Monday, April 22, 2019

Sau Việt Nam, nay Philippines bị 'dân quân biển' của TC lấn át

BM
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói họ sẽ coi 'dân quân biển' Trung cộng là lực lượng tàu như tàu quân sự

Trong lúc Bắc Kinh và Manila đang hội đàm "có kết quả" về chủ đề Biển Đông vào đầu tháng Tư thì hàng chục tàu cá Trung cộng đã "vây quanh" một hòn đảo do Philippines kiểm soát trong vùng biển tranh chấp.

Quân đội Philippines đã theo dõi 275 tàu Trung cộng ở bãi cạn Sandy Cay gần đảo Đảo Thị Tứ (phía Philippines gọi là Pagasa, còn Trung cộng gọi là đảo Trung Nghiệp) kể từ tháng Giêng.

Chính quyền Philippines cho biết những thuyền này thuộc về lực lược được gọi là "dân quân biển" của Trung cộng - một đội tàu cá mà giới chuyên gia hải quân quốc tế nói nhiệm vụ là không chỉ đánh bắt cá mà thôi.

Đội tàu cá này được mô tả là "lực lượng biển thứ ba" của Trung cộng và được cho là hoạt động phối hợp với Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLAN) và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung cộng (CCG).

Tuy nhiên, chính phủ Trung cộng không công khai thừa nhận sự tồn tại của lực lượng này, và bản chất của các tàu này cũng cho phép Bắc Kinh bác bỏ bất kỳ vai trò nào trong hành động của họ.

BM
  
Mối quan hệ của Philippines với Trung cộng có bước ngoặt kịch tính dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, do vậy việc căng thẳng gần đây gây bất ngờ.

Trong một biểu hiện bất bình hiếm hoi, Philippines đã nói họ phản đối sự hiện diện "bất hợp pháp" của các tàu Trung cộng, và nói thêm rằng chiến thuật "vây đảo" của Bắc Kinh "đặt ra câu hỏi về ý định cũng như lo ngại về vai trò hỗ trợ các mục tiêu lấn lướt."

"Những hành động như vậy, khi không bị chính phủ Trung cộng thoái thác thì được coi là đã được thông qua bởi Bắc Kinh", Manila nói vào ngày 4/4.

BM
  
Truyền thông Philippines đưa tin về sự hiện diện của các tàu Trung cộng tại gần hai hòn đảo khác mà Philippines kiểm soát là Đảo Kota (có tên quốc tế là Loaita Island, Việt Nam gọi là đảo Loại Ta, còn Trung cộng gọi là đảo Nam Thược) và Đảo Panatag (tên quốc tế là Lankiam Cay, Việt Nam gọi là Đá An Nhơn, Trung cộng gọi là bãi Dương Tín).

Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Tổng hợp Philippines, nói rằng các tàu này là "một phần của lực lượng dân quân biển được chính phủ Trung cộng tài trợ và hỗ trợ, và chịu sự kiểm soát và phối hợp của bộ chỉ huy quân sự Trung cộng".

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh ABS-CBN vào ngày 4/4, ông Batongbacal cảnh báo rằng Philippines có thể mất quyền kiểm soát Đảo Thị Tứ nếu Trung cộng "tiếp tục phong tỏa phi quân sự bãi cạn Sandy Cay, cắt đứt lối ra vào Đảo Thị Tứ" theo cách mà ông gọi là "chiến tranh du kích trên biển".

Chiến tranh du kích trên biển

BM
Pagasa (Thị Tứ) là đảo lớn nhất trong 18 đảo ở quần đảo Trường Sa

Nhưng Đại sứ Trung cộng tại Philippines, Triệu Kiếm Hoa, khẳng định rằng đội tàu này chỉ là những tàu đánh cá "không được trang bị vũ khí gì cả".

Từ Lập Bình, một học giả tại Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung cộng, đã thẳng thắn hơn về động cơ của Bắc Kinh, khi nói với tờ South China Morning Post (SCMP) có trụ sở tại Hong Kong vào ngày 13/4 rằng sự hiện diện của các tàu này là "lời cảnh báo nhẹ nhàng" với Philippines về các hoạt động xây dựng của Manila trên đảo Thị Tứ.

Giới chuyên gia hàng hải cho biết loại "dân quân" này được sử dụng để hỗ trợ các mục tiêu chiến lược như thúc đẩy yêu sách lãnh thổ, triển khai hoạt động trinh sát, đe dọa tàu nước ngoài và từ chối tiếp cận các khu vực có tranh chấp.

Và, căng thẳng hiện tại giữa Trung cộng và Philippines cho thấy những khó khăn trong việc đối phó với các lực lượng hàng hải không chính qui như vậy.

Các tàu có thể đóng vai trò như dây mìn, và bất kỳ hành động quân sự nào chống lại họ đều có thể khiến Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng can thiệp. Một sự cố tương tự vào năm 2012 đã dẫn đến việc Trung cộng chiếm giữ Bãi cạn Scarborough vào năm 2012.

BM
  
Nhưng nếu không có hành động nào thì đội tàu này có thể lấn dần vào khu vực tranh chấp và chặn đường ra vào - kể như điều mà giới chuyên gia quốc phòng gọi là "các hoạt động trong vùng tranh sang tranh tối" - tức là về cơ bản có nghĩa là giành lợi thế mà không cần nổ súng.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao từ viện nghiên cứu Rand Corporation Rand của Mỹ nói:

"Vì dân quân thể hiện rằng họ chỉ là một đội tàu cá, cho nên đã tạo ra sự lập lờ trước đối thủ về cách phản ứng - và tạo cho đội tàu cá này lợi thế rất hữu ích để thực hiện các hoạt động trong 'vùng tranh sáng tranh tối'."

Gary Alejano, một nhà lập pháp Philippines, người chỉ trích gay gắt chính sách của Tổng thống Duterte với Trung cộng, cảnh báo về "chiến lược bắp cải" của Bắc Kinh.

Chiến lược bắp cải nhiều lớp

BM
Làn sóng chống Trung cộng tăng cao tại Philippines trong thời gian gần đây

"Giống như một cây cải bắp, một số tàu Trung cộng sẽ bao vây lãnh thổ của chúng tôi khi họ muốn đe dọa quân đội của chúng tôi và để ngăn chúng tôi kiểm soát hiệu quả đối với các đảo của chúng tôi, Alejano nói với SCMP vào ngày 9/2.

Một kịch bản như vậy đã xảy ra vào năm 2014, khi lực lượng dân quân, cùng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng và Lực lượng Phòng vệ Duyên hải Trung cộng đã tạo rào ngăn các tàu thuyền Việt Nam cố gắng tiếp cận một giàn khoan dầu của Trung cộng được kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, Trương Hồng Châu, học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, cảnh báo việc vơ đũa cả nắm nếu cho rằng tất cả ngư dân Trung cộng đều đóng vai trò dân quân.

"Điều hết sức quan trọng là không nên quá nhấn mạnh rằng tất cả những ngư dân như vậy là một phần của dân quân biển", ông nói với SCMP vào ngày 3/3.

BM
  
Trong khi "dân quân biển" được cho là đã tồn tại trong nhiều thập niên, các chuyên gia nói rằng lực lượng này đã trở nên nhiều năng lực hơn, và đang hướng tới mục đích chiến lược.

"Dân quân biển" có nguồn gốc từ những ngày đầu của Nội chiến Trung cộng, Collin Koh Swee Lean, một chuyên gia quốc phòng tại RSIS nói.

"Ngay cả với việc tạo ra Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng và các đơn vị bán quân sự khác như Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung cộng, lực lượng dân quân biển vẫn được dùng như một lực lượng tích cực," ông nói với BBC Monitoring.

Derek Grossman nói thêm rằng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng đã "duy trì mối quan hệ làm việc chặt chẽ với lực lượng dân quân biển, thông qua việc đào tạo, cung cấp trang thiết bị và tài trợ tiền".

Đưa ra ánh sáng

BM
Giới chỉ trích nói Trung cộng dùng ngư dân cho mục đích tuyên bố chủ quyền

Việc Trung cộng hiện đại hóa hải quân đã và đang được triển khai nhanh và mạnh nhưng họ cũng đã đóng nhiều tàu dân quân ở tốc độ chóng mặt bởi dễ chế tạo hơn nhiều.

Dân quân đã "trở nên tinh vi hơn, đặc biệt là việc mua sắm các tàu biển kiên cố hơn, có tầm hoạt động tốt và sức bền tốt, cho phép họ hoạt động trong thời gian dài ở ngoài biển," ông Collin nói thêm.

BM
  
Trong khi chính phủ Trung cộng tìm cách nói tránh đi về sự tồn tại của "dân quân biển", thì truyền thông nhà nước đã đưa tin - mặc dù hiếm - về hoạt động của lực lượng này, thậm chí mô tả nó như một "pháo đài chiến đấu trên biển" và là "kỵ binh hạng nhẹ".

"Khi Quân đội Giải phóng Nhân dân nâng cấp hải quân, cho hàng chục tàu mới dưới sự soi xét cảnh giác toàn cầu, một lực lượng ít được chú ý là dân quân biển của Trung cộng, cũng đang cải thiện khả năng hoạt động", một bài trên báo China Daily cho biết vào năm 2016.

Bài này cho biết thêm rằng "hầu hết dân quân biển được hình thành từ ngư dân địa phương."

BM
  
Một bài báo từ năm 2014 trên tờ báo quân sự chính thức của Trung cộng, tờ Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân, đã nói một cách thẳng hơn.

"Khi đã ngụy trang, họ hội đủ điều kiện của lính; cởi bỏ lớp ngụy trang, họ trở thành những ngư dân tuân thủ luật pháp," bài báo nói.

Andrew Erickson, giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, đã ví lực lượng này với dân quân được Nga sử dụng ở Crimea và Ukraine, khi tiến hành hoạt động quân sự trong một khu vực không lộ rõ danh tính.

Ông nói thêm rằng cách tốt nhất để đối phó với các chiến thuật như vậy là công khai các hoạt động của dân quân và duy trì sự hiện diện rõ ràng trong khu vực, hoặc như thành ngữ "ánh sáng mặt trời là chất khử trùng tốt nhất".



Pratik Jakhar

BM

Bạn có đang dùng mật khẩu bị hack nhiều nhất?
Quốc hận và tội ác CS
8 bí mật về Nhà thờ Đức Bà Paris
Thỏa thuận thương mại sẽ không kết thúc cạnh tranh Mỹ-Trung?
Thủ phạm là một tổ chức Hồi Giáo cực đoan Sri Lanka
Chuyện thường ngày ở Mỹ
Tỷ phú Đan Mạch mất 3 người con vì đánh bom ở Sri Lanka
Mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước?
Đi du lịch, hưởng thụ quá nhiều sẽ thấy chán?
Hơn 200 người thiệt mạng ở Sri Lanka
Vì sao không nên dùng len cashmere, đồ nỉ và vải cotton
TC và VN gần chạm đáy 180 nước về tự do báo chí của RSF
Mỹ nhân trong phim "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris"
Bộ phim về giới đấu tranh thảm họa Formosa “Sợ???”
Làm sao để không 'mù loà' trong cảm xúc vì ấn tượng ban đầu
Báo cáo Mueller cuối cùng đã công bố. Chuyện gì kế tiếp?
Notre Dame de Paris, khi một linh hồn vĩnh viễn ra đi
Nhà thờ Đức Bà Paris đứng vững, các bảo vật vẫn an toàn
Các tỷ phú Pháp góp 450 triệu Mỹ kim sửa chữa Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà ở Paris ý nghĩa thế nào với người Pháp?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.