Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai năm 1953
Một nghiên cứu mới về viện trợ Trung cộng cho Bắc Việt Nam từ 1964 tới 1975 kết luận Trung cộng góp phần giúp miền Bắc chiến thắng trong Chiến tranh Việt Nam, nhưng Bắc Kinh không tác động nổi tới lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Bài viết Reassessment of Beijing's economic and military aid to Hanoi's War, 1964-75 của Shao Xiao & Xiaoming Zhang vừa đăng trên tạp chí học thuật Cold War History tháng 4/2019.
Hai tác giả nói viện trợ của Trung cộng thay đổi suốt chiến tranh, đạt đỉnh cao năm 1965, 1967, 1972, và 1974.
Trung cộng viện trợ để phục vụ lợi ích riêng của nước này. Vì vậy, sự thay đổi trong viện trợ khiến Hà Nội nghi ngờ ý định thật của Bắc Kinh.
Theo lịch sử chính thức của Trung cộng, từ thập niên 1950 tính tới 1975, Trung cộng đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 20 tỉ nhân dân tệ. Trong đó, 1,4 tỉ là cho vay không lãi suất.
Tranh cổ động của Trung cộng mô tả 'bà mẹ Việt Nam căm thù diệt Mỹ'
Hai tác giả nói đóng góp của Trung cộng cho chiến thắng của Hà Nội là không thể phủ nhận. Nhưng viện trợ này chưa bao giờ thuần túy vị tha.
Sau khi xem Liên Xô là đe dọa lớn, Mao Trạch Đông tìm cách hòa hoãn với Mỹ, khiến Hà Nội lo lắng.
Trung cộng có lúc tăng viện trợ cho Hà Nội nhưng cũng có lúc giảm đi để bày tỏ bất mãn, như khi Hà Nội đàm phán hòa bình với Mỹ năm 1968 và 1969.
Hai tác giả nói: "Không thấy có bằng chứng nào tồn tại rằng viện trợ Trung cộng tác động tới các quyết định và cách tiến hành chiến tranh của Hà Nội."
"Hà Nội thao túng khéo mối quan hệ với Bắc Kinh để có viện trợ đáng kể," hai tác giả viết.
Sau 1975, Hà Nội không còn phải che giấu sự nghi ngờ Trung cộng, dẫn tới cuộc chiến ngắn ngày năm 1979.
Hai tác giả kết luận, khi nhìn lại, hóa ra sự hỗ trợ của Trung cộng cho Việt Nam có thể xem là "thất bại ngoại giao lớn nhất" của Trung cộng trong Chiến tranh Lạnh.
Viện trợ sau hiệp định Paris 1973
Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông
Năm 1974, viện trợ Trung cộng cho Hà Nội ở khoảng 2,5 tỉ nhân dân tệ, ngoài ra là 2 tỉ tệ cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Lúc này, Trung cộng cho rằng Hà Nội "cần nghỉ ngơi", trong lúc Nam Việt Nam, Lào và Campuchia "dựng xây hòa bình, trung lập" trong 5 tới 10 năm nữa.
Bắc Kinh lúc này xem Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một thực thể riêng.
Trước 1973, viện trợ của Bắc Kinh cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn do Hà Nội xử lý. Nhưng từ 1973, Bắc Kinh xem viện trợ này là riêng biệt, không để Hà Nội kiểm soát.
Nhưng Hà Nội phản đối điều này, buộc Bắc Kinh sau đó phải thay đổi trở lại, để Hà Nội kiểm soát.
Sau khi có hiệp định Paris 1973, Trung cộng xem chiến tranh Việt Nam thế là hết, và vì vậy cần giảm viện trợ vũ khí cho Hà Nội.
Ngày 26/10/1974, Trung cộng và Việt Nam ký thỏa thuận lần chót, cung cấp cho Hà Nội 850 triệu tệ cho kinh tế và vũ khí, cùng 50 triệu đôla tiền mặt cho năm 1975.
Sau khi Sài Gòn sụp đổ, vào ngày 31/5/1975, Bắc Kinh lại đồng ý gửi cho Hà Nội 21 triệu tệ.
Nhưng tháng Tám 1975, Bắc Kinh bác yêu cầu xin thêm của Hà Nội.
Ngày 25/9/1975, Bắc Kinh hứa gửi 100 triệu tệ trong năm 1976, nhưng lần này là cho vay, yêu cầu Việt Nam trả lại sau 10 năm.
Theo hai tác giả, không thấy có bằng chứng nào trong hồ sơ Trung cộng rằng kể từ đó, có thêm thỏa thuận viện trợ nào giữa hai nước.
Tác giả Shao Xiao công tác ở khoa lịch sử, Đại học Tế Nam, Quảng Châu, còn ông Xiaoming Zhang làm việc ở Air War College, Alabama, Hoa Kỳ.
Góc nhìn Việt Nam
Nữ bộ đội miền Bắc VN thời chiến
Về phía Việt Nam, một nghiên cứu gần đây năm 2016 của Lưu Văn Quyết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, nói Trung cộng "thay đổi cách nhìn cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam; điều chỉnh trong chính sách viện trợ bằng việc cắt giảm viện trợ kinh tế, từ cam kết "cung cấp bất kỳ thứ gì cần thiết cho Việt Nam", sang việc nhấn mạnh "để cho Trung cộng nghỉ xả hơi"; gây một số khó khăn trong việc vận chuyển các mặt hàng viện trợ quá cảnh của Liên Xô và các nước khác cho Việt Nam."
Đây là đoạn trích từ bài "Tác động của hòa hoãn Trung - Mỹ đến chính sách viện trợ của Trung cộng đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong và sau năm 1972" của ông Lưu Văn Quyết.
Trong bài này, tác giả Việt Nam nói: "Để đạt được mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc, Việt Nam đôi lúc hoặc bỏ ngỏ hoặc không gay gắt trong một số vấn đề phát sinh với Trung cộng. Những vấn đề về biên giới lãnh thổ và một số vấn đề khác vốn bị cố tình giảm nhẹ đi trong điều kiện Việt Nam đang tranh thủ viện trợ, dốc toàn sức lực cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước."
"Vì vẫn muốn nắm vấn đề Việt Nam để tạo lợi thế trong quan hệ với Mỹ và tránh để Liên Xô nhảy vào lấp chỗ trống, tạo nên uy hiếp mới sau khi Mỹ rút quân. Trung cộng vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Việt Nam, dù số lượng có giảm so với những giai đoạn trước."
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.