùng hắn. Nó phải được reo vui, được ở đúng nơi cần nó. Ở nơi
mà khi nó ngân tiếng, có thể xua đi bóng tối, có thể mang lại cho mọi người một
hành trình tốt đẹp. Hắn bán nó! Như bán đi hai bàn tay mình, đau ghê lắm. Tay
đã vô dụng, thì phương tiện đi lại hằng ngày của hắn là chiếc Dream, cũng từ từ
trở thành vô dụng. Lái xe cực quá, vật lộn với nó từng đoạn đường một. Coi như
có thêm tiền thuốc men, có đi đâu nhiều mà giữ. Vậy là còn... cặp chưn, hắn
cũng bán luôn!
Ruby bữa nay có tiệc.
Sinh nhựt ca sĩ Thanh Hằng. Chủ ưu ái cho tổ chức party ngay tại vũ trường. Lúc
hắn tới làm, cuộc vui vẫn còn. Khách đông nghẹt. Chỗ đâu mà dọn dẹp. Hắn cũng
không muốn đợi. Việc quái gì phải đợi. Người ta trả tiền làm thì hắn làm, có trả
tiền đợi đâu. Ai chơi mặc ai, hắn làm việc của mình, rồi về. Bữa sau lãnh tiền,
đố cha thằng nào dám thắc mắc. Nghĩ vậy, hắn lấy đồ nghề, dọn toilet trước, chừng
nào về hết ra ngoài dọn sau. Xong cái toilet nam, người ướt nhẹp, nồng nặc mùi
thuốc tẩy. Hắn xách đồ qua toilet nữ. Đang lui cui chà sàn thì cô ca sĩ Thanh Hằng
đẩy cửa vô. Hắn tảng lơ như không thấy, cứ làm tiếp. Cô đã quá say, mắt nhắm mắt
mở, bước chân xiêu vẹo. Tưởng không có ai, không thèm vô trong. Cô tốc váy, tuột
sì-líp ngồi ngay xuống trước mặt hắn. Ngồi xuống rồi, cô mới thấy hắn. Cô hét
toáng lên như bị ai hiếp. Lão chủ lịch sự đưa cô tới, đứng đợi bên ngoài, tung
cửa vô liền. Cô một tay kéo quần lót, một tay chỉ hắn. Hắn đứng dựa vách, chỉ
xô nước và cái bàn chải dưới sàn. Tới phiên lão chủ hét:
– Đi ra!…
Hắn biết lão muốn lấy
uy với gái, muốn chứng tỏ mình là chủ. Tự nhiên hắn thấy tởm. Hắn tỉnh bơ:
– Ai ra?
Tới lúc này lão chủ
mới nhận ra hắn. Trong bộ đồ lao động, hắn khác xa với lúc trên sân khấu. Lão vẫn
còn ghim chuyện cũ Thanh Hằng kể, không ngờ gặp hắn ở đây. Hai mắt lão long lên
giận dữ. Lão thừa biết không phải lỗi hắn, nhưng trước mặt cô ca sĩ ưa thích,
không cần phân biệt phải trái đúng sai, lão chồm qua nắm lấy ngực áo hắn lôi ra
ngoài. Tới đây thì lão lầm. Lầm tai hại. Biểu hắn chà cầu tiêu, đổi lấy miếng
ăn thì được, nhưng đụng chạm thân thể hắn, sỉ nhục hắn thì không! Không bao giờ
hắn chịu. Mấy ngón tay cứng đơ, tê buốt. Cánh tay hắn vẫn còn ngon lành. Không
cần suy nghĩ, hắn lật cái chỏ ngang vô mặt lão như trời giáng. Lão bật ra té
nhào xuống. Cô ca sĩ tính la lên, bắt gặp cái nhìn đáng sợ của hắn, bụm miệng
nín khe. Hắn lặng lẽ đi ra. Đám đông vẫn ồn ào. Hắn thoáng thấy chị đang cười
nói với ai đó. Hắn rất muốn lại chào, nghĩ lại thấy không nên. Ngày mai hắn
không còn tới đây nữa. Chẳng còn lý do gì để hắn có mặt nơi này. Tới cái công
việc tồi tệ nhứt, hắn còn không giữ nổi, gặp chị làm gì?
Bên ngoài, trời se lạnh.
Hắn bắt đầu đi bộ chậm rãi. Không có ai đuổi theo. Đi qua khu nhà chị, hắn dừng
lại, ngó lên mấy căn phòng còn sáng đèn của chung cư, tự hỏi căn nào là của chị.
Căn phòng nào có đứa con gái, còn thức đợi mẹ hay đã say ngủ từ sớm. Căn phòng
mà hắn ao ước, được tới chơi một lần trong đời. Giờ thì không còn cơ hội nữa. Hắn
đi lên cầu. Vắng hoe. Hắn không vội, hắn chưa muốn về nhà lúc này. Hắn đứng giữa
cầu, nhìn xuống dòng nước đục ngầu. Nó như đời hắn. Có trôi nhanh hay chậm thì
mãi vẫn chảy dưới cầu. Giống như câu chuyện tình của hắn vậy. Vói mãi không tới
được gầm cầu. Hắn chồm người qua lan can cầu, hắn gọi tên chị. Hắn bắt đầu nói,
nói hết với dòng sông những gì hắn nghĩ, hắn muốn nói với chị. Hắn tin là dòng
sông đang nghe. Hắn tin những thứ rác rưởi trên đó rồi sẽ trôi đi, chỉ còn những
lời yêu thương của hắn ở lại. Chìm xuống dưới đáy, ở hoài. Người hắn tê cứng
như hai tay. Hắn nghĩ, ở trên này hay bên dưới, có gì khác nhau? Biết đâu ở dưới
đó, mưa nắng chỉ đi qua hờ hững, ân oán tìm không tới! Mọi thứ muôn đời sẽ
không thay đổi. Hắn vẫn còn là hắn, với hai bàn tay nguyên vẹn và những dạo
khúc, ru người tha thiết! Gió sông thổi lên, mơn trớn, níu kéo. Hình ảnh chị và
lời tự tình của hắn ẩn hiện. Thành cầu chao đảo. Mặt sông chao đảo. Người hắn
chao đảo...
Cuộc vui đang ngon
trớn, bỗng ngưng ngang vì tiếng la hét của cô ca sĩ Thanh Hằng trong toilet.
Người ta dìu lão chủ ra, mặt bê bết máu. Cả hai vẫn chưa hoàn hồn, ú ớ tiếng
còn tiếng mất. Bộ dạng cô ca sĩ đã thảm, lão chủ còn thảm thương hơn. Một bên
hàm bể nát, miệng lệch qua một bên. Cô ca sĩ gào lên một cái tên. Tên hắn. Cô
khóc nức nở, cô kể lể. Hắn bị đuổi việc, hắn thù cô! Hắn rình trong toilet để
làm nhục cô. Xui cho hắn là bị lão chủ phát hiện, ra tay can thiệp. Hắn hành
hung luôn lão, kiếm đường thoát chạy. Thứ côn đồ! Quân giết người!...
Nhiều cái miệng anh
hùng, cứu nhân độ thế, lên tiếng theo:
– Báo công an! Báo
công an! Còng đầu nó lại. Cho nó tù mọt gông!...
Chị đứng yên một góc
tê tái. Chị biết chắc hắn chính là tác giả chuyện này, chỉ không tin vào bất kỳ
lời nói nào của cô. Phải có lý do lớn lao hơn.Chị rành hắn sáu câu. Chị đâu có
lạ gì cách sống của hắn. Tuyệt đối hắn không phải loại người này. Chị hối tài xế
chở lão chủ vô bịnh viện. Chị nhìn những con người a dua, đạo đức giả. Nhìn những
gương mặt đỏ gay sau bữa tiệc, đang hả hê khinh thị, buộc tội người khác. Chị
chợt nhớ, thì ra bấy lâu nay mình không sai. Mấy năm trời, ly dị chồng, chị sống
lủi thủi nuôi con. Những cuộc vui tạm bợ hằng đêm, không hề lấp đi được chút
nào, cái khoảng trống cô đơn sâu thẳm trong chị. Không có anh, chị thèm thuồng
từng câu hỏi han, từng câu vỗ về an ủi. Thèm cái san sẻ buồn vui thực lòng.
Thèm cái hơi ấm, cái vòng tay của một thằng đàn ông đúng nghĩa. Những hào hoa
phong nhã, những trau chuốt, lịch sự của những gã chung quanh chị, chỉ như tấm
áo rách, che không hết cái tồi tàn, cái ích kỷ bên trong. Dạo sau này, chị hay
nghĩ về hắn. Chị quý cái chịu đựng, cái thật thà. Chị nhớ và thương từng cái cử
chỉ thô lỗ, vụng về, ngang tàng mà ngu ngơ của hắn. Rất nhiều lần chị muốn nói,
muốn gợi ý với hắn về một nơi ở mới, một khung cảnh sống mới. Chị chần chừ. Những
rũi ro liên tiếp làm chị do dự, chị lo ngại hắn tự ái, hắn từ chối. Giờ thì
không có gì cản được chị. Chị sẽ nói với hắn, nói hết. Nói chị cần hắn, cần cái
tình của hắn như hơi thở, như ánh sáng trong đêm dài cô quạnh...
Bỏ mặc thiên hạ xúm
xít quanh cô ca sĩ, bỏ mặc lão chủ vừa được dìu lên xe đi bịnh viện. Chị tất tả
lấy xe đi tìm hắn. Chị sẽ ôm chầm lấy hắn mà thủ thỉ. Cho dù có chuyện gì đi nữa,
chị cũng không rời bỏ hắn. Con đường quen thuộc, con đường những đêm có hắn chạy
xe bên cạnh nói cười. Con đường có quán mì, quán cháo, có gã đàn ông sẵn sàng
làm tất cả vì chị. Con đường giờ còn mình chị, dáo dác kiếm tìm. Chạy tới khu
chung cư, vẫn không thấy hắn. Chị cho xe đi tiếp, tới giữa cầu, chị dừng xe lại.
Không thấy hắn. Không có ai trên cầu. Chị ngồi lặng trên xe, nghe gió thổi qua
người. Nghe như có tiếng gọi tên mình. Nghe đâu đó dưới sông, đong đưa câu hát:
“Vì còn đây câu nói
yêu em. Âm thầm soi lối vui tìm đến”.
Ngô Đình Hải
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.