Thursday, April 11, 2019

Ăn gì để không bị trầm cảm

BM  
Đường ruột của một bệnh nhân có lẽ không phải là vị trí hiển nhiên để xem xét, tìm hiểu nguồn cơn gây bệnh trầm cảm. Thế nhưng đó là điều mà George Porter Phillips nghĩ tới vào đầu thế kỷ 20.

Khi đi ngang qua khu phòng bệnh nổi tiếng của Bệnh viện Hoàng gia Bethlem ở London, ông quan sát thấy các bệnh nhân với hội chứng u sầu thường bị táo bón nặng, bên cạnh các triệu chứng "tình trạng tắc nghẽn nói chung trong quá trình trao đổi chất" - như móng tay dễ gãy, tóc xỉn màu và nước da tái xám.

Giả định thông thường là có lẽ bệnh trầm cảm đã dẫn đến những vấn đề sinh lý nêu trên, nhưng Phillips tự hỏi rằng có khi nào bằng cách nhắm vào xử lý các vấn đề đường ruột, ta có thể làm dịu cơn trầm cảm không?

Để tìm hiểu điều này, ông cho bệnh nhân ăn chế độ ăn kiêng không có bất kỳ loại thịt nào, trừ cá. Ông cũng cho họ uống loại sữa lên men có tên là kefir, có chứa vi khuẩn sữa, một vi sinh vật "thân thiện" giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn.

Kinh ngạc thay, cách làm này hiệu quả.

Trong 18 bệnh nhân mà Phillips thử nghiệm, 11 bệnh nhân đã khỏi bệnh hoàn toàn, hai bệnh nhân còn lại có tiến triển đáng kể. Điều này cho thấy có một số bằng chứng ban đầu chứng tỏ vi khuẩn đường ruột có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần của chúng ta.

BM
  
Loạt chương trình Vi khuẩn và Tôi (Microbes and Me) của BBC Future giờ đây tìm hiểu nhiều quan điểm về sức mạnh của hệ vi sinh đường ruột từ gây hại đến chữa bệnh - nhưng quan điểm cho rằng chúng có thể là lý do tác động tới sức khỏe tâm thần có lẽ là việc khó đón nhận nhất.

Làm thế nào những công nhân siêu nhỏ đó, sống nhờ những mảnh vụn trong quá trình tiêu hóa của con người, lại có thể ảnh hưởng đến não bộ được?

Nhưng hơn một thế kỷ sau thí nghiệm ban đầu của Phillips, ý tưởng chủ yếu xoay quanh trục ruột - não giờ đây đã cực kỳ vững chắc.

"Tôi không hề nghi ngờ gì về việc vi sinh vật ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần," Jane Allyson Foster nói. Bà có phòng thí nghiệm tại Đại học McMaster ở Canada, vốn đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu này.

Và điều đó có nghĩa là ta có thể chữa lành não bộ thông qua bao tử. "Điều này mở ra tiềm năng phát triển các phép trị liệu mới và y dược chính xác."

Foster nhấn mạnh rằng đường ruột không khỏe mạnh chỉ là một trong rất nhiều yếu tố có thể gây ra bệnh tâm thần, nghĩa là chỉ có một nhóm nhỏ bệnh nhân sẽ có phản ứng tốt với cách chữa trị "tâm sinh học".

Nhưng với nhiều bệnh nhân đang bị mất cân bằng về vi khuẩn đường ruột, các phương pháp trị liệu mới có thể giúp đem lại cảm giác dễ chịu cần thiết.

BM
Trong nghiên cứu đầu thế kỷ 20, sữa chua kefir có vẻ như đã có tác dụng đáng kể đến những bệnh nhân trầm cảm

Dù đã có nhiều nghiên cứu từ sớm, trong đó có cả của Phillips, nhưng ý tưởng cho rằng đường ruột có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần không được đón nhận cho lắm trong hầu như suốt Thế kỷ 20, và những bằng chứng mạnh mẽ về mối liên hệ bí ẩn này chỉ xuất hiện trở lại trong hai thập niên vừa qua.

Một trong những thí nghiệm thời hiện đại nổi bật nhất được Trường đại học Kyushu ở Nhật thực hiện năm 2004.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu chứng minh rằng những chú chuột "vô trùng"- được nuôi trong điều kiện tiệt trùng để chúng không có vi sinh ở bên trong hoặc trên cơ thể - có mức độ dao động hormone như corticosterone và ACTH cao hơn; đây là hai loại hormone thể hiện mức độ căng thẳng.

Điều này cho thấy vi khuẩn trong đường ruột của những chú chuột khỏe mạnh bằng cách nào đó đã điều chỉnh hệ thống hormone của chúng.

Sau đó, các nhà nghiên cứu cấy vào nhóm chuột vô trùng này vi khuẩn lactobacillus, loại vi khuẩn "thân thiện" mà Phillips đã sử dụng với những bệnh nhân u sầu.

Mặc dù những chú chuột này vẫn thể hiện thái độ căng thẳng cao hơn so những chú chuột chưa bao giờ được nuôi trong điều kiện vô trùng, nhưng mức độ phản ứng căng thẳng của chúng đã thấp hơn những chú chuột không có bất cứ vi sinh vật nào trong ruột.

Thậm chí đã có những dấu hiệu cho thấy hành vi trầm cảm có thể chuyển từ loài này sang loài khác - ví dụ từ người qua chuột - thông qua các vi sinh đường ruột.

BM
  
Trong một công trình, các nhà nghiên cứu ở Trùng Khánh, Trung cộng lấy mẫu vi sinh vật từ ruột bệnh nhân bị bệnh trầm cảm và cấy vào những con chuột vô trùng. Hệ quả là sau đó những chú chuột này bỏ cuộc nhanh hơn khi "bắt buộc" phải bơi - đây là hành vi thường được coi là tương tự như trạng thái thờ ơ và tuyệt vọng có ở bệnh trầm cảm.

Và khi những chú chuột này được bỏ vào một chiếc hộp, chúng dành ít thời gian để khám phá khu vực trung tâm hơn, thay vào đó chúng tụ tập gần rìa hộp, nơi chúng cảm thấy an toàn hơn.

"Đáng chú ý là những động vật nhận được vi sinh 'trầm cảm' cũng hành xử như thể chúng bị trầm cảm," Julio Licinio tại Trường Đại học Y Dược New York Upstate, đồng tác giả của nghiên cứu trên cho hay. "Nếu bạn thay đổi vi sinh, bạn thay đổi hành vi."

Tất nhiên, ta chỉ có thể tìm ra nhiều kết luận trên những nghiên cứu với động vật, nhưng những kết luận này được bổ trợ bởi các nghiên cứu về dịch tễ học với số lượng người tham gia nghiên cứu cực lớn (với nghiên cứu gần đây nhất được công bố hôm 4/2/2019). Những đề tài này đã liên tục cho thấy sự khác biệt giữa vi sinh đường ruột với nhiều bệnh lý tâm thần, trong đó có trầm cảm và lo âu.

BM
Chỉ có hai trong 10 bệnh nhân sử dụng thuốc chống trầm cảm cho thấy có dấu hiệu bệnh tiến triển tốt

Dường như không có loài vi sinh riêng rẽ nào là nguyên nhân gây ra những triệu chứng này.

Thay vào đó, có vẻ như tỷ lệ tổng hợp của nhiều nhóm vi sinh khác nhau sẽ tạo ra ảnh hưởng, mà hệ vi sinh trong ruột của người bị lo âu và trầm cảm dường như có độ đa dạng vi sinh ít hơn so với những người không bị bệnh này.

Đáng kinh ngạc là một trong những nghiên cứu gần đây của Licinio tiết lộ rằng bệnh tâm thần phân liệt có liên quan đến tình trạng hệ vi sinh đường ruột bị cạn kiệt.

Khi các mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân được cấy vào chuột vô trùng, có vẻ như nó dẫn đến một số thay đổi tính chất trong hoạt động não, vốn là các dấu hiệu đặc trưng của chứng rối loạn này.

Nhiều giả thiết

BM
  
Những hiệu ứng trên có thể xuất hiện qua rất nhiều con đường.

Một số loại vi sinh đường ruột nhất định có thể bảo vệ thành ruột - giúp duy trì màng nhầy trong ruột nhằm ngăn chặn không cho các chất bên trong tràn vào đường máu.

Không có hàng rào này, bạn có thể bị bệnh "ruột bị rò rỉ", là bệnh theo đó gây hiện tượng giải phóng các cytokine gây viêm, vốn là những protein tăng cường lượng máu lưu thông quanh khu vực viêm nhiễm và điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Dù phản ứng này rất quan trọng khi ta cần chống lại nhiễm trùng, nhưng những cytokine này có thể gây ra tâm trạng cảm xúc xấu và sự đờ đẫn. Đó là lý do vì sao ta thường cảm thấy mệt mỏi khi bị bệnh.

Trong một thời gian ngắn, phản ứng này giúp ta duy trì năng lượng để tìm ra chỗ nhiễm trùng, nhưng nếu diễn ra kéo dài, nó sẽ gây trầm cảm.

Vi sinh đường ruột cũng ảnh hưởng cách ta tiêu hóa và trao đổi các chất cung cấp tín hiệu cho các hóa chất trao đổi thần kinh quan trọng như serotonin và dopamin.

Hệ sinh thái trong ruột ta thậm chí có liên hệ trực tiếp với não, thông qua dây thần kinh phế vị có cơ quan thụ cảm gần thành ruột, giúp nó có thể theo dõi quá trình tiêu hóa của cơ thể.

Các vi sinh vật trong ruột từ đó có thể giải phóng các hóa chất truyền tin để điều chỉnh tín hiệu của dây thần kinh phế vị - và kết quả là điều chỉnh hành động của não bộ.

(Để tìm hiểu thêm về dây thần kinh phế vị hãy đọc bài giải thích của Gaia Vincetại tạp chí Mosaic.)

BM
  
"Trong ruột, có rất nhiều cơ hội để vi khuẩn liên hệ với các hệ thống trong cơ thể vật chủ - bao gồm cả hệ thần kinh," Foster cho biết. "Đó là không gian rất phong phú, năng động và nhiều tương tác."

Tuy nhiên, đây không phải hướng đi một chiều, vì vậy hoạt động của não bộ cũng có thể tác động đến tổng quan hệ sinh thái trong ruột.

Sự căng thẳng tự thân có thể gây ra tình trạng viêm ruột, mà sau đó có thể ảnh hưởng tới hệ vi sinh trong ruột. Kết quả có thể là một vòng phản ứng lặp lại.

Những con đường mới

BM
  
Foster nói rằng việc nghiên cứu trong lĩnh vực này giờ đây đang được tăng tốc, do cả các nhà khoa học trong trường đại học lẫn các công ty thương mại thực hiện; các cuộc hội thảo học thuật, thảo luận về phát hiện mới giờ đây "tổ chức mỗi tuần."

Trên hết, các nhà nghiên cứu hi vọng rằng phát hiện của họ sẽ tìm ra cách điều trị mục tiêu mới cho những căn bệnh như trầm cảm.

Những loại thuốc chống trầm cảm hiện thời hướng đến cân bằng các hóa chất như serotonin trong não, nhưng chúng không hiệu quả với tất cả bệnh nhân: chỉ có 2 trong 10 bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm có dấu hiệu tiến triển tốt, trên tác dụng giả dược.

Và mặc dù chúng giúp rất nhiều bệnh nhân, các cuộc trị liệu bằng trò chuyện như trị liệu hành vi nhận thức cũng có độ may rủi tương tự. Kết quả là, rất nhiều bệnh nhân bị bỏ lại và khổ sở tìm kiếm cách điều trị hữu hiệu, và trục ruột-não sẽ có vẻ như đem lại nhiều hứa hẹn nhất.

BM
Các nhà nghiên cứu tiêm vào chuột vô trùng một liều vi khuẩn có xu hướng "thân thiện" và phát hiện ra chúng ít có phản ứng nghiêm trọng với căng thẳng hơn

Một số nỗ lực, như nghiên cứu của Phillips vào năm 1910, là cho bệnh nhân uống thức uống lên men như sữa chua kefir, giúp đưa thêm vào ruột các vi khuẩn và protein được cho là có lợi cho tiêu hóa, hay các chất xơ có thể hòa tan là 'prebiotic' được cho là khuyến khích hệ sinh thái trong ruột người phát triển.

Đáng tiếc là nhiều nghiên cứu trong số này lại có quy mô nhỏ, chỉ có một ít người tham gia, và kết quả thường lẫn lộn: trong một số nghiên cứu, cách can thiệp này đã thành công trong việc làm giảm triệu chứng; trong một số thí nghiệm khác, chúng mang lại hiệu quả không hề khả quan hơn so với việc dùng cách điều trị giả dược.

Theo Foster thì có một cách để giải thích: lý do khiến các nghiên cứu thất bại có thể là do đã không tập trung vào các bệnh nhân có khả năng phản ứng tích cực nhất với cách điều trị này.

Rốt cuộc thì có rất nhiều nguyên nhân gây trầm cảm.

BM
  
Với một số người, hệ vi sinh trong ruột không khỏe mạnh có thể là nguyên nhân ẩn gây ra tình trạng trầm cảm hay lo âu, nhưng với một số người khác, nguyên nhân có thể lại hoàn toàn khác. Với những người này, thức uống có probiotics (vi khuẩn có ích) có vẻ sẽ không tác dụng cho mấy đối với những triệu chứng bệnh.

Tình hình càng phức tạp hơn bởi hệ vi sinh trong cơ thể mỗi người mỗi khác; sự giống nhau giữa hai cá thể chỉ có thể đạt khoảng 10%. Vì vậy, bất cứ cách chữa trị nào nhắm tới hệ vi sinh trong ruột cùng cần phải chú ý đến những khác biệt này.

Vì lý do này, bà nghĩ ta cần tìm ra những cách tinh tế hơn trong việc sắp xếp cách điều trị cho bệnh nhân. "Đây là điểm mà trục ruột - não sẽ giúp ta, trong ngành y học chính xác."

Foster cho biết hi vọng ta có thể "lập bản đồ 'loại vi sinh' hay nhóm các cá nhân có tính chất sinh học cùng gây ra triệu chứng cho họ". Chẳng hạn, bạn có thể xét nghiệm xem bệnh nhân bị chứng viêm ruột nặng hay nhẹ trước khi quyết định phương pháp điều trị.

Licinio cũng tương đối lạc quan về việc kết quả nghiên cứu trong tương lai sẽ xác định ra các liệu pháp cho trục ruột - não.

Ông nói rằng do thuốc chống trầm cảm gây ra những tác dụng phụ đáng kể, nên nó đã hạn chế việc phát triển các cách điều trị mới dựa trên dược phẩm - thế nhưng cách sử dụng vi khuẩn đường ruột có thể tránh được những vấn đề trên.

"Bạn sẽ không can thiệp vào não bộ," ông nói, "cho nên tôi nghĩ rằng bất cứ tác dụng phụ nào phát sinh cũng sẽ gây ít rắc rối hơn."

Ăn như người Ý

BM
  
Cách hiểu hiện tại xoay quanh mối quan hệ giữa ruột và não ít nhất đã thêm bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống cân bằng, khỏe mạnh có thể là liệu pháp phòng tránh quan trọng để ngay từ đầu giúp giảm thiểu rủi ro bị các bệnh như trầm cảm.

Rất nhiều nghiên cứu đã xem xét "chế độ ăn Địa Trung Hải" - một cụm từ chung chỉ các chế độ ăn giàu rau củ, trái cây, các loại hạt, hải sản và chất béo không no và các loại dầu thực vật, và có lượng đường tinh luyện thấp, ít thịt đỏ và thịt qua chế biến. (Tất nhiên, đây là sự tổng quát rất thô sơ, vì các loại thực phẩm quanh vùng nam u cực kỳ đa dạng).

Theo một nghiên cứu từ Tây Ban Nha, những người ăn chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống được chẩn đoán là giảm phân nửa nguy cơ mắc chứng trầm cảm trong thời gian bốn năm.

BM
Chế độ ăn Địa Trung Hải với nhiều trái cây và rau củ, các loại dầu tốt cho sức khỏe và ít thực phẩm đã qua chế biến, được cho là có tác dụng cực kỳ tích cực

"Dữ liệu về tầm quan trọng của dinh dưỡng với sức khoẻ tâm thần và não bộ giờ đây đã được hiểu biết sâu rộng và cực kỳ nhất quán," Felice Jacka, nhà tâm lý học dinh dưỡng tại Đại học Deakin ở Úc và là tác giả của tập sách "Nhân tố thay đổi não bộ: Chế độ ăn tốt cho sức khỏe tâm thần" (Brain Changer: The Good Mental Health Diet), nói.

Chế độ ăn Địa Trung Hải cho thấy có thể làm tăng độ đa dạng của các loại vi khuẩn trong ruột và giảm thiểu những thay đổi sinh lý khác như viêm ruột mãn tính, vốn là chứng có vẻ như đi kèm với bệnh trầm cảm.

Hơn một thế kỷ sau thí nghiệm của Phillips ở Bệnh viện Hoàng gia Bethlem, phương thuốc trị trầm cảm vẫn còn chưa rõ ràng - nhưng ít nhất với một số người, đường ruột khỏe mạnh hơn có thể là bước quan trọng đầu tiên để có tâm trí khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.



David Robson

BM

Mẹo giúp chạy bộ nhanh và khỏe hơn
Nước tương giả, nước tương thật ở Nhật Bản
TT Trump ký lệnh chống bán hàng giả, hàng nhái trên mạng
Quốc hận, hận ai, hận cái gì, hận để làm gì?
Huawei bị yêu cầu gỡ thẻ wifi khỏi hệ thống CCTV của Pakistan
Robot quân sự siêu cường của Mỹ
Vì sao một số trẻ em HN phải đi vẫy cờ đón khách quốc tế?
Trung Cộng không có khả năng kháng cự chiến tranh thương mại
Putin mỉa mai cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Tâm sự của một Việt Kiều
Vì sao nam chết vì tự tử nhiều hơn nữ
Chúng ta cần nền dân chủ hay cần chế độ độc tài hơn
Cuộc chiến chống đánh bắt hải sản cạn kiệt
Phụ nữ H'Mông làm biến đổi tôn giáo vùng cao Việt Nam
Đại học Mỹ: những tiêu chuẩn thu nạp sinh viên
Chết dưới tay Xi, ai tình nguyện chết trước?
Hành trình tìm tự do của Lý Tống
GL 72-79 Với Liên Khúc Lê Hưu Hà
Kimono trong Lễ Hội Hoa Anh Đào & Tại sao có ngày 30-4-1975
Tục cầu vong, thờ cúng ở châu Á trong mắt học giả Phương Tây

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.