Saturday, May 29, 2021

Nikola Tesla _ Thiên tài khoa học

 image

Có nhiều người cho rằng trong lịch sử nhân loại chỉ có đúng 2 thiên tài vĩ đại, 2 cá nhân kiệt xuất với tầm nhìn vượt quá xa thời của họ. Theo thuyết âm mưu, nhiều người cho rằng 2 người đó có thể là người ngoài hành tinh.


Người thứ nhất là Leonardo da Vinci, được biết đến với những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, những phác thảo về máy bay, về giải phẫu sinh lý người ở … thế kỷ XVI. Người thứ hai là một nhà khoa học với những phát minh, những ý tưởng mà chúng ta mới được sử dụng gần đây (mạng Internet), người đó là Nikola Tesla. Ông bị coi là nhà bác học điên, một kẻ lập dị với những ý tưởng bị coi là điên rồ thời đó.


image


Người đàn ông sinh năm 1856 này đã từng đề xuất ý tưởng về những tên lửa, ngư lôi, thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến, máy bay phản lực, tàu có đệm không khí từ những năm cuối thế kỷ XIX. Vì ý tưởng vượt thời đại quá xa, còn công nghệ thì không theo kịp, ông bị coi là nhà bác học điên.

 

Khả năng tiên tri của Nikola Tesla


image


Tesla là một người có trí tuệ phi thường, nắm vững 8 ngoại ngữ và rất am hiểu thơ ca, âm nhạc. Nhà Văn Julian Koffman từng nhận xét: “Năng lượng tâm lý của Tesla thật đáng sợ. Nó dường như ngân lên trông về xa xôi. Ông ấy có đôi mắt nhìn thấu tương lai. Những người gần gũi với ông biết rất rõ tài tiên tri của ông”.

 

* Vào năm 1900, ông đã ngăn cản bạn bè của mình đừng ra về trên một chuyến tàu hỏa, vì ông cảm nhận chuyến tàu đó sẽ có chuyện chẳng lành. Quả thật, chuyến tàu hôm ấy đã bị tai nạn, và bạn bè ông đã thoát nạn.

 

* Năm 1912, Tesla đã thuyết phục hai người bạn của ông từ bỏ chuyến du lịch trên con tàu Titanic vượt đại dương. Người thứ nhất là John Timman Morgan. Ông này tuyệt đối tin tưởng vào linh cảm của Tesla nên đã trả lại vé và thoát chết. Người thứ hai là John Jeff Baxter, một nhà bảo trợ và bạn lâu năm của Tesla. Ông này không nghe lời khuyên nên đã chết trong vụ đắm tàu đó.


image


* Trước đó vài năm Tesla tiên đoán: Đại Chiến Thế giới lần thứ I sẽ bùng nổ, kéo dài 4 năm và kết thúc vào Tháng 12/1918. Thực tế đã diễn ra đúng như thế, chỉ sai lệch thời điểm kết thúc Thế Chiến I khoảng 5, 6 ngày.

 

* Sau khi Thế Chiến I kết thúc, Tesla tiên đoán, hòa bình sẽ kéo dài 20 năm, sau đó sẽ xảy ra Đại Chiến Thế giới lần thứ II. Thực tế cũng diễn ra đúng dự đoán.

 

Khả năng thâm nhập vào thế giới khác của Nikola Tesla


image


Cuộc đời của Tesla cho đến lúc nhắm mắt là sống với các ý tưởng tràn ra như thác đổ. Hơn 300 phát minh, đa phần là đi trước thời đại nhưng tên tuổi của ông mới chỉ được cả thế giới ghi nhận trong vòng 20 năm trở lại đây.


Vậy làm thế nào mà Tesla có thể dễ dàng có được một số lượng khổng lồ những ý tưởng phát minh độc đáo như vậy. Vậy mà ông lại nói: “Tôi không phải tác giả của những ý tưởng đó", điều này làm cho mọi người thực sự bị sốc!

 

Trong cuốn phim “Nikola Tesla” của Đài truyền hình Nga RTR, đã được dịch ra tiếng Việt và phát trên kênh VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam, Tesla đã kể lại: “...Một trạng thái hạnh phúc tuyệt đối. Các ý nghĩ cứ tràn ra như một dòng chảy khiến tôi phải cố gắng lắm mới kịp ghi lại chúng…”

 

Tesla đã dần dần học làm quen với trạng thái đó. Từ thế giới ấy, ông đã có thể đưa ra các mô hình phát minh của mình mà không sử dụng đến các kiến thức về toán học, không cần đến các phương trình.


image


Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Nina Sviderskaia nói: “Chính bằng cách đó, khi ở trong trạng thái bị biến đổi của nhận thức, Tesla có thể thu nhận được những tri thức mà ở trong trạng thái bình thường không thể có được. Nhờ vào khả năng dễ dàng trở lại trạng thái bình thường, ông có thể ghi lại tất cả và truyền đạt lại cho những người khác”.

 

Hoàn toàn không thể giải thích nổi nguồn kiến thức của Tesla về những hiện tượng lạ lùng chưa được ai nghiên cứu.


Điều quan trọng nhất Tesla tiết lộ


image


Tesla nói: “Bộ não của tôi chỉ là một cỗ máy tiếp nhận, trong vũ trụ có một trung tâm cốt lõi mà từ đó chúng ta nhận được tri thức, sức mạnh và niềm cảm hứng. Tôi chưa thâm nhập được vào những bí mật của trung tâm này, nhưng tôi biết nó tồn tại”

 

Vậy cái trung tâm cốt lõi ấy là gì? Liệu có phải là Đấng Sáng Tạo?

 

Dmitrii Strelkov, Tiến sĩ Khoa học, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, nói: “Nhiều người tin vào một Đấng Tối Thượng. Đối với một số người thì đó là Chúa Jesus, hay đại loại như vậy. Đối với một số khác thì đó là một trí tuệ, một sức mạnh siêu nhiên nào đó mà biết tất cả mọi điều, hiểu tất cả mọi việc, giúp cho những người cố gắng sống trong công bằng, giúp đỡ họ trong những tình huống khó khăn và giúp đỡ trong khoa học”.


image


Yuri Mayurin, Tiến sĩ Toán-Lý của Nga nói: “Phương pháp sáng tạo của Tesla buộc chúng ta phải nghĩ rằng có tồn tại một ngân hàng số liệu toàn cầu nào đó, mà bây giờ được gọi là trường năng lượng thông tin vũ trụ. Và Tesla biết cách mở nguồn đó, rút ra từ nơi đó những thông tin cần thiết, và ông luôn mơ ước để mọi người đều có thể tiếp cận được với nó…”

 

Tesla tin rằng khi con người chết đi, thể chất linh hồn của người đó không chết, thậm chí ông còn chế tạo ra một thiết bị đặc biệt cho việc này. Hiện vẫn còn lưu giữ những bức thư của một người bạn thân của Tesla, nhà vật lý nổi tiếng người Anh, ngài William Crookes. Trong một bức thư, Crooked cảm ơn Tesla vì đã tặng cho minh cuộn nam châm điện tần số cao. Việc này đã tạo điều kiện cho những người gọi hồn tiếp xúc dễ dàng hơn với các linh hồn cũng như cho phép điều chỉnh cân bằng trạng thái tâm lý của những người gọi hồn sau những cuộc gọi hồn đó.


image


Nicolai Never Skii, Tiến sĩ Toán-Lý, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói: “Ngày nay đã xác định được rằng các hạt cơ bản có thể tuân theo sự chỉ dẫn trong ý thức của con người. Điều đó không được ghi trong các định luật vật lý đã biết, nhưng đã được chứng minh bằng khá nhiều thực nghiệm”.


image


Từ lâu Max Planck, cha đẻ của Thuyết lượng tử, cũng khẳng định không thể giải thích được ý thức. Ông nói: “Tôi coi ý thức là nền tảng căn bản… Chúng ta không thể biết được những gì đằng sau ý thức. Mọi thứ chúng ta bàn đến, mọi thứ mà ta coi là đang tồn tại, đều do ý thức mặc nhận”.

 

Elon Musk khẳng định vị thế cho cái tên Nikola Tesla

 

Khi Internet ra đời, công nghệ vô tuyến phát triển, công nghệ không dây đang đi đến thời đại 5G. Bây giờ loài người mới sửng sốt phát hiện ra rằng cách đây 100 năm đã có một con người nói về những điều này, và kẻ đó bị coi là người điên. Trong hối hận, họ đi đòi công bằng cho ông, nhằm đưa tên tuổi Tesla trở lại với công chúng và sống mãi với nhân loại.


image

Elon Musk đã quyết định đầu tư vào Tesla Motors 6,35 triệu đô la trong lần rót vốn đầu tiên, cuối cùng ông đã thành công và biến cái tên Nikola Tesla trở thành bất tử.

 

Vào ngày 1/7/2003, tại thung lũng Silicon huyền thoại có hai người đàn ông tên là Eberhard và Tarpenning cùng một người bạn thứ 3 là hàng xóm Ian Wright đã thành lập một công ty. Họ thống nhất đặt cho nó cái tên là Tesla Motors. Họ chọn cái tên đó là để mục đích vinh danh nhà khoa học bị lãng quên vừa tìm lại được chỗ đứng trong lịch sử: Nikola Tesla, theo Business Insider.


image


Và cũng như Tesla, những gì họ có trong tay chỉ là những ý tưởng, bản phác thảo. Cho đến một ngày định mệnh của tháng 4/2004, có một triệu phú trẻ gốc Nam Phi với tầm nhìn cũng điên không kém Tesla đã quyết định đầu tư vào Tesla Motors 6,35 triệu đô la trong lần rót vốn đầu tiên. Người đàn ông đó đã nắm lấy con thuyền non trẻ này. Với vị trí CEO, anh đổ mồ hôi, công sức, và rót cả tài sản bản thân nhằm đưa con thuyền ấy vượt qua giông tố, từng bước từng bước đi qua chướng ngại công nghệ đến chướng ngại con người, chính phủ. Cuối cùng cũng đến hồi chiến thắng. Cùng với Tesla, ông trở thành người giàu nhất thế giới. Tên người đàn ông đó là Elon Musk.


image


Vào ngày 6/2/2018, hãng SpaceX của Elon Musk phóng thành công tên lửa Heavy Falcon cùng chiếc xe điện mang tên Tesla ra ngoài vũ trụ với ước mơ về cuộc sống trên sao Hỏa. Hẳn Nikola Tesla đã rất vui mừng khi hoài bão của mình đã được thế hệ sau thừa hưởng và phát triển. Một ý tưởng về việc ra ngoài vũ trụ được coi là “điên rồ” vào thế kỷ XIX, giờ đây đã trở thành một bước tiến lớn của nhân loại cũng như làm hiện thực hóa ý tưởng và đem tên tuổi của Nikola Tesla trở lại với thế kỷ XXI, theo cafef.


image


78 năm từ sau ngày Nikola Tesla mất trong tủi nhục, sự xa lánh, và sự nghèo đói, những hậu bối thần tượng ông giờ đã đòi lại cho ông sự công bằng, tự tôn, lòng thành kính. Từ đêm dài lãng quên, giờ đây họ đã biến cái tên Nikola Tesla trở thành bất tử.

 

 

 

Ánh Dương

BM

Say đi em

 image

Uống cồn là uống rượu. Uống rượu phải say. Dĩ nhiên thế. Không say thì uống bia rượu làm gì?

 

Bài này nói về say rượu dưới góc nhìn khoa học, nhưng vì lấn cấn một chút tới tửu lượng của phụ nữ nên tôi  mượn luôn câu thơ “Say đi em” trong tập “Thơ Say” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương để đặt tựa cho bài báo này.

 

Bia rượu gọi chung là cồn. Dù đó là bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Tiger hay Heineken…, rượu vang hay rượu nếp, rượu Gò Đen, Làng Vân, Vodka hay Cognac, Whisky…, tất cả đều là cồn, là ethanol, có công thức hóa học là C2H5OH. Chúng chỉ là khác mùi vị do “tạp chất” và độ rượu cao thấp.

 

Say nhanh say chậm


image

Note: hình trong bài là minh họa


Say nhanh hay chậm là do tốc độ hấp thu rượu vào máu. Hấp thu càng lẹ càng chóng say. Khoảng 20% bia rượu được hấp thu ở dạ dày, và 80% ở ruột non.

 

Con số 20% ở dạ dày không hề nhỏ. Vì vậy trước khi uống rượu cần “lót dạ” (dân trong nghề gọi là “đổ bể tông”), nhất là nên “đổ” trước những món nhiều bột đường (carbohydrates) và protein (cá, thịt, đậu…), hoặc vừa uống vừa phá mồi, thì hấp thu rượu sẽ chậm, nói cách khác, lâu say hơn.

 

Một yếu tố khác, rượu nồng độ càng cao, càng dễ hấp thu. Rượu nặng, khoảng 30 – 50 độ uống mau… xỉn hơn bia hoặc rượu vang. Bia khoảng 5 độ cồn, còn rượu vang khoảng 13 độ.

 

Quý bà dễ say hơn…


image


Thông thường phụ nữ uống rượu yếu hơn đàn ông. Điều này được khoa học giải thích như sau:


Thứ nhất, tổng lượng nước trung bình trong cơ thể đàn ông nhiều hơn đàn bà (62% so với 52%), nghĩa là dễ làm loãng rượu hơn. Như đã nói ở trên, rượu cao độ uống dễ xỉn hơn.


Thứ hai, tỉ lệ mỡ của mấy bà nhiều hơn nạc. Tôi không có ý nói mấy bà gầy hay béo, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, tỉ lệ chất béo của mấy bà nhiều hơn so với đàn ông vai u thịt bắp cùng trọng lượng.

 

Sau khi được hấp thu, rượu – đúng hơn là chất cồn (ethanol)- hòa tan vào máu. Máu mang cồn đến khắp các mô trong cơ thể. Cồn vào được trong các mô là nhờ hòa tan vào nước có trong mô. Cồn không tan trong mỡ, nên không thể chui vào các mô mỡ được. Mỡ nhiều hơn nạc (như quý bà ), hậu quả là lượng cồn “tồn đọng” trong máu trong cao hơn. Lượng cồn trong máu cao thì dễ xỉn.

 

Và sau cùng, được xem là yếu tố quan trọng nhất, đó là cơ thể mấy bà có ít men chuyển hóa chất cồn. Nói cách khác, chuyển hóa rượu chậm hơn, nên cồn cứ luẩn quẩn trong máu, làm dễ xỉn hơn.

 

Tóm lại, quý bà uống rượu “yếu” hơn, dễ say hơn quý ông, nếu cùng uống một lượng rượu như nhau … nhưng chớ thách thức “say đi em”


Một phim bộ của Hàn Quốc mà tôi mới xem, “Nhà nữ sử học tập sự”, nói về vương triều Joseon (Triều Tiên) vào đầu thế kỷ 19. Bộ phim lôi cuốn, vì các sử gia thời đó được phép tham dự triều chính để ghi chép. Không ai, kể cả nhà vua, được phép gây áp lực sửa đổi, biên tập, và thậm chí không được xem bản thảo mà họ viết để bảo đảm tính trung thực của lịch sử.

 

Hai mươi năm trước, nhà vua đã giết anh soán ngôi. Cô sử gia tập sự Goo tình cờ nghe được chính vua nói chuyện mờ ám này với tể tướng. Vua chột dạ, nửa đêm cho mời Goo vào cung mời… nhậu để thăm dò, gài bẫy. Nhà nữ sử học xinh đẹp này tỉnh bơ tâu: “Tửu lượng của thần cao lắm, bệ hạ uống không lại đâu”.

 

Mà quả thật như thế, những ngày đầu đi làm ở Nghê Văn Quán (như viện Sử học bây giờ), Goo đã bị các đồng nghiệp nam khinh miệt, chế giễu, mời rượu. Cô chấp họ chơi xa luân chiến, lạnh lùng uống cạn từng chén rượu, knock-out từng người một mà không cần đụng tới “mồi” đưa cay.


image


Bộ phim gây ấn tượng với tôi vì tính trung thực của lịch sử được xem trọng thời đó. Nhưng bài này đang nói về rượu, về “say đi em”. 


Trong thực tế, tôi biết, không ít bà có “năng khiếu” bia rượu thuộc hàng cao thủ, mặc dù hình thể thuộc loại có da, có thịt (mỡ). Chỉ nhìn họ uống cũng đủ thấy… say rồi: Cạn ly ngọt xớt, mặt lạnh như tiền, thần sắc không đổi. Thường ngày họ không uống. Khi cần thì uống như thế đó, uống để dằn mặt mấy tay bợm lè nhè, khoác lác. 

 

Như đã nói ở trên, mau say hay chậm say là do nồng độ cồn trong máu nhiều hay ít. Có lẽ men (enzymes) chuyển hóa của những quý bà này bẩm sanh đã dồi dào một cách… “phi giới tính”, khiến cồn trong máu chuyển hóa nhanh, làm họ chậm say.

 

Ngược lại cũng có quý ông, chỉ cần ngụm rượu nhỏ cũng đủ làm đỏ bừng mặt, choáng váng, khó chịu lại là do enzyme chuyển hóa quá ít.  Giới văn sĩ gọi trường hợp này là… “một nửa đàn ông là đàn bà”.

 

Chỉ muốn đập đầu vô tường?


image


Chuyển hóa bia rượu nghĩa là cơ thể dùng chất xúc tác là men (enzyme), biến cồn thành các chất khác để sử dụng hoặc thải ra ngoài. Nhưng trước khi chuyển hóa, cơ thể phải hấp thu rượu vào máu.

 

Sau khi hấp thu,  

 

Khoảng 10% lượng cồn không chuyển hóa sẽ được bài tiết qua nước tiểu, phân, mồ hôi và hơi thở. Qua hơi thở là điều phiền toái vì cảnh sát sẽ thử độ cồn để phạt vi phạm, uống rượu mà còn lái xe.

 

Khoảng 90% lượng cồn được gan chuyển hóa thành acetaldehyde, rồi thành acid acetic. Sau cùng thì acid acetic bị các tế bào “đốt cháy” tạo năng lượng, sinh ra carbon dioxid (CO2) và nước. Uống nhiều bia rượu là nạp calo, không có lợi cho giảm béo là vì thế.

 

Chính chất acetaldehyde trong quá trình chuyển hóa gây nhức đầu sau cơn xỉn. Do đó nếu uống nhiều rượu, acetaldehyde sẽ chuyển hóa (chậm), không kịp thành acid acetic, hậu quả sáng hôm sau chỉ muốn đập đầu vô tường là vì vậy.

 

Để giảm nguy cơ cho bức tường vô tội, khi uống rượu, không những chỉ nên “phá mồi” mà còn “chữa cháy” (uống nước) càng nhiều càng tốt. Nước và đồ ăn có thể làm giảm bớt ngầy ngật khó chịu sau cơn say, nhưng giảm bớt không có nghĩa là không bị vật vã! Nhớ rằng, uống nước không làm giảm cơn say và cũng không thể bảo vệ lá gan.

 

Mật ngọt chết ruồi, rượu ngọt chết… người


image


Cocktail là đồ uống chứa rượu trộn với đủ loại (nước) trái cây. Một loại khác khá phổ biến là brunch, được xem là thức uống khai vị trong các party ở phương Tây. Brunch gồm trái cây thái miếng (không xay), thường là táo, cam, lê… với rượu (thường là rượu vang). Có thể thêm chút đường để quý bà dễ uống. Hương trái cây, vị ngòn ngọt, cảm giác lâng lâng, thì đúng là… “say đi em”. Vị ngọt bị cáo buộc là thủ phạm là mau say rượu.

 

Điều này oan cho… ngọt. Đường ảnh hưởng không đáng kể đến việc say mau say chậm. Rượu ngọt dễ uống, nên cũng dễ tiện tay nâng ly. Uống nhiều nên say hồi nào không biết.

 

Tuy nhiên, đường làm chậm tốc độ chuyển hóa của rượu, lượng acetaldehyde chậm chuyển thành acetic. Hệ quả là acetaldehyde tồn dư nhiều trong cơ thể, nên các loại rượu ngọt như rượu mùi, champagne, rượu vang loại ngọt… uống dễ nhức đầu là vậy.

 

Tin đồn trên bàn nhậu

 

Càng uống đô rượu càng tăng, tửu lượng càng cao mới anh hùng. Chuyện anh hùng bàn nhậu đúng sai xin để quý bà “nội nhân” phán xét, nhưng càng uống, đô rượu càng tăng là có thật.


Tăng đô chỉ là do hệ thống thần kinh đã quen với lượng độc chất cao hơn. Nhưng một khi cồn đã hấp thu vào máu thì tốc độ chuyển hóa cồn hầu như vẫn thế, chứ không phải uống được bia rượu nhiều hơn thì chuyển hóa cồn nhanh lên hơn. Tốc độ chuyển hóa không thay đổi mà lại nạp rượu nhiều quá thì hệ quả là tồn dư acetaldehyde sau cơn say xỉn.

 

“Lên đô” là dấu hiệu cảnh báo cho biết, cơ thể đã bắt đầu bị ảnh hưởng do rượu. Acetaldehyde vẫn được tạo ra, gan vẫn bị tàn phá mà mình không hay.


image


Lại có tin đồn, uống cà phê trước khi vào đấu trường… rượu thì sẽ cạn ly ngọt xớt hơn, khó say hơn. Đúng là chất caffeine trong cà phê làm người ta tỉnh táo hơn, nhưng uống càng nhiều, nồng độ rượu trong máu càng tăng; rồi đã say mà cứ tưởng mình tỉnh. Đến lúc nào đó, không còn kiểm soát được hành vi.

 

Điều chắc chắn là, rượu tăng một, cà phê tăng hai thì có thể giúp tỉnh táo chút đỉnh, dù vẫn say như thế. Còn đi tiếp rượu tăng ba thì có khi về nhà bị say âm ỉ cả tháng cả năm chưa hết.

 

Thơ say…


image


Tập “Thơ say” là tác phẩm đầu tay của Vũ Hoàng Chương xuất bản năm 1940 tại Hà Nội. Bài thơ của ông được nói đến nhiều nhất là “Mời say”. Giới văn chương đồn rằng Vũ Hoàng Chương thất tình một tiểu thư Hà Nội nào đó, rồi vùi đầu vào men rượu, vũ trường và kỹ nữ.

 

… Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn


Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!


Rượu, rượu nữa! Và quên, quên hết!…

 

Vũ Hoàng Chương được xem là thi bá của thế kỷ 20. Ông học đại học Luật, rồi bỏ. Học toán cũng bỏ ngang. Ông là thầy giáo mẫu mực, nho nhã, đi xích lô đến trường dạy Việt văn nổi tiếng một thời ở Miền Nam. Thơ ông đầy mộng ảo. Ông say thơ, say thuốc (phiện) là điều có thật, nhưng tôi chưa nghe ai nói đã từng ngồi đối ẩm (rượu) với ông. Có lẽ rượu chỉ là phương tiện để ông say thơ.

 

Vâng, rượu chỉ là phương tiện để đi vào thế giới chiêm nghiệm của riêng mình, là phương tiện chuyện trò với bằng hữu cho đậm đà hơn, chứ không phải để thể hiện cái tôi, như anh binh nhì khi say tưởng mình là đại tướng.

 

Tôi không thể đưa ra lời khuyên nên uống (rượu) bao nhiêu là vừa. Xin dẫn lời của danh y Hải Thượng Lãn Ông, Bán dạ tam bôi tửu, Lương y bất đáo gia. Nghĩa là, tối ba ly rượu thì nghỉ chơi bác sĩ được rồi. Ly rượu hồi xưa nhỏ như chén tống uống trà. Uống xong ba ly tí tẹo này mà không đàm đạo cho phả hết hơi rượu thì liệu ra đường có thoát được máy test hơi cồn của cảnh sát không… Tôi không chắc!

 


Vũ Thế Thành


image


Câu chuyện trồng hoa
Hàng trăm thi thể được tìm thấy chôn dọc bờ sông Ấn
Chưa tiết lộ về virus Vũ Hán của tình báo Hoa Kỳ khiến các nghị sĩ chú ý
Dân Ấn Độ khẩn cầu sự thương xót của 'nữ thần Corona'
Chống lão hóa bằng 5 loại thực phẩm lên men truyền thống
Tòa tháp 14 tầng ở Gaza trong đợt không kích của Israel
10 hiện tượng mà giới khoa học không thể giải thích
Sự khéo léo và sáng tạo của người dân Hoa Kỳ
Cuộc sống này là một Nghi Lễ
Những điều biết và không biết về Covid-19
Khoa học chứng minh ăn tỏi giảm xơ vữa mạch máu
Thuyết sắc tộc trọng yếu so với Chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ
Vì kiếp trước Em đã làm khổ Đàn Ông
Nhân loại rồi sẽ tự hủy diệt?
Hãng xưởng tại Trung cộng đang chuyển dịch sang Đông Nam Á
Đến Âu Châu _ hãy đọc các quy định về xét nghiệm COVID-19
1/3 dân số Hoa Kỳ mất ăn mất ngủ vì tiền
Mục đích đằng sau việc Trung cộng trấn áp đồng tiền ảo là gì?
Hãy biết nói những điều tích cực
Florida chấm dứt khoản trợ cấp thất nghiệp 300 USD

Friday, May 28, 2021

Câu chuyện trồng hoa

 image

Tôi dốt về hoa lá cỏ cây, dốt bẩm sinh, dốt tận cùng bằng số… Nếu ai đó chỉ cho tôi một loài hoa, nói tên, kể chuyện về nó, quay đi quay lại là tôi quên sạch. Trong võng mô và tâm trí tôi coi như chưa bao giờ ghi nhận hình ảnh hay câu chuyện về loài hoa đó…


image


Chẳng có ai dốt toán lại thích làm toán bao giờ. Tôi cũng thế, hoa dù có đẹp, có thơm, có đài các, có được thi vị bởi văn thơ ca nhạc hay gì gì đi nữa, tôi vẫn dửng dưng. Nói với tôi về hoa chẳng khác nào đàn khảy tai trâu.

 

Nhưng cũng có ngoại lệ. Hồi nhỏ tôi thích cây xấu hổ, thích những lá kép của nó khép khép mở mở. Tôi thường “ghẹo” nó bằng cách chạm vào lá này, rồi lá kia, xem đứa nào… xấu hổ lâu hơn. Chòng ghẹo hoa mà không phải bận tâm đến những cái lườm nguýt chẳng phải là điều thú vị hay sao?

 

Ấy thế mà đôi khi cũng phiền, không cẩn thận, những gai li ti của hoa đâm vào tay cũng đau điếng. Khi lớn, dù không còn thú “ghẹo” hoa nữa, nhưng tôi vẫn thích loài hoa dại đó – thích vì cái tên hoa – Đôi khi tôi bật cười, hoa mà cũng biết…xấu hổ!


image

Hoa Trinh nữ, còn gọi là hoa Xấu hổ.


Tôi mới mua căn nhà ở Đà Lạt để về dưỡng sức, dưỡng già, và chết… già ở đó cũng không chừng. Đà Lạt là xứ sở ngàn hoa, đường phố ngập hoa, ngõ hẻm cũng hoa, nhà nào cũng hoa. Nhà tôi, sân trước, sân sau, bên hông còn rộng. Tôi nghĩ thầm, hay mình thử trồng hoa cho nó giống người ta. Khi ý nghĩ thầm kín này bộc lộ, tôi nhận được cả đống tư vấn từ các bạn ở Sài Gòn, hầu hết đến từ các cô bạn….già. Tôi kính cẩn lắng nghe, nhưng để đó. Trước tiên phải trồng một dàn cây tùng ngay sau hàng rào để ra cái điều mình đang ở xứ lạnh.


Dịp festival hoa vừa qua, đám bạn kéo nhau lên Đà Lạt. Tôi khoe cái biểu tượng xứ lạnh sát hàng rào. Một cô bạn (già) gật gù: “Đó là cây trắc bá diệp”. Tôi ngẩn người, tên gì nghe sặc mùi kiếm hiệp. “Lá thuộc bài đó!”, cô bạn cắt nghĩa. À! Lá thuộc bài thì tôi biết. Hồi nhỏ, học trò đứa nào yếu vía thường ép lá thuộc bài vào vở. Tôi thì không bao giờ xài tới thứ bùa đó.


image


Thầy cô khảo bài, gọi đứa trước đọc đoạn trên, tôi ngồi dưới lảm nhảm đoạn kế. Trí nhớ tôi ngon lành, nên trót lọt hết. Tên tôi vần T, họ vần V, xui lắm mới bị “nhón” lên đầu tiên, nếu thế thì coi như …thua. Thắng thua là chuyện thường. Trả bài cũng giống như chơi cờ bạc, thắng hoài cũng khó coi. Có điều, nhớ lẹ thì quên mau. Bây giờ ở tuổi “tiêu rắc lên muối”, trí nhớ càng thảm hại, quên trước quên sau, quên cái lẽ ra nên nhớ, nhưng lại nhớ cái lẽ ra nên quên.


Đám bạn kéo tôi đi festival hoa, áng chừng để tôi mắt thấy tai nghe, để cụ thể hóa những gì họ tư vấn, cơ hội vàng để họ dạy (dỗ) kẻ cứng đầu về hoa như tôi. Dọc đường, tôi chỉ vào bông hoa vàng mọc dại bên đường:

 

Hoa gì thế?

 

Hoa dã quỳ.

 

Tôi trồng được không?

 

Nghe thế, bọn họ đồng thanh rú lên…“Đừng trồng dã quỳ! Tuyệt đối không!”

 

Sao thế? Tôi thấy hoa cũng được mà…

 

Đừng….Đừng… dã quỳ là… quỷ già. Đừng trồng nó!


image


Tôi chột dạ… Về nhà soi gương, thấy mặt mình cũng tệ, nhưng đâu đến nỗi quá… tệ. Chắc họ ám chỉ “dã quỳ” là ai đó của riêng họ. 


Hôm qua, nhà văn Nhật Chiêu hỏi tôi: “Dã quỳ đã nở ở Đà Lạt chưa?”. Hỏi thế là mong đợi. Hoa dã quỳ mọc dại, mọc lung tung khắp nơi ở Đà Lạt, ra ngõ là gặp. Ông nhà văn lè phè này bỗng nhiên mong đợi loài hoa dại, biểu tượng của cái nóng hâm hấp lúc trưa, lạnh thấu da về tối. Dã quỳ ở đô thị du lịch này đã vương mùi khói xe và barbecue từ lâu rồi. Chắc Nhật Chiêu mượn dã quỳ để chờ đợi cái khác, ai biết được?


image

Hoa Dã quỳ

 

Rồi cái vườn nhỏ bé nhà tôi cũng tràn ngập những hoa, đủ màu, đủ sắc, nhỏ to đủ cỡ, nào là cẩm tú cầu, cẩm tú mai, cúc mặt trời, cúc nút, hoa lài Nhật Bản, hoa ngọc thảo, hoa tướng quân, hoa hải đường,… Nhớ được bằng đó tên hoa là tôi phục tôi rồi. Chỉ có trục trặc nhỏ là tôi thường lộn tên hoa này với tên hoa khác.

 

Một người bạn Sài Gòn gọi điện cho thằng đệ tử ở Đức Trọng vác lên cho tôi ba bụi trúc. Cô bạn (già) trịnh trọng qua phone: “Cây trúc tượng trưng cho sự ngay thẳng, là cây của người quân tử. Ông rửa tay gác kiếm rồi, thì phải trồng cây này”. Ẩn ý thế nào chưa cần biết, nhưng nghe thế cũng đủ sướng. Tôi trồng hai cây trúc ở cửa trước, một cây ở cửa sau. Có quân tử gác nhà, sợ gì tiểu nhân!


image


Gần nhà tôi có cậu thanh niên, Tuyên, ngoài 30 tuổi, làm thợ xây. Tuyên kể, thuở nhỏ ham vui, lại gặp thời buổi khó khăn, tới lớp 7 bỏ học, vào rừng kiếm củi, bẫy chim, câu cá. Rừng chỉ cách trung tâm Đà Lạt mười mấy hai chục cây số. Ven Đà Lạt hồi đó tương đối còn hoang sơ, chỉ có rừng là rừng, vào sâu một chút có khi còn gặp dấu chân cọp. Cả tuổi thơ của Tuyên là thiên nhiên, là hoa lá, là núi rừng, là suối, là hồ, là thác, là bẫy chim bẫy thú,…Người thành thị như tôi chỉ có thể nghe, nhưng chưa từng sống qua. Vào rừng thiếu la bàn, thiếu đồng hồ, thiếu quẹt gas, thì trình độ văn minh cũng vứt.

 

Tuyên yêu rừng, yêu hoa, yêu cây cỏ không dứt bỏ được. Tính nó cần cù, khéo tay. Tôi xây hồ nước nhỏ ở cuối sân, nuôi cá trồng bèo nhìn cho đã mắt. Trên đường đi làm về, Tuyên lấy đá cuội, đá tảng để lên xe máy chở về biếu tôi, để chưng trong hồ. Vài ngày như thế, khi thì tảng to, khi thì hòn cuội nhỏ. Tuyên nói, để sau Tết rảnh, cháu sẽ lấy đá rối, đá tảng làm cái thác nước cho chú”. Tôi gật gù, Ừ, thì sau Tết. Mà thác phải kêu ầm ầm mới được, chứ đừng nghe róc rách, chán chết. Tối tối ngồi nghe thác đổ, ngẫm chuyện đời, nhâm nhi ly rượu mới sướng. Tuyên cười, nó hứa với tôi, thác sẽ kêu ầm ầm, sẽ có rong rêu, có vài bông hoa nhỏ mọc nhô ra từ khe thác.


image

hoa thiên lý 


Tôi muốn trồng hoa thiên lý, hoa tường vi để chúng leo hàng rào. Mà thú thiệt, tôi không biết mặt mũi mấy cái hoa này đẹp xấu ra sao, chỉ biết chúng qua văn học. Muốn trồng chẳng qua để ra cái điều mình…lãng mạn, sau này có viết văn viết báo cũng không đến nỗi quê mùa. Tôi hỏi Tuyên:“Hoa thiên lý có đẹp không?”. Mặt nó ngớ ra. Tôi lại hỏi: “Hoa tường vi có đẹp không?”. Nó cũng ngớ mặt. 


image

Hoa tường vi 


Trời đất! Văn thơ ca nhạc rên rỉ tên mấy loại hoa này hàng ngày, một người mê thiên nhiên như Tuyên mà không biết. Thế là thế nào? Tôi bắt đầu nghi ngờ tài nghệ của nó. Tôi hỏi vớt vát:“Chỗ nào bán hai loại hoa này?”. Tuyên ngập ngừng… “Chắc mấy nơi bán hoa có”.

 

Tôi và Tuyên ra shop hoa ở chợ Đà Lạt. Cô gái bán hoa trẻ măng. Cô giảng giải cho tôi tường tận về hoa tường vi được lai tạo cấy ghép thế nào để chúng thích nghi với Đà Lạt và ra nhiều hoa, phải trồng thế nào và trồng bao nhiêu bụi để chúng quấn vào nhau. Cô nói ngoài Bắc gọi là hoa thiên lý, còn trong Nam gọi là hoa xác pháo leo. Cô còn kể tường vi và thiên lý đã đi vào văn thơ nhạc thế nào, về nguồn gốc, về ý nghĩa, về sứ điệp của loài hoa,…Những lời nói thông thái về hoa đó tôi quên sạch hết rồi, chỉ nhớ nơi đó có bán hoa tường vi và thiên lý.


Tuyên bỗng xen vào: “Cho tôi xem hoa thiên lý và tường vi”. Cô bán hoa đưa ra cả chục bịch, chỉ có cây lá và đất, không thấy hoa. Tuyên chăm chú quan sát, rồi khều tôi. Hiểu ý, tôi nói thêm vài ba câu rồi cáo biệt.


image


Ra ngoài, Tuyên nói: “Hoa tường vi là hoa hồng dại, mọc đầy ở Đà Lạt. Còn hoa mà cô ta gọi là hoa thiên lý là hoa xác pháo leo, nhưng cháu nghe ba cháu nói hoa thiên lý màu xanh, chứ không phải đỏ hồng như xác pháo. Nếu chú thích xác pháo leo, thì  gần xóm mình có cả đống để cháu ươm rồi trồng cho chú, khỏi phải mua. Cháu chẳng lạ gì các loại hoa Đà Lạt, cháu chỉ không biết những tên đẹp đẽ mà dân Sài Gòn đặt cho nó”.

 

Tội nghiệp cho người Sài Gòn! Mấy ông văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ ở mãi đâu đâu, rỗi chuyện, ngồi mơ mộng đặt tên hoa cho ra vẻ kiêu sa đài các, chứ dân Sài Gòn sức mấy mà mộng mơ nổi.


“Bây giờ người ta cấy ghép lai tạo, rồi phun thuốc kích thích cho ra nhiều hoa màu sắc đẹp lắm, nhưng chóng tàn. Hoa đẹp, nhưng thấy kỳ kỳ làm sao ấy, không như những hoa hồi nhỏ cháu thấy”, Tuyên nói giọng buồn buồn. “Để bữa nào rảnh, cháu dắt chú vào rừng tìm hoa về trồng”.


Rồi tôi và Tuyên vào rừng. Đường có lúc chạy êm ái, có lúc chỉ là con đường mòn gập ghềnh nín thở. Một cái hồ rộng được bao bọc giữa núi rừng. Đẹp quá! Tuyên nói:“Hồ này là hồ Xanh, ngày xưa tụi cháu hay vào đây câu cá, có lần bơi ở đây bị vọp bẻ, suýt chết đuối. Bây giờ người ta không cho vào nữa”. “Sao vậy?”.“Chú có thấy cái biệt thự ở gần đó không, có cả nhà thủy tạ, người ta đang làm đường nhựa để dẫn vào biệt thự đó. Cái gì người ta cũng bán”, Tuyên hậm hực như thể tuổi thơ của nó bị ai lấy mất.

 

Chỉ có núi đồi, thung lũng, cây xanh, và tiếng thông reo. Tôi chỉ một vạt nâu nâu trên sườn đồi:


Đang cả một màu xanh, sao tự nhiên lại có một mảng nâu trên đồi vậy?


image


Chẳng biết người ta phun cái thuốc gì để giết cây thông, rồi họ sẽ đốt những cây chết lấy đất trồng cà phê. Những cây mọc thấp thấp ở đồi bên cạnh là cây cà phê đó chú. Cà phê ở Đà Lạt cao giá hơn cà phê Bảo Lộc.

 

Chỉ có những người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, đùa giỡn với núi rừng, với hoa lá cỏ cây mới thấy thương, mới cảm thấy tiếc nuối vẻ đẹp của thiên nhiên.

 

Tuyên chỉ cho tôi những trái nhỏ lủng lẳng dưới dàn lá xanh:

 

Cây này là cây chua chát. Bắc dàn cho nó leo, mát lắm. Trái của nó ăn được.

 

Ừ thì mình sẽ làm dàn trồng cây chua chát, nhưng tại sao lại gọi là chua chát?

 

Hồi nhỏ tụi cháu vào rừng, hay hái trái này ăn, thấy chua và chát, nên gọi là cây chua chát.


Tôi cười, văn học dân gian là đây rồi, tìm đâu cho xa. Chua chát hiểu theo nghĩa cao siêu như thân phận của con người, hay hiểu theo kiểu “ẩm thực” như tụi nhỏ cũng đâu có gì là trật. Hiện thực quá đi ấy chứ! Con người vốn phức tạp, càng có học càng phức tạp, nghĩ ra đủ thứ chuyện phức tạp, phức tạp chồng lên phức tạp. Ăn thấy chua chát thì gọi là cây chua chát. Tụi nhỏ đẻ ra triết lý, chứ triết lý đẻ ra tụi nhỏ hồi nào đâu?

 

Tôi buột miệng hỏi Tuyên:

 

Đà Lạt còn hoa xấu hổ không?

 

Hồi trước nó mọc dại khắp nơi ở Đà Lạt, bây giờ tự nhiên không thấy nữa.

 

Ở Sài Gòn cũng vậy. Cuộc sống đô thị, cuộc sống công nghiệp làm hoa xấu hổ chạy mất tiêu.

 

Không chừng con người hết biết xấu hổ rồi. Trong rừng chắc còn, cháu tìm thử xem.

 

Tuyên đi loanh quanh một hồi, rồi mang về một nhúm cọng xấu hổ. Nó nhìn tôi nghi ngờ:

 

Chú định trồng hoa xấu hổ à?

 

Chẳng lẽ cất công đi tìm, ngó một cái rồi vất đi.

 

Ai lại đi trồng thứ hoa dại này?

 

Thì người ta không trồng, mình trồng, thiên hạ mới nể, tôi trả lời bựa…

 

Mà chú định trồng hoa xấu hổ ở đâu?

 

Trồng dưới chân mấy bụi trúc.

 

Sao lại dưới chân bụi trúc? Trông đâu có đẹp…


image


Cây trúc tượng trưng cho người quân tử, tôi lý sự với Tuyên bằng một thứ triết lý bụi bặm, Người quân tử không phải lúc nào cũng đúng, có khi họ nghĩ sai, làm sai, nhưng người quân tử biết xấu hổ khi họ sai. Xấu hổ là dấu hiệu khởi đầu của sự phản tỉnh…, à…à,.. phản tỉnh là… ngẫm ra thấy mình sai thì dũng cảm thừa nhận mình sai, rồi nghĩ lại cho đúng, hành động cho đúng. Xấu hổ lúc nào cũng gắn liền với người quân tử. Hoa xấu hổ không bám vào rễ, vào gốc cây trúc, thì bám chỗ nào?

 

Tuyên trố mắt nhìn tôi ngưỡng mộ, như thể tôi là nhà bác vật bên Tây mới về.

 

Trời đã chạng vạng tối. Khi về ngang qua lăng Quận công Nguyễn Hữu Hào, đột nhiên Tuyên dừng xe lại, bước đến một cây cao chừng 8 tấc, mọc khẳng khiu bên đường, chỉ có một cây vươn giữa đám cỏ dại, trên đỉnh cây là một cụm hoa màu hồng nhạt, nhiều hoa, nhiều cánh bé xíu. “Chú thích hoa này không?”, Tuyên hỏi. Tôi ngước nhìn lên lăng, âm u và hoang phế: “Ừ thì mang về trồng cũng được, mà tên hoa là gì?”.“Cháu không biết, chắc nó là một loại hoa hồng”.

 

Tuyên xuống…tấn, rồi nhẹ nhàng nhổ phăng cây như Lỗ Trí Thâm nhổ cây liễu ở sân chùa. Tôi bước tới đỡ lấy cây, Tuyên cảnh báo,“Chú cẩn thận, cầm hoa hồng phải cầm ở rễ, cầm ở thân gai đâm”. Tôi bật cười ha.. hả.. Đúng thế! Muốn kiểm soát hoa hồng, phải nắm chặt lấy gốc rễ. Đơn giản thế mà cả đời nghĩ không ra để phải chuốc lấy bao phiền toái. Tuyên ngơ ngác nhìn tôi. Nó không hiểu vì sao tôi lại cười sảng khoái với một chân lý đơn giản như thế. Thằng nhỏ này đúng là thầy tôi. Cái ngơ ngác của nó đạt tới mức…thiền, như câu chuyện nhà sư cõng cô gái qua sông.

 

Ngồi sau xe, tôi hào hứng,“Tiếc nhỉ! Không biết nó là hoa hồng gì?”. Tuyên im lặng, nó chạy thẳng ra chợ, gặp cô bán hoa thông thái, hỏi chuyện loanh quanh, rồi chỉ vào hoa hồng đang cầm trên tay, “Chị biết hoa này tên gì không?”. Cô gái ngẫm nghĩ một chút, rồi bật ra: “Hoa hồng ri”. Tuyên nhìn tôi, nháy mắt, tên nó là Hồng Ri.


image

cây hồng ri 


Tôi trồng cây hồng ri trong vườn, trông nó cao lêu nghêu và buồn bã giữa những loài hoa khác.

 

Bước ra vườn là tôi nhìn nó trước tiên. Tôi quan tâm tới sự sống chết của nó hơn những loài hoa khác. Tôi tưới nước, tôi nhìn nó âu lo, vậy mà lá héo đi, các cánh hoa nhỏ xíu rủ xuống thảm hại. Đang tự do từ nơi hoang dã, bỗng nhiên bị nhốt trong vườn, giữa những loài hoa xa lạ phấn son, không buồn sao được. Tôi thoáng nghĩ, hay trả nó về…rừng. Người ta chở củi về rừng, thả động vật về rừng, thả cá về biển, chứ ai lại thả hoa về rừng. 

 

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Hương phi của vua Càn Long. Nhà Thanh đem quân đánh vùng Trung Á, bắt được công chúa xứ Hồi Hột, đem về dâng Càn Long. Nàng đẹp, người toát hương thơm kỳ lạ, được vua phong làm Hương phi. Nàng buồn, nhớ cố quốc. Vua cho xây cả cung điện thu nhỏ giống như ở kinh đô Hồi Hột để nàng khuây khỏa. Hương phi vẫn u uất nhớ quê, nhớ chồng. Sau cùng, nàng chọn dải lụa để chết.


image


Tôi không phải là vua để vung tay chơi nổi cả khu rừng sinh thái. Tôi là thằng ngớ ngẩn về hoa. Hồng ri cũng ngớ ngẩn giữa bầy hoa đô thị. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Không chừng hồng ri sẽ sống. Vậy mà nó sống thiệt! Tuần sau, những cánh hoa bé xíu đã ngẩng lên, lá héo đã thay bằng lá non… Tôi tự thưởng cho mình ly rượu vang, hả hê, Càn Long chẳng là cái đinh gì so với thằng ngớ ngẩn như tôi.

 

Hàng ngày tôi tập tưới cây, tập ngắm hoa. Tôi cố gắng nhớ những tên gọi nên thơ đài các của hoa, cố nhìn cho ra vẻ đẹp muôn màu muôn sắc của hoa, ráng hít hà hương thơm của hoa. Tập tành cái gì thì được, chứ tập tành… yêu coi bộ khó quá! Sự miễn cưỡng làm tôi bối rối.


Cả đời chạy theo… hoa-biết-nói, lời nói bay lên lượn xuống, rồi trôi đi tuốt luốt. Bây giờ tôi lại chạy theo những loài hoa-không-biết-nói, ngắm nghía sự im lặng của chúng. Nhà văn Nhật Chiêu đọc thơ Han Yong-Un và Hàn Mặc Tử, hứng lên nói rằng, im lặng là thứ ngôn ngữ ẩn giấu, hiểu được cái ẩn giấu đó, thì niềm im lặng sẽ cất lên tiếng hát. Tôi ngờ cha nội nhà văn này chỉ vẽ chuyện. Im lặng là im lặng, im lặng còn hát với hò thì coi sao được. Mà không chừng chả lại…đúng. Tôi đã chẳng từng lên rừng, mượn hoa xấu hổ, mượn đóa hồng ri để đi tìm một cái gì đó hay sao? Biết đâu trong rừng tôi lại bắt gặp ông bạn văn sĩ lè phè đang lom khom vác tâm tư Hermann Hess đi tìm cái gì đó. Chẳng lẽ lại tìm giống cái tôi đang tìm? Nếu gặp Nhật Chiêu trong rừng, tôi sẽ vẫy tay từ xa hello, tôi sẽ chụm hai tay làm loa hú to về phía chả: “same same but…different”.


image

Hermann Hess 


Tôi nhìn hoa xấu hổ dưới chân bụi trúc, ngẫm nghĩ về lòng tự trọng. Tôi nhìn hồng ri, hoa đứng chơi vơi giữa đám hoa đài các kiêu sa, những bông hoa hương sắc đã vào thẩm mỹ viện từ thuở hoài thai. Trông hồng ri bi tráng, mộc mạc và chân thật biết bao! Hình như tôi vừa nhận ra vẻ đẹp của nó.

 

Mà chân thật chẳng lẽ không phải là cái đẹp hay sao?

 

 

 

Vũ Thế Thành


BM

https://www.youtube.com/watch?v=Y8RT8t1QK20


Hàng trăm thi thể được tìm thấy chôn dọc bờ sông Ấn
Chưa tiết lộ về virus Vũ Hán của tình báo Hoa Kỳ khiến các nghị sĩ chú ý
Dân Ấn Độ khẩn cầu sự thương xót của 'nữ thần Corona'
Chống lão hóa bằng 5 loại thực phẩm lên men truyền thống
Tòa tháp 14 tầng ở Gaza trong đợt không kích của Israel
10 hiện tượng mà giới khoa học không thể giải thích
Sự khéo léo và sáng tạo của người dân Hoa Kỳ
Cuộc sống này là một Nghi Lễ
Những điều biết và không biết về Covid-19
Khoa học chứng minh ăn tỏi giảm xơ vữa mạch máu
Thuyết sắc tộc trọng yếu so với Chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ
Vì kiếp trước Em đã làm khổ Đàn Ông
Nhân loại rồi sẽ tự hủy diệt?
Hãng xưởng tại Trung cộng đang chuyển dịch sang Đông Nam Á
Đến Âu Châu _ hãy đọc các quy định về xét nghiệm COVID-19
1/3 dân số Hoa Kỳ mất ăn mất ngủ vì tiền
Mục đích đằng sau việc Trung cộng trấn áp đồng tiền ảo là gì?
Hãy biết nói những điều tích cực
Florida chấm dứt khoản trợ cấp thất nghiệp 300 USD
Người Đàn Bà trong đêm 29 tháng Tư năm 1975