Ông Ng bị suy thận nặng. Trong một cuộc phỏng vấn, ông chia sẻ rằng thận của ông chỉ hoạt động ở mức 10% và ông phải chạy thận hàng ngày. Do đó, ông phải hạn chế hoạt động rất nhiều và hiếm khi ra ngoài.
Kể từ khi xảy ra đại dịch, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc nhiễm COVID-19 đã làm tăng nguy cơ suy thận cấp. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong sau khi hồi phục bệnh COVID-19 cao hơn. Điều đó khiến việc chăm sóc thận càng trở nên quan trọng hơn trong thời kỳ đại dịch.
Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 7 người Mỹ thì có 1 người mắc bệnh thận mạn tính. Hiện nay, gần 810,000 người Mỹ đang sống chung với bệnh suy thận và nhiều bệnh nhân cần phải chạy thận.
Tại sao cần phải chạy thận?
Chạy thận nhân tạo còn được gọi là lọc máu. Trong một cơ thể khỏe mạnh, hệ thống bài tiết – thận sẽ nhận máu để thải bỏ các chất chuyển hóa dư thừa hoặc độc hại ra khỏi cơ thể, đồng thời tái hấp thu và đưa trở về máu những chất còn sử dụng. Hệ thống tiết mồ hôi cũng có chức năng tương tự là thải các chất độc hại hoặc không thể sử dụng ra khỏi cơ thể thông qua mồ hôi.
Nếu chất thải chuyển hóa trong máu không đi qua thận và không thể được thải qua nước tiểu từ bàng quang thì rất nhiều chất có hại sẽ tích tụ trong cơ thể. Khi tích tụ quá nhiều, các chất độc hại sẽ gây ra đủ loại bệnh tật, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này sẽ được xem là suy thận. Tây y điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo để giúp cơ thể đào thải các chất độc hại tích tụ ra ngoài.
Tại sao số người cần chạy thận ngày càng nhiều? Ngoài đại dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân thì một số chất khác nhau mà chúng ta ăn, uống và thở cũng có thể là nguyên nhân. Đặc biệt, cách ăn uống và môi trường sống hiện đại chứa đầy các loại hóa chất và ô nhiễm nên mỗi người cần chú ý đến tình trạng thể chất của mình để tránh phải chạy thận.
Tự kiểm tra chức năng thận
Ngày nay, tất cả các bệnh về chức năng thận kém và suy thận đều được chẩn đoán nhờ sự trợ giúp của thiết bị. Tuy nhiên, chúng ta nên biết cách tự kiểm tra trước khi cần đến thiết bị.
Làm thế nào để tự kiểm tra chức năng thận? Cách thực hiện khá đơn giản. Ví dụ:
Có cảm giác như bụng chứa nhiều nước sau khi uống nước hoặc ăn súp nhưng không thể đào thải nhanh chóng.
Đi tiểu ít thường xuyên hơn nhưng rất lâu sau mà vẫn không cảm thấy bàng quang đầy.
Cơ thể và đôi chân có cảm thấy nặng nề khi đi lại
Trung y gọi các trường hợp ở trên là “thủy thấp nặng,” nghĩa là chức năng thận có dấu hiệu bất thường. Cảm giác bản năng về bản thân là chính xác nhất; lúc này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt.
Hãy xem xét cơ thể của bạn thật kỹ lưỡng, chẳng hạn như thói quen đi tiểu hoặc tần suất đổ mồ hôi có giảm hay không. Bạn có cảm nhận được mùi amoniac trên cơ thể, tương tự như mùi nước tiểu không? Trung y chẩn đoán bệnh thận qua màu da. Nên nhìn kỹ vào khuôn mặt, màu sắc của môi và lưỡi, nếu có màu sẫm hoặc nhợt nhạt thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh suy thận.
Đẩy nhanh quá trình phục hồi sau bệnh thận
Nếu chức năng thận bị ảnh hưởng bởi bất kỳ triệu chứng nào nêu trên và được phát hiện là bất thường, nên áp dụng một số phương thức dưới đây.
1_ Tránh uống quá nhiều nước
Điều này có vẻ ngược với lẽ thường; tuy nhiên uống quá nhiều nước sẽ làm tăng lượng máu cho thận để tạo ra nước tiểu, khiến thận quá tải. Vì vậy, hãy bảo đảm uống đủ nước nhưng đừng làm theo câu nói “uống nhiều nước hơn” của người hiện đại.
2_ Ăn ít muối hơn nhưng đừng cắt giảm hoàn toàn
Ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng quá mức khối lượng công việc của thận, có thể gây suy thận. Tuy nhiên, việc đi sang cực đoan và không ăn muối sẽ làm thay đổi áp suất thẩm thấu của máu. Khi đó, thận sẽ phải loại bỏ lượng nước dư thừa để duy trì sự cân bằng. Điều này cũng sẽ gây gánh nặng quá mức cho thận và có thể khiến thận bị suy.
Nên giảm lượng muối ăn vào trong một số trường hợp. Cổ y văn có câu nói rằng người bị phù thũng nên “trăm ngày kiêng muối và nước tương”, nếu chức năng lợi tiểu của thận không tốt thì đương nhiên phải tuân theo.
3_ Bổ tỳ bằng liệu pháp điều trị của Trung y
Trung y thường cho rằng bệnh thận là do tỳ suy, dẫn đến tỳ thổ không ức chế được thận thủy. Quá nhiều nước trong thận sẽ dẫn đến phù nề. Vì vậy, liệu pháp điều trị của Trung y chủ trương bắt đầu bằng việc bổ tỳ để thải nước dư thừa ở thận.
Có nhiều bài thuốc khác nhau để bổ tỳ, chẳng hạn như Tứ quân tử thang (bốn sự kết hợp), Thăng dương ích vị thang (kết hợp giữa Hoàng kỳ và Bán hạ), Quy tỳ thang (phục hồi tỳ), và những bài thuốc có sẵn dùng để bổ tỳ và thận thủy như Tứ thần thang. Những nguyên liệu này đều có vị ngọt và có thể chế biến thành một món ăn chữa bệnh.
Những bài thuốc Trung y được đề cập trong bài viết này có vẻ không quen thuộc nhưng thường có bán ở các tiệm bán thuốc Trung Hoa. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn hoặc bác sĩ Trung y trước khi sử dụng các bài thuốc này.
Trung y điều trị bệnh thận như thế nào?
Tây y hiện đại chú trọng hơn đến thuyết vật chất. Điều chủ yếu mà các bác sĩ làm là tìm ra mầm bệnh như vi khuẩn/virus nào sẽ gây ra bệnh gì, hoặc thiếu/thừa khoáng chất và vitamin nào có thể gây ra bệnh.
Tuy nhiên, công cụ đắc lực của Trung y là phân biệt và điều trị hội chứng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân gây bệnh được chia thành “tam nguyên” bao gồm bên ngoài, bên trong, và không phải bên trong cũng như không phải bên ngoài. Nguyên nhân bên ngoài là do thời tiết, bao gồm lục khí như gió (phong), lửa (hỏa), nóng (nhiệt), ẩm (thấp), khô (táo) và lạnh (hàn). Nguyên nhân bên trong là do cảm xúc, bao gồm thất tình như vui, giận, lo âu, suy nghĩ quá nhiều, đau buồn, sợ hãi và hoảng sợ. Loại cuối cùng là những nguyên nhân khác, không phải do thời tiết và cũng không phải do cảm xúc.
Cấu tạo con người cũng có những đặc điểm của lục khí và thất tình. Một số vi trùng và virus có khả năng lây nhiễm sang người có thể trạng phù hợp. Những người có những đặc điểm cảm xúc nhất định cũng dễ chịu ảnh hưởng bởi những điều kiện thời tiết cụ thể.
Trung y cố gắng tìm và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các triệu chứng
Những người có thể trạng thấp (ẩm), có xu hướng lo âu, suy nghĩ quá mức hoặc sợ hãi, hoảng sợ sẽ dễ mắc bệnh thận. Cách tốt nhất mà Trung y giúp người bệnh là dựa trên thể trạng cụ thể của họ và bắt đầu trị bệnh từ đây. Đây là cách “tìm điều thiện, tránh điều ác.”
Do “thể thủy thấp nặng” có thể liên quan đến bệnh thận, nên Trung y trước tiên sẽ nhắm vào tỳ thay vì thận. Bổ tỳ có thể giúp giảm thủy thấp, cuối cùng sẽ giúp cải thiện chức năng thận.
Bệnh nhân mắc bệnh thận có thể tìm thấy hy vọng ở Trung y
Nếu Tây y đã quyết định người bệnh cần phải chạy thận thì khi chuyển sang Trung y có phải là quá muộn? Nhiều bác sĩ Tây y dựa vào dữ liệu để chẩn đoán. Khi dữ liệu nói rằng người nào đó bị bệnh, thì có nghĩa là người đó bị bệnh, và không cần thảo luận về kết quả.
Trung y cho rằng các triệu chứng bệnh có liên quan đến các cơ quan cụ thể trong cơ thể. Các triệu chứng có liên quan đến các tạng phủ và kinh mạch nào? Có thiếu hay thừa lạnh hay nóng không? Khí nào trong lúc khí có liên quan? Thất tình nào bị ảnh hưởng? Trung y xem tất cả những điều này là triệu chứng thực sự của bệnh. Chỉ khi xác định được nguyên nhân gốc rễ thì mới có thể chữa khỏi bệnh.
Tây y chẩn đoán suy thận thông qua các con số và cố gắng để cải thiện các con số. Điều này hoàn toàn khác với Trung y. Trung y sử dụng phương pháp “phân biệt và điều trị hội chứng,” nghĩa là việc điều trị nhắm vào hội chứng. Ví dụ nếu do thể trạng hàn thì Trung y sẽ cố gắng làm tăng nội nhiệt; nếu do thấp thì Trung y sẽ trừ thấp; tạng phủ nào bị thiếu hụt thì Trung y sẽ bồi bổ cho tạng phủ đó. Khi tình trạng đã được cải thiện thì có liệu cần chạy thận nữa không?
Hồ Nãi Văn _ Khánh Nam
***
Chính sách mới của chính phủ Trump _ ‘Lọc máu tại nhà’
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.