Sunday, April 14, 2019

Điều gì xảy ra khi nhân loại không còn gì để ăn

BM

Chuyện đó xảy ra gần như sau một đêm. Rešad Trbonja là một thiếu niên bình thường lớn lên ở một thành phố hiện đại, phồn thịnh mà vốn chỉ vài năm trước đã tổ chức Thế vận hội Mùa đông.

Sau đó, vào ngày 5/4/1992, nơi mà cậu xem là nhà đột nhiên bị chia cắt với thế giới bên ngoài.

Bốn năm sống cầm hơi

BM
  
Điều mà Trbonja - cùng với gần 400.000 cư dân khác bị Quân đội người Serb của Bosnia làm cho mắc kẹt bên trong Sarajevo - không thể đoán được là đó là khởi đầu của một cơn ác mộng kéo dài gần bốn năm.

Trong trận Bao vây Sarajevo, dân thường bị kẹt trong thành phố phải sinh hoạt hàng ngày trước tiếng đạn pháo ầm ầm và tiếng súng bắn tỉa giòn giã. Ngay cả việc chỉ băng qua đường hay xếp hàng mua bánh mì có thể là một việc làm gây mất mạng do binh lính đóng trên những ngọn đồi bao quanh thành phố thường bắn bừa vào người dân địa phương.

Tuy nhiên trong khi đạn pháo bắn vào thành phố là mối đe dọa thường trực, Trbonja và những người hàng xóm của em phải đối mặt với một kẻ thù khác âm thầm hơn từ bên trong: nạn đói.

"Thực phẩm bắt đầu cạn kiệt gần như ngay lập tức," Trbonja, lúc đó mới 19 tuổi và hiện giờ dạy học sinh về cuộc chiến ở Bosnia, nhớ lại. "Những mẩu thực phẩm ít ỏi trong cửa hàng biến mất rất nhanh và nhiều cửa hàng bị cướp bóc. Tủ bếp đựng đồ ăn và chiếc tủ lạnh trong nhà không trữ được nhiều nếu phải nuôi sống cả gia đình, do đó chẳng bao lâu thì toàn bộ thực phẩm không còn nữa."

BM
Người dân phải xếp hàng dài để chờ được phát khẩu phần lương thực tại Sarajevo từ các tổ chức thiện nguyện nhân đạo, và Liên Hiệp Quốc thường phải chấp nhận rủi ro khi tiến hành phân phối thực phẩm giữa những trận ném bom

Đến khi đợt bao vây kết thúc vào tháng Giêng 1996, hơn 11.500 người ở Sarajevo đã chết. Nhiều người chết do bị bơm rơi đạn lạc từ bom chùm, chất nổ hoặc bị đạn găm vào người, nhưng một số người gần như chắc chắn đã bỏ mạng vì cái lạnh (điện và khí đốt bị cắt) và chết đói.

Nhưng Trbonja nhớ lại rằng bất chấp cái chết và sự tàn phá gần như liên tục, người dân đã đương đầu hết sức kiên cường.

"Những người ở ngoại ô có vườn tược sẽ trồng rau để chia sẻ cho nhau," Trbonja. "Họ sẽ cho hàng xóm hạt giống để họ có thể trồng rau trong những chậu hoa ngoài ban công. Hương vị những quả cà chua trồng trên chính ban công của mình thật tuyệt."

Tìm mọi cách sinh tồn

BM
  
Trong lúc cộng đồng quốc tế do dự về việc làm sao can thiệp vào cuộc chiến leo thang ở Bosnia, lính Canada nằm trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đã mở trở lại sân bay Sarajevo.

Đó là một bước đi quan trọng. Trong suốt đợt bao vây, trên 12.000 chuyến bay cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã đưa vào 160.000 tấn thực phẩm, thuốc men và các hàng hóa khác.

"Nếu không có hàng viện trợ nhân đạo, Sarajevo sẽ không còn tồn tại nữa," Trbonja nói. "Gần 90% dân số sống nhờ vào thực phẩm do Liên Hiệp Quốc phân phát. Những người cực giàu có có thể trao đổi nữ trang, các bức họa hay bất cứ thứ gì có giá để lấy thêm thực phẩm trên chợ đen."

BM
Người dân Sarajevo phải tìm kiếm bất kỳ chỗ nào có thể trồng trọt để cố gắng trồng rau trong suốt 47 tháng bị cắt khỏi thế giới bên ngoài

Đối với những ai không có gì để trao đổi, họ cần những cách khác để bổ sung cho khẩu phần ăn ít ỏi của họ. 

Trbonja, giống như nhiều trai tráng khác ở Sarajevo cầm lấy súng trong nỗ lực tuyệt vọng để bảo vệ gia đình và nhà cửa, sẽ hiến máu ở bệnh viện thành phố sau khi anh quay về từ chiến trường. Để đổi lại, anh được nhận một hộp thịt bò.

"Chúng tôi cũng phải tìm phương cách khác," anh nói. "Chúng tôi tìm đọc trong sách để tìm xem loại cây cỏ nào có thể ăn được để chúng tôi làm món rau trộn từ cây cỏ. Có những ngày mà chúng tôi chỉ có một lát bánh mì và trà trong cả ngày và những ngày khác không có gì cả. Đó là chế độ sinh tồn thật sự."

Nói chuyện với Trbonja, khó mà tin được điều này lại xảy ra ngay giữa lòng châu Âu chưa đầy 30 năm trước, nhưng những câu chuyện như thế này vẫn chưa được ghi vào lịch sử.

Đói kém hoành hành

BM
  
Do xung đột, bạo loạn chính trị và hạn hán, thế giới đang trải qua nạn đói tồi tệ nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Theo Hệ thống Cảnh báo Sớm nạn Đói, tổ chức của Mỹ vốn dự báo tình trạng khẩn cấp nhân đạo, 85 triệu người sẽ cần trợ giúp lương thực khẩn cấp trong năm 2019 ở 46 quốc gia - tương đương dân số của Anh, Hy Lạp và Bồ Đào Nha cộng lại.

Ước tính có 124 triệu người đối mặt với khủng hoảng lương thực, theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc.

BM
  
Kể từ năm 2015, số người có nguy cơ gặp nạn đói đã tăng lên 80% với Nam Sudan, Yemen, tây bắc Nigeria và Afghanistan nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhưng trong khi hình ảnh những đứa trẻ bụng trương phồng lên vì đói trong cuộc khủng hoảng lương thực ở Ethiopia vào những năm 1980 đã hằn dấu lên lương tâm phương Tây, những nạn đói hiện đại này đang xảy ra mà gần như không ai để ý.

Một phần nguyên do là thế giới dường như đã tự thuyết phục mình rằng nạn đói không còn xảy ra nữa.

BM
Nạn đói trong thời hiện đại ở một số nước châu Phi, trong đó có Somalia, là thứ xảy ra mà gần như không ai để ý

Đúng là nguy hại do nạn đói đã giảm. Theo ông Alex de Waal, giám đốc điều hành của Sáng hội Hòa bình Thế giới thuộc Đại học Tufts ở Boston, bang Massachusetts, một triệu người chết vì nạn đói mỗi năm trong vòng 100 năm cho đến những năm 1980.

"Kể từ đó, tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn 5-10% con số đó," de Waal phân tích. "Chúng ta không còn nhìn thấy cả cộng đồng chết đói. Sự tăng trưởng của các thị trường toàn cầu, cơ sở hạ tầng tốt hơn và các hệ thống nhân đạo đã gần như làm nạn đói cáo chung. Cho đến một vài năm trước thì tình hình đúng là như vậy."

Do chính quyền yếu kém?

BM
  
Nạn đói giờ đây đã trở lại là một nguy cơ. Nguyên nhân? Chiến tranh - và chính trị yếu kém.

"Rất là khó để cho người dân chết đói bởi vì họ vô cùng kiên cường," de Waal nói. "Anh cần phải có một chính quyền thật sự tồi tệ vốn tích cực theo đuổi những chính sách tước đoạt của người dân những gì họ cần và làm cho môi trường xuống cấp. Đó chính là những gì đã xảy ra với những nạn đói mà chúng ta chứng kiến ở những nơi như Syria, Nam Sudan và Yemen."

Đó là một trong những điều mỉa mai trong thế giới hiện đại. Nhờ vào chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu và thương mại quốc tế, chúng ta có thể vận chuyển nông sản vượt đại dương trong vòng có vài ngày. Chúng ta có thể tìm thấy những kệ hàng trong siêu thị chất đầy những nông sản từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí từ những nước ngay sát bên quốc gia có nạn đói.

BM

Tuy nhiên, ngay cả ở những nước phát triển, viễn cảnh thiếu hụt lương thực có lẽ sẽ không xa như là chúng ta nghĩ. Chuỗi cung ứng thực phẩm quốc tế vốn cung cấp cho chúng ta những thức ăn ưa chuộng được cân bằng một cách mong manh.

Và không cần phải một thảm họa như chiến tranh hay hạn hán mới làm ngưng trệ quá trình này.

Ở Venezuela, một quốc gia được trời phú nhiều dầu mỏ, khủng hoảng chính trị do lạm phát đã dẫn đến thiếu hụt thực phẩm và thuốc men, buộc các gia đình phải ăn thịt thối rữa để lần hồi qua ngày, và khiến cho hàng triệu người phải rời bỏ đất nước.

Cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro vốn đẩy nền kinh tế Hy Lạp đến bờ vực sụp đổ cũng khiến đất nước khốn khổ này bị thiếu hụt thực phẩm.

Dẫn đến hoảng loạn

BM
  
Trong khi đó, dịch bệnh, thời tiết xấu và giá cả tăng vọt đã một số vụ mùa thất bát trong những năm gần đây.

Giá gạo tăng cao khiến người dân Philippines và các nước châu Á khác đổ xô đi mua trong hỗn loạn hồi năm 2008, gây nên cuộc khủng hoảng cung ứng cho loại lương thực chủ chốt này.

Thời tiết xấu ở châu Âu hồi năm 2017 đã chứng kiến giá nhiều loại rau củ tăng lên trong khi tình trạng thiếu hụt bơ trên toàn cầu xảy ra sau khi một số nước bị mất mùa.

BM
Sự bất ổn chính trị và lạm phát khủng khiếp khiến các kệ hàng trống trơn tại thủ đô Venezuela

Cuộc phản đối nhiên liệu bùng nổ ở nước Anh hồi năm 2000, khi mà nông dân và tài xế chở hàng phong tỏa các nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu, đã khiến cho các siêu thị phải hạn chế lượng thực phẩm khách hàng được mua trong lúc họ chật vật chờ đợi giao hàng để lấp đầy các kệ hàng. Thậm chí việc các trường học, các trại hưu dưỡng, bệnh viện và những người bi quan tích trữ thực phẩm ở Anh trước Brexit cho thấy chỉ cần tin đồn về thiếu thực phẩm thôi cũng có tác động như thế nào.

BM
  
Điều quan trọng là phải làm rõ rằng việc khan hiếm thực phẩm không dẫn đến đói kém và hầu hết những nạn đói không phải là do khan hiếm thực phẩm mà là do không tiếp cận được thực phẩm.

Tuy nhiên mất an ninh lương thực xảy ra phổ biến hơn là nhiều người trong chúng ta nghĩ. Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng có gần 821 triệu người suy dinh dưỡng trên thế giới. Ở Mỹ, một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, gần 12% các hộ gia đình được xếp vào dạng mất an ninh lương thực và khoảng 6,5 triệu trẻ em sống không có đủ thực phẩm.

Tác động của cái đói

BM
  
Bị đói lâu ngày tác động đến chúng ta như thế nào? Do vấn đề đạo đức nên việc làm thí nghiệm về điều này là không chấp nhận được, cho nên các nhà khoa học phải dựa vào trải nghiệm của những người đã sống sót qua nạn đói.

"Trong ngắn hạn, bạn sẽ bị sụt cân khi bạn chuyển hóa lượng mỡ thừa và phần mô cơ,"

Bradley Elliott, một nhà sinh lý học tại Đại học Westminster vốn nghiên cứu về tác động của việc thiếu đói ở một người đàn ông không ăn uống gì trong 50 ngày, nói.

BM
  
Cơ thể con người có thể chống cự được mức độ sụt cân đáng kinh ngạc: khi cơ thể mất 20% cân nặng thì nó cũng tiêu thụ ít hơn 50% năng lượng. Thân nhiệt giảm xuống trong khi cơ thể bước vào tình trạng ngủ lịm hay không còn cảm nhận xung quanh để bảo tồn lượng năng lượng ít ỏi còn lại.

Tuy nhiên, cuối cùng, bản thân các cơ quan cũng bắt đầu bị hao mòn, trừ não bộ vốn có vẻ như đã thích nghi để tự bảo vệ trước sự thiếu đói.

"Các chứng bệnh gan và thận cũng phát sinh," Elliot nói. "Khả năng điều tiết huyết áp cũng bị suy yếu, và điều đó có nghĩa là người thiếu đói có thể dễ dàng bất tỉnh."

BM
Trong lúc những hình ảnh trẻ em Ethiopia suy dinh dưỡng xuất hiện tràn ngập trên các bản tin hồi những năm 1980 thì nạn nhân của nạn đói Yemen hầu như đều bị phớt lờ

Khi việc thiếu hụt vitamin và khoáng chất bắt đầu có tác động, các căn bệnh như thiếu vitamin và bệnh pellagra xuất hiện. Trẻ em có xu hướng dễ bị tổn thương hơn người lớn khi nhanh chóng có những triệu chứng như hao mòn và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, theo bà Rita Bhatia của Chương trình Lương thực Thế giới khi bà báo cáo về tình trạng thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng ở Bắc Hàn vào những năm 1990.

Tác động lâu dài

Khả năng sống sót khi không được ăn tùy thuộc vào cân nặng cơ thể người, lượng calories tích lũy trong mỡ và những vấn đề sức khỏe khác mà họ mắc phải. Phụ nữ có xu hướng chịu đựng giỏi hơn nam giới.

Nhưng nhìn chung, đa số các nạn nhân đều chết nếu cân nặng của họ sụt xuống chỉ còn phân nửa chỉ số khối lượng cơ thể bình thường - điều thường xảy ra sau khoảng 45 cho đến 61 ngày không ăn.

Đối với những người sống sót, họ sẽ chịu những tác động lâu dài.

BM
Một số người tại Sarajevo phụ thuộc vào thực phẩm cứu trợ của UN tới mức trong thời gian bị bao vây, khiến họ buộc phải đào bới rác để tìm thức ăn thừa

Bị đói về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chiều cao, dẫn đến chứng còi cọc ở những cộng đồng đã từng trải qua nạn đói hay từng bị khan hiếm thực phẩm trầm trọng.

Tất cả những người từ một đến ba tuổi vào lúc bắt đầu Nạn đói Lớn ở Trung Quốc, là thảm hoạ khiến gần 30 triệu người chết từ 1959 cho đến 1961, khi lớn lên có chiều cao thấp hơn trung bình 2,1cm so với những người không lớn lên trong nạn đói đó.

Cánh tay của họ cũng ốm hơn - nhẹ hơn 4,4% và tính trung bình có trình độ học vấn thấp hơn.

Tình trạng sẩy thai ở phụ nữ có thai cũng gia tăng.

BM
  
Trẻ sơ sinh sống sót qua trận đói Ethiopia vào giữa những năm 1980 nhiều khả năng sẽ mắc bệnh khi trưởng thành, trong khi các nghiên cứu khác chỉ ra một danh sách dài các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim mạch ngày càng phổ biến trong giai đoạn trưởng thành của những đứa kẻ đã trải qua thời kỳ đói kém.

Trong trận đói ở Hà Lan trong Đệ nhị Thế chiến suốt mùa đông và đầu xuân 1944-1945, những cộng đồng gặp nạn đó bắt đầu đi tìm kiếm cỏ cây và nấm trong nỗ lực sinh tồn.

"Ở Hà Lan, một quốc gia tương đối giàu và mật độ dân cư đông đúc với ít cây cỏ trong thiên nhiên thì việc tìm kiếm cây cỏ không phải là chuyện bình thường khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ," ông Tinde van Andel, giáo sư về lịch sử thực vật tại Đại học Leiden của Hà Lan, nói.

Thành thị thành vườn rau

BM
  
Người dân tìm đến cẩm nang nấu ăn cũ về cách chế biến các loài rau dại và hỏi những người họ hàng lớn tuổi để học cách tìm và nấu những thức ăn có thể ăn vào không sao. Họ ăn củ cải đường, củ hoa tulip, vỏ khoai tây, cây tầm ma và nấm dại.

"Có những nhóm dân thành thị bắt đầu đi tìm kiếm ở nông thôn," van Andel nói. "Bất cứ ai có mảnh đất nào đều biến nó thành vườn rau. Người dân còn nuôi thỏ trong sân trong ở thành phố. Họ lấy thức ăn cho vật nuôi từ chất thải nông nghiệp hay trang trại."

BM
Các công viên hoàng gia tại London bị biến thành nơi trồng trọt để người dân có thể tự cung cấ rau củ trong thời gian cao điểm khó khăn của các cuộc chiến tranh thế giới

Nhiều công viên hoàng gia nổi tiếng ở London bị biến thành vườn và ruộng trồng rau trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến khi người dân tìm cách kiếm cái gì bỏ bụng. Và mặc dù cải lông (rau tàu bay) ngày nay là một thứ rau thời thượng để thêm vào món rau trộn, nó đã bắt đầu được sử dụng từ thời Đệ nhị Thế chiến khi người Ý tìm kiếm thực phẩm trong vùng thôn quê ở xung quanh.

Gần đây hơn, mối đe dọa khan hiếm thực phẩm đã buộc một số người phải cân nhắc những sự nghiệp truyền thống hơn. Sau khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp cùng với sự khan hiếm thực phẩm, các hồ sơ xin học vào những trường dạy trồng trọt tăng vọt.

Đối với Rešad Trbonja, ký ức của cơn ác mộng 47 tháng mà anh đã trải qua hồi năm 1992 sẽ không bao giờ phai mờ. Nhưng giữa những kinh hoàng và đau khổ mà anh đã nếm trải, anh tin rằng thành phố của anh đã đứng vững trong chiến tranh và khan hiếm thức ăn bằng một dạng thực phẩm khác.

BM
  
"Toàn bộ Sarajevo trở thành một đại gia đình lớn," anh nhớ lại. "Chúng tôi đối xử rất tốt với nhau, chia sẻ mọi thứ với nhau. Đó là điều mà trước đây tôi chưa từng thấy. Trong thời gian đau khổ và tuyệt vọng như thế, tôi thật sự có đặc ân được chứng kiến Sarajevo đẹp hơn bao giờ hết."



Richard Gray

BM

Tranh phụ nữ Việt thời xưa
Khi bỏ đường, sữa vào cà phê bị coi là không sành điệu
Khi đảng DC "hết nhân tài" thời mạc vận đã đến...
Khi thủ lãnh đã chết _ Đảng Dân Chủ về đâu?
Thế giới sẽ hỗn loạn nếu không còn sự dối trá?
Sau 1975 _ cả nước ăn độn
Kỳ quan thiên nhiên 'Nhà thờ đá cẩm thạch' ở Nam Mỹ
Nguyễn Văn Vĩnh 'cậu bé chăn bò' thành học giả lừng lẫy
Ngã rẽ bất ngờ của thương chiến Mỹ - Trung
Hoa Kỳ điều tra động cơ của cáo buộc Trump-Nga
Lần đầu tiên công bố hình ảnh lỗ đen
Sức khỏe là tất cả
Phạm Quang Minh bị Anh tước quốc tịch và VN không nhận
Nữ bệnh nhân sống thực vật 14 năm sinh con
Những phụ nữ giàu nhất thế giới là ai?
Việt Nam trong các bảng xếp hạng
Việt Nam thua kiện Trịnh Vĩnh Bình tại Tòa án Quốc tế
Ăn gì để không bị trầm cảm
Mẹo giúp chạy bộ nhanh và khỏe hơn
Nước tương giả, nước tương thật ở Nhật Bản

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.