Tuesday, April 30, 2019

Giải pháp nào cho cờ Vàng và cờ Đỏ

BM
Cờ Vàng hay cờ Đỏ là chủ đề gây tranh cãi bao năm qua, đó không chỉ là sự tranh cãi giữa những người Cộng hòa và Cộng sản, mà còn là sự bất đồng trong chính những người đấu tranh dân chủ. Tình trạng này bao giờ mới chấm dứt?

Hiểu biết là một quá trình

BM
Đàm Vĩnh Hưng tại buổi trình diễn của y tại Crown Casino Melbourne tối 17 03 2013

Việc bị nhồi sọ từ bé khiến cho ác cảm về cờ Vàng rất khó phai nhạt. Người Cộng sản tô vẽ rằng “Cờ ba sọc” là biểu tượng của cái ác. Vì thế mà ngay chính những nhà hoạt động dân chủ - những nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản cũng ngượng ngùng khi được trao cho lá cờ này.

Ban đầu thì những nhà dân chủ chỉ đơn thuần chỉ trích lãnh đạo hiện tại, cho rằng họ suy thoái đạo đức, tham nhũng, đi chệch hướng so với những gì mà thế hệ lãnh đạo đi trước mong muốn. Có nghĩa là lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa vẫn tốt đẹp, những lãnh tụ như Hồ Chí Minh vẫn vĩ đại, và vì thế mà lá cờ đỏ sao vàng vẫn thiêng liêng. Có người còn giặt sạch sẽ, gấp phẳng phiu lá cờ để mang đi biểu tình chống Trung cộng.

BM  

Nhưng mà dần dần rồi người ta hiểu thêm được nhiều thứ.

Cờ Đỏ sao vàng hóa ra không phải cờ dân tộc như mọi người vẫn nghĩ, nó giống đến 99% cờ của tỉnh Phúc Kiến – nơi có thể coi như điểm khởi đầu của Cộng sản Trung cộng. Nhìn cờ Phúc Kiến khiến cho cảm tình với cờ Đỏ sao vàng giảm đi ít nhất 1 nửa.

BM
  
Rồi cùng với thời gian, hàng bao nhiêu cái xấu xa được tìm hiểu. Rồi Nhà nước Việt Nam lập nên những Hội cờ Đỏ đi đàn áp tôn giáo, xỉ nhục những người lên tiếng vì chủ quyền đất nước… Với từng ấy điều xảy ra, ngày trước dẫu có yêu cờ Đỏ mấy thì bây giờ nhìn vào cũng thấy không đẹp nữa.

BM
  
Cho dù lá cờ ấy có tung bay khi một người Việt nào đó giành được một thành tựu ở quốc tế, Nhà nước Việt Nam Cộng sản cũng chỉ tìm cách khuếch trương, tung hô quá đà với mục đích cho người dân và những nhà đấu tranh dân chủ thấy rằng: đất nước Việt Nam vẫn tươi đẹp lắm, đáng tự hào lắm, các anh đừng có quấy phá, chê bai làm gì.

Xin khẳng định đó đều là những thành tích nhỏ nhoi và phải lâu lắm mới có 1 lần, nó không giúp ích được gì nhiều mà còn làm che giấu thực trạng đáng báo động của đất nước với bao nhiêu vấn đề cấp bách cần phải quan tâm.

Các quốc gia dân chủ, tiến bộ hơn cũng có vấn đề, nhưng mức độ của nó thấp hơn, không đến mức “chết người”, không vô lý đến mức khủng khiếp. Người ta có lúc đấu tranh với các vấn đề xã hội, có lúc ăn mừng thành tựu, thì việc ăn mừng ấy là bình thường. Còn mình chẳng quan tâm đến những vấn đề ngay sát sườn tác động trực tiếp đến miếng cơm manh áo mà lại đi tung hô quá đà, tự hào mù quáng với thứ mà mình chẳng được hưởng thì đúng là kỳ cục.

BM
  
Cứ mỗi một thành tích nhỏ bé ấy, Đảng thổi phồng lên, cho tung hô với cờ Đỏ ru ngủ người dân dù đất nước ngày càng tụt hậu. Việt Nam hiện nay đã thua cả Lào và Campuchia về năng lực cạnh tranh và trình độ sản xuất; thua Campuchia về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, thua về Công nghiệp ô tô và thua cả những lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh như lúa gạo.

Chúng ta từ trước tới nay luôn “tự hào” là dẫn đầu nhóm 4 nước nghèo nhất Asean là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar; nhưng nay đã bị Lào và Campuchia vượt qua nhiều mặt, nếu cứ tiếp tục tình hình này thì sẽ còn thua cả Myanmar.

Cái công lao “thống nhất đất nước” đến nay cho thấy không còn đúng nữa. Tại sao không nghĩ rằng đó là sự mở rộng cái nghèo đói cho cả 2 miền vốn chẳng đem lại lợi lộc gì ngoài bao nhiêu người chết?

BM
  
Kết quả ấy chỉ đơn thuần là chiến thắng của Chủ nghĩa Cộng sản, hay nói đúng hơn là của một nhóm lãnh đạo Cộng sản. Nhóm người có chức có quyền ấy thắng, là vì sau khi cướp được chính quyền, họ có thể dễ dàng trở thành triệu phú, tỷ phú Đô la dễ như bỡn; còn phần thua thuộc về cả dân tộc, cả đất nước.

Người Đức có cách thống nhất mà không tốn một giọt máu. Mà nếu không mang Chủ nghĩa Cộng sản về Việt Nam thì còn độc lập dễ hơn nhiều, vì các nước thực dân đến một thời điểm đều trao trả thuộc địa. Hồng Kông rồi cũng được trả về cho Trung cộng đấy thôi, nhưng dân Hồng Kông có lẽ chẳng bao giờ được tự do như thời còn làm thuộc địa nữa. Và một điều quan trọng: Hồng Kông giàu có văn minh là do thực dân Anh hay do Trung cộng?

Có giải pháp nào dung hòa?

BM

Nhiều người kêu gọi sự hòa giải từ hai phía, nghĩa là cần phải có giải pháp dung hòa cho cả hai, điều này nghe thì hay và tưởng chừng là khách quan, nhưng không hợp lý.

Hãy nhìn người Mỹ hòa giải như thế nào. Khi tướng Lee - chỉ huy quân đội miền Nam quyết định đầu hàng, vị tư lệnh miền Bắc là tướng Grant đã nghiêm cấm các sĩ quan và binh lính không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với vị tướng miền Nam bại trận. Tướng Lee đến nơi hẹn trong tiếng kèn chào đón của lính miền Bắc.

Hai người nói chuyện thân mật về kỷ niệm từng sát cánh thời chiến tranh với Mexico. Tướng Grant (bên thắng) ngại ngùng không dám hỏi tướng Lee về quyết định đầu hàng. Thành ra câu chuyện kéo dài, đến nỗi tướng Lee (bên bại) sốt ruột, phải chủ động nói: mục đích buổi gặp gỡ ngày hôm nay là bàn về việc đầu hàng.

BM
  
Tướng Grant (bên thắng) chủ động viết những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó cam kết binh lính miền Nam không bị coi là phản quốc và không phải ở tù; chính phủ coi binh lính miền Nam là những công dân bình thường nếu họ chấp hành tốt luật lệ. Sau đó ông cũng chấp nhận cho bính lính miền Nam được đem lừa ngựa về nhà để giúp gia đình.

Khi quân miền Bắc định bắn đại pháo ăn mừng, tướng Grant ra lệnh ngưng ngay lập tức. Ông nói: “Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta”. Ông cho rằng cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là không vui mừng trước thất bại của miền Nam.

BM
  
Sau chiến tranh, có nghĩa trang chung cho binh lính hai miền, cờ miền Nam vẫn tung bay trên nước Mỹ. Và còn nhiều tình tiết cảm động nữa. Đáng chú ý, miền Bắc nước Mỹ - phe thắng trận, phe muốn xóa bỏ chế độ nô lệ, là phe có nhiều chính nghĩa hơn nhưng lại chủ động nhún nhường.

Nó trái ngược hoàn toàn với cách đối xử của Bắc Việt với Nam Việt sau 1975:  hàng trăm ngàn người bị bắt đi tù khổ sai với mỹ từ “học tập cải tạo”; cả triệu người bị tịch thu tài sản, bắt đi vùng Kinh tế mới; đó là chưa kể những nghĩa trang của quân đội Việt Nam Cộng hòa bị cư xử tàn tệ, còn cờ Vàng đương nhiên là bị cấm.

BM
  
Thế cho nên những trường hợp nhắn nhủ với người Việt tị nạn rằng: “Ở đâu cũng là người Việt Nam, phải yêu thương lấy nhau, không nên hận thù”, thì đấy là những người chẳng hiểu gì cả. Họ cầm cờ Đỏ sang Mỹ “hòa giải” trong khi đáng lẽ phải cầm cờ Vàng ra Hà Nội mới đúng. Họ nói đồng bào hải ngoại đừng “thù hằn” trong khi người ở trong nước ai ai cũng được dạy phải căm thù “Mỹ - Ngụy”. Đã thắng rồi mà còn căm thù, vậy mà bắt những người bị tan cửa nát nhà, chết trên biển cả phải yêu quý mình sao?

Quân miền Bắc nước Mỹ nhiều lẽ phải hơn mà còn nhún nhường để hòa giải, còn Bắc Việt đã sai mà lại tìm mọi cách nhục mạ người bị hại. Hòa giải phải xuất phát từ bên đã làm việc không đúng, phải đi xin lỗi người mình đã gây hại chứ không thể nào xuất phát từ bên bị hại. Nhất là bên sai nhưng lại suốt ngày ca ngợi việc làm sai ấy thì làm sao xóa đi được nỗi đau.

BM

Xin khẳng định là: Nếu không phân biệt được đâu là bên chính nghĩa sẽ không thể có sự hòa hợp dân tộc, không thể có giải pháp dung hòa. Dung hòa thế nào, rằng “chúng tôi đã có công thống nhất đất nước, các anh hãy quên chuyện cũ đi, quên cờ Vàng đi để yêu cờ Đỏ rồi đừng thù hằn nữa” chăng?

Chỉ khi nào bên Cộng sản thừa nhận rằng “chúng tôi đã dại dột làm anh lính xung kích cho Nga và Trung cộng khiến bao người Việt chết oan để rồi đất nước nghèo nàn và lại bước vào một thời kỳ Bắc thuộc mới. Chính chúng tôi hiện nay cũng dị ứng với cờ Đỏ vì gợi nhớ lại thứ chủ nghĩa quái thai và mang ý nghĩa là 1 tỉnh của Trung cộng. Mãi sau này chúng tôi mới biết được rằng cờ Vàng là cờ dân tộc có từ thời vua Thành Thái. Nay chúng tôi đồng ý đổi tên nước thành Việt Nam Cộng hòa, xóa bỏ chế độ độc đảng, đưa đất nước đi theo con đường tự do dân chủ.

BM
  
Chỉ xin giữ lại bài Tiến Quân Ca làm quốc ca (có thể thay lời), vì nhạc sĩ Văn Cao thật ra sau này cũng chẳng ưa gì Cộng sản và bị đóng dấu phản động”, thì khi đó người Việt tị nạn mới có thể bỏ qua hết mọi chuyện để chung tay xây dựng đất nước.

BM
  
Nhưng điều này chắc chắn chẳng bao giờ xảy ra, nếu không tin, hãy nhìn cái cách họ ăn mừng ngày 30/4 thì rõ.



Phi Cảnh

BM

Cờ vàng, cờ đỏ và ứng xử của chúng ta
Chuyện lá cờ và chiếc áo
Mỹ giảm viện trợ đã tác động thế nào đến VNCH
Luận về cụm từ Việt Cộng
Một góc nhìn về ngày chấm dứt Cuộc chiến VN
Những gì tôi nhìn thấy khi Mỹ thua cuộc
Trung cộng ‘viện trợ Hà Nội nhưng không thể chỉ huy’ 1964-1975
Cụm từ 'các thế lực thù địch, phản động'
Sau Thượng Hải, Sài Gòn, Hoa Kỳ còn thoái lui khỏi Tehran và Beirut
Mười điểm cần lưu ý đối với phóng viên
Di sản VNCH _ Khi nền văn minh đã thắng ‘chế độ man rợ’
Cảm giác khi bị cô lập khỏi thế giới suốt 8 tháng
Cách 'ẩm trà' ăn há cảo Hong Kong đúng điệu
Bandito ...(Đạo tặc!)
Câu chuyện tháng Tư
Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989
Vì sao vợ chồng có thể sống xa nhau mà vẫn ổn
Hợp pháp hóa nghề mại dâm _ lợi hay hại?
Việt Nam hóa chiến tranh và bài học chơi với người Mỹ
Nhiều sự kiện bi thương ngày 15/4

Cờ vàng, cờ đỏ và ứng xử của chúng ta

BM
Ở Việt Nam thì ngay cả Tết cổ truyền cũng bị “chính trị hoá”, và Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ.

Vừa rồi, trên không gian Facebook đã xảy ra chuyện tranh cãi giữa một số người Việt quốc nội và hải ngoại cùng chung chí hướng vì một Việt Nam tự do - dân chủ. Mấu chốt của cuộc tranh cãi là sự khác biệt về quan điểm của mỗi bên đối với cờ vàng và cờ đỏ, để rồi từ đó dẫn đến những chuyện đôi co khác.

Cờ đỏ, hay cờ đỏ sao vàng, là lá cờ màu đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh được nhà cầm quyền cộng sản chọn là quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ năm 1945 đến 1976 và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976 đến nay.

BM

Còn cờ vàng, hay cờ vàng ba sọc đỏ, là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam (một chính thể nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp) từ năm 1948 đến 1955 và Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 đến 1975.

Cuộc tranh cãi diễn ra khá gay gắt và gây chia rẽ khá nghiêm trọng giữa những người đấu tranh trong và ngoài nước, một tập hợp vốn dĩ còn ít ỏi và thiếu gắn kết. Hậu quả đáng tiếc này lẽ ra đã không xảy ra nếu mỗi bên đều hiểu và tôn trọng quan điểm, tình cảm của phía bên kia trước một chủ đề đầy nhạy cảm như lá cờ.

Với những người Việt hải ngoại vốn rời khỏi Miền Nam Việt Nam sau biến cố 30/4/1975, cờ vàng không chỉ là biểu tượng của quê hương đất nước, một quốc gia từng được tất cả các nước thuộc thế giới tự do công nhận, mà còn biểu trưng cho tự do, dân chủ và nhân quyền.

BM
Trong khi đó, với phần lớn người Việt sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 và trên toàn Việt Nam sau 1975, cờ đỏ sao vàng không chỉ là biểu tượng của chính thể CHXHCN Việt Nam mà còn là biểu tượng của Tổ quốc, của dân tộc.

Khi những khuyết tật mang tính bản chất của hệ thống dần dần tự bộc lộ, những tội ác của chính quyền cộng sản dần dần bị phơi bày, ngày càng nhiều người Việt nhận ra rằng chế độ XHCN ở Việt Nam là một chính thể độc tài, phi nhân, bị một nhóm thiểu số áp đặt cho đa số, hoàn toàn không thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân. Những người đã thức tỉnh đó vì thế cũng ý thức được rằng lá cờ đỏ sao vàng không thể là biểu tượng của Tổ quốc, của dân tộc Việt Nam, cho dù nó được cộng đồng quốc tế công nhận.

BM

Với đa số người Việt buộc phải từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn để thoát khỏi ách cai trị cộng sản, lá cờ màu đỏ là hiện thân của tội ác và khơi gợi lại trong họ những nỗi đau khôn cùng. Trong suy nghĩ của họ, chính vì lá cờ đó mà họ buộc phải rời bỏ quê hương trên những con thuyền mong manh giữa đại dương sóng dữ, buộc phải chứng kiến hình ảnh người thân của mình chìm giữa biển khơi và làm mồi cho cá, hay cảnh tượng vợ con, thân quyến bị hải tặc cưỡng hiếp…

BM
Người tị nạn Nam VN đi thuyền ra tàu Mỹ những giờ cuối của cuộc chiến VN

Không ít người trong số họ hễ có cơ hội là sẵn sàng dẫm đạp lên lá cờ đỏ, một phản ứng hoàn toàn dễ hiểu nếu chúng ta biết được những gì họ đã từng trải qua. Và như một lẽ tự nhiên, họ cảm thấy dị ứng với bất kỳ ai yêu mến hoặc trân trọng lá cờ đó.

Như đã nói ở trên, với phần lớn người Việt sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc trước 1975 và trên toàn Việt Nam sau 1975, lá cờ đỏ sao vàng vẫn được coi là biểu tượng của quốc gia. Vì thế, việc họ nâng niu lá cờ đó là điều bình thường, như chúng ta vẫn thấy trên các sân bóng đá có người Việt tham dự.

Điều đáng nói là kể cả những người đã thức tỉnh và ngày càng đông lên kia, họ không những không thể hành xử với cờ đỏ như những người Việt hải ngoại vốn là nạn nhân của cộng sản, mà một bộ phận trong số đó còn có những tình cảm khó diễn tả với lá cờ này. Đó là những người đã từng chiếu đấu dưới lá cờ ấy, hoặc có người thân yêu đã đổ máu, thậm chí bỏ mạng vì nó. Họ không còn đặt niềm tin vào lá cờ đó nữa, dĩ nhiên, nhưng với họ bất kỳ sự đối xử thô bạo nào dành cho lá cờ đó cũng là bất nhẫn. Và điều này cũng không có gì là khó hiểu cả.

Những người Việt trong nước đã thức tỉnh và đang đấu tranh cho một Việt Nam tự do - dân chủ có thể dành cho cờ vàng một thiện cảm đặc biệt, với ý nghĩa nó là biểu tượng của một chính thể dân chủ từng tồn tại trên một nửa đất nước, hay biểu trưng của tự do, dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, nếu nói rằng tất thảy họ đều yêu mến hay thậm chí tôn thờ lá cờ đó thì e là hơi khiên cưỡng, bởi một lẽ đơn giản là họ chưa từng một ngày được sống dưới màu cờ vàng.

BM
  
Với không ít người Việt trong nước đã thức tỉnh, dù không chấp nhận cờ đỏ sao vàng, dù thậm chí còn coi nó là hiện thân của một tà thuyết, một tội ác khủng khiếp mà một nhóm thiểu số đã gây ra cho cả dân tộc, nhưng họ vẫn không thể nào dẫm đạp lên lá cờ ấy. Đơn giản, họ coi đó là hành động bất nhẫn đối với hàng triệu người Việt đã từng không chỉ tôn thờ mà còn chiến đấu và hy sinh vì lá cờ ấy, những người đã ngã xuống vì nó trước khi kịp nhận ra mình đã bị lừa mị bởi những kẻ bất lương.

BM

Cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là người Việt quốc gia vốn luôn tôn thờ cờ vàng ở Mỹ, Canada và Australia, đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho công cuộc giải thể cộng sản và dân chủ hóa đất nước. Họ đã tạo được áp lực đáng kể lên các nhà lập pháp sở tại để các quốc gia này đưa ra những chính sách buộc Hà Nội phải tôn trọng những quyền con người cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp hay các công ước quốc tế mà CSVN đã ký kết. Ngoài ra, họ còn khích lệ và yểm trợ cả tinh thần lẫn vật chất cho những người đấu tranh trong nước vốn luôn phải đối mặt với đủ trò độc ác, hèn hạ của nhà cầm quyền.

BM
  
Chế độ nào cũng có ngày thay đổi; một chính thể dân chủ hậu cộng sản rồi sẽ ra đời, với một lá quốc kỳ mới được toàn thể nhân dân lựa chọn. Để viễn cảnh đó sớm diễn ra, việc tập hợp và đoàn kết những người từng sống dưới những màu cờ khác nhau là một tiền đề hết sức quan trọng. Và để tiền đề đó trở thành hiện thực, việc thấu hiểu và chia sẻ tình cảm của mỗi người đối với cờ vàng hay cờ đỏ là một đòi hỏi tiên quyết.



Lê Anh Hùng

BM

Chuyện lá cờ và chiếc áo
Mỹ giảm viện trợ đã tác động thế nào đến VNCH
Luận về cụm từ Việt Cộng
Một góc nhìn về ngày chấm dứt Cuộc chiến VN
Những gì tôi nhìn thấy khi Mỹ thua cuộc
Trung cộng ‘viện trợ Hà Nội nhưng không thể chỉ huy’ 1964-1975
Cụm từ 'các thế lực thù địch, phản động'
Sau Thượng Hải, Sài Gòn, Hoa Kỳ còn thoái lui khỏi Tehran và Beirut
Mười điểm cần lưu ý đối với phóng viên
Di sản VNCH _ Khi nền văn minh đã thắng ‘chế độ man rợ’
Cảm giác khi bị cô lập khỏi thế giới suốt 8 tháng
Cách 'ẩm trà' ăn há cảo Hong Kong đúng điệu
Bandito ...(Đạo tặc!)
Câu chuyện tháng Tư
Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989
Vì sao vợ chồng có thể sống xa nhau mà vẫn ổn
Hợp pháp hóa nghề mại dâm _ lợi hay hại?
Việt Nam hóa chiến tranh và bài học chơi với người Mỹ
Nhiều sự kiện bi thương ngày 15/4
Thế giới bí mật của công nhân Bắc Hàn tại Nga


Chuyện lá cờ và chiếc áo

BM
Không ai ép buộc hết, cội nguồn gốc rễ tự có trong lòng mỗi người.

Tối Mùng Hai Tết, một người bạn gửi cho tấm hình chụp những thùng đựng rác được bao bọc bên ngoài bằng hình lá cờ Mỹ đặt tại mỗi gian hàng trong khu Hội Chợ Tết Sinh Viên ở Costa Mesa.

Kèm theo tấm hình là tin nhắn “Bà viết một bài về chủ đề này đi. Trong lúc mình đòi người Mỹ vinh danh cờ vàng, thì mình cư xử như vậy với biểu tượng của họ.”

Nhìn tấm hình bạn gửi, trong đầu tôi chỉ bật lên cảm nhận “Ủa, nhìn hay hay, đẹp đẹp mà.”

Thật tình, trong tôi không hề nhen nhóm chút suy nghĩ gì để cho rằng sáng kiến này của ai đó là nhằm mục đích gì xấu xa hết. Rất đơn giản, tôi nghĩ, cách thức đó chỉ nhằm làm tăng vẻ đẹp, tăng nét thẩm mỹ nơi công cộng, nhất là trong một dịp lễ hội đông người như thế.

Mặc dù vậy, tôi cũng thử gọi một bạn trong ban tổ chức Hội Chợ Tết Sinh Viên để hỏi xem ai là người nghĩ ra cách làm đó, thì câu trả lời là “Của OC Fair & Event Center. Tụi em chỉ mướn chỗ, còn công việc đặt thùng rác, thu dọn rác là bên chủ đất đó họ lo hết.”

BM
  
Ra là vậy. OC Fair & Event Center, dĩ nhiên, lại càng không có lý do gì để “bôi bác” hay “nhục mạ” lá cờ Mỹ khi dùng biểu tượng của Mỹ quốc quấn quanh các thùng chứa rác.

Mà ngẫm lại, nơi xứ sở tự do này, chẳng phải người ta còn mặc quần, mặc đồ lót, đi giày có hình cờ Mỹ nữa đó sao. Vì họ muốn bôi bẩn à? Không hề. Họ vận hình ảnh đó lên người trong niềm vui, niềm hạnh phúc nghĩ rằng nó đẹp. Mà cái đẹp là cái được yêu thích và trân trọng theo cách của mỗi người.

BM
Những chiếc thùng rác được bọc lại bằng tấm nilong có biểu tượng của lá cờ Mỹ trong Hội Chợ Tết Sinh Viên 2018 ở Costa Mesa

Nhân nhắc đến Hội Chợ Tết lại nhớ đến lời nhận xét của một cô bạn mới từ Việt Nam sang Mỹ chưa lâu, cô nói “Ở Mỹ, Tết đến thấy người ta mặc áo dài đi coi diễn hành, đi chợ hoa, chợ Tết, đi hội chợ nhiều quá, ở Việt Nam tính ra không nhiều như vậy.”

Quả thật, ở Mỹ, nhất là những vùng đông người Việt sinh sống, áo dài dường như đã trở thành một bộ trang phục để “ăn diện” ở nhiều chỗ, nhiều nơi, và nhiều người thuộc các sắc tộc khác cũng thích mặc “áo dài” như một kiểu thời trang mới lạ.

Ngay trong buổi sáng diễn hành trên đường phố Bolsa, chỉ tính trong rừng người khán giả thôi, đã có không biết bao nhiêu là áo dài. Người lớn tuổi mặc áo dài. Người trẻ mặc áo dài. Con nít mặc áo dài. Đàn ông diện áo dài cũng không ít. Và, càng thú vị hơn khi nhìn đây đó có những người không mang gương mặt Châu Á, nhưng cũng mặc áo dài – những chiếc áo dài tân thời, tay không quá dài, tà may quá gối, quần không quá loa – với gương mặt hân hoan như Tết!

BM
  
Có thằng bé học trường trung học La Quinta, trước Tết vài hôm nói “Mẹ ơi mua cho con cái áo dài, thầy dạy tiếng Việt nói ai mặc áo dài thầy cho thêm điểm. Mấy bạn trong nhóm cũng đề nghị ngày Thứ Sáu (Mùng Một Tết) mặc áo dài đi học.”

Người mẹ ra Phước Lộc Thọ mua tạm cho nó cái áo dài “hàng chợ” có luôn khăn đóng với giá $25. Anh chàng mặc đến trường hai lần, coi bộ khoái khoái, vì “ở trường, nhiều bạn khác cũng mặc áo dài.” Tối Giao Thừa, thằng bé tự động vận áo dài khi đi chúc Tết ông bà, cậu dì.

Thấy con có vẻ “chịu” thời trang cha ông, người mẹ nói “để hôm nào mẹ dẫn đi may áo dài.”

Thằng bé gật đầu, kèm theo “Áo dài là trang phục truyền thống phải không mẹ? Vậy thì mình may theo kiểu truyền thống thôi nha mẹ.”

Suy nghĩ về chiếc áo dài, về chất cổ truyền trong đầu một đứa bé, sao đơn giản mà sâu sắc quá.

BM  

Nhân nhắc đến áo dài, lại nhớ hai ba ngày nay, trên Facebook nhiều người “share” hình ảnh và đoạn video clip quay cảnh một số cô gái trẻ xăm mình, ăn mặc hở hang đứng trước một tiệm cà phê tạo dáng chụp hình với bao lì xì, với những dây pháo Tết. Kèm theo lời bình phẩm, đại loại “Tại sao lại làm ô uế chiếc áo dài như vậy?” hay “Tại sao có thể làm mất đi vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống như vậy?” và không biết bao nhiêu là lời “xỉ vả,” “chửi bới” đua nhau xuất hiện.

Tôi không có ý kiến về chuyện những cô gái trẻ đó ăn mặc hở hang, bởi đây là xứ tự do, nếu họ vi phạm thuần phong mỹ tục thì cảnh sát sẽ là người đến hỏi thăm họ, còn lại thì mỗi người có quyền lựa chọn sự phô diễn của mình nơi công cộng.

Nhưng điều tôi lấy làm ngạc nhiên, bất ngờ là tại sao nhiều người mặc nhiên cho rằng trang phục các cô gái đó đang khoác trên người là “áo dài”?

BM
Trang phục này sao có thể gọi là “áo dài” được chứ?

Trời ạ! Một cái áo không tay không bâu, chỉ là một miếng vải dài che phía trước có một sợi dây cột vô cổ, một sợi dây nữa cột vô eo, trống lóc phía lưng, mặc cùng quần lót, thì sao gọi là áo dài được hả thưa các quý bà?

Hay một chiếc áo có hai vạt dài, không tay, hở vai, hở hết lưng, mỏng như voan, không mặc quần dài, chỉ mặc “under wear” mà cũng được mọi người mặc định cho là “áo dài” thì tôi nghĩ người đáng bị phàn nàn trước nhất chính là những người dám gọi áo đó là “áo dài” để rồi ta thán loạn cả lên!

Nếu chúng ta đã mặc định ngôi nhà có tầng trệt và tầng lầu thì mới gọi là nhà lầu, thì cũng hãy nên nhớ áo dài truyền thống của người Việt Nam nó ra làm sao, chứ đừng thấy cái gì dài dài là tự dưng nhảy dựng lên gọi đó là “áo dài” và bù lu bù loa lên là chiếc áo dài đã bị làm hỏng.

Hỏng là con mắt và tư duy của mấy người bị hỏng đó chứ áo dài nào bị hỏng!

Một cái bánh có nếp, có đậu xanh, có thịt ba rọi, được gói vuông vức bằng lá chuối, lá dong, rồi nấu trong nước cho nếp dẻ ra, thì gọi là bánh chưng. Cũng chừng ấy nguyên liệu, mà gói trong lá chuối cuộn tròn thì gọi là bánh tét. Và khi gói hình chóp thì lại gọi là bánh ú. Mỗi loại có mỗi tên, không ai có thể nhầm.

Khi ra đến hải ngoại, không tìm được dây lạt để cột bánh thì người ta nghĩ đến việc dùng dây ni long cột thay, nhưng hình dáng, nguyên liệu trong bánh chưng, bánh tét, bánh ú thì không gì thay đổi.

Hãy nhìn mọi thứ đúng với tên gọi của nó, đừng lầm lẫn các khái niệm để rồi la hoảng.

Trở lại từ chuyện lá cờ, phải chăng, trước một hiện tượng, tâm mình nghĩ gì, thì hiện tượng đó mặc nhiên sẽ trở nên giỏi-dở, đẹp-xấu theo cách mình nghĩ?

BM
  
Tôi nhìn những chiếc thùng rác được bọc lại bằng lá cờ Mỹ để thấy nét đẹp trong sự gần gũi, cũng như nhìn cờ vàng ba sọc đỏ bay trong nắng chiều lộng gió để thấy trân trọng những giá trị của cha ông.

Và, tôi nhìn những người chọn áo dài để mặc du Xuân như một biểu hiện cho tình tự dân tộc. Không ai ép buộc hết, cội nguồn gốc rễ tự có trong lòng mỗi người.




Ngọc Lan

BM

Mỹ giảm viện trợ đã tác động thế nào đến VNCH
Luận về cụm từ Việt Cộng
Một góc nhìn về ngày chấm dứt Cuộc chiến VN
Những gì tôi nhìn thấy khi Mỹ thua cuộc
Trung cộng ‘viện trợ Hà Nội nhưng không thể chỉ huy’ 1964-1975
Cụm từ 'các thế lực thù địch, phản động'
Sau Thượng Hải, Sài Gòn, Hoa Kỳ còn thoái lui khỏi Tehran và Beirut
Mười điểm cần lưu ý đối với phóng viên
Di sản VNCH _ Khi nền văn minh đã thắng ‘chế độ man rợ’
Cảm giác khi bị cô lập khỏi thế giới suốt 8 tháng
Cách 'ẩm trà' ăn há cảo Hong Kong đúng điệu
Bandito ...(Đạo tặc!)
Câu chuyện tháng Tư
Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989
Vì sao vợ chồng có thể sống xa nhau mà vẫn ổn
Hợp pháp hóa nghề mại dâm _ lợi hay hại?
Việt Nam hóa chiến tranh và bài học chơi với người Mỹ
Nhiều sự kiện bi thương ngày 15/4
Thế giới bí mật của công nhân Bắc Hàn tại Nga
Bí quyết kết bạn với người ngại giao tiếp