Khi thấy mình ở ngã ba đường, một số người trong chúng ta sẽ dễ ngồi bệt xuống vỉa hè xám xịt và để nỗi tuyệt vọng xâm chiếm. Eva thì không thế. Khi đời ném cho cô một quả chanh, cô nhận lấy và chọn vắt một ít nước chanh…
Một vài tuần trước, một chị gái của tôi nói rằng người bạn thân nhất của chị, người mà chị quen hơn 50 năm, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Người phụ nữ này là một giáo viên đã nghỉ hưu ở độ tuổi ngoài 60, hiện phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và hóa trị. Để động viên cô ấy, chị gái tôi liên tục nói: “Bạn đang làm được rồi. Bạn đang làm những gì bạn phải làm.” Bạn của chị ấy đã coi những lời đó như một câu thần chú – “Tôi làm được” và cố gắng chiến đấu để hồi phục.
Những người dũng cảm đối mặt với căn bệnh quái ác như vậy đã khơi dậy trong tôi một niềm cảm phục to lớn. Trong suốt cuộc đời mình, tôi cũng đã có vài lần sợ hãi về sức khỏe, nhưng không có trường hợp nào kéo dài lâu và tôi thoát khỏi mà không hề hấn gì. Một số bạn bè và thành viên trong gia đình tôi đã kém may mắn hơn, nhưng lòng dũng cảm và ý chí của họ khi đối mặt với những bất hạnh này thật đáng kinh ngạc.
Dưới đây là câu chuyện về Eva H. (tên nhân vật đã được thay đổi trong bài viết này để bảo vệ quyền riêng tư của cô ấy).
Hoàn cảnh
Eva sinh năm 1958 tại Bay City, Michigan, và kể lại rằng cha cô đã “treo một chiếc tã màu hồng trên ăng-ten TV” để mừng con gái chào đời. Năm 1980, cô tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân ngành văn học và giảng dạy tiếng Anh, và cả một chút tiếng Đức. Sau hai năm giảng dạy ở trường trung học, cô đã có bằng MBA và sau đó làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực quản lý rủi ro cho một Công ty Fortune 100. Trong thời gian đó, cô phải chịu một số bi kịch: một người bạn tốt cùng con gái nhỏ bị sát hại, cái chết của chồng cô, và một người bạn khác tự tử.
Rồi một tai họa ập đến thay đổi cuộc đời cô mãi mãi.
Bệnh Lyme
Một thái độ tích cực có tác dụng lâu dài trong việc đối diện với khó khăn.
Năm 2013, Eva mắc bệnh Lyme. Không thể tiếp tục công việc của mình và đối mặt với nguy cơ tử vong, cô đã phải trải qua 18 tháng điều trị y tế tăng cường.
Mặc dù tôi biết một chút về bệnh Lyme từ kinh nghiệm của một số người quen, nhưng câu chuyện của Eva đã khiến tôi hiểu rõ hơn về những tác động khủng khiếp mà vết cắn của bọ chét có thể mang lại cho con người.
Trong 18 tháng, Eva đã trải qua một thử thách mà tôi không thể tưởng tượng nổi. Mệt mỏi và thường xuyên bị sốt, cô bắt đầu đến gặp bác sĩ chuyên khoa ở Raleigh, Bắc Carolina, và có thời điểm cô phải uống tới 120 viên thuốc các loại mỗi ngày để chống lại sự tàn phá của căn bệnh này. Căn bệnh của cô ấy không chỉ mang lại những khó khăn về thể chất mà còn gây ra sự đau khổ về tinh thần, mặc dù vậy cô từ chối tham gia nhóm hỗ trợ liệu pháp tinh thần cho bệnh nhân bệnh Lyme, cô nói không muốn tập trung cả cuộc sống vào căn bệnh quái ác. Ngay cả khi ngã quỵ trên vỉa hè khi đang dắt con chó Murphy đi dạo, cô chỉ coi đó là một cú vấp ngã bình thường, cô đã từ chối đầu hàng hay tuyệt vọng.
Và cuối cùng Eva đã chiến thắng. Cô đã đánh bại căn bệnh Lyme. Năm 2016, cô lấy bằng thạc sĩ tâm lý trị liệu. Hiện nay, cô sống tại một thị trấn nhỏ trên Bờ Vịnh Florida, điều hành một dịch vụ tư vấn riêng và theo học tiến sĩ.
Tìm kiếm vũ khí bí mật
Trong các cuộc trao đổi email và điện thoại, Eva nói với tôi rằng cô ấy đã từng lập một danh sách 12 bi kịch đã xảy đến với cô trong suốt cuộc đời. Bệnh Lyme chỉ xếp thứ 9 trong danh sách đó về mức độ nghiêm trọng.
Căn cứ vào cuộc chiến khốc liệt với căn bệnh quái ác này, bảng xếp hạng đó nói lên nhiều điều về những khó khăn mà Eva đã trải qua và khả năng đương đầu với sóng gió của cô.
Vì vậy, tôi tự hỏi, điều gì đã giúp cô ấy vượt qua thử thách này? Cô ấy đã mang theo thanh kiếm và chiếc khiên nào trong cuộc chiến này?
Sức mạnh tinh thần
Trong các cuộc trao đổi email, Eva đã viết như sau:
“Đầu tiên, tôi nghĩ rằng chúng ta đã bỏ lỡ một từ khóa rất quan trọng trong việc sống sót qua thời kỳ khó khăn, đó là sức bật tinh thần (resilience). Sức bật tinh thần là một chủ đề chính trong nghiên cứu tâm lý học ngày nay, và tôi đã được ban phước cho rất nhiều điều đó. Tuy nhiên, phẩm chất tuyệt vời này đáng mong đợi và hữu ích, và rất khó để biết sức bật tinh thần được hình thành hoặc củng cố như thế nào. Bài báo từ Psychology Today có tiêu đề “Sức bật tinh thần” (Resiliences) [bit.ly/3t2kJ8K] là bài viết mà tôi chia sẻ với khách hàng và tiết lộ một số suy nghĩ gần đây về chủ đề này. Đặc biệt quan trọng là khái niệm trưởng thành sau chấn thương, mà tôi tin rằng rất quan trọng để truyền hy vọng cho những khách hàng đang trải qua thời kỳ khó khăn”.
Trong trường hợp của mình, Eva rõ ràng đã rèn luyện sức bật, tìm ra một con đường mới trong cuộc sống khi cô ấy khỏe mạnh trở lại.
Niềm tin
Eva cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin trong những cuộc đấu tranh khác nhau của cô, và ngạc nhiên trước sự thiếu vắng niềm tin trong lĩnh vực tâm lý học và tư vấn. Cô viết:
“Thật kỳ lạ và đáng thất vọng đối với tôi là hầu hết các nghiên cứu về sức bật tinh thần đều không đề cập đến đức tin. Niềm tin có thể cung cấp nền tảng vững chắc nhất cho cả sức bật tinh thần và hy vọng. Tuy nhiên, trong hầu hết các bài viết học thuật hoặc khoa học ngày nay, đức tin không đóng vai trò gì và được coi là không thích hợp để thảo luận tri thức.”
Trong công việc của mình với tư cách là một nhà trị liệu, Eva đã tận mắt chứng kiến những tác động khi nền tảng đức tin bị sụp đổ hoặc mất đi hoàn toàn, đặc biệt là ở những người trẻ. Trong cùng một email, cô viết:
“Một chủ đề khác, nhưng là một chủ đề khiến tôi bận tâm về nền văn hóa đại chúng hiện nay của chúng ta (văn hóa đại chúng, cụm từ nghịch lý yêu thích của tôi): có một khoảng trống đức tin trong cuộc sống của nhiều người. Tôi nhận thấy điều này đặc biệt ở những khách hàng trẻ, dưới 40 tuổi. Nhiều người đã được nuôi dạy trong môi trường không có bất kỳ truyền thống đức tin nào. Nhiều người thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy một cuốn Kinh Thánh. Họ tin vào điều gì? Những khách hàng trẻ nhất của tôi từ 18 đến 30 tuổi vô cùng hiểu biết, đã lớn lên với Internet và tiếp cận lượng thông tin mà chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được ở độ tuổi đó.
“Nhưng họ hoàn toàn thiếu nền tảng. Nhiều người giống như những đứa trẻ bảy tuổi lái xe Maseratis, lạng lách và va quệt khắp nơi. Tôi nói chuyện với những khách hàng trẻ tuổi của mình để giúp họ tìm ra mục đích sống, tôi cũng nói về ‘quyền năng vĩ đại hơn’ và khám phá đức tin của họ. Nhưng hầu hết các bác sĩ lâm sàng không trò chuyện về đức tin với khách hàng của họ, trừ khi họ đang hoạt động nghiêm túc trong một tổ chức tôn giáo.”
Phước lành và chanh
Mặc dù căn bệnh Lyme của cô đã mang lại nhiều tháng ngày đau khổ, nhưng Eva cho rằng nó đã tạo ra một sự thay đổi tích cực to lớn trong sự nghiệp và cuộc sống của cô. Bị buộc phải rời khỏi thế giới doanh nghiệp, cô nói với tôi: “Lyme đã tạo thuận tiện cho tôi đến với nghề nghiệp của tình yêu thương và sự cống hiến. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, đó là một may mắn hoặc một phước lành. Nó đã đưa tôi đến một nơi phù hợp hơn nhiều với mục đích sống của mình.”
Đúng như vậy. Nhưng khi thấy mình ở ngã ba đường, một số người trong chúng ta sẽ dễ ngồi bệt xuống vỉa hè xám xịt và để nỗi tuyệt vọng xâm chiếm. Eva thì không thế. Khi đời ném cho cô một quả chanh, cô nhận lấy và chọn vắt một ít nước chanh.
Khi chúng tôi trao đổi email và nói chuyện cùng nhau qua điện thoại, một lần nữa tôi nhận ra rằng khả năng làm nước chanh đó của chúng ta bắt nguồn từ thái độ tích cực. Ở Eva, tôi tìm thấy một người phụ nữ có phong thái cao và niềm đam mê cuộc sống, người đã vượt qua nhiều thử thách, người dù trải qua nhiều thứ vẫn giữ được khiếu hài hước sống động (chúng tôi đã dành phần lớn cuộc trò chuyện của mình để cười với nhau), người biết lắng nghe và đồng thời cũng là một chiến binh.
Để minh họa những điểm này và để biết được tính cách cô ấy, hãy xem những gì cô đã viết trong một email khi tôi hỏi liệu mọi thứ trong cuộc sống của cô ấy có thuận lợi không:
“Một thông tin tích cực hơn, tôi khá ổn với thời gian chiến đấu trong vai trò bà cô trung niên mạnh mẽ, và nghiêm túc nhất có thể. Tuần trước, tôi bắt đầu một nhiệm vụ: ‘Đọc Sách Lu-ca…’ Phản ứng đầu tiên của tôi là tôi thường đào sâu chiêm nghiệm các phần chính của Sách Lu-ca vào dịp Giáng sinh và Phục sinh. Phản ứng thứ hai là có lẽ đã đến lúc có một cuốn Kinh Thánh mới, khi tôi khám phá ra một thứ gọi là ‘Comfort Print’ (Bản in dễ đọc). Tôi nghĩ đó là một cách nói vui nhộn. Nhưng, ôi chao, cái phông chữ lớn đó thật là dễ đọc! ”
Chúng ta học được gì
Tại một thời điểm trong cuộc trò chuyện qua điện thoại, Eva đã đề cập đến sức ảnh hưởng trong bài phát biểu của huấn luyện viên bóng rổ Jim Valvano khi anh sắp qua đời vì bệnh ung thư. Giống như bạn của chị gái tôi, người coi câu nói “Tôi làm được” như câu thần chú hàng ngày, Eva nói với tôi rằng bài phát biểu của Valvano đã trở thành câu thần chú của cô trong thời gian bị bệnh. Tôi đã xem bài phát biểu này trực tuyến, nghe một phần của nó, và sau đó đọc toàn bộ bản nội dung được đăng trên Sports Illustrated. Gần cuối, Valvano dành những lời sau cho khán thính giả của mình:
“Tôi chỉ có một điều cuối cùng; Tôi kêu gọi tất cả các bạn, tất cả các bạn, hãy tận hưởng cuộc sống của mình, từng khoảnh khắc quý giá mà bạn đang có. Hãy dành mỗi ngày với tiếng cười và chút suy nghĩ, để cảm xúc của bạn nghỉ ngơi. Nhiệt huyết mỗi ngày… để giữ cho ước mơ tồn tại bất chấp mọi vấn đề bạn gặp phải. Khả năng có thể làm việc chăm chỉ để ước mơ của bạn thành hiện thực, trở thành thực tại.”
Lòng nhiệt tình, tiếng cười, sự chu đáo, ước mơ và làm việc chăm chỉ là tất cả những gì miêu tả Eva H., một người phụ nữ dũng cảm với tình yêu cuộc sống đáng khâm phục và học hỏi.
Tác giả: Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt đang lớn. Trong 20 năm, ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho các cuộc hội thảo của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, NC. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết, “Amanda Bell” và “Dust on their Wings,” và hai tác phẩm phi hư cấu, “Learning as I Go” và “Movies Make the Man.” Ngày nay, ông sống và viết ở Front Royal, Va. Truy cập trang JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Jeff Minick _ Ngân Hà
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.