Vào ngày Thứ Hai, 21-8-2017, toàn thể khu vực Bắc Mỹ sẽ nhìn thấy hiện tượng nhật thực.
Những ai ở trong khu vực nhìn thấy nhật thực toàn phần sẽ được chứng kiến một trong những cảnh tượng hùng vĩ nhất của thiên nhiên, đó là khi mặt trời hoàn toàn bị che lấp.
Khi điều này xảy ra, mặt trăng sẽ hoàn toàn che khuất mặt trời và lúc đó bầu khí quyển của mặt trời sẽ được thấy rõ ràng qua một quầng sáng, từ Lincoln Beach, tiểu bang Oregon, cho tới Charleston, tiểu bang South Carolina.
Những người ở bên ngoài quỹ đạo này sẽ nhìn thấy nhật thực bán phần, khi mặt trăng che lấp một phần mặt trời.
Ai có thể thấy được hiện tượng này?
Rất nhiều người sẽ nhìn thấy được hiện tượng này. Mọi người ở Bắc Mỹ và một số nơi ở Nam Mỹ, Phi Châu và Âu Châu sẽ được thấy ít ra là một phần của nhật thực.
Ở lục địa Mỹ, một số nơi ở 14 tiểu bang sẽ nhìn thấy nhật thực toàn phần.
Nhật thực là gì?
Hiện tượng này xảy ra khi mặt trăng đi giữa mặt trời và quả đất, che khuất toàn phần hay một phần của mặt trời trong khoảng 3 giờ đồng hồ, đối với người đứng nhìn từ một nơi cố định trên quả đất.
Hiện tượng nhật thực toàn phần chỉ kéo dài khoảng 2 phút 40 giây ở mọi vị trí quan sát. Lần sau cùng khu vực lục địa Mỹ thấy được hiện tượng toàn phần là vào năm 1979.
Xem nhật thực ở đâu?
Nhật thực bán phần có thể thấy được ở bất cứ nơi nào trên lục địa Mỹ.
Tuy nhiên, nếu muốn thấy hiện tượng toàn phần, bạn phải đứng trong khu vực rộng khoảng 70 dặm, kéo dài từ Tây sang Đông nước Mỹ.
Nơi đầu tiên thấy được hiện tượng này là ở Lincoln Beach, Oregon, vào lúc 9 giờ 05 phút sáng, giờ địa phương.
Nhật thực toàn phần diễn ra lúc 10 giờ 16 phút sáng.
Trong một tiếng rưỡi đồng hồ sau đó, hiện tượng này được thấy lại ở Idaho, Wyoming, Montana, Nebraska, Iowa, Kansas, Missouri, Illinois, Kentucky, Tennessee, Georgia, North Carolina, và South Carolina.
Nơi hiện tượng này xảy ra lâu nhất sẽ là gần thành phố Carbondale, tiểu bang Illinois, trong 2 phút 40 giây.
Các khoa học gia cho hay không nên dùng mắt thường để nhìn thẳng vào mặt trời mà phải đeo kính an toàn, ngoại trừ lúc xảy ra nhật thực toàn phần.
V.Giang
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.