Virginia Woolf đặt câu hỏi, chúng ta nghe thấy chính giọng nói của bà qua đoạn ghi âm “Làm thế nào để chúng ta kết hợp các từ cũ theo thứ tự mới để chúng tồn tại, để chúng tạo nên vẻ đẹp, để chúng nói lên sự thật?”
Đây là một câu hỏi về cuộc sống của Woolf, là hành trình khám phá trong cuộc đời của bà, và là chất xúc tác cho yếu tố thiên tài hiện diện trong con người bà. Bà đã phải chiến đấu với nó, giống như Jacob chiến đấu với thiên thần, và bà sẽ không bỏ cuộc cho tới khi sự thật và cái đẹp bằng cách này hay cách khác hiện diện ban phước cho bà. “Khi tôi viết, tôi luôn luôn, luôn luôn nói sự thật,” đây là câu hồi đáp một người bạn khi cô ấy gợi ý rằng bà có thể làm khác đi.
Trong các bức thư, nhật ký, và tiểu thuyết. Cuộc chiến này chưa bao giờ kết thúc.
Những cuốn nhật ký
Nhật ký của bà trong một ấn bản dày 6,873 trang của Harcourt Brace Jovanovich cho chúng ta biết những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc nhất của bà. Những trang nhật ký này không dành cho chúng ta, và bà đã yêu cầu chồng mình đốt chúng sau khi bà qua đời. Chúng có lẽ chứa đựng những điều xa vời nhất trong tâm trí bà, những điều đẹp đẽ nhất, cũng như những quan điểm rất chân thật và riêng tư của bà về những người đương thời.
Chẳng hạn, bà đã bị tai tiếng khi nêu ra quan điểm của mình đối với cuốn sách “Ulysses” rất thành công của James Joyce, mà bà cho rằng nó tôn vinh những điều xấu xa, là một cuộc tấn công đơn phương vào văn học truyền thống mà bà tôn kính: “Đối với tôi đó là một cuốn sách mạt hạng, nửa mùa, tự phụ, khoe khoang… Ý tôi là, một nhà văn hạng nhất, đã quá quan trọng việc viết lách đến mức trở nên rắc rối; gây sốc; phô trương.”
Một người bạn thân từng nói với bà, “Chỉ có cái chết của cậu mới là thứ cậu không thể diễn tả được!” Tất nhiên là đúng, nhưng bà đã mô tả, như chưa ai từng làm, chứng trầm cảm thường xuất hiện ở các thiên tài. Như Tolstoy, Handle, Beethoven biết rất rõ về nó nhưng không ai để lại chi tiết nào về nó.
Nhưng Virginia Woolf đã nói: “Có lẽ tôi thức giấc lúc 3 giờ sáng. Ôi trời, nó bắt đầu tới – nỗi kinh hoàng – nỗi đau đớn về thể xác như một cơn sóng dâng lên tới tâm can – hất tung tôi lên. Thật không vui, không vui chút nào! Tôi chìm xuống, Chúa ơi, tôi ước gì mình đã chết…Điều này vẫn tiếp diễn; nhiều lần với đầy sự sợ hãi. Sau đó, khi cơn khủng hoảng thay thế nỗi đau dữ dội, bỗng trở nên khá mơ hồ. Tôi thiếp đi. Và thức giấc với một sự khởi đầu.”
Sau đó, bà viết, “Tôi thấy trước mặt tôi: một thứ gì đó trừu tượng, nhưng nó có khắp nơi trong trời đất; và chẳng còn gì quan trọng; ở đó tôi sẽ tiếp tục nghỉ ngơi và tiếp tục tồn tại.” Điều đáng chú ý là một nhà văn thiên tài, một nhà thơ lỗi lạc lại không thể tìm thấy từ nào để diễn tả “một thứ gì đó”! Tuy nhiên, chúng ta biết rằng cái “thứ gì đó” này tồn tại ngoài phạm trù ngôn ngữ, và có lẽ nó cũng là một cái tên như bao cái tên khác.
Những lá thư
Một điểm đáng chú ý theo quan sát của tác giả là cách trả lời thư của bà sẽ phản ánh điều gì đó của người viết bức thư gốc cho bà. Chẳng hạn, người ta sẽ cảm thấy sự ấm áp, dịu dàng trong các bức thư bà gửi chị gái Vanessa, và một tính cách lạnh lẽo hơn trong những bức thư gửi Vita Sackville-West lạnh lùng và kiêu hãnh.
Bức thư gửi Sackville-West được trích dẫn dưới đây cho bạn thấy cái nhìn sâu sắc về quá trình sáng tạo của Woolf, một điều gì đó quá riêng tư để nói với công chúng nhưng lại dễ dàng nói với một người bạn hiểu biết và đáng tin cậy:
“Phong cách là một vấn đề rất đơn giản; nó là nhịp điệu. Một khi cậu hiểu được điều đó, cậu sẽ không thể dùng sai từ… Nó sâu thăm thẳm, nhịp điệu ấy, và sâu sắc hơn bất kể điều gì diễn tả bằng lời. Một cảnh tượng, một cảm xúc, tạo nên một làn sóng trong tâm trí rất lâu trước khi tạo ra ngôn từ phù hợp; và trong khi viết người ta phải nắm bắt được nó, và sau đó khi vỡ ra và hỗn độn trong tâm trí, nó sẽ sắp xếp thành các từ phù hợp.”
Những ngôn từ này khiến chúng ta hiểu rõ hơn về chiều sâu của tâm hồn và trí tuệ của Woolf hơn bất kỳ điều gì được tìm thấy trong các tác phẩm được xuất bản của bà.
Tiểu thuyết ngắn
Những tác phẩm ngắn hơn, đôi khi rất ngắn, nhưng không bao giờ nói về những điều tầm thường – nó thường đề cập đến những vấn đề ẩn chứa trong cuộc sống của mỗi người, điều kỳ diệu của chính cuộc sống. Thật dễ dàng để chúng ta quên đi sự tuyệt đối trong sự tồn tại của chúng ta, sự hợp lưu vô hạn của các sự kiện tạo nên hoàn cảnh của chúng ta cũng như cái mà chúng ta gọi là “chính mình”.
“In the Orchard” (Trong vườn cây), một câu chuyện chỉ có năm đoạn, cho thấy Miranda đang ngủ dưới một gốc táo. “Táo ở trên cao cách đầu cô ấy 4 feet. Âm thanh của cây đàn organ trong nhà thờ được gió thổi qua các ngọn cây trong khi Miranda nằm ngủ ở phía dưới 30 feet”. Cách cô ấy 200 feet, “tiếng chuông kêu” gọi tín đồ đến phụng sự. Gió lướt qua, “mù quáng, khờ dại, không ai có thể chống lại nó”, trong khi “hàng dặm phía dưới, ở một không gian lớn chỉ như lỗ kim, Miranda đứng thẳng lên và khóc lớn, “Ôi, tôi bị muộn giờ uống trà rồi!”
Tiểu thuyết
Trí nhớ là một nhà phê bình đáng tin cậy, nó được sử dụng để gợi nhớ những đoạn hay nhất trong tiểu thuyết của bà, những đoạn đã đi sâu vào tâm trí tôi. Những chủ đề sâu sắc, và những ấn tượng rất mạnh mẽ.
Trong “The Voyage Out” (Cuộc du hành), chàng trai trẻ nếm trải nỗi cay đắng của sự mất mát; vợ sắp cưới của anh bị bệnh nặng. “Anh không thể quen với nỗi đau của mình, đó là điều được tiết lộ cho anh. Anh chưa bao giờ nhận ra điều này trước đây, rằng ẩn chứa dưới những hoạt động thường ngày, ẩn chứa trong cuộc sống mỗi ngày, nỗi đau đã nằm yên đó, âm thầm, nhưng sẵn sàng nuốt chửng anh; anh dường như có thể nhìn thấy sự đau khổ, nó như một ngọn lửa, nằm cuộn tròn trong mọi ngóc ngách của mỗi hành động, gặm nhấm cuộc sống của những người đàn ông và những người đàn bà. Lần đầu tiên trong đời anh suy ngẫm và hiểu sâu sắc những từ mà trước đây dường như rất trống rỗng với mình: sự đấu tranh vì cuộc sống, sự khắc nghiệt của cuộc sống.”
Trong “The Waves” (Con sóng), tình yêu xuất hiện: “Đúng, thời gian trôi qua và chúng ta đã già đi. Nhưng để ngồi với em, với mình em, tại đây nơi thành phố Luân Đôn này, trong căn phòng rực rỡ ánh sáng này, em ở đó, tôi ở đây, thế là đủ…Khi em đến, mọi thứ thay đổi. Tất cả đã thay đổi khi em đến đây sáng nay. Không nghi ngờ gì nữa,…rằng cuộc sống tầm thường của chúng ta, không đẹp đẽ như chúng vẫn thế, đã khoác lên mình vẻ lộng lẫy và chỉ có ý nghĩa dưới con mắt của tình yêu.”
Sự gần gũi của một cuộc sống cao hơn, siêu việt hơn lại là trọng tâm của cuốn “The Years” (Những năm tháng). Một người phụ nữ trở về tụ họp với bạn bè sau 30 năm sống ở hải ngoại. Họ tụ tập tại một bữa tiệc, và khi ở đó, cô đã tự rút ra kết luận: “Phải có một cuộc sống khác, cô nghĩ…không phải trong giấc mơ, mà tại đây ngay trong căn phòng này, cùng với những con người thực tại này…Cô sắp nắm được thứ gì đó vừa trốn chạy khỏi cô. Phải có một cuộc sống khác, ở đây và bây giờ, cô nhắc lại. Cuộc sống thật quá ngắn ngủi, quá mong manh. Chúng ta không biết gì hết, thậm chí là về chính mình. Chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu hiểu ra từng chút một, cô nghĩ.”
“To the Lighthouse” (Đến ngọn hải đăng) là câu chuyện buồn về gia đình Ramsey, một gia đình đang đối mặt với sự thay đổi. Thời gian trôi qua; sự vật, con người, đã trở thành những thứ khác một cách bí ẩn. Một đứa trẻ trở thành một người đàn ông, một người mẹ qua đời, một lối sống tưởng chừng như cố định đã bị cuốn đi. Câu hỏi vĩ đại về cuộc đời “đến cuối cùng là gì?” vẫn thường xuyên văng vẳng bên tai. Một câu trả lời không đầy đủ, không thoả đáng, nhưng có lẽ là câu trả lời duy nhất chúng ta có, đã được đưa ra. Dường như thời gian đã qua rồi. Chúng ta không thể nắm giữ được điều gì; tuy nhiên, một điều gì đó vẫn còn. Tất cả những suy tư, cảm xúc, trải nghiệm trong cuộc sống được tổng hợp, diễn giải, biến đổi, lưu trữ trong não bộ chúng ta và dường như không ngừng mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Đó là quan điểm cá nhân của chúng ta về thế giới, về sự sắp đặt của sự vật, mà không ai khác đã chứng kiến trước đây, và cũng không ai khác chứng kiến trong tương lai. Nó là của riêng ta.
Thiên tài đôi khi có thể trở thành bất tử và chia sẻ tầm nhìn của mình thông qua các bài hát, bức tranh, danh ngôn và thông qua vẻ đẹp của sự thật. “Làm thế nào để chúng ta kết hợp các từ cũ trong một thứ tự mới để chúng tồn tại, để chúng tạo nên vẻ đẹp, để chúng nói lên sự thật?” một lần nữa chúng ta lại nghe Virginia Woolf hỏi, trên BBC. Đó là một câu hỏi, nhưng với bà nó cũng là một lời kêu gọi.
Những dòng cuối trong cuốn “To the Lighthouse” không thực sự viết về cô họa sĩ nghiệp dư Lilly Briscoe; chúng là về chính tác giả Virginia Woolf: “Cô vẽ một đường thẳng ở chính giữa. Nó đã hoàn thành. Đúng, cô nghĩ, đặt cây cọ vẽ của mình xuống,…Ta đã có cái nhìn của chính mình.”
Raymond Beegle _ Thuần Thanh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.