Ngành công nghiệp thời trang có một mặt tối, và phần tối đó tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì ta biết.
Đó là một trong những ngành gây ô nhiễm trầm trọng nhất và tàn phá môi trường ở nhiều quốc gia trên thế giới, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và động vật hoang dã, để lại hệ quả tàn khốc.
Rất nhiều loại vải sợi được bán ở những cửa hàng thời trang nổi tiếng trên phố lớn có thể gây hại cho nhiều loài - và ở đây ta không nói về tác động trực tiếp đến ngành buôn bán lông thú.
Dưới đây là năm chất liệu thời trang mà bạn có thể không nhận ra chúng gây hại đến đời sống tự nhiên và hệ sinh thái tới mức nào.
Áo len cashemere giá rẻ gây tác động đến thảo nguyên Mông Cổ
Thảo nguyên Mông Cổ cùng những người chăn gia súc và các loài động vật hoang dã sống ở nơi này - như báo tuyết, cáo thảo nguyên và sóc thảo nguyên - hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Thảo nguyên đã bị xuống cấp vì biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng xói lở đất và sông hồ khô cạn.
Một phụ nữ Mông Cổ đang cắt lông dê
Giờ đây, số lượng gia súc được chăn thả tăng gấp ba lần từ thập niên 1990 đã gây ra sự suy thoái đất trầm trọng.
Các nghiên cứu cho thấy 80% trong số 70% thảo nguyên bị suy thoái là vì tình trạng chăn thả gia súc quá mức.
Nhân tố chính gây ra tình trạng này là gì? Đó là vì nhu cầu của thị trường toàn cầu với len cashmere giá rẻ.
Loài dê có lớp lông cổ mềm tơ được dùng để làm áo len cashmere, thì tàn phá mạnh hơn so với các loài gia súc khác như cừu, và Mông Cổ là nhà sản xuất len cashmere lớn thứ hai thế giới.
Giặt áo nỉ có thể làm loài cua ngưng lớn
Ta biết rằng lượng nhựa, từ vi hạt nhựa cho đến chai nhựa, được vứt ra biển và sông hồ có khả năng hủy diệt động vật tự nhiên sống trong các môi trường đó.
Nhưng ít người biết rằng dùng máy giặt tại nhà cũng là một trong những cách gây ra tình trạng tương tự.
Khi quần áo làm từ các loại sợi tổng hợp (như sợi polyester, sợi nylon, sợi acrylic) được giặt bằng máy giặt, hàng triệu vi sợi siêu nhỏ trôi qua nhà máy xử lý nước thải ra biển, sông và hồ.
Những sợi này có chứa hóa chất độc hại, vốn là bản chất của loại chất liệu đó hoặc qua quá trình ngâm với bột giặt và các loại chất độc khác, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh trái dưới nước, chuyển các loại chất ô nhiễm sang cơ thể động vật.
Các nghiên cứu cho thấy có nhiều loài sinh vật ăn phải các loại vi sợi như cua, tôm hùm, cá, rùa, chim cánh cụt, hải cẩu, hải ngưu và rái cá biển.
Các loại vi sợi này thậm chí có cả trong thực phẩm mà ta ăn. Tình trạng này ảnh hưởng xấu đến động vật hoang dã: các loại sợi này có thể ngăn chặn quá trình tiêu hóa, hủy hoại thành dạ dày dẫn đến tình trạng chán ăn và chết đói.
Vải sợi viscose, bông nhân tạo và nạn phá rừng
Bột giấy tan hoặc bột gỗ tẩy trắng là chất liệu nền cho vải sợi viscose và bông tơ nhân tạo.
Bột giấy tan hay bột gỗ tẩy trắng, là chất liệu chính sản xuất vải sợi viscose, bông nhân tạo và các loại sợi được sử dụng trong nhiều sản phẩm may mặc trong ngành thời trang.
Điều mà bạn có thể không biết, đó là các loại bột gỗ này thường được lấy từ các loại cây trong những cánh rừng nguyên sinh hoặc rừng đang bị đe dọa.
Điều này có nghĩa là quần áo ta mua và mặc đang trực tiếp góp phần vào tình trạng phá rừng và hủy hoại môi trường sống. Hiện nay, hơn 150 triệu cây bị chặt để sản xuất quần áo.
Dù cho một số thương hiệu lớn thu hoạch viscose từ những cánh rừng được chứng nhận phát triển bền vững, thì số lượng gỗ bị chặt phá để sản xuất sợi viscose đang ngày càng tăng ở những cánh rừng tại Indonesia, Canada và Amazon.
Tình trạng phá rừng có tác động đến biến đổi khí hậu, bởi cây hấp thụ khí carbon.
Thói quen tiêu dùng thời trang là cực kỳ nguy hại: rừng là nơi trú ngụ của quần thể đa dạng sinh học của hàng ngàn loài, và rất nhiều trong số đó đã rất hiếm và bị đe dọa.
Bông tiêu tốn quá nhiều nước
Dù bông (cotton) không phải là loại sợi nhân tạo, nhưng điều đó không có nghĩa đó là loại chất liệu bền vững.
Trong thực tế, bông đã trở thành một trong những loại cây trồng kém bền vững nhất trên khắp hành tinh.
Bông đã trở thành một trong những loại cây trồng kém bền vững nhất trên khắp hành tinh
Đầu tiên, loài cây này cần quá nhiều nước và góp phần gây ra tình trạng thiếu nước ngọt khắp thế giới.
Người ta cần đến 2.700 lít nước để sản xuất ra chỉ một chiếc áo thun bằng sợi cotton.
Ở Kazakhstan, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng Biển Aral và các loài sống ở đó bị hủy hoại.
Thêm vào đó, sản xuất sợi cotton cần đến lượng thuốc trừ sâu cực nhiều và các loại hóa chất độc hại khác, và các thứ hóa chất này sẽ thấm vào nguồn nước và đất.
Ngành trồng bông tiêu thụ 22,5% các loại thuốc diệt côn trùng trên toàn cầu. Với những dự đoán gần đây về tình trạng các loài côn trùng bị suy giảm, điều này khiến quá trình phát triển bền vững càng cấp bách hơn.
Hàng thời trang tiêu dùng nhanh
Trong những năm gần đây, các nhà bán lẻ đã tăng số lượng các bộ sưu tập thời trang mà họ tung ra mỗi mùa.
Một chiếc váy có khi chỉ bán giá vài bảng Anh với người tiêu dùng, nhưng kèm theo nó là cái giá phải trả về môi trường to lớn hơn nhiều
Những cửa hàng thời trang cao cấp thì luân chuyển các mẫu mã quần áo nhiều lần mỗi tuần.
Đó là một phần trong nền văn hóa mua rẻ, vứt nhanh mà người ta gọi là "thời trang tiêu dùng nhanh".
Mỗi năm, 100 tỷ bộ quần áo mới được làm từ các loại vải sợi được sản xuất, rất nhiều trong số đó sẽ bị vứt ra bãi rác thải, dẫn đến việc gây khí thải carbon cực lớn, bởi các loại sợi như polyester và nylon được làm từ nhiên liệu hoá thạch.
Sản xuất cotton cũng xả ra lượng CO2 lớn.
Hàng thời trang tiêu dùng nhanh còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm mức độ hóa chất cực cao rò rỉ ra ngoài môi trường.
Một chiếc váy có thể chỉ đáng giá vài bảng Anh với người tiêu dùng, nhưng di kèm theo nó là những cái giá phải trả về môi trường lớn hơn rất nhiều, ảnh hưởng cả tới những công nhân lương thấp làm việc trong điều kiện tồi tệ và tới hệ sinh thái cùng các loài khác.
Lucy Jones
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.