Ở nơi tận cùng thế giới, tại Chile, một hồ băng lung linh đang lưu giữ một kỳ quan địa chất hùng vĩ.
Bình minh Patagonia
Dù là thời gian nào trong năm, du khách đến vùng xa ở rìa miền nam Chile hoang dã cũng được khuyên nên mang đủ quần áo cho cả bốn mùa. Những đám mây sừng sững có thể ồ ạt xuất hiện hay tan biến trong phút chốc, và gió dữ dội khiến dự báo thời tiết luôn thay đổi.
Nhưng trong buổi sáng nay giữa mùa xuân phương nam, khi bình minh ló dạng trên bờ hồ Lago General Carrera, mặt nước thật tĩnh lặng.
Hồ nước khổng lồ do nước từ băng hà tan ra trải dài đến biên giới giáp Argentina và là một trong những hồ nước lớn nhất ở Nam Mỹ, cũng là nơi có một trong những kỳ quan tự nhiên hùng vĩ nhất của Patagonia.
Tự hào về những cột trụ được điêu khắc, trần dạng mái vòm, những bức tường khảm hoa văn, cấu trúc địa chất độc đáo này ở rìa phía tây của hồ nổi danh, người dân địa phương gọi nơi đây là 'nhà thờ đá cẩm thạch'.
"Khi bạn đến hang động, nơi đây tồn tại sự tĩnh lặng, trong lành, một sự hòa phối của màu sắc mà bạn sẽ yêu ngay," du khách Hans Claussen nói.
Thấm đẫm sắc xanh
Nhà thờ nằm cách bờ hồ chỉ vài mét nhưng những sườn dốc đứng phủ đầy rừng cây phía sau khiến cách duy nhất người ta có thể đến gần nơi này là bằng thuyền.
Vào buổi sáng, tòa tháp chính ở trong bóng râm, và ánh sáng chiếu vào hang được phản chiếu từ mặt hồ. Màu xanh biếc của nước hồ do trầm tích từ băng hà tạo ra, khiến cho bề mặt đá xám và trắng chuyển thành màu xanh tao nhã, trong khi những đường viền độc đáo trên đá tạo thành những cấu trúc kỳ lạ. Âm thanh sóng nước nhẹ nhàng vỗ vào tường đá và âm vang vòng quanh động, cùng với tiếng nước nhỏ giọt đều đặn từ trần đá.
Tùy theo mùa, mực nước ở hồ có thể khác nhau đáng kể. Trong các tháng mùa hè, nước băng tan từ các ngọn núi xung quanh khiến nước hồ dâng cao khoảng 1m. Về mùa đông, nước rút đi để lộ nhiều phần trong hang vốn thường nằm bên dưới mặt đất.
Dải đa sắc trên đá
Màu sắc trong hang động không chỉ là chút mẹo lừa của ánh sáng. Những dải đá mỏng như tơ màu nâu xếp trên tường hang động, và những mạch đá ánh vàng lượn xuống từ trần hang.
"Khi một khối đá trải qua quá trình chuyển hóa, những khoáng chất mới được hình thành," nhà địa chất học Francisco Hervé nói. Những phần đá cẩm thạch trắng là tinh khiết nhất, được tạo thành từ nguyên chất calcium carbonate, trong khi những màu sắc khác trên đá vay mượn màu sắc từ những hợp chất khác nhau.
Kiến tạo cẩm thạch huy hoàng
Tàu nhỏ và thuyền kayak có thể len lỏi tìm đường vào nhà thờ qua hai tòa tháp chính, cho phép du khách chiêm ngưỡng bề mặt hoa văn phức tạp ở vị trí thật gần.
Nhưng kỳ quan cẩm thạch của khu hồ không chỉ dừng ở đó.
Khu dự trữ sinh quyển The Capillas de Marmol bao quanh vùng bờ biển 50 hectares, có hàng loạt những hang động và cấu trúc đá đã được kiến tạo qua hàng triệu năm.
"Chúng tôi biết rằng vùng này bị băng hà bao phủ mãi cho đến 10.000 - 15.000 năm trước," Hervé nói. "Sau khi băng hà rút đi, hồ nước được hình thành, và đó là khi quá trình điêu khắc các giáo đường bắt đầu."
Cũng theo Hervé, loại đá được tìm thấy bên trong và xung quanh hang động có lẽ được tạo thành gần đường xích đạo khoảng 300 triệu năm trước và sau đó dần dần bị đẩy lùi về phía nam qua quá trình trôi dạt lục địa.
"Chúng được tạo thành ở nhiệt độ khoảng 300 đến 400 độ C, ở độ sâu 10 đến 15km trong lòng đất," ông nói. Đá bắt đầu hành trình chuyển biến hào hùng: từ đá vôi trầm tích, nhiệt độ cực cao và áp lực xảy ra quá trình dần biến chúng thành đá cẩm thạch.
So với hàng trăm triệu năm để đá cẩm thạch đến được vị trí hiện tại, thì quá trình xói mòn hang động xảy ra chỉ trong chớp mắt do số lượng lớn các loại hóa chất chứa trong đá. "Những loại đá vôi hóa, vốn được hình thành với thành phần chính là calcium carbonate, là một trong số những loại đá dễ bị hòa tan nhất từng tồn tại," Hervé giải thích.
"Nhiều người nghĩ những bức ảnh tôi chụp trong 'nhà nguyện' thực ra là công trình nghệ thuật hiện đại. Khi tôi nói với họ đó là các hang động đá cẩm thạch, họ rất kinh ngạc!" Chelsea Dietsche, một du khách Mỹ sống ở Chile, nói.
Đời sống bình lặng
Pedro Contreras chuyển đến sống ở Puerto Río Tranquilo ờ bờ tây của hồ khi còn trẻ và không bao giờ rời khỏi nơi này.
Ba mươi năm trước, ông là một trong những người đầu tiên đưa các du khách gan dạ đến thăm hang động, nhưng thập niên vừa qua số lượng du khách đến thị trấn bé nhỏ này đã tăng nhanh chóng.
"Chúng tôi hồi đó chỉ có ba đến bốn tàu. Giờ đây có 50 tàu đi tới lui liên tục để đến nhà thờ," ông nói. "Mọi người ở Puerto Rio Tranquilo đều làm việc trong ngành du lịch. Trước đây họ từng làm nghề chăn nuôi gia súc."
Mối quan tâm của thế giới bên ngoài đến các hang động đã làm biến đổi Puerto Rio Tranquilo, nhưng thị trấn này vẫn giữ được nhiều phần trong nét duyên dáng của nó.
Những cụm khói từ củi đốt lặng lẽ phả ra từ ống khói mỗi nhà, sưởi ấm những căn lều nhỏ trong suốt mùa đông Patagonia lạnh giá.
Ở quảng trường thị trấn vừa xây mới, có một tượng điêu khắc về những người định cư đầu tiên đến vùng này đi trên hồ bằng xuồng.
Xa lộ miền Nam
Con đường được làm trước khi du khách tới đây. Vạt đất lớn ở vùng Patagonia cơ bản đã bị cắt lìa khỏi Chile cho mãi đến thập niên 1970, khi nhà độc tài quân sự, tướng Augusto Pinochet buộc hàng ngàn binh lính xây dựng một đường cao tốc qua vùng Aysén.
Để xây dựng con đường cần đến sức mạnh như Hercules: bắt đầu từ thành phố Puerto Montt, con đường băng qua những vịnh biển hẹp, núi non, băng hà và rừng, và cuối cùng quanh co chạy hơn 1.200km ở vùng miền nam đến thị trấn Villa O'Higgins nằm sát biên giới với Argentina.
Con đường này nổi tiếng với tên gọi Carretera Austral (nghĩa là "Xa lộ miền Nam"), mở toang vùng Patagonia, nối với toàn bộ phần còn lại của Chile. Mặc dù chỉ là đường trải sỏi ở một số khu vực, con đường này giờ đây vẫn là trục giao thông duy nhất nối phần phía bắc của quốc gia này với vùng Aysén.
Thiên đường chưa bị xáo trộn
Ngoài việc là cung đường chính nối với những cộng đồng cư dân xa xôi, Đường Carretera đã trở thành con đường huyền thoại với giới đi du lịch.
Con đường đi qua rất nhiều kỳ quan thiên nhiên của vùng Patagonia, gồm có Cerro Castillo, ngọn núi nổi bật với những tòa tháp như tháp pháo, tạo thành trung tâm cho những cung đường đi bộ dài ngày nổi tiếng ở Công viên quốc gia Torres del Paine ở miền nam xa xôi hơn.
Claussen, một du khách từ thủ đô Santiago nhộn nhịp của Chile, đã đến vùng này nhiều lần và nói anh sẽ không bao giờ thấy chán.
"Aysén là nơi yêu thích của tôi trên thế giới," anh giải thích. "Thời gian nơi đây trôi qua chậm chạp hơn, cuộc sống đơn giản hơn, sự đa dạng và vẻ đẹp của cảnh quan khiến bạn cảm thấy mình bé nhỏ và đồng thời như có đặc quyền. Bạn đang ở nơi tận cùng thế giới, nơi mà loài người vẫn còn ít gây ra tác động gì."
Phần lớn của cung đường Carretera trải dài đầy thiên nhiên hoang sơ nguyên vẹn. Vào năm 2017, chính quyền Chile ký một thỏa thuận với Quỹ bảo tồn Tompkins để tạo ra hơn bốn triệu hectares rừng quốc gia mới ở những khu vực xung quanh, đảm bảo nơi này sẽ được duy trì nguyên trạng, không bị khai phá.
"Cảnh đẹp ở vùng Aysén là cực kỳ hùng vĩ. Bạn phải đi rất xa nếu muốn đến nơi nào đó, nhưng luôn có điều gì đó mới ở ngay góc đường - một góc nhìn hoàn hảo, cánh rừng tuyệt đẹp, động vật hoang dã,"
Bảo tồn hang động
Nỗ lực bảo tồn vùng Patagonia cho các thế hệ tương lai bắt đầu mở rộng đến những hang động cẩm thạch, và Contreras nói những nhà vận hành chương trình du lịch địa phương đang cố gắng giảm thiểu tác động.
"Trước đây, bạn có thể leo xuống [tàu] và chụp ảnh, đi bộ xung quanh. Nhưng giờ đây không được nữa," ông nói.
Trong khi đó, Hervé hy vọng vẻ đẹp tự nhiên của những hang động này có thể ghi dấu tầm quan trọng của việc bảo tồn những cấu trúc địa chất khác trên khắp quốc gia này.
"Ở Chile, chúng tôi thực sự hiểu rõ ý tưởng về đa dạng sinh học," ông nói. "Nhưng lại không biết gì về đa dạng địa chất."
Ông nói rằng ích lợi của những khu bảo tồn như nhà thờ vượt ra khỏi vẻ đẹp thẩm mỹ rõ ràng của chúng.
Trong lịch sử 4,5 tỷ năm của Trái Đất, núi lửa phun, băng hà dâng cao và rút đi, mực nước biển lên xuống đều đã để lại dấu tích của chúng với môi trường xung quanh.
Theo Hervé, rất nhiều thông tin địa chất được chạm khắc trong cấu trúc đá của nhà nguyện có thể đem lại cho chúng ta tri thức vô giá về sự biến động nhiệt độ của Trái Đất trong quá khứ ra sao.
"Chẳng hạn với những vấn đề như biến đổi khí hậu khiến toàn xã hội lo lắng," ông nói.
"Làm sao ta biết được liệu những khối đá này không cho ta chút manh mối nào về những quá trình đã xảy ra trong quá khứ, tại sao chúng xảy ra, bằng cách nào ta có thể tránh không để chúng lặp lại trong tương lai?"
Tom Garmeson
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.