Huyền Trang đã hai lần giành danh hiệu vô địch thế giới (2005, 2008) hai lần huy chương vàng Seagames (2003) môn đá cầu
Tôi gặp Nguyễn Huyền Trang, cô gái vàng của thể thao Việt Nam với cảm tưởng của người chen hàng xấu tính.
Huyền Trang đã hai lần giành danh hiệu vô địch thế giới (2005, 2008) hai lần huy chương vàng Seagames (2003) môn đá cầu.
Trang đạt HCV Seagames 2003
Em gặp tôi chớp nhoáng giữa hai lịch hẹn của các bác sĩ. Ngay lúc đang nói chuyện với tôi, điện thoại của mẹ em cũng vang lên.
Cuộc chiến giành lại sự sống
Bà hỏi em sẽ điều trị mấy giờ để kịp vào chăm sóc con. Em bị ung thư giai đoạn bốn, cứ 21 ngày lại phải truyền thuốc. Em bây giờ bước vào cuộc chiến giành sự sống.
Việt Nam tự hào là nơi thành lập Liên đoàn Đá cầu Quốc tế năm 1999, (International Shuttlecock Federation - ISF).
Có tự điển tiếng Pháp bê nguyên xi từ tiếng Việt 'đá cầu', dạy cả uốn lưỡi phát âm ra sao trong mục giới thiệu môn thể thao dân dã đã hội nhập cuộc sống quốc tế này.
Ngay năm sau (2000), giải vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức tại Hungari (Újszász).
Trung Cộng thống trị giải này. Sau đó Việt Nam với những nhát xỉa, nhát quật rất đặc trưng trở thành đội tuyển mạnh nhất cả nam, lẫn nữ trong cả bảy giải Vô địch thế giới. Cả bảy chặng, Việt Nam đều nhất toàn đoàn. Song, Trung Cộng cũng đang len lỏi đè Việt Nam trong một số nội dung.
Đá cầu phát nguồn từ thời xa xưa, thời Tống (960-1278) bắt đầu có tên gọi jianzi (毽子 jiànzi ).
Người Trung Hoa phấn kích với môn thể thao được coi 'quốc hồn', song hay buồn, đến bây giờ vẫn lép trước các đối thủ Việt Nam.
Huyền Trang là đấu thủ Việt Nam đầu tiên liên tiếp làm cho đoàn thể thao Trung Cộng buồn hai lần ngay trên sân nhà tại Quảng Châu.
Theo thời gian, đá cầu được đưa vào là môn thể thao thi đấu của Đại hội thể theo các nước Đông Nam Á năm 2003 và Huyền Trang khẳng định thêm tài năng bằng hai huy chương vàng.
Đá cầu được lan giống sang Châu Âu ngay với từ hạt mầm của đội đá cầu Hà Nội.
Bạn của Huyền Trang, xa nước, lấy chồng xứ người mang đam mê ấy sang nước Áo.
Dù tài năng có một chút kém cạnh hay không lọt mắt xanh của huấn luyện viên ở Việt Nam như Huyền Trang, nhưng Phạm Cẩm Tú vẫn có chân trong đội tuyển quốc gia Cộng Hoà Áo.
Một lần thi đấu tại giải Hungarian Open, cô gái Việt vẫn lên nhận Huy chương đồng với một chân bó bột.
Năm 2015, em cũng trở về Việt Nam thi đấu dưới mầu cờ trắng-đỏ của Áo trong giải vô địch thế giới.
"Xúc động và khó tả cảm xúc anh ạ. Xem đội mình thi đấu em hò hét đến mất giọng."
Phạm Cẩm Tú giữa các bạn trong đội tuyển Cộng hòa Áo
'Đội mình' từ em nói vẫn là đội Việt Nam, mặc dù chiếc áo em mặc ra sân mang huy hiệu con đại bàng, đất nước của Mozart.
Nhưng Phạm Cẩm Tú đã không gặp lại Huyền Trang.
Trang đã mắc bệnh và không thể đi nổi, dù chỉ ngồi trên khán đài nhìn lại người bạn ngày nào trong đội tuyển Hà Nội. Bạo bệnh đã quật ngã em. Ung thư chạy vào cột sống làm 'cô gái vàng' liệt nửa người.
Vô địch thế giới không phải ai cũng có. Một chút an ủi cho Việt Nam hay là lời động viên từ trên trời rơi xuống cho một vùng trũng về thể thao như Việt Nam? Hơn nữa, chiến thắng trước một nền thể thao khổng lồ đang lấn sân toàn cầu.
Những kinh nghiệm và tài năng của Huyền Trang có hữu dụng để truyền những ước mơ xanh của những thế hệ non hôm nay một lần hẹn khao khát được bước lên thứ bậc của sân chơi quốc tế?
Cần và nên. Đương nhiên rồi.
Người bác sĩ "lương y như từ mẫu" muốn thêm những đồng 200 nghìn thứ hai, thứ ba ... với những lần lần khám tiếp theo Phạm Cao Phong nghe kể lại
Tôi tự hỏi, do đâu những cô gái như Trang hay Tú làm nên những chiến thắng như thế. Trong các quốc gia phát triển, thể thao gắn liền với các tiến bộ của khoa học và công nghệ. Những ngôi sao thể thao đều là niềm tự hào của đất nước.
Chắc ít ai biết Tổng thống Argentina tên là gì, nhưng nhiều người biết Lionel Messi, cũng như 'vua' Pele của Brazil.
Buồn và cay đắng
Trang đang được bố chăm sóc
Đó cũng là điều buồn nhất và cay đắng nhất tôi muốn nhắc ở đây.
Khi thấy mình có biểu hiện không bình thường, Huyền Trang đã tự tìm đến khám tại bệnh viện K- Bệnh viện đầu ngành của Y tế Việt Nam chuyên về ung thư.
Em kẹp tờ 200 nghìn trong sổ khám bệnh để 'ăn gian' khỏi phải xếp hàng.
"Chuyệt vặt, đâu có phải ung thư." Người bác sĩ khám cho em ráo hoảnh và vô trách nhiệm. Có thể anh ta cũng chẳng biết chuyên môn?
Niềm tin đặt vào hư vô làm em phải trả giá. Những chạy chữa trượt mục tiêu chẳng giúp gì cho 'cô bé vàng'.
Người bác sĩ "lương y như từ mẫu" muốn thêm những đồng 200 nghìn thứ hai, thứ ba ... với những lần lần khám tiếp theo? Ai ăn gian được ai?
Một căn bệnh thường gặp như chuyện 'bình thường ở huyện', ở đâu cũng nhiều lời khuyên và hướng dẫn.
Phát hiện kịp thời, điều trị đúng, kết quả lành bệnh lên tới 100%, miễn là phải ích kỷ với mình, điều tra cơ thể tận tình.
Một bức ảnh phong cảnh Việt Nam được các nghệ sỹ hảo tâm bán đấu giá để giúp Huyền Trang chữa bệnh
Sau đó, tất cả đều quá muộn, Trang phải phẫu thuật khối u và xạ trị. Việt Nam mất một tài năng, còn Huyền Trang từng ngày giành cho mình sự sống, con đường thể thao của em cũng vĩnh viễn khép lại.
Con số quá trẻ của cuộc đời Huyền Trang pha những những mảng mầu đối kháng với đôi mắt rất sáng, hiền lành.
Tôi không nhận thấy sự giận hờn hay cay đắng qua giọng kể của em về những thăng trầm. Huyền Trang nói tốt về người chồng bỏ em mấy năm trước, anh ấy đã nhận cả hai đứa con chung về nuôi, chăm sóc.
Lẽ ra theo quyết định của toà, em phải chăm giữ một bé.
Em kể về những kỷ niệm với bạn bè trong đội tuyển với giọng dịu dàng.
Những người bạn trong thể thao, trong cuộc sống thỉnh thoảng vẫn tổ chức những hoạt động để giúp em có thêm tiền chạy chữa căn bệnh quái ác.
Gánh nặng tài chính cứ đều đều với nhịp điệu như con số của các loạt đại bác nổ chào đón khách quý, gia đình lại phải chạy vạy chồng đủ 10 triệu để cho con truyền thuốc.
Quý mấy mà tháng nào cũng đến thì thành gã thường trực gác cổng chung cư, coi xe máy mất rồi. Mỗi lần truyền xong em mệt mất mấy ngày mới hoàn hồn.
Ngôi nhà dưới bao năm sinh sống cũng phải sắm cho nó cái nón mê tiễn đi.
Em nói, hy vọng 3, 4 năm nữa nước Nga sẽ tìm ra thuốc chữa cho bệnh ung thư của em.
- Em còn nợ anh một trận đá cầu, Trang nhé.
Một người bạn tôi, người đã cùng bạn bè đứng ra tổ chức đấu giá những bức tranh đẹp đến lung linh thiên nhiên Việt Nam do các anh khổ công chụp được để giúp em trang trải viện phí nhắn em thế.
- Bây giờ em chịu rồi anh ạ. Em nhận thua.
Câu trả lời day dứt. Tôi xếp những bức ảnh đẹp đẽ này bên cạnh bức ảnh chụp vội Huyền Trang để cảm giác đắng cay xóa đi một phần, như một an ủi vẫn còn những người tử tế.
Ở tuổi đời còn rất trẻ, em giữ gì trên lòng bàn tay lúc này? Tình thương, bạn bè, tôi nghĩ vậy... Tên tuổi của những người tốt rất dài. Như những cơn gió mát bất chợt giải cái nóng khủng khiếp, thuờng trực của mùa hè nhiệt đới.
Lỗi cũng tại em sinh ra không gặp thời. Em đến với thể thao khi nước nhà chưa nghĩ đến "hậu" của những ngôi sao, hết chơi là hết, không kể chữ 'tàn' đến do đâu.
Quan chức hành xử theo nhiệm kỳ, chẳng trách được.
Tôi hỏi :
- Em có cay cú trong thể thao không?
- Có chứ anh. Em nghĩ, đó cũng là động lực vươn lên để chiến thắng.
- Còn cuộc đời, em có cay cú với nó không?
- Không anh, em chỉ nghĩ là em không gặp may.
Một lần đi qua con phố nhỏ ở Hà Nội tôi thấy một tấm bảng viết khá khôi hài "Người mù, tẩm quất thật" mà không còn cười nổi. Hình ảnh Huyền Trang và số phận đau đớn vẫn còn hiển hiện quá.
Nếu người bác sĩ của bệnh viện K bề thế ngày ấy khám thật cho em như người mù trong con hẻm nhỏ của Hà Nội thì tốt biết bao.
Phạm Cao Phong
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.