Trên sàn giao dịch Bitstamp, Bitcoin có giá quanh mức 40.256 đô la Mỹ hôm thứ Sáu 21/5. Ở mức giá đó, giá trị của Bitcoin hồi phục đáng kể sau khi mất giá mạnh hôm thứ Tư 19/5, Reuters cho biết.
Ở thời điểm tồi tệ nhất, tổng thị giá của các đồng Bitcoin bị bốc hơi 70 tỷ đô la chỉ trong 24 giờ, và giá đơn vị bị giảm tới 38% so với ngày 13/4 khi 1 đồng Bitcoin tương đương với 64.800 đô la, theo một bản tin của AP.
AP tường thuật rằng nguyên nhân trực tiếp làm Bitcoin mất giá là do một tuyên bố của Hiệp hội Ngành Ngân hàng Trung cộng về hạn chế cung cấp dịch vụ dùng tiền kỹ thuật số.
Giờ đây, Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác lại đứng trước một mối đe dọa nữa từ các nhà quản lý ở Mỹ, theo các bản tin mới nhất của AP và Reuters.
Hai hãng tin lớn trên thế giới đưa tin hôm 21/5 rằng Bộ Tài chính Mỹ đánh tiếng hôm 20/5 rằng cần phải có các quy định mới theo đó những giao dịch chuyển tiền kỹ thuật số với số lượng lớn buộc phải báo cáo với Sở Thuế (IRS) và Ngân hàng Trung ương (Fed).
Trong cùng ngày, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cũng tăng thêm sức ép với tiền kỹ thuật số qua một thông điệp bằng video. Trong đó, ông nói rằng các loại tiền đó gây ra những rủi ro cho sự ổn định tài chính, AP và Reuters cho hay.
Ông Powell báo hiệu rằng có thể cần phải thông qua các quy định chặt chẽ hơn để quản lý các đồng tiền điện tử đang trở nên ngày càng phổ biến hơn.
Vì sao Bitcoin mất giá?
Tesla bị xem là có liên quan nhiều đến việc Bitcoin mất giá.
Những thông điệp liên tiếp nhau kể trên xuất hiện trong cùng một tuần mà Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số được nhiều người biết đến nhất, đã bị mất giá mạnh hôm 19/5 do nguyên nhân trực tiếp là hiệp hội ngành ngân hàng Trung Quốc cấm dùng các đồng tiền kỹ thuật số trong thanh toán, giao dịch.
Hồi 1h chiều 19/5, theo giờ quốc tế GMT, Bitcoin giảm xuống còn 32.300 đô la. Hầu hết các đồng tiền kỹ thuật số khác mất giá từ 7 đến 22%. Việc giá trị đồng Bitcoin giảm tới 20.000 đô la chỉ trong một ngày bị xem là một mức sụt giảm cực đoan.
Trước hôm 19/5, Bitcoin đã phải chịu tin xấu là hãng Tesla của tỉ phú Elon Musk ra quyết định không chấp nhận việc thanh toán mua ô tô bằng đồng tiền kỹ thuật số này, dù hãng từng nói là có chấp nhận.
Một bản tin của AP cho rằng tỉ phú Elon Musk cũng có vai trò khá lớn tác động đến giá trị của Bitcoin. Hồi tháng 2 năm nay, ông Musk tuyên bố hãng ô tô điện Tesla của ông đã đầu tư 1,5 tỷ đô la vào Bitcoin. Tháng 3, Tesla nói bắt đầu chấp nhận Bitcoin được dùng để thanh toán. Những động thái đó góp phần làm tăng giá Bitcoin. Ông Musk cũng tung hô đồng tiền kỹ thuật số Dogecoin và giá của đồng này cùng tăng vọt.
Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, ông Musk đảo ngược, nói trong tuần trước là Tesla sẽ dừng chấp nhận Bitcoin do những thiệt hại tiềm tàng cho môi trường từ việc “đào” Bitcoin gây ra. Tuyên bố đó làm cho Bitcoin giảm giá xuống dưới 50.000 đô la, tạo tiền đề cho sự tháo chạy của nhiều người khỏi phần lớn các đồng tiền kỹ thuật số trong thời gian gần đây.
Trong số các nhà đầu tư vào Bitcoin, một số người lo ngại rằng Tesla sẽ bán một phần hoặc tất cả số Bitcoin mà hãng này đang nắm giữ. Nhưng hôm 19/5, ông Musk báo hiệu rằng Tesla vẫn đang tiếp tục duy trì khoản đầu tư này.
Bản chất của Bitcoin
Hiệp hội ngân hàng Trung cộng mới đây hạn chế giao dịch liên quan đến Bitcoin
Bitcoin ra đời như thế nào vẫn là một bí ẩn, theo AP. Đồng tiền kỹ thuật số này được tung ra năm 2009 bởi một người hoặc một nhóm người có tên là Satoshi Nakamoto. Nó không gắn với ngân hàng hay chính phủ nào và nó cho phép những người sử dụng được tiêu tiền mà không lộ danh tính.
Đồng tiền này được tạo ra bởi những người sử dụng là những người “đào” các đồng tiền bằng cách cho mượn công suất tính toán của máy tính để xác nhận các giao dịch của những người sử dụng khác. Đổi lại, họ được nhận Bitcoin.
Đồng tiền này cũng có thể được mua, bán trên các thị trường chứng khoán bằng đồng đô la và các đơn vị tiền tệ khác. Một số doanh nghiệp chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán, và một số định chế tài chính cho phép chúng nằm trong danh mục đầu tư của khách hàng, nhưng về tổng thể, mức độ chấp nhận nó một cách chính thống vẫn còn hạn chế.
Vẫn theo AP, về cơ bản, Bitcoin là những chuỗi mã máy tính được ký tên ở dạng kỹ thuật số mỗi khi chúng đi từ chủ nhân này sang chủ nhân khác. Các giao dịch có thể được thực hiện theo kiểu ẩn danh, nên đồng tiền này được ưa chuộng trong số những người không thích bị pháp luật ràng buộc, ngoài ra là những người yêu thích kỹ thuật, các nhà đầu cơ, và bọn tội phạm.
Bitcoin phải được lưu trữ trong ví kỹ thuật số, hoặc là trên mạng thông qua sàn giao dịch như Coinbase, hoặc ở ngoài mạng, lưu trong ổ cứng dùng phần mềm chuyên dụng.
AP dẫn thông tin của Coinbase cho biết có khoảng 18,7 triệu đồng Bitcoin hiện đang lưu hành và sẽ chỉ có tối đa là 21 triệu đồng Bitcoin tồn tại. Vì sao lại như vậy và tất cả các đồng Bitcoin đang ở đâu là những thông tin hầu như không ai biết, AP tường thuật.
Hiện nay, Bitcoin đạt mức độ phổ biến với mốc hơn 300.000 giao dịch mỗi ngày, nhưng vẫn chưa bằng tiền mặt và thẻ tín dụng.
Ủng hộ và nghi ngại về Bitcoin
Một máy rút tiền từ Bitcoin ở Marseille, Pháp, tháng 2/2021.
Nó được nhiều công ty ủng hộ, trong đó có các tên tuổi như hãng thanh toán kỹ thuật số Square và ông chủ hãng là Jack Dorsey, người cũng là Tổng Giám đốc Điều hành của Twitter. Overstock.com cũng chấp nhận Bitcoin, và hồi tháng 2, BNY Mellon, ngân hàng lâu đời nhất ở Mỹ, nói họ sẽ đưa các đồng tiền kỹ thuật số vào các dịch vụ được cung cấp cho khách hàng. Mastercard cũng nói họ sẽ bắt đầu hỗ trợ “các đồng tiền kỹ thuật số có chọn lọc” trên mạng lưới của họ.
Ngược lại, vẫn có nhiều nghi ngại về Bitcoin. Do khó có thể xác định giá trị của nó, nhiều định chế, chuyên gia và người buôn bán chứng khoán còn hoài nghi về Bitcoin và tiền kỹ thuật số nói chung. AP dẫn lời Chủ tịch Ngân hàng Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, nói rằng ngân hàng trung ương này nghiêng về hướng gọi tiền kỹ thuật số là “tài sản kỹ thuật số”, vì chúng dễ bị chao đảo, gây hại cho khả năng cất giữ giá trị, mà đó mới là một chức năng cơ bản của một đơn vị tiền tệ.
Hiện tại, các nhà quản lý không lo ngại về việc các đồng tiền kỹ thuật số sụp đổ có thể kéo theo phần còn lại của hệ thống tài chính hay nền kinh tế, AP cho biết.
Ngay cả với đợt bán tháo vừa qua, các đồng tiền kỹ thuật số vẫn giữ thị giá khoảng 1,72 nghìn tỉ đô la. Nhưng con số đó vẫn quá nhỏ so với trị giá của thị trường chứng khoán là 46,9 nghìn tỉ đô la, thị trường bất động sản nhà ở 41,3 nghìn tỉ đô là, và thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ gần 21 nghìn tỉ đô la ở thời điểm đầu năm nay.
Ngân hàng Trung ương châu Âu nói hôm 19/5 rằng nguy cơ của các đồng tiền kỹ thuật số ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính dường như “có mức độ hạn chế ở hiện tại”, phần lớn là vì chúng không được sử dụng rộng rãi trong thanh toán; bên cạnh đó, các định chế thuộc ngân hàng này không có nhiều hoạt động liên quan đến các công cụ gắn với tiền kỹ thuật số.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.