Ta thường nghe thấy một điệp khúc đã trở nên phổ biến: "Tôi biết ơn vì đã được trao cho một công việc."
Năm vừa qua là năm tàn khốc ghê gớm đối với thế giới việc làm.
Trên toàn cầu, số giờ làm việc và thu nhập bị mất trong năm 2020 cộng lại tương đương với 255 triệu việc làm toàn thời gian.
Hãng xưởng đóng cửa, sa thải và tỷ lệ thất nghiệp tăng là đủ lý do để bất kỳ ai bám giữ được công việc đều cảm thấy biết ơn ở mức độ nào đó - hoặc, ít nhất, áp lực phải biết ơn.
Áp lực đó đã tồn tại từ trước khi xảy ra đại dịch.
Một trong những điều mọi người hay nói nhất về việc làm là chúng ta nên biết ơn khi được tuyển dụng, đặc biệt là khi phải cạnh tranh khốc liệt cho một vị trí.
Các ứng viên thậm chí còn được mong đợi phải thể hiện tình cảm biết ơn nếu họ muốn được tuyển ngay từ đầu: khó mà hình dung ứng viên rời khỏi buổi phỏng vấn mà không nói họ biết ơn thế nào khi được xem xét tuyển dụng, hoặc gửi email cảm ơn sau đó.
Nhưng có những lúc lòng biết ơn đó đã bị đặt sai chỗ.
Có lẽ không thích hợp cho lắm khi ta biết ơn việc người chủ "cho bạn cơ hội" làm việc cho họ.
Và dù về khách quan, lòng biết ơn có thể tốt cho người thể hiện nó - nghiên cứu luôn cho thấy mối liên hệ giữa biết ơn với hạnh phúc tăng - nhưng nó cũng có mặt tối, đó là nó có thể khiến bạn sẵn sàng chịu đựng những thứ khiến bạn không vui.
Nghĩa vụ khác biệt
Một số nhân viên có khuynh hướng biết ơn về công việc hơn so với người khác.
Những lao động trông đợi là mình sẽ được tuyển dụng hoặc thăng chức có lẽ là ít thể hiện lòng biết ơn hơn so những người thường xuyên yếm thế.
Điều này thường xảy ra với các đối tượng là đàn ông da trắng, vốn thường được cất nhắc hơn các nhóm khác và gặp ít định kiến, điều khiến một số nhóm người không tuyển dụng, thậm chí còn không được gọi phỏng vấn ngay từ đầu.
Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những sơ yếu lý lịch với cái tên 'nghe có vẻ da trắng' và những hồ sơ hạ thấp dấu hiệu chủng tộc có khả năng nhận được phản hồi hơn rất nhiều.
Hội chứng kẻ mạo danh cũng có thể có vai trò: những nhân viên không tự tin rằng bản thân mình xứng đáng với công việc của họ có thể có cảm giác không xứng đáng, mặc dù họ có đủ điều kiện hoặc trình độ.
Phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương với hội chứng kẻ mạo danh và có thể tỏ lòng biết ơn quá mức cho công việc.
Và, trong những tháng gần đây, người Mỹ gốc Latin và da đen nhiều khả năng bị sa thải do đại dịch hơn rất nhiều so với người Mỹ da trắng. Những người trong nhóm này giữ được công việc có thể chịu áp lực thể hiện lòng biết ơn - ngay cả khi họ phải miễn cưỡng, và ngay cả khi nơi làm việc của họ không tạo cảm hứng gì nhiều để biết ơn.
Tuy việc thể hiện lòng biết ơn một cách miễn cưỡng là điều có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhưng ông Alex Wood từ Đại học Kinh tế và Chính trị học London (LSE) tin rằng người Mỹ đặc biệt cảm thấy nghĩa vụ phải mang ơn.
Trong một nền văn hóa cá nhân như Mỹ, những ơn huệ dù rất nhỏ cũng có thể được xem là điều lợi ích lớn.
Các nghiên cứu cho thấy người Mỹ nói 'cảm ơn' thường xuyên hơn người dân ở các nước khác, và trong những tình huống mà người khác cho là không đáng để mang ơn - như được tuyển dụng.
"Ở Mỹ, dường như không thể chấp nhận được khi nói rằng ai đó là kẻ không biết mang ơn," Wood nói.
"Còn ở Anh, mọi người sẽ cười và nói: 'có gì để mà biết ơn?' Làm việc ngày nào thì được trả lương ngày đó thôi. Nếu bạn có thể khiến mọi người thấy biết ơn thì có lẽ là có cái gì đó sai sai. Mọi thứ nên được nhìn nhận như là sự trao đổi công bằng."
Tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 làm thay đổi phương trình này một chút, Wood thừa nhận.
Cũng hợp lý thôi khi người chủ biết ơn nhân viên làm việc nhiều giờ hơn bình thường để giúp công ty đang khốn đốn trụ vững, và nhân viên sẽ cảm thấy biết ơn người chủ đã không đuổi họ khi lợi nhuận giảm.
"Nếu người chủ phải rất tốn kém để tuyển bạn," ông giải thích, "thì, vâng, bạn sẽ phải biết ơn."
Trong trường hợp đó, lòng biết ơn giữa người chủ và nhân viên được bảo đảm, Wood nói thêm. Trên toàn cầu, đại dịch đã tạo ra nguyên lý đó ở một số công ty.
Vấn đề với lòng biết ơn
Mặc dù một số trường hợp lòng biết ơn là chân thật và tự phát, nhưng có những sự thể hiện lòng biết ơn khác - giống kiểu biết ơn mà nhiều nhân viên bị áp lực phải thể hiện vào lúc này - thì không hề chân thật. Và lòng biết ơn giả tạo, ép buộc này có thể phản tác dụng.
"Nếu chúng ta được yêu cầu nghĩ về những lúc ta từng phải ta thể hiện lòng biết ơn một cách miễn cưỡng, thì hầu hết ta đều có thể nghĩ ngay ra được đó là những lúc nào," bà Sarah Greenberg, nhà trị liệu tâm lý và nhà tư vấn sức khỏe tâm thần cho các công ty ở California, cho biết.
"Chẳng hạn như khi còn nhỏ, những lúc ta không muốn ăn, bố mẹ sẽ nói, 'hãy biết ơn khi con có thức ăn để mà ăn!' Vâng, chúng ta tiếp tục làm thế với chính mình khi lớn lên. Lòng biết ơn ép buộc đó trở thành chuẩn mực xã hội, sau đó trở thành tiếng lòng của chúng ta."
Khi trưởng thành, trong các tình huống xã hội và tại nơi làm việc, chúng ta bắt đầu tự nhủ là đừng than vãn, và trân trọng những gì mình có.
Và một khi chúng ta bắt đầu buộc mình phải cảm thấy biết ơn, chúng ta có thể bắt đầu sử dụng một chiến thuật mà Greenberg gọi là 'vượt qua bằng lòng biết ơn' để né tránh những cảm xúc tiêu cực khác.
Chẳng hạn, bà ví dụ, một nhân viên bắt đầu nghĩ "Mình ghét sếp quá", sau đó kìm nén cảm xúc đó bằng cách suy nghĩ, "nhưng mình rất biết ơn có được công việc này".
Kiềm nén hoặc tránh cảm xúc tiêu cực là điều không lành mạnh, Greenberg nói.
"Nếu bạn gọi việc né tránh cảm xúc là 'lòng biết ơn' thì bạn sẽ không nhìn thấy tác động tích cực của lòng biết ơn mà chỉ thấy tác động tiêu cực của việc né tránh cảm xúc."
Bỏ qua và tránh né chỉ đem đến giải pháp tạm thời, bà giải thích. Rốt cuộc thì cảm xúc tiêu cực sẽ bắt kịp chúng ta - và khi bắt kịp nó có thể sẽ còn mãnh liệt hơn nữa.
Nếu như những lúc bực bội, khó chịu trước những gì cấp trên nói mà bạn lại chọn cách bỏ qua, thì những cảm xúc này có thể tích tụ và biến thành nỗi ác cảm.
Nhưng nếu cố che giấu những cảm xúc này hoặc thay thế nó bằng lòng biết ơn miễn cưỡng, thì chúng ta cũng đang bỏ lỡ cơ hội để những cảm xúc này thúc đẩy ta cải thiện hoàn cảnh của mình.
"Các loại cảm xúc đều có chức năng riêng," bà nói. "Do đó, chúng ta không nên bỏ qua nó. Nếu bạn tự nói với lòng mình rằng bạn cảm thấy biết ơn trong khi trong thâm tâm bạn thực sự đang cảm thấy căng thẳng, sợ hãi, kiệt sức hay buồn bã, thì bạn rất có thể đã bỏ qua những cảm xúc cảnh báo cho bạn biết rằng có điều gì đó không ổn."
Nói cách khác, nếu bạn quá tập trung vào lý do tại sao mình nên biết ơn khi có được công việc, rất có thể bạn sẽ không nhận ra nó đã trở thành cảm giác không biết ơn. Đó là công thức, Greenberg nói, khiến bạn bị dính mãi vào một công việc mà lẽ ra bạn phải bỏ nó đi từ rất lâu rồi.
Lợi thế người chủ
Lòng biết ơn bị đặt sai chỗ, ông Wood nói thêm, có thể dẫn đến sự ngược đãi từ chủ lao động, người vốn biết rằng nhân viên của họ sẽ không phàn nàn hoặc dứt áo ra đi do sợ không kiếm được làm khác.
"Tôi có quan ngại về lòng biết ơn trong hoàn cảnh hiện tại," Wood nói. "Trong giai đoạn Covid, chúng ta cần phải suy xét kỹ lưỡng hơn, bởi vì nó có thể khiến chúng ta dễ bị lợi dụng. Sẽ có nhiều công ty cố gắng lợi dụng điều này như một cái cớ để trả lương nhân viên ít hơn, hoặc 'cắt giảm chi phí' bằng cách mướn ít nhân viên hơn, khiến cho mỗi người phải làm việc nhiều hơn. Và nếu mọi người cảm thấy biết ơn vì vẫn còn có công việc, điều đó có thể sẽ khiến họ không dám đứng lên đòi quyền lợi."
Áp lực phải 'biết ơn' cho công việc vốn dĩ là điều lạ lùng, theo Greenberg. Suy cho cùng, việc làm cơ bản là sự phục vụ của nhân viên để giúp công ty kiếm tiền.
"Tôi nghĩ rằng lối suy nghĩ cổ hủ thì cho rằng, 'À, tôi đang trả lương cho quý vị, vì vậy quý vị nợ tôi'. Điều mà các chủ lao động nghĩ về việc họ trả lương theo cách đó thật đáng ngạc nhiên," bà nói.
"Chúng ta làm việc nhiều giờ như vậy. Chúng ta đang làm việc từ xa nhiều hơn bao giờ hết, và kết quả là mọi người làm việc không ngừng nghỉ; chúng ta luôn ở chế độ công việc. Điều đó có hậu quả to lớn đối với sức khỏe và sự hạnh phúc của chúng ta. Vậy mà chúng ta vẫn nghe thông điệp rằng chúng ta cần phải biết ơn chỉ vì chúng ta được tiếp tục làm việc."
Chấp nhận 'vùng xám'
Greenburg giải thích rằng sẽ là bình thường và hợp lẽ tự nhiên khi một người cảm thấy biết ơn khi được tuyển dụng, nhất là vào thời điểm này, thế nhưng người đó cũng phải được quyền nêu ra những than phiền chính đáng về công việc của mình.
"Khi chạm đến cảm xúc thì ta thường có những ý nghĩ đen - trắng rõ ràng," bà nói.
"Chúng ta xem nó ở hai cực: một mặt là cau có vô ơn. Mặt khác là sự tích cực độc hại. Không phải lúc nào ta cũng biết nên ứng xử thế nào khi ở trong vùng xám đó trong lúc thật ra mà nói thì mọi chuyện khá đơn giản."
"Việc xuất hiện nhiều cảm xúc cùng lúc là điều bình thường. Cho nên đúng là bạn thấy biết ơn khi có một công việc việc làm, thực sự là vậy. Bạn biết ơn vì có được sự bảo đảm an toàn vào thời điểm xảy ra nhiều điều khiến ta thấy bất an. Nhưng bạn ghét sếp, và điều đó cũng đúng. Giữa những thái cực đó có một vùng xám."
Vùng xám đó là nơi tốt để suy xét, cân nhắc về lòng biết ơn, Wood nói thêm. Lòng biết ơn chỉ thích hợp khi ai đó hay công ty nào đó thực sự hành động quên mình.
Và bạn có thể xác định điều này bằng cách áp dụng ba tiêu chí cơ bản: "Hãy tự hỏi," Wood nói, 'Họ có đang làm điều đó là vì tôi không? Việc đó có giá trị đối với tôi không? Việc đó có khiến cho họ phải tốn kém không?'
Khi bắt đầu sử dụng hệ thống đánh giá này, danh sách những việc bạn thực sự biết ơn có thể ngắn hơn một chút, nhưng Wood nói bằng cách loại bỏ lòng biết ơn sai chỗ, nhiều khả năng bạn cảm thấy lợi ích to lớn của lòng biết ơn thật sự.
"Một khi bạn dùng đầu để suy nghĩ, lòng biết ơn là điều bạn có thể sử dụng một cách thực tế," ông nói. "Lòng biết ơn sẽ là vô cùng lành mạnh nếu bạn đánh giá đúng."
"Nếu người chủ của bạn thực sự xứng đáng với lời cảm ơn của bạn, điều đó có thể khiến bạn hài lòng hơn trong công việc nói chung. Nếu không, bạn sẽ ở trong hoàn cảnh tốt hơn để đánh giá lý do tại sao và có các bước để thay đổi tình hình."
"Khi đánh giá chính xác hơn, bạn có thể bày tỏ lòng biết ơn chân thực hơn," Wood nói, "và lòng biết ơn thực sự sẽ khiến cho bạn cảm thấy hạnh phúc hơn."
Kate Morgan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.