Đơn kiện nói trên là của công ty dịch vụ bất động sản SPG Center LLC.
Một bài viết hôm 22/5 trên báo Tuổi Trẻ đã dẫn lời bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Vingroup kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách pháp chế Công ty VinFast, rằng: "Những vụ kiện tụng tại Mỹ là rất phổ biến để giải quyết các vấn đề bất đồng trong hoạt động kinh doanh.
“Chúng tôi hoạt động tại Mỹ nên cũng đã dần quen với văn hóa kiện tụng phổ biến tại đây, bao gồm cả khả năng khởi kiện chủ động nếu quyền lợi hợp pháp của VinFast bị xâm phạm.”
Do báo chí trong nước chỉ đăng thông điệp của VinFast mà không đăng thông tin về vụ kiện nói trên nên công chúng khó có thể hình dung ra được bức tranh toàn cảnh.
Thông tin về vụ kiện như sau:
Trong đơn kiện gửi tới Tòa Thượng thẩm California thuộc Quận Santa Clara vào ngày 14/5, SPG Center cho biết VinFast đã thuê mặt bằng tại một trung tâm thương mại ở Palo Alto từ cuối tháng 3/2023, nhưng đã ngừng thanh toán khoảng một năm – từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024.
Tới nay, tổng số tiền nợ đã lên đến gần 356.000 USD (khoảng hơn 9 tỷ VND), tương đương với 12 tháng tiền thuê.
VinFast đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.
Doanh nghiệp này cho biết đã thanh toán tiền thuê theo tháng cho đến hết tháng 3/2024 và chỉ chưa trả tiền thuê từ tháng 4/2024 do đang đàm phán sửa đổi hợp đồng cho thuê với chủ sở hữu.
Trong đơn kiện, SPG Center cho biết đã gửi thông báo yêu cầu VinFast thanh toán tiền thuê hoặc trả mặt bằng vào ngày 26/4, nhưng VinFast đã không tuân thủ các yêu cầu của thông báo trước hạn chót vào 1/5.
Bên cạnh vụ kiện của SPG Center LLC, VinFast còn bị ArcelorMittal - một công ty chuyên về thép – khiếu nại với Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) và kiện ra tòa.
Vào tháng Tư, ArcelorMittal đã nộp đơn lên Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) và đồng thời kiện VinFast tại Tòa án Quận ở California (Mỹ), cáo buộc VinFast vi phạm bằng sáng chế của ArcelorMittal trên xe VF8.
Trong đơn kiện, ArcelorMittal cáo buộc VinFast dù đã nhận được thư của ArcelorMittal liên quan đến bằng độc quyền sáng chế về thép vào ngày 25/11/2022 nhưng VinFast đã không mua giấy phép.
"VinFast đã vi phạm bản quyền," đơn kiện nêu rõ.
Vào ngày thứ Hai 20/5, ITC cho biết đang mở cuộc điều tra về vấn đề này.
Theo bài viết nói trên của báo Tuổi Trẻ, bà Lâm đã xác nhận đúng là có thông ITC đang điều tra.
Tuy nhiên, bà giải thích rằng đây là vấn đề giữa ArcelorMittal với nhà cung cấp của VinFast.
Bà Lâm giải thích VinFast mua cấu kiện sử dụng thép mạ nhôm từ một nhà cung cấp uy tín. Đây cũng chính là loại thép ArcelorMittal cho rằng họ nắm giữ bằng sáng chế.
VinFast đã bắt đầu giao mẫu xe SUV VF8 tại California vào năm 2023. Công ty đã viết trong một email rằng họ mua "các cấu kiện thép phủ nhôm từ một nhà cung cấp uy tín. Nhà cung cấp này đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba nào."
VinFast cũng nói thêm rằng nhà sản xuất này đã cam kết bồi thường bất kỳ thiệt hại nào phát sinh từ cáo buộc vi phạm bằng sáng chế nói trên.
VinFast không tiết lộ thông tin về “nhà cung cấp uy tín”.
Trước lo ngại các khiếu nại pháp lý vừa qua có thể ảnh hưởng đến hoạt động của VinFast tại Mỹ, bà Lâm cho rằng công ty hoàn toàn không lo lắng về viễn cảnh này.
Một số rắc rối khác
Vụ việc một chiếc xe VF8 gặp tai nạn ở Mỹ gây ra cái chết của bốn người mới đây có thể sẽ khiến VinFast đối mặt với một rắc rối nữa ảnh hưởng tới tài chính và thương hiệu.
Các nhà điều tra về an toàn ô tô của Mỹ cho biết họ đang tiến hành điều tra vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tháng 4/2024 tại thành phố Pleasanton (bang California).
Theo một bản tin ngày 20/5 của Reuters, Cục An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTFA) đã mở cuộc điều tra về hoàn cảnh của vụ tai nạn cũng như vụ cháy xe sau đó.
Cục này nhận được khiếu nại vào ngày 29/4, trong đó cho rằng hệ thống lái có thể là nguyên nhân của vụ tai nạn khiến một cặp vợ chồng cùng hai người con tử vong.
Bên cạnh đó, VinFast cũng đang đối mặt với các vụ kiện khác tại Mỹ, với cáo buộc cung cấp thông tin sai sự thật, bỏ qua các thông tin quan trọng trong các hồ sơ của mình, dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư.
Vào ngày 12/4, Công ty Luật Pomerantz thông báo rằng một đơn kiện tập thể (class action) đối với VinFast đã được nộp tại Tòa án quận thuộc khu vực Quận Đông, New York.
Đơn kiện cho biết hồ sơ mà VinFast công bố trong quá trình sáp nhập với một công ty Mỹ để lên sàn chứng khoán Nasdaq đã được chuẩn bị “cẩu thả”, chứa các thông tin không đúng sự thật hoặc bỏ qua các thông tin quan trọng. Điều này đã dẫn tới các thông tin được cung cấp là sai hoặc gây hiểu nhầm.
Cùng lúc, Công ty luật Robbins - tên đầy đủ là Robbins Geller Rudman & Dowd LLP, có trụ sở tại thành phố San Diego, bang California của Mỹ - cũng đang phụ trách một vụ kiện tập thể đối với VinFast.
Liên quan đến vụ kiện tập thể mà công ty luật Robbins đang phụ trách, VinFast gọi đây là những cáo buộc “vô căn cứ” trong tuyên bố gửi đến BBC News Tiếng Việt.
Tình hình khó khăn
VinFast hiện đang kỳ vọng vào mẫu xe điện nhỏ gọn VF3. Mẫu xe này đã được ra mắt hồi tháng 7/2023 nhưng phải tới ngày 8/5 vừa qua thì công ty mới công bố giá bán: 235 triệu đồng không kèm pin và 315 triệu đồng bao gồm pin. Mức giá này áp dụng cho một giai đoạn nhất định.
Thiết kế nhỏ gọn, xinh xắn cùng mức giá được coi là thấp khiến VF3 gây chú ý. VinFast công bố đã có 27.649 đơn đăng ký mua xe VF 3 chỉ sau 66 giờ mở nhận đặt cọc sớm và theo báo chí trong nước thì đây là "kỷ lục chưa từng có trên thị trường ô tô".
Tuy nhiên, bản thương mại của mẫu xe này chỉ đến tay khách hàng từ tháng 8/2024, nên vẫn chưa biết thực sự triển vọng của mẫu xe này như thế nào.
Thông tin về mẫu xe mới được công bố giữa bối cảnh kinh doanh u ám.
Tháng 4/2024, VinFast đã công bố báo cáo chưa qua kiểm toán về tình hình kinh doanh trong quý 1/2024.
Theo đó, công ty lỗ ròng 618,3 triệu USD, mức lỗ này tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 12,3% so với quý 4 năm 2023.
Trong một bài viết mới đây, hãng tin Reuters cho biết VinFast đã lỗ tổng cộng 5,7 tỷ USD trong ba năm qua và tình trạng này làm gia tăng áp lực lên VinGroup, khiến các nhà đầu tư vào Vingroup lo ngại.
Cuối tháng 3/2024, VinFast đã có màn chào sân Thái Lan tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok 2024.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến của người Thái Lan về VinFast không được tích cực, đa phần dẫn lại các đánh giá từ Mỹ, cùng các nhận xét cho rằng thiết kế, độ hoàn thiện sản phẩm chưa được ấn tượng.
Báo The Standard của Thái Lan mô tả màn ra mắt của VinFast tại triển lãm ô tô vừa qua là “thiếu chuyên nghiệp”.
Theo tờ báo này, tại sự kiện ra mắt, trong khi giới truyền thông chờ đợi thông điệp chính thức của lãnh đạo công ty, thì VinFast chủ yếu sử dụng hình thức nói chuyện bên lề, kiểu: “Chúng ta tới đây để làm quen.”
Cũng theo The Standard, khi chụp hình giới thiệu đại lý đối tác, có nhiều người không phải đại lý cũng đứng vào như thể mình là nhà phân phối, tạo nên hình ảnh dễ gây hiểu nhầm. Thêm vào đó, có một số đại lý đang phân phối cho hãng ô tô khác cũng có mặt, điều đó có thể dẫn tới các rắc rối khác.
Tờ báo này cũng đánh giá xe có độ hoàn thiện chưa cao, chưa khẳng định được chất lượng, thiết kế không đặc sắc, nhưng giá không hề rẻ.
Những điều trên sẽ khiến VinFast khó tạo dựng được chỗ đứng tại Thái Lan, tờ báo kết luận.
Sau thời điểm cả ITC và NHTFA công bố tiến hành điều tra các vụ kiện liên quan tới VinFast, cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq của Mỹ thời điểm đóng cửa ngày giao dịch 22/5 nằm ở mức 4,67 USD, giảm 9,14% so với giá mở cửa.
Báo Mỹ và VN nói gì về xe VinFast
Kevin Williams, tác giả bài viết "VinFast VF8 đơn giản là chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ" chia sẻ về sự khác biệt mà ông nhận thấy trong cách làm truyền thông (PR) của tập đoàn VinFast.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.