Chính trị đặc tính – sự hình thành các liên minh riêng biệt dựa trên đặc tính về chủng tộc, tôn giáo, dân tộc hoặc xã hội – đang thể hiện ra ở tất cả các khía cạnh văn hóa. Nó đã thâm nhập vào chương trình giảng dạy ở trường học và đã vượt qua chủ nghĩa cá nhân truyền thống của phương Tây để trở thành quan niệm chủ đạo mới khi nói về vị trí của một người trong xã hội.
Có những khoa của các trường đại học đã được dành riêng chỉ để tìm hiểu cái gọi là tính giao thoa, được định nghĩa là cách thức phức tạp mà tác động của nhiều hình thức phân biệt đối xử, như phân biệt chủng tộc, giới tính và giai cấp, sẽ kết hợp để định đoạt cho trải nghiệm của một cá nhân. Khi mà ngay cả Homer cũng bị loại khỏi chương trình giảng dạy, các nghiên cứu truyền thống về nhân văn đã bị thay đổi để nghiên cứu về các mức độ của việc áp bức.
Mục đích của nỗi ám ảnh về đặc tính này có một số ý định cao cả trong nền tảng của nó: như nêu bật bản chất của sự khác biệt và nuôi dưỡng ý thức cộng đồng. Việc thu hút sự chú ý đến lợi ích của các nhóm vốn bị loại trừ trong lịch sử giúp cho việc thúc đẩy sự hòa nhập, nhưng trong hiện tại, chính trị đặc tính lại hoàn toàn làm ngược lại điều đó.
Lối suy nghĩ này khuyến khích những người trẻ tuổi hình thành một ý thức về bản thân dựa trên những đặc điểm bất biến, thay vì dựa trên chính nhân cách của họ. Khi lý thuyết chủng tộc quan trọng và những lập luận gây chia rẽ khác len lỏi vào các chương trình giảng dạy cho trẻ em của chúng ta, nó dạy chúng nhìn nhận sự khác biệt với cái giá phải trả là tính nhân văn phổ quát.
Hệ thống giáo dục hiện tại của chúng ta nhất mực muốn tách học sinh vào từng nhóm có hoàn cảnh giống nhau để thảo luận các vấn đề chủng tộc, giai cấp hoặc giới tính. Các câu lạc bộ sinh viên có xu hướng chuyển từ các nhóm dựa trên sở thích sang các nhóm dựa trên đặc tính. Có những tầng lầu của các ký túc xá được dành riêng toàn bộ cho các nhóm chủng tộc cụ thể. Đại học Columbia thậm chí sẽ tổ chức sáu lễ tốt nghiệp riêng biệt trong năm nay dựa trên chủng tộc, thu nhập và xu hướng tình dục.
Thông điệp mà tất cả những điều này gửi đi là rất rõ ràng: Chỉ những người có hoàn cảnh giống với bạn mới có khả năng hiểu được quan điểm và kinh nghiệm của bạn. Chính trị đặc tính xây dựng các rào cản trong những khác biệt giữa các cá nhân, và ngăn cản việc tìm ra quan điểm chung. Về cơ bản, nó làm suy yếu lý tưởng cao đẹp về sự đa dạng, và thay vào đó là thúc đẩy sự chia rẽ.
Bằng cách nuôi dưỡng nỗi ám ảnh mãnh liệt về đặc tính nhóm hơn là cá nhân, xã hội của chúng ta đang làm hỏng những đứa trẻ của mình. Thuyết giao thoa làm giảm ý thức về bản thân của chúng như thể chúng chỉ là những điểm trên một biểu đồ Venn về sự áp bức nhóm. Bằng cách nhấn mạnh rằng những nhược điểm bất biến là không thể vượt qua, chính trị đặc tính sẽ xóa bỏ mọi ý thức về quyền tự quyết của cá nhân và dập tắt mọi hy vọng ngay từ đầu.
Nhiều người trong chúng ta hiểu rõ rằng nỗi ám ảnh về đặc tính này sẽ chỉ dẫn đến sự thoái trào và cũng nhận ra những tác động bất lợi của nó đối với con cái cũng như xã hội của chúng ta. Khi các tổ chức đầy quyền lực từ các học viện đến các tập đoàn đều thúc đẩy sự chia rẽ, việc chống lại chúng có thể khó khăn. Nhưng nó cần được thực hiện để bảo vệ chủ nghĩa cá nhân – vốn là nền tảng của một xã hội tự do.
Có thể có một tia hy vọng để vượt qua sự ám ảnh về đặc tính này. Như Jordan Peterson đã chỉ ra, nghiên cứu về thuyết giao thoa bản thân nó là một sự thừa nhận tính vô lý của chính trị đặc tính.
“Kết luận hợp lý của thuyết giao thoa chính là tính cá nhân,” ông lập luận. “Có rất nhiều cách khác nhau để phân loại ưu điểm và nhược điểm của người ta đến nỗi nếu quý vị xem xét đến cùng, quý vị sẽ nói rằng một cá nhân chính là một thiểu số cơ bản nhất.”
Mặc dù đang lớn mạnh, khuyết điểm của chính trị đặc tính lại rõ ràng một cách sửng sốt. Con người là quá phức tạp để có thể phân chia thành các nhóm có cùng đặc tính. Nguồn gốc thực sự của đặc tính không phải là một nhóm tương đồng – mà đúng hơn, là ở chính bản thân. Nhưng phe khuynh tả cấp tiến không chịu thừa nhận sự thật thiêng liêng này. Họ chỉ quan tâm đến việc thúc đẩy kế hoạch của họ bằng cách nuốt chửng sự tôn nghiêm của cá nhân bằng vô số các nhóm tương đồng.
Chính trị đặc tính đang phá hủy kết cấu xã hội. Con đường duy nhất để giành lại tương lai của chúng ta là nhận thức rằng chủ nghĩa cá nhân là nền tảng của tự do. Chúng ta phải thức tỉnh và đòi lại quyền tự quyết thiêng liêng của mình trước khi nền chính trị đặc tính thành công với mục tiêu cuối cùng của nó: chia để trị.
Cô Rikki Schlott là một nhà văn và sinh viên sống tại thành phố New York. Là một nhà hoạt động tự do ngôn luận trẻ tuổi, các bài viết của cô ghi lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa phi tự do theo quan điểm của Thế hệ Z. Cô Schlott cũng làm việc cho The Megyn Kelly Show và đã được đăng bài trên The Daily Wire và The Conservative Review.
Rikki Schlott _ Joe Nguyễn
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.