Uber và Grab Taxi ở Hà Nội được thừa nhận vượt trội taxi truyền thống?
Hiểu được mong muốn và đáp ứng đúng kỳ vọng của khách hàng luôn chiếm hết nguồn lực, tâm trí doanh nhân. Không ai thích trả tiền mua sự miễn cưỡng. Chỉ số hài lòng của khách hàng luôn là thông tin quan trọng nhất quyết định tương lai một doanh nghiệp.
Thế mới có quan niệm Khách hàng là Trung tâm (Customer Oriented). Chiều lòng Khách hàng, hàng hóa của doanh nghiệp phải tốt hơn và/hoặc rẻ hơn, nếu không phải là tốt nhất và/hoặc rẻ nhất. Lý thuyết quản trị kinh doanh của các chiến lược gia hàng đầu thế giới đều thống nhất điều này.
Tiếc rằng, đó chỉ là cách làm trong một nền kinh tế thị trường (tầm thường). Kinh doanh trong nền 'kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa' siêu hình hơn.
Đến nay, Uber và Grab Taxi ở Hà Nội được thừa nhận vượt trội đối thủ vì dịch vụ hơn hẳn, thỏa mãn khách hàng trước, trong và sau hành trình.
UBER VIETNAM
Khách hàng biết trước thông tin về lái xe, không bị phân biệt đối xử dù chỉ đi một quãng đường ngắn. Với khách hàng nhỏ tuổi, cha mẹ chúng sẽ yên tâm hơn khi biết tên của lái xe, chủng loại và biển số xe.
Họ còn dễ dàng theo dõi tuyến đường, thời gian đưa đón, không bị lái xe lòng vòng mất tiền. Bạn có thể làm gì khi bị chặt chém, khi xấu hổ với khách quốc tế vì hình ảnh quốc gia kém cỏi do lái xe taxi truyền thống thiếu trung thực?
Dịch vụ của Uber cho phép khách hàng hạn chế, thậm chí loại bỏ những xe kém chất lượng bằng cách đánh giá sau mỗi chuyến đi.
Tuy nhiên, ở Việt Nam chừng đó chẳng là gì, ngôn ngữ đường phố gọi nó là "muỗi đốt inox".
Các hãng taxi truyền thống, đối thủ của họ, đang kiến nghị lên… trên, thay vì cạnh tranh bằng cách cải tiến dịch vụ, giảm chi phí.
Trong nền kinh tế thị trường, khách hàng luôn tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tẩy chay hàng hóa kém chất lượng?
Từ đầu tháng Sáu 2017, báo chí cách mạng đăng tải dồn dập bài vở, với các tựa như Bộ Giao thông vận tải 'phanh' taxi công nghệ; Đưa 'taxi công nghệ' vào diện quản lý; Dừng cấp phép thí điểm mới taxi công nghệ; Không quản được taxi công nghệ, sao quản nổi giao thông quốc gia?; Bộ Giao thông 'quản' taxi công nghệ thế nào?…
Hầu hết nội dung đề cập rất sơ sài đến lợi ích của người dân. Đại biểu quốc hội thì kiến nghị đưa Uber và Grab vào khuôn khổ vì, "đã tới ngưỡng của sự cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông", "tàng hình khó biết con số cụ thể nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn cả xe taxi truyền thống đang hoạt động". Phải chăng, không bao lâu nữa, Công nghệ sẽ giống Truyền Thống, từ việc có "mào" (biển hiệu, logo nóc xe) cho đến mức giá?
Nếu đúng vậy, đây sẽ là một kết thúc vừa hài hước, vừa không có hậu. Hài hước vì nghịch cảnh, Khách hàng bị chèn ép và lép vế. Không có hậu vì người dân chịu thiệt, ví tiền thêm teo tóp.
Trong nền kinh tế thị trường, khách hàng luôn tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tẩy chay hàng hóa kém chất lượng, giá đắt.
Nhưng trong nền 'kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa', khách hàng có vẻ thiên về tư duy hơn hành động. Họ đã được trải nghiệm, đã biết ai mang đến hàng hóa chất lượng tốt hơn và rẻ hơn, nhưng chắc sẽ không níu giữ. Họ thường nói, có thì tốt, không có cũng chẳng chết. Có phải phẩm tính kỳ diệu của người dân nơi đây là niềm lạc quan vô tận? Vì sao? Ai biết?
Có lẽ, Khách hàng ở đây dễ tính!
Nguyễn Hà Hùng
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.