Hôm thứ Sáu (10/05), khi đưa ra những nhận xét tại hai sự kiện khác nhau, các Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas và Samuel Alito đã cảnh báo về thực trạng chung của nước Mỹ hiện nay, khi sự ủng hộ đối với quyền tự do ngôn luận “đang suy yếu một cách nguy hiểm” và thủ đô của quốc gia đang trở thành một nơi “gớm ghiếc” tràn ngập văn hóa xóa sổ.
Thẩm phán Thomas đã nói chuyện tại một hội nghị của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 11 tại Point Clear, Alabama, trong khi Thẩm phán Alito đọc diễn văn tốt nghiệp tại Đại học Franciscan ở Steubenville, một trường đại học Công Giáo ở Ohio. Hai vị thẩm phán có tư tưởng bảo tồn truyền thống này đã nhận xét về một viễn cảnh tăm tối mặc dù vẫn khuyến khích hành động và mang lại hy vọng.
Tại sự kiện ở Alabama, người chủ trì sự kiện, Thẩm phán Địa hạt liên bang Kathryn Kimball Mizelle đã mời Thẩm phán Thomas đưa ra bình luận về cảm giác làm việc “trong một thế giới xem chừng hiểm ác.”
“Tôi cho rằng việc này khá là trắc trở,” Thẩm phán Thomas cho biết. “Trong vòng hai hoặc ba năm vừa qua, chúng tôi, cả hai vợ chồng tôi đã ở trong một thế giới hiểm ác và tràn ngập dối trá. Thật khó tin.”
Thẩm phán Thomas đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích nặng nề từ các thành viên Đảng Dân Chủ, những người đã cáo buộc ông né tránh các quy định về tiết lộ thông tin, có hành vi tham nhũng nói chung, và quá nhẹ tay với các thành viên Đảng Cộng Hòa giàu có. Họ vẫn chưa thể chỉ ra bất cứ vụ kiện nào mà vị thẩm phán này xét xử sai. Thậm chí một số nhà hoạt động còn ủng hộ việc đàn hặc Thẩm phán Thomas.
Ngược lại, năm ngoái có hơn 100 cựu lục sự của Tối cao Pháp viện đã ký vào một bức thư ngỏ bào chữa cho sự liêm khiết của Thẩm phán Thomas, và gọi ông là người có “nguyên tắc vững vàng” và chủ kiến “kiên định.” Họ gọi những cáo buộc chỉ trích nhằm vào ông là “độc địa” và “duy trì giả thuyết xấu xa rằng Thẩm phán không thể tự mình suy xét.”
“Đó là một phần trong một nỗ lực công kích lớn hơn nhắm vào Tối cao Pháp viện và tính hợp pháp của Tối cao Pháp viện,” bức thư nêu rõ. “Bức tranh mà họ thêu dệt về Tối cao Pháp viện và người mà chúng tôi đã làm việc cùng là không có chút nào giống với thực tế.”
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy niềm tin của công chúng vào Tối cao Pháp viện gần đây đã giảm xuống một cấp độ mới.
Bàn về những lời chỉ trích, Thẩm phán Thomas nói tại hội nghị ở Alabama rằng Hoa Thịnh Đốn đã trở thành một nơi “gớm ghiếc”, nơi mà “người ta tự hào về bản thân khi họ xấu xa,” đồng thời mô tả nước Mỹ ngoài Hoa Thịnh Đốn là một nơi mà người dân bình thường “không cảm thấy có gì tự hào khi làm điều xấu.”
Thẩm phán Thomas cũng bày tỏ lo ngại rằng một người bình thường sẽ không thể xem được các văn bản của tòa án, khiến cho họ cảm thấy khó hiểu.
“Tôi cho rằng cách mà chúng ta nói về các vụ kiện đôi khi khiến những người bình thường bị mất quyền được lựa chọn,” Thẩm phán Thomas nói, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng điều này sẽ thay đổi.
‘Ngoài kia cam go lắm’
Thẩm phán Alito cảnh báo các sinh viên tốt nghiệp tại đại học Công Giáo ở Ohio rằng quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo ngày nay đang bị công kích ở Hoa Kỳ, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng những người trẻ tuổi sẽ tiếp quản trách nhiệm và chiến đấu cho sự thay đổi tích cực hơn.
Trong bài diễn văn của mình, Thẩm phán Alito đã đề cập đến một ví dụ về văn hóa đại chúng, cụ thể là bài diễn văn tốt nghiệp của nhân vật Thornton Melon (do Rodney Dangerfield thủ vai) trong bộ phim “Back to School.”
Ông hài hước trích dẫn lời khuyên mà Melon dành cho các sinh viên tốt nghiệp, rằng sau khi tốt nghiệp hãy đừng hòa nhập với thế giới bởi vì “ngoài kia cam go lắm,” và thay vào đó hãy về với cha mẹ, để họ thanh toán mọi hóa đơn và “lo toan cho.”
“Như Melon nói, ngoài kia cam go lắm,” Thẩm phán Alito nói. “Có lẽ bây giờ còn cam go hơn so với trước đây. Nhưng đó chính xác là lý do tại sao sự đóng góp của các em lại quan trọng đến vậy.”
Thẩm phán Alito đã nói rằng, bước ra ngoài khuôn viên trường học, “những vấn đề gây tranh cãi sẽ đả kích một số nguyên tắc căn bản nhất của chúng ta,” khi nói đến quyền tự do ngôn luận.
“Sự ủng hộ đối với quyền tự do ngôn luận đang suy yếu một cách nguy hiểm,” ông nói tiếp, nhấn mạnh rằng vấn đề này là đặc biệt nghiêm trọng ở các trường đại học mà ông cho là nơi mà việc trao đổi ý kiến cần phải được bảo hộ nhiều nhất.
“Có rất ít trường đại học theo đuổi được lý tưởng đó, và trường đại học này là một trong số ít những trường như vậy. Nhưng thế giới rộng lớn ngoài kia sẽ không như vậy,” Thẩm phán Alito nói.
Ông cũng nêu lên vấn đề tự do tôn giáo cũng đang trong tình trạng “nguy hiểm,” và nhấn mạnh rằng các sinh viên tốt nghiệp có thể nhận thấy bản thân phải ở trong một môi trường công việc hoặc xã hội mà họ bị ép buộc phải từ bỏ đức tin hoặc chấp nhận những quan niệm mà họ cho là đáng lên án về mặt đạo đức.
“Còn tùy thuộc xem các em có kiên định hay không,” ông nói.
Điều đáng chú ý là, Thẩm phán Alito là người ra phán quyết lật ngược vụ “Roe kiện We” năm 2022 và trao việc quyết định về quyền phá thai cho các tiểu bang.
Tom Ozimek _ Tuệ Chân
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.