Vở kịch thắng nhiều giải thưởng 'Hamilton' đã thống trị hầu hết các trải nghiệm sân khấu hàng đầu trong hai năm qua. Các buổi biểu diễn ở New York liên tục cháy vé và cuối cùng thì nó cũng đặt chân đến London. Sự tò mò buộc tôi phải đi xem. Và tôi nhận ra mình... không thích nó.
Bài học ở đây là gì? Có lẽ tôi nên kỳ vọng ít hơn. Trên thực tế, triết học Phật giáo cho rằng chìa khóa của hạnh phúc là kỳ vọng ít đi. Ý tưởng này khá thực tế trong kinh doanh. Người quản lý nào chưa từng nghe theo lời khuyên: Hứa ít thôi, hãy làm nhiều hơn?
Thế nhưng hạ thấp sự kỳ vọng có phải là điều tốt? Carol Dweck, giáo sư tâm lý học của Đại học Stanford, không nghĩ vậy.
Theo Dweck, hạnh phúc đến với những người không ngừng học hỏi và nỗ lực để cải thiện. Đừng cam phận và kỳ vọng ít hơn vào bản thân. Càng mong đợi nhiều, hạnh phúc của bạn càng lớn. Điều này cũng hoàn toàn đúng trong kinh doanh: các nhà lãnh đạo cần luôn suy nghĩ về sự tăng trưởng để thúc đẩy bộ máy của mình tiến tới.
Cả hai ý tưởng đều có ý nghĩa, hợp lý, dễ liên hệ... và hoàn toàn trái ngược. Nhiều độc giả có lẽ đồng ý với cả hai.
Sự thiếu đồng nhất đã trở thành một thứ bị xem là tội lỗi trong nhiều năm. 'Sự lật lọng' trong các vấn đề là lời cáo buộc mà tất cả các chính trị gia đều sợ hãi.
Tuy nhiên, việc có hai ý tưởng trái ngược nhau trong đầu và chọn một trong hai tuỳ từng thời điểm không có nghĩa rằng chúng ta là người dễ thay đổi. Đó là cách mà tất cả chúng ta đôi lúc đều áp dụng và việc nhận ra sự tồn tại song song này là một kỹ năng lãnh đạo quan trọng.
Trí óc nhanh nhạy
Những nhà quản lý có suy nghĩ đơn giản thường tìm kiếm sự nhất quán. Người quản lý khôn ngoan cảm thấy thoải mái với sự trái ngược này.
Các nhà quản lý giỏi nhất thường sẵn sàng chấp nhận hai quan điểm trái ngược nhau trong một vấn đề vì họ biết thế giới phức tạp ra sao. Trong kinh doanh, khả năng phản ứng với tất cả sự phức tạp và nghịch lý của thế giới là vô cùng quan trọng.
Việc hạn chế ý tưởng, quan sát hay phản hồi của bạn để phù hợp với một logic duy nhất có thể hạn chế lối ra cho các vấn đề và quan trọng hơn hết, nó không phù hợp với thực tế.
Con người và những vấn đề họ tạo ra, và sau đó cố gắng giải quyết, có thể đến với bạn một cách bất ngờ - vậy tại sao bạn phải để cho suy nghĩ hạn hẹp của chính bản thân làm cho công việc của mình khó khăn hơn?
Khi tôi huấn luyện cho các quản lý và yêu cầu họ mô tả sếp của mình, họ sẽ luôn dùng những từ như 'quản lý vi mô' hoặc "uỷ nhiệm".
Chúng ta thường thích gắn mác cho mọi người theo những cách hạn hẹp, nhưng khi làm vậy, ta bỏ lỡ một thứ quan trọng: Việc gắn mác cho người khác không chỉ dễ gây hiểu nhầm, nó còn giảm cơ hội học hỏi của chúng ta.
Cách nhiều người mà tôi huấn luyện nói về sếp của mình làm cho họ khó có thể hiểu rằng công việc quản lý đòi hỏi kỹ năng chọn ưu tiên trong các vấn đề xung đột và đối mặt với áp lực.
Một người quản lý giỏi không phải là người thường xuyên hoặc dành tất cả thời gian cho công việc giám sát.
Quản lý hiệu quả yêu cầu phải có sự chuyển đổi liên tục. Đôi lúc người quản lý cần đóng vai trò là một giáo viên dành thời gian hướng dẫn trực tiếp, nhưng đôi khi cũng cần cho người khác sự độc lập họ cần để phát triển.
Có lẽ đây là một sự thật khó chấp nhận, nhưng những sếp giỏi là những người có khả năng luồn lách giữa các nghịch lý, tuỳ hoàn cảnh thay đổi của một công việc hoặc dự án.
Họ thực sự tạo cơ hội cho các thành viên trong nhóm bằng cách phân công trách nhiệm, nhưng họ chỉ không ủy thác và quên đi. Họ chú ý không ngừng nghỉ.
Nhận thức được những mâu thuẫn thường xuyên mà bất kỳ vị sếp nào cũng phải trải qua khi nắm cả hai nhiệm vụ này sẽ giúp cho những người mà tôi huấn luyện giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả hơn nhiều so với những gì họ đã làm.
Người quản lý thông minh thường tôn trọng các nghịch lý.
Nếu điều này là khó với bạn, hãy xem xét những lời khuyên sau đây:
· Mặc dù sự nghịch lý và mâu thuẫn vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta, nhưng hai ý tưởng đối nghịch không cần phải là đều chính xác vào cùng một thời điểm. Một ý tưởng thất bại ba năm trước đây có thể là một ý tưởng đúng ngày hôm nay. Các thiết bị trợ lý điện tử trong những năm 1980 (Newton, General Magic) đã thất bại thê thảm, thế nhưng các thiết bị di động trong thế kỷ 21 giờ đây là trọng tâm công việc và đời sống của chúng ta.
· Những gì có ý nghĩa đối với tôi có thể không có ý nghĩa đối với bạn. Không có ý tưởng nào chiếm được ưu thế 100%, và điều đó cũng có nghĩa là những sự điều chỉnh trong công việc theo cách làm việc và quản lý của mỗi người là hoàn toàn tự nhiên.
· Sai lầm lớn nhất là từ chối nghịch lý và mâu thuẫn. Chỉ vì chúng ta giả vờ rằng chúng không phản ánh đúng thực tế không có nghĩa là chúng đột nhiên biến mất. Nhưng điều đó lại có nghĩa là bạn đang hiểu một cách rất hạn chế về những gì đang xảy ra, và đó không phải là một ý tưởng tốt. Lối suy nghĩ cởi mở sẽ giúp bạn xác định những rủi ro tiềm ẩn và tìm cách giảm thiểu chúng.
· Đừng đánh giá thấp khả năng của những người thường có trong đầu hai luồng ý nghĩ đối lập. Các quản lý giỏi sẽ muốn nhân viên mình nghĩ rằng cả hai ý nghĩ đó là đúng. Chúng ta tiêu tốn rất nhiều năng lượng để cố sức đạt được sự nhất quán, trong khi việc chấp nhận sự tồn tại của nghịch lý lại quan trọng hơn nhiều.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phân cực, và có lẽ thật khó để chấp nhận rằng ai đó tin vào hai quan điểm trái chiều cùng một lúc. Nhưng vẫn tồn tại những người như vậy, và đó là điều nên làm.
Sydney Finkelstein
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.