Theo tin tức của Wall Street Journal, các nhà ngoại giao và quan chức cho biết, khi mối quan hệ giữa ông Putin và ông Kim Jong-un ngày càng thân thiết hơn, nhà lãnh đạo ĐCS_TC, ông Tập Cận Bình, cảm thấy ngày càng bất an. Ông Putin và ông Kim Jong-un là hai đối tác quốc tế quan trọng nhất, nhưng cũng là hai đối tác bất ổn nhất của nhà lãnh đạo ĐCS_TC.
Trong thực tế, trước chuyến thăm Hoa lục của ông Putin vào tuần trước, ĐCS_TC lo lắng rằng ông Putin có thể trực tiếp đến thăm Bắc Hàn sau khi rời khỏi Hoa lục. Các nhà ngoại giao và quan chức nói với tờ Wall Street Journal rằng nếu ông Putin làm như vậy, có thể làm tăng lo ngại của phương Tây về “trục chuyên chế ba bên,” dẫn đến việc Bắc Kinh sẽ bị cô lập hơn trong ngoại giao quốc tế.
Hiện nay, ĐCS_TC bị chỉ trích vì âm thầm viện trợ cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, và không tham gia vào các chế tài của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn. Hoa Kỳ và châu Âu là thị trường quan trọng của Trung cộng. Sự căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ-Trung hoặc Âu-Trung chỉ khiến doanh nghiệp Trung cộng chịu thiệt hại, và làm suy yếu hơn nữa nền kinh tế Trung cộng.
Tin tức trích dẫn từ lời của ông Tôn Vận (Sun Yun), Giám đốc Dự án Trung cộng thuộc Trung tâm Stimson ở Hoa Thịnh Đốn, cho biết Bắc Kinh đang cố gắng tránh tạo ra ấn tượng rằng Trung cộng, Nga, và Bắc Hàn đang hợp tác ba bên, với mục đích tránh bị ràng buộc bởi hai đối tác không ổn định này.
Mặc dù việc ông Putin không đi thẳng đến thăm Bắc Hàn sau chuyến thăm Hoa lục khiến chính quyền ĐCS_TC nhẹ nhõm tạm thời, nhưng điều này không có nghĩa là ông Putin không có kế hoạch đến thăm Bắc Hàn.
Hôm 18/05, phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói với TASS, cơ quan thông tấn quốc gia của Nga, rằng việc sắp xếp cho ông Putin đến thăm Bắc Hàn đang diễn ra thuận lợi.
Ông Peskov nói rằng “Việc chuẩn bị cho chuyến thăm đang được tiến hành,” nhưng không công bố thời gian cụ thể của chuyến thăm.
Từ lúc ông Kim Jong-un tìm cách giảm sự phụ thuộc của Bắc Hàn vào ĐCS_TC, mối quan hệ ngoại giao giữa Trung cộng, Nga, và Bắc Hàn trở nên phức tạp hơn. Bước đi lớn nhất của ông Kim Jong-un là công khai ủng hộ cuộc chiến của Nga, và cung cấp vũ khí, nhằm bày tỏ thiện chí với ông Putin.
Các nhân sĩ nội bộ nói với Wall Street Journal rằng Nga và Bắc Hàn chưa từng tiết lộ cho ĐCS_TC về những gì mà ông Putin và ông Kim Jong-un thảo luận tại cuộc họp cấp cao hiếm hoi của họ vào mùa thu năm ngoái. Điều này khiến các nhà ngoại giao ĐCS_TC phải dò hỏi các đồng nghiệp phương Tây về những thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo này.
Những nhà ngoại giao này nói rằng chính quyền ĐCS_TC lo ngại việc Nga có thể giúp Bắc Hàn tăng cường năng lực hạt nhân.
Ông Chee Meng Tan, trợ lý giáo sư và là chuyên gia chính sách Trung cộng thuộc trường Đại học Nottingham, Malaysia, trong một bài viết trên The Conversation, nói rằng ĐCS_TC thực sự lo lắng, nếu Bắc Hàn trở thành một quốc gia hoàn thiện vũ khí hạt nhân, thì họ có thể sẽ sử dụng trên lãnh thổ Hoa lục.
Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thực tế không phải là không thể xảy ra. Ông Chee Meng nói rằng Triều Tiên đã từng là một nước phụ thuộc của Trung cộng. Do đó, khi ĐCS_TC can thiệp vào quá trình chiến tranh của Triều Tiên, thậm chí thiết lập mối quan hệ bình thường với địch thủ chính của Bắc Hàn, thì những hành động đó không chỉ khiến Bắc Hàn phẫn nộ, mà còn chạm vào vết thương lịch sử từng là nước phụ thuộc của quốc gia này.
Ông Chee Meng nói, nếu Bắc Kinh muốn duy trì tầm quan trọng của mình với Bắc Hàn, thì bằng mọi giá, họ phải chống lại sự ảnh hưởng của các nước không phải Trung cộng xung quanh Bình Nhưỡng. Để làm được điều này, ĐCS_TC đã thực hiện một chiến lược song song. Đầu tiên, vào tháng trước, ĐCS_TC cử ông Triệu Lạc Tế (Zhao Yue Ji), Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung cộng, đến thăm Bắc Hàn, và cam kết ủng hộ ông Kim Jong-un. Thứ hai, ĐCS_TC cung cấp vũ khí và công nghệ cho Nga, nhằm giảm sự phụ thuộc của Nga vào vũ khí của Bắc Hàn.
Đối mặt với cáo buộc từ Hoa Kỳ và châu Âu, Trung cộng luôn phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga.
Cuộc chiến ở Ukraine đã làm cho Nga và Bắc Hàn ngày càng gắn bó hơn. Ông Putin tìm cách để có được vũ khí từ Bắc Hàn, trong khi Bắc Hàn cần sự trợ giúp hạt nhân từ Nga. Theo báo Hoa Nhật cho biết, các nhà phân tích theo dõi mối quan hệ giữa Nga và Bắc Hàn tin rằng, ông Kim Jong-un sẽ phải có những hành động cẩn thận. Bởi vì nếu bán đảo Triều Tiên bùng nổ chiến tranh toàn diện, ông Kim phải dự trữ vũ khí để bảo vệ quốc gia của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho biết, ông Kim Jong-un cũng muốn ông Putin đứng về phía mình, như một nguồn tài nguyên có thể cải thiện chương trình hỏa tiễn và hạt nhân.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.