Saturday, May 22, 2021

Jerusalem _ Miền đất Thánh thuộc về ai?

 image

Jerusalem – miền đất thiêng, một thánh địa nơi ba tôn giáo lớn đã gặp nhau: đạo Do Thái, đạo Kitô và đạo Hồi. Tại đó Chúa Yahweh đã hiện lên để giao ước với dân tộc Do Thái; Chúa Kitô đã bị đóng đinh trên Thánh giá; và cũng tại đó Giáo chủ Muhammad đạo Hồi đã hành hương. 


Trải qua bao thế kỷ, tín đồ của ba tôn giáo cùng một gốc mà thù nghịch nhau để giành Thánh địa về mình. Đằng sau những cuộc xung đột nảy lửa vùng Trung Đông là một thiên sử thi bi tráng về lịch sử, tôn giáo, chính trị gai lửa và máu lệ của người Israel.


image


Do Thái giáo được xem là một trong những tôn giáo độc thần cổ đại nhất thế giới với chiều dài lịch sử hơn 3000 năm. Từ dân tộc Do Thái đã ra đời ba tôn giáo lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên thế giới, khởi đầu là Do Thái giáo vào khoảng năm 1500 TCN, tiếp theo là Cơ đốc giáo được Chúa Jesus sáng lập vào giữa thế kỷ I như một nhánh ly khai từ Do Thái giáo, và sau đó là Hồi giáo được nhà tiên tri Muhammad sáng lập vào thế kỷ XI. 


image


Chúa Jesus là người Do Thái vùng Galilee. Chúa Jesus và các tông đồ của Ngài là những người thực hành Do Thái giáo. Cơ đốc giáo giữ lại hầu hết các kinh điển cũ của Do Thái giáo trở thành ‘Cựu ước’, đồng thời biên soạn những khái niệm của Chúa Jesus thành ‘Tân Ước’. ‘Cựu Ước’ và ‘Tân Ước’ tạo thành ‘Kinh Thánh’.


Vì người Do Thái từ chối chấp nhận Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời. Cơ đốc giáo tin rằng Người Do Thái đã phản bội Chúa, từ đó phản đối và ghét bỏ người Do Thái, đây cũng là nguồn gốc của chủ nghĩa bài Do Thái.


Tuy nguyên thủy không phải là một nhánh ly khai từ Do Thái giáo hay Cơ đốc giáo, Hồi giáo tự cho mình là sự tiếp nối hoàn hảo và thay thế cho hai tôn giáo nói trên. 


image


Jerusalem là thủ đô của vương quốc Israel cổ đại từ thế kỷ thứ 10 TCN khi vua David dựng đô, hơn 1,600 năm trước khi người Ả Rập chiếm được thành phố này. Mặc dù người Hồi giáo tin rằng Jerusalem là nơi mà nhà tiên tri Muhammad đã bắt đầu hành trình lên Thiên giới, thế nhưng hoàn toàn không có bằng chứng nào chứng minh rằng Muhammad đã từng đặt chân tới thành phố này, và người Ả Rập cũng chỉ chiếm được nó vào thời điểm 5 năm sau khi Muhammad qua đời. Thành phố Jerusalem thậm chí còn không được đề cập đến trong kinh Koran của đạo Hồi, ngược lại Kinh Cựu Ước của Do Thái giáo đã nhắc đến Jerusalem tổng cộng hơn 600 lần. 


Muốn hiểu tại sao dân tộc Do Thái sau hai ngàn năm vong quốc, phiêu bạt khắp thế giới mà vẫn hướng về Jerusalem, hễ gặp nhau là chúc nhau “sang năm về Jerusalem”; muốn hiểu tại sao dân tộc ấy lại gắn kết với nhau, chống lại khối Ả Rập, và đế quốc Anh để tái lập quốc gia của họ trên một dải đất nhỏ hẹp giáp với biển và 3 mặt đương đầu Ả Rập; thì phải hiểu qua lịch sử của dân tộc Do Thái và những nỗi đau khổ, tủi nhục mà họ phải chịu hơn hai ngàn năm qua.


Thủy tổ người Israel


image

Xứ Israel, xưa tên là Canaan, có một vị trí rất quan trọng từ hồi thượng cổ. Nằm giữa Á Châu và Phi Châu, quay mặt ra Địa Trung Hải và quay lưng vào sa mạc; lại vào khoảng giữa hai trung tâm của hai nền văn minh sớm nhất của nhân loại Ai Cập và Mésopotamie.


image

Bản đồ Canaan năm 1692, của Philip Lea.

 

Người Israel (thường gọi là người Do Thái) có nguồn gốc từ người Hebrew cổ đại xuất hiện tại Trung Đông vào 4,000 năm trước. Lịch sử xa xưa của dân tộc Israel đã được ghi chép đầy đủ và rành mạch trong Thánh Kinh – Cựu Ước từ khi trời đất được tạo lập. Người Do Thái con cháu dòng dõi Abraham. Abraham là người đầu tiên đã được lệnh của Thượng đế, lập ra một quốc gia gồm toàn những con cháu của những gia đình còn tôn thờ Yahweh, tức là Đức Chúa Trời.


image


Một ngày kia, Yahweh phán bảo Abram rằng: “Hãy rời bỏ xứ sở ngươi, gia đình ngươi và nhà của cha ngươi, đi đến một nơi mà ta sẽ chỉ định. Ta sẽ chúc lành cho ngươi và từ ngươi, ta sẽ tạo nên một dân tộc lớn” (Sáng Thế Ký chương 12 câu 1 và 2).

 

Đó là vào khoảng năm 2.000 TCN. Theo Sách Xuất Hành trong Kinh Thánh, Abraham cùng gia đình rời bỏ quê hương ở Ur đi đến Harran. Tại đó, Abraham đã nhìn thấy Thượng Đế trong giấc mơ và được Người chỉ đường tới vùng đất Canaan. 

 

Thượng Đế lập Giao ước với Abraham rằng: “Ta là Thiên Chúa toàn năng, và Ta lập Giao ước với ngươi. Ngươi sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc, và để đánh dấu Giao ước này, ngươi sẽ đổi tên thành Abraham (có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”). Ta sẽ giữ lời hứa, và xứ Canaan sẽ thuộc về ngươi và dòng dõi của ngươi đời đời; và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ.”

 

Xứ Canaan về sau được gọi là Đất Hứa (Promised Land) là vì vậy. Abraham chấp nhận Giao Ước, và nguyện sẽ tôn thờ Thượng Đế – Đức Jehovah – là Thiên Chúa duy nhất.


image


Gia đình Abraham định cư ở Canaan và Abraham thành thủy tổ dân tộc Do Thái, đồng thời thành người sáng lập ra Do Thái giáo, một tôn giáo độc thần, gốc của đạo Kitô và đạo Hồi sau này.

 

Theo mô tả trong Kinh Thánh, xứ Canaan tương ứng với vùng Levant. Ngày nay là Liban, Israel, Palestine, phần phía Tây Jordan và Tây Nam Syria. Nó còn được hiểu là Ngã tư Tây Á.


image

Bản đồ Cận Đông của Robert de Vaugondy (1762), chỉ ra “Canaan” giới hạn ở Vùng đất thánh, loại trừ Liban và Syria.

 

Sau khi Abraham chết, trách nhiệm lãnh đạo được truyền lại cho con trai của ông là Isaac, và rồi đến con trai của Isaac là Jacob. Đến đời Jacob, Thượng đế đã chúc phúc và đặt tên cho ông là Israel, có nghĩa là “Kẻ chiến đấu với Thượng đế”. Và kể từ Jacob, người Hebrew được gọi là dân Israel. Kể từ đó, người Hebrew được gọi là ‘Son of Israel’ (Những người con của Israel)


image


Lịch sử của dân tộc Do Thái bắt đầu với câu chuyện của gia đình Abraham như vậy. Họ trở thành một thị tộc, rồi phát triển lớn hơn thành một bộ tộc, và cuối cùng cắm rễ để trở thành một dân tộc – dân tộc Do Thái.

 

Moses – nhà tiên tri sáng lập Do Thái giáo


image


Tại Canaan, một trăm năm sau Abraham, vào thời đại của Jacob, một nạn đói hoành hành khắp Canaan. Toàn thể gia tộc của Jacob khoảng 70 người phải di cư sang Ai Cập. Chuyến đi tị nạn tưởng chỉ để qua nạn đói năm đó, không ngờ kéo dài tới 400 năm. 

 

“Người Ai Cập cưỡng bách con cái Israel lao động cực nhọc, làm cho đời sống của họ ra cay đắng” – Sách Xuất Hành chép lại các Pharaoh bóc lột họ như nô lệ, ép họ phải đi lao dịch nặng nhọc và độc ác nhất là ra lệnh dìm chết tất cả những bé trai Do Thái mới lọt lòng nhằm dần dần tiêu diệt dân Do Thái.

 

Giữa hoàn cảnh nô lệ đầy khổ cực của người Do Thái, Moses xuất hiện, như một phép màu của Thượng Đế để giải cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ. Đó là vào khoảng thế kỷ 15-14 TCN.


image


Theo lời kể trong Kinh Thánh, Moses được sinh ra ở Ai Cập, mẹ là người Do Thái. Một lần trong khi Moses dẫn cừu đi sâu vào vùng núi thiêng Sinai (thuộc bán đảo Sinai của Ai Cập ngày nay), bỗng Thiên Chúa hiện ra ở giữa một bụi gai đang bốc cháy. Rồi Moses nghe tiếng Chúa phán với ông: “Tiếng kêu van của con cái Israel đã thấu đến Ta; Ta đã thấy họ bị người Ai-cập hà hiếp khổ cực. Bây giờ ngươi hãy lại đây, và Ta sai ngươi đến Pharaon, để ngươi dẫn đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi khỏi đất nước tàn bạo đó, và ban cho một mảnh đất khác tốt lành, đượm sữa và mật.”. (Sách Xuất Hành Xh 3, 1-6. 9-12)

 

Moses cầm theo cây gậy linh thiêng của Thiên Chúa ban cho, dẫn họ thoái khỏi Ai Cập để đi vào sa mạc. Từ đó họ cố gắng giành lại miền đất hứa – vùng đất Canaan mà Thượng Đế đã hứa cho họ từ thời Abraham. 

 

Trong hành trình gian truân về Miền Đất Hứa, khi người Do Thái dừng chân tại vùng núi thiêng Sinai. Từ ngọn núi này, Thiên Chúa đã truyền ban Mười Điều Răn cho dân Do Thái thông qua Moses. Mười Điều Răn tuyệt đối này là lề luật căn bản cho đời sống Do Thái giáo về sau.


image

Khi người Do Thái dừng chân tại vùng núi thiêng Sinai. Từ ngọn núi này, Thiên Chúa đã truyền ban Mười Điều Răn cho dân Do Thái thông qua Moses.

 

Cho tới năm 1251 TCN, người Do Thái mới trở về Canaan, lúc này đã bị người Philistine chiếm. Vua David lên nối ngôi, đánh thắng người Philistine, chiếm được toàn cõi Canaan dựng đô ở Jerusalem. Tới đời con David là Salomon, quốc gia Israel thịnh nhất. Ông cho cất một ngôi đền đẹp đẽ, đền Jerusalem, nghĩa là đền Bình trị. 


image


586 TCN Vua Nebuchadrezzar II của Babylon phá hủy Ngôi Đền của Solomon và bắt dân Do Thái về Babylon làm nô lệ. Năm 538 TCN  Đại đế Cyrus của Ba Tư tiêu diệt Đế quốc Babylon và cho phép người Do Thái trở về Jerusalem. 

 

Tới năm 63 TCN, La Mã chiếm xứ Judea. Chính trong thời Hérode làm vua ở Judea mà đức Kitô ra đời ở gần Bethléem và thời kỳ Tân ước bắt đầu cho những người Kitô giáo. 


image


Sự cai trị của La Mã mỗi ngày một tàn khốc. Năm 70 CN, quân đoàn La Mã dưới thời Hoàng đế Titus phá hủy đền thờ Jerusalem lần nữa. Người La Mã cấm họ xây lại đền ở nền cũ, lại đổi tên Jerusalem ra tên Aelia Capitolina, đổi tên Israel ra Palestine, theo cách gọi của họ như một cách để xoá bỏ gốc gác của người dân Israel, khiến họ quên đi nguồn gốc của mình.

 

Về bản chất Israel/Palestine đều nói đến vùng đất Canaan (hay Levant – Đất Thánh) trong Kinh Thánh tức là phần lãnh thổ Israel/Palestine ngày nay.

 

Từ khi người Do Thái mất quốc gia và phiêu bạt khắp thế giới. Đến lúc đế quốc La Mã sụp đổ, Palestine dần dần nội thuộc Byzance, Damas và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Trong Thánh kinh có lời tiên tri rằng: “Khi mà dân tộc “Israel” bị trục xuất ra khỏi xứ thì xứ sẽ bị hoang phế, không có dân cư”. Quả vậy, từ khi dân tộc Do Thái thành “một dân tộc không có đất đai” thì xứ Israel cũng thành “một đất đai không có dân tộc”, nghĩa là bao nhiêu dân tộc tiếp tục nhau lại sống tại đó, không một dân tộc nào lập nghiệp một cách vĩnh viễn, tạo nên nổi một quốc gia.

 

Miền đất hứa


image


Khảo cứu nguồn gốc của người Do Thái cho thấy: Vùng đất Palestine, Jerusalem được dân Do Thái coi là xứ sở mà Thiên Chúa đã ban cho họ để sinh sống đời đời, không ai có quyền cướp được.

 

Sở dĩ dân Do Thái đã đấu tranh suốt mấy ngàn năm bất chấp mọi sự vùi dập, tàn sát để chiếm lại những vùng đất tại Trung Đông, bao gồm cả vùng Sinai, một phần Ai Cập, Syria, Liban… là căn cứ vào lời phán truyền và lập thệ của Yahweh, Đức Chúa đã sáng tạo ra trời đất và muôn vật với Abraham, cho quyền con cháu Abraham và Isaac (tức là dân Israel) được làm chủ những vùng đất tại Trung Cận Đông hiện giờ.


image


Những điều ghi chép trong Cựu Ước, liên quan đến việc lập thệ giữa Yahweh và Abraham-Issac có một giá trị tuyệt đối về đức tin, tín đồ Do thái giáo hay Công giáo cũng như Tin Lành đều biết rõ việc Thiên chúa ban đất cho tổ phụ của người Do Thái là một sự thật, đó là nguồn cơn của việc người Israel chiếm lại miền đất mà Thiên Chúa ban cho họ.

 

“Sang năm về Jerusalem!”

 

Vì mất tổ quốc, phải lang thang, phiêu bạt khắp nơi mà không ở đâu được yên ổn, tới đâu cũng bị kỳ thị, hắt hủi, trục xuất, hành hung, chém giết, giữa những thời kỳ gai lửa và máu lệ, người Israel không khi nào nguôi tha thiết trở về Jerusalem – kinh đô Israel trong Thánh Kinh và luôn tin rằng số phận sẽ dẫn họ trở về khi Đấng Cứu Thế xuất hiện.

 

Mỗi ngày ba lần, người dân Do Thái nào cũng đọc kinh cầu nguyện xin Thiên chúa sớm phục hồi lại xứ Israel cho dân tộc của Ngài. 


image

Mỗi ngày ba lần, người dân Do Thái nào cũng đọc kinh cầu nguyện xin Thiên chúa sớm phục hồi lại xứ Israel cho dân tộc của Ngài.

 

Dù gặp nhau ở chân trời góc bể nào, khi chia tay họ cũng chúc nhau: “Sang năm về Jerusalem”. 

 

Israel thành một xứ trong mộng, một Thiên đường trong tâm trí họ: “Kẻ nào chỉ mới đặt chân lên Israel thì chết cũng được lên Thiên đường”.

 

Trong 2500 lưu vong, chịu bao đọa đày ô nhục, nỗi niềm tư hương của họ ai oán bi thương. Tháng giêng ở Âu Châu, giữa cảnh tuyết rơi băng đóng mà họ ăn lễ Tân Niên ở Israel, ăn những trái cây khô mọc bên bờ sông Jourdain. Họ cầu mưa không phải là cầu cho nơi họ ở, mà cho Đất Thánh của họ; ở Nam bán cầu, các mùa đều ngược với Bắc bán cầu, mà họ vẫn cầu nóng lạnh, mưa nắng cho Israel ở Bắc bán cầu. 


image


Có những người không bao giờ được thấy Israel, chỉ nghe tổ tiên nói, chứ càng không biết nó nằm ở đâu trên bản đồ thế giới nữa, mà tới mùa gặt ở Israel, cũng làm lễ, rồi cầu nguyện, nhảy múa, ca hát, chúc nhau “Sang năm về Jerusalem!”.

 

Thiên đường đẫm lệ


image


Theo Thánh kinh, ngày Sabbath tức ngày thứ bảy, cấm không được buôn bán, nhưng nếu mua nhà cửa, đất cát ở Palestine thì vẫn được. Người nào không được sống ở Đất Thánh thì cũng mong chết ở đó, và nếu không được chết ở đó thì lại mong xác mình sẽ được “lăn dưới đất tới thung lũng Cédron” gần Jerusalem, hoặc gối đầu lên một túi nhỏ đựng một nắm đất ở Palestine.

 

Trong mọi mùa từ khắp nơi trên thế giới, từng đoàn người Do Thái dắt nhau hành trang ở Jerusalem, quỳ xuống khóc nức nở ở di tích còn lại của đền Salomon sau cuộc chiến tranh với người La Mã năm 70 – nơi bức tường phía Tây còn sót lại, vì thế bức tường đó có tên là bức tường than khóc (The Wailing Wall)


image

 

Trên bờ sông Babylone


Chúng tôi ngồi khóc than


và nhớ Sion!


image

Bức tường than khóc (The Wailing Wall).

 

(* Sion: chỉ Núi Đền, di tích thiêng của người Israel ở Jerusalem)




Đan Thư


image


Người phụ nữ gốc Việt được lấy tên đặt cho một tiểu hành tinh
HMS Queen Elizabeth đến khu vực Ấn Độ Dương _ Thái Bình Dương
Joe Biden _ Carter nhiệm kỳ 2!
Kiên định với Đức tin _ Sứ mệnh truyền tải của một họa sĩ
Điều gì đã kết liễu hệ thống Xô Viết hư vô?
Israel _ Hamas, trò chơi “tên lửa và lá chắn”?
Khiêm nhường và tử tế
Bitcoin gặp thêm mối đe dọa sau khi sụt giá thê thảm
Ngày Thánh Mẫu 2021 _ Marian Days
Tương lai con cháu trong giáo dục Mỹ
THẤT THẬP CỔ LAI HY
ISRAEL _ PALESTINE _ JERUSALEM
Khi ‘Vòm sắt’ gặp mưa rocket giữa lò lửa Trung Đông
Khi nền dân chủ tha hóa thành chuyên chế
30 tháng 4 _ Gọi tên cuộc chiến
Tại sao Tập Cận Bình lại thanh trừng Jack Ma?
Hoa Kỳ có còn thời gian để chống lại siêu hạn chiến của Bắc Kinh?
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười
Nepal ở Ấn Độ rơi vào khủng hoảng Covid
Khiến xã hội trở nên ‘bình đẳng’ là không công bằng

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.