Đi nghỉ là điều thật tuyệt vời. Lên kế hoạch cho kỳ nghỉ khiến chúng ta vui sướng; đi chơi sẽ giúp làm giảm nguy cơ đau tim và trầm cảm. Khi trở lại làm việc, chúng ta sẽ làm việc tập trung hơn và sáng tạo hơn.
Quá nhiều sẽ chán?
Nhưng chúng ta nên đi nghỉ bao lâu? Và liệu có khả thi không để áp dụng khái niệm kinh tế được gọi là 'điểm hạnh phúc' (bliss point) để quyết định độ dài lý tưởng của kỳ nghỉ chúng ta nghĩ đến trong đầu - cho dù đó là tiệc tùng ở Las Vegas hay đi cắm trại ở trên núi?
Khái niệm 'điểm hạnh phúc' có hai ý nghĩa khác nhau nhưng có liên quan với nhau.
Trong ngành công nghiệp thực phẩm, nó có nghĩa là xác định tỷ lệ kết hợp hoàn hảo của muối, đường và mỡ trong sản phẩm để được khách hàng ưa chuộng tới mức khó cưỡng.
Tuy nhiên đó cũng là khái niệm kinh tế chỉ về mức độ tiêu thụ mà chúng ta cảm thấy hài lòng nhất. Đó là đỉnh điểm mà nếu vượt hơn nó - tức tiêu thụ hay tận hưởng thêm - sẽ không còn thấy thích nữa.
Với thực ăn, các hương vị đặc trưng có xu hướng làm não bị choáng ngợp và điều này làm giảm ham muốn được ăn thêm. Trong âm nhạc, chúng ta sẽ phá hỏng bài hát mình thích nhất nếu cứ nghe đi nghe lại quá nhiều khiến não chúng ta thay đổi cách phản ứng với bài hát đó.
Vậy đi nghỉ thì sao? Nhiều người trong chúng ta đã trải qua thời khắc mà - ngay cả khi chúng ta đi chơi rất vui - chúng ta cảm thấy đã đến lúc phải về nhà. Liệu có khả năng là, ngay cả khi thư giãn trên bãi biển hay khám phá nhưng địa điểm mới thú vị, tận hưởng hay vui chơi nhiều quá sẽ không tốt?
Chúng ta không thể biết chắc, nhưng các nhà tâm lý học cho rằng chất dopamine, một hoạt chất kích thích sự sung sướng trong não, được phát ra để đáp lại hành động đáng được tưởng thưởng của con người, có vai trò gì đó.
Hành động đáng tưởng thưởng có thể là những việc làm quan trọng về mặt sinh lý như ăn uống hay tình dục cũng như những dấu hiệu kích thích như tiền tài, cờ bạc hay yêu đương.
Dopamine được cho là tạo ra cảm giác vui sướng. Theo ông Peter Vuust, giáo sư thần kinh học tại Đại học Aarhus ở Đan Mạch, khám phá một địa điểm mới làm tăng nồng độ dopamine bởi vì chúng ta luôn bị thách thức phải thích nghi với môi trường, văn hóa và tập quán mới.
Trải nghiệm càng phức tạp thì càng nhiều khả năng chúng ta có được sự thỏa mãn thấm đẫm dopamine, ông giải thích.
"Nếu trải nghiệm đó là một chiều, thì chúng ta sẽ nhanh chóng bị mệt mỏi. Nhưng nếu nó đa dạng và mang tính thách thức, thì nó vẫn duy trì sức cuốn hút, và điểm hạnh phúc đó sẽ bị trì hoãn."
Ông nói rằng sự trông chờ những điều vui sướng làm tăng nồng độ dopamine. Sự thân thuộc cũng vậy, chẳng hạn như trở lại một khách sạn hay một địa điểm mà bạn từng yêu thích trước đây - nhưng quen thuộc quá mức sẽ làm giảm sự tận hưởng do chúng ta trở nên chán.
Cần sự mới mẻ
Có ít nghiên cứu về chủ đề này. Ông Jeroen Nawijn, giảng viên và nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Khoa học Ứng dụng Breda ở Hà Lan, cho rằng đa số các nghiên cứu về niềm vui đi nghỉ đều tìm hiểu những chuyến đi ngắn không quá vài tuần bởi vì sự hạn chế số liệu để nghiên cứu.
Nghiên cứu của ông về tâm trạng của 481 du khách ở Hà Lan mà phần đông trong số này đi nghỉ từ 17 ngày trở xuống, không tìm thấy bằng chứng về 'điểm hạnh phúc'.
"Tôi không nghĩ rằng mọi người sẽ đạt đến điểm hạnh phúc trong những kỳ nghỉ tương đối ngắn," Nawijn nói. Nhưng ông tin rằng điều này hoàn toàn xảy ra trong những chuyến đi dài.
Có một vài thuyết để giải thích việc này.
Thuyết đầu tiên cho rằng chúng ta chỉ đơn giản là thấy chán - cũng giống như khi chúng ta nghe đi nghe lại một bài hát quá nhiều lần.
Một nghiên cứu nhận thấy trong khoảng từ một phần ba cho đến dưới một nửa yếu tố thúc đẩy sự vui sướng khi đi nghỉ đến từ sự mới mẻ hay cảm giác rằng các yếu tố kích thích đều mới và khác với cuộc sống hàng ngày.
Trong những chuyến đi dài, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để làm quen với sự kích thích của môi trường xung quanh, nhất là nếu chúng ta chỉ ở một nơi và có những hoạt động giống nhau chẳng hạn như ở một khu nghỉ dưỡng.
Một lần nữa, chúng ta chỉ cần đa dạng hóa hoạt động khi đi nghỉ để tránh sự buồn tẻ. Chúng ta có thể tận hưởng kỳ nghỉ vài tuần nếu chúng ta có sự tự do và phương tiện để chọn những gì chúng ta sẽ làm, ông Nawijn nói.
Quan trọng là những gì bạn làm
Hoàn toàn đúng là việc chúng ta cảm thấy hạnh phúc thế nào khi đi nghỉ tùy thuộc vào liệu chúng ta có quyền tự quyết đối với những việc mình làm hay không, theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Hạnh phúc.
Nghiên cứu này nhận thấy rằng có một vài cách để đạt đến sự sung sướng, trong đó có việc làm những thứ mang tính thách thức và đem đến cơ hội học hỏi, cũng như những hoạt động có ý nghĩa đem đến mục đích cho cuộc sống, chẳng hạn như thiện nguyện.
Nếu các hoạt động khác nhau khiến nhiều người khác nhau hạnh phúc thì 'điểm hạnh phúc' rất có thể rất mang tính cá nhân, ông Leaf Van Boven, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Colorado ở Boulder, nói.
Ông tin rằng các hoạt động có thể quyết định 'điểm hạnh phúc' của kỳ nghỉ.
Ông lưu ý một cân nhắc quan trọng là cần phải có năng lượng tâm lý và vật lý để thực hiện được điều này. Một số hoạt động khiến cơ thể đa số người bị mệt mỏi, chẳng hạn như leo núi.
Các hoạt động khác, chẳng hạn như ăn chơi ở Vegas, mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần.
Van Boven giải thích rằng trong các kỳ nghỉ khiến chúng ta cạn kiệt sức lực thì 'điểm hạnh phúc' có thể xảy ra ở mức tiêu thụ thấp hơn là chúng ta nghĩ'.
Nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa các cá nhân, ông Ad Vingerhoets, giáo sư tâm lý học lâm sàng tại Đại học Tilburg ở Hà Lan, nói. Ông cho rằng một số người có thể thấy các kỳ nghỉ vận động giúp họ có tràn trề năng lượng còn đi ra biển thư giãn lại mỏi mệt, hay ngược lại.
"Lựa chọn hoạt động phù hợp với sở thích cá nhân của chúng ta nhưng hạn chế những hoạt động khiến chúng ta đuối sức có thể đẩy lùi điểm hạnh phúc," ông cho biết. Nhưng chưa có nghiên cứu nào xác nhận giả thiết này là đúng.
Lựa chọn môi trường
Một nhân tố quan trọng khác có thể là môi trường mà chúng ta đi nghỉ. Đi nghỉ ở thành phố chẳng hạn có thể rất hào hứng, nhưng sự đông đúc, tiếng ồn và đèn ban đêm, vốn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, có thể gây ra căng thẳng và lo lắng về thể chất và tình cảm.
"Những kích thích liên tục ở thành phố có thể khiến các giác quan chúng ta bị quá tải và làm chúng ta căng thẳng," Jessica de Bloom, nhà nghiên cứu ở các Đại học Tampere, Phần Lan, và Đại học Groningen, Hà Lan, nói.
Điều này đặc biệt đúng nếu chúng ta đang thích nghi với một nền văn hóa mới vốn thách thức chúng ta. "Điều này cho thấy trong môi trường đô thị, bạn sẽ đạt đến điểm hạnh phúc nhanh hơn môi trường tự nhiên mà chúng ta biết rằng có thể cải thiện rất nhiều sức khỏe tinh thần của chúng ta," bà nói.
Tuy nhiên một lần nữa, sự khác biệt cá nhân cũng có can hệ.
Ông Colin Ellard, giáo sư khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học Waterloo, Canada, nói rằng trong khi một số người có thể thấy thành phố quá ngột ngạt thì cũng có người rất thoải mái ở đó.
Ông nói ví dụ như cư dân thành thị có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi đi nghỉ trong thành phố do nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng thích những kích thích quen thuộc với mình.
Do đó, một lần nữa, Ellard nói, dân thành thị gốc cũng bị stress về tâm sinh lý cũng như tất cả mọi những người khác, nhưng họ lại không hề hay biết bởi vì họ đã quen với nó.
"Cho dù trường hợp nào đi nữa, tôi tin có sự khác biệt giữa các nhóm dân cư khác nhau về điểm hạnh phúc khi đi nghỉ mát," ông nói. Nhưng việc thiếu những nghiên cứu trong vấn đề này khiến chúng ta không thể biết chắc chắn.
Biết bản thân mình cần gì
Dù vậy, tin tốt là có khả năng có rất nhiều cách để đẩy lùi điểm hạnh phúc này mặc dù chúng ta không thể biết chính xác khi nào nó xảy ra.
Lên kế hoạch đi đâu, làm gì và với ai là một cách để tìm ra điểm hạnh phúc cá nhân của bạn.
Ondrej Mitas, nhà nghiên cứu cảm xúc tại Đại học Breda, tin rằng một cách vô thức chúng ta đã đáp ứng điểm hạnh phúc của mình bằng cách đặt trước những kỳ nghỉ và những hoạt động chúng ta thích cho khoảng thời gian chúng ta cho rằng tốt cho mình.
Đó là lý do tại sao các kỳ nghỉ đông người hay đi cùng gia đình, vốn phải kết hợp mong muốn của nhiều người, có thể có điểm hạnh phúc ngắn hơn do chúng ta không thể ưu tiên sở thích của bản thân, ông giải thích.
Tuy nhiên, Mitas nói rằng việc mất quyền quyết định có thể không là gì so với việc xây dựng các mối quan hệ xã hội mạnh với cả nhóm - điều mà các nghiên cứu đã chỉ ra là chỉ dấu quan trọng cho hạnh phúc. Trong trường hợp đó, điểm hạnh phúc có thể kéo dài hơn.
Vấn đề là đa số chúng ta có lẽ dự đoán sai về điểm hạnh phúc của mình, Mitas nói thêm, do các nghiên cứu đã kết luận rằng con người không giỏi trong việc dự đoán các quyết định sẽ làm cho chúng ta có cảm giác thế nào.
Seb Murray
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.