Cả đàn ve sầu sẽ cùng chui lên mặt đất sau 17 năm chôn vùi dưới lòng đất. Đây là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, chỉ xuất hiện 17 năm một lần ở 15 bang miền Đông nước Mỹ.
Một ấu trùng ve sầu di chuyển trên bãi cỏ. Chỉ trong vài ngày tới, hàng nghìn tỷ ấu trùng ve sầu Brood X (X là số 10) sẽ đồng loạt trồi lên sau 17 năm sống dưới lòng đất. Có nhiều lứa ve sầu xuất hiện ở các năm khác nhau, nhưng đây là lần xuất hiện với số lượng lớn nhất và dễ nhận biết nhất.
Michael Raupp và Paula Shrewsbury, hai nhà côn trùng học ở Đại học Maryland, Mỹ, dùng xẻng xúc đất để bắt ấu trùng ve sầu. Hầu hết đàn ve sầu sẽ trồi lên qua các lỗ trên mặt đất khi trời tối để giảm thiểu nguy cơ bị ăn thịt bởi kiến, chim, chó, mèo và nhiều loài động vật khác.
Hai nhà côn trùng học nhặt ấu trùng ve sầu từ đất. “Đây là loài sinh vật sống 17 năm trong trạng thái cô lập như trong thời Covid-19 dưới lòng đất và uống nhựa cây. Ở tuổi 17, chúng sẽ trồi lên với số lượng hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ con”, giáo sư Raupp chia sẻ.
Một ấu trùng ve sầu được phát hiện trong đất. Sau khi trồi lên khỏi mặt đất, ấu trùng ve sầu sẽ leo lên cây, lột xác, giao phối và đẻ trứng. Sáu tuần sau, những con ấu trùng non sẽ rơi xuống đất, chui vào lòng đất và "ngủ vùi" 17 năm.
Theo giáo sư Michael Raupp, đây không phải là một cuộc “xâm lược” của ve sầu. Chúng vẫn luôn ở đây, chờ đợi khi đồng hồ sinh học trong cơ thể báo hiệu đã đến giờ trồi lên để duy trì nòi giống. Chúng đã ở nước Mỹ hàng triệu năm, lâu hơn nhiều so với loài người.
Một lỗ nhỏ trên mặt đất để ấu trùng chui lên. Ấu trùng ve sầu chỉ chui lên mặt đất với số lượng lớn khi nhiệt độ đạt khoảng 18 độ C. Trước đây, thời điểm này thường diễn ra vào cuối tháng 5. Trong những năm gần đây, ấu trùng ve sầu chui lên sớm hơn một vài tuần do tác động của biến đổi khí hậu.
Một ấu trùng ve sầu nằm dưới một lỗ thông lên mặt đất. Hai nhà côn trùng học tìm được ít nhất 7 ấu trùng trong một khoảng đất rộng 1/3 foot vuông (khoảng 300 cm vuông). Tỷ lệ này tương ứng với hơn 2 triệu con trên một hecta.
Một ấu trùng ve sầu đang trồi lên mặt đất. Theo giáo sư Rauup, những ấu trùng chui lên sớm thường không thể sống sót và sớm bị ăn thịt. Loài ve sầu tồn tại bằng chiến lược đơn giản: Sinh sản với số lượng vô cùng lớn. Do đó, dù bị tấn công hay ăn thịt, vẫn còn một số lượng ve sầu sống sót để duy trì nòi giống.
Ấu trùng ve sầu đã lên được mặt đất. Chúng sẽ bò lên cây hay bất cứ cái gì thẳng đứng. Trong quá trình này, ve sầu kêu rất to. Mỗi loài ve sầu có một tiếng kêu riêng để gọi bạn tình.
Theo giáo sư côn trùng học May Berenbaum từ Đại học Illinois, Mỹ, con người có xu hướng sợ nhầm loài côn trùng. Muỗi là loài động vật giết nhiều người nhất do chúng gây ra bệnh sốt rét và nhiều dịch bệnh khác. Tuy vậy, nhiều người vẫn hoảng sợ trước sự trỗi dậy của ve sầu.
Sau khi đưa ấu trùng ve sầu trở lại mặt đất, Michael Raupp và Paula Shrewsbury phủ đất lên trên chúng. Chỉ vài ngày nữa, chúng sẽ tự trồi lên mặt đất bằng chính sức mình.
Một con ve sầu lột xác trên cây sồi. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này sẽ xuất hiện ở 15 bang của Mỹ, trong đó tập trung chủ yếu ở bang Tennessee và Bắc Carolina.
Một con ve sầu nghỉ ngơi sau khi lột xác. Nước Mỹ là nơi duy nhất trên thế giới mà loài ve sầu này sinh sống. Chúng có chu kỳ sống 13 hoặc 17 năm. “Đây là một trong những chu kỳ sống kỳ dị nhất của sinh vật trên Trái Đất”, giáo sư Raupp nhận xét.
Việt Hà
https://www.youtube.com/watch?
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.