Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) là một sáng kiến của chính phủ nhằm cung cấp phúc lợi thực phẩm cho các gia đình có thu nhập thấp. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) tính toán mức điều chỉnh chi phí sinh hoạt hàng năm (COLA) cho chương trình SNAP vào đầu mỗi năm tài khóa sau khi tính đến lạm phát kinh tế. Báo cáo hôm 20/05 cho biết vào năm 2023, mức điều chỉnh COLA của USDA “đã ít ảnh hưởng đến mức độ hào phóng của các phúc lợi SNAP.”
Phúc lợi SNAP “đã không đủ để trang trải chi phí cho một bữa ăn giá khiêm tốn ở 98% số quận của Hoa Kỳ vào năm ngoái.”
Trong quý 4/2023, mức phúc lợi tối đa trung bình 2.84 USD mỗi bữa ăn của SNAP được cho là thấp hơn 53 cent (19%) so với một bữa ăn có giá khiêm tốn 3.37 USD. Trong ba quý đầu năm, trợ cấp SNAP đã thấp hơn 58.59 USD so với chi phí thực phẩm hàng tháng.
Chênh lệch giữa chi phí một bữa ăn và trợ cấp SNAP ở khu vực thành thị là lớn hơn so với khu vực nông thôn. Năm quận có khoản chênh lệch lớn nhất là quận New York, New York; quận Leelanau, Michigan; quận Teton, Idaho; và các quận Dukes và Nantucket, Massachusetts. Ở những nơi này, chênh lệch là khoảng 70% trong suốt năm 2023.
Báo cáo cảnh báo rằng bất kỳ sự cắt giảm nào nữa trong nguồn tài trợ SNAP sẽ làm giảm khả năng tiếp cận thực phẩm lành mạnh và dinh dưỡng của những người thụ hưởng chương trình hơn nữa.
Trợ cấp SNAP không thể trang trải chi phí cho một bữa ăn khiêm tốn, trong bối cảnh lạm phát giá cả đã ảnh hưởng đáng kể đến hàng hóa hàng ngày. Dưới thời chính phủ Tổng thống Biden, Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) đã tăng hơn 19%.
Theo một phân tích ngày 15/05 của Viện Đô thị, chi phí hàng bách hóa đã tăng đến mức nhiều gia đình phải gánh nợ để thanh toán hóa đơn.
Phân tích này cho thấy 60.5% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết đã sử dụng thẻ tín dụng khi mua hàng bách hóa vào năm 2023. Con số này đã bao gồm 20% đã không thanh toán toàn bộ số dư tín dụng của họ và đã chỉ tiếp tục thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu được yêu cầu. Hơn nữa, 7.1% không thể thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu.
Những người trưởng thành đã trải qua tình trạng “an ninh lương thực rất thấp” vào năm ngoái có nhiều khả năng phải dựa vào các khoản vay ngắn hạn và tiền tiết kiệm để mua hàng bách hóa trong khi gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Trong số những người như vậy, 51.3% đã sử dụng hết tiền tiết kiệm để mua thực phẩm. Một nửa số người mua hàng bách hóa với tùy chọn “Mua Ngay, Trả tiền Sau” đã bỏ lỡ khoản thanh toán. Cứ 10 người thì có một người sử dụng tiền mặt từ các khoản vay ngắn hạn để mua hàng bách hóa.
Lãi suất cao và mua sắm hoảng loạn
Để đối phó với lạm phát gia tăng, Fed đã đẩy lãi suất từ mức gần như bằng 0 vào đầu năm 2022 lên phạm vi từ 5.25 đến 5.5%.
Lãi suất cao kết hợp với lạm phát tăng cao đang gây áp lực to lớn lên nền kinh tế và các gia đình Mỹ. Mặc dù Fed đã gợi ý rằng họ có ý định giảm lãi suất, nhưng cơ quan này vẫn chưa công bố kế hoạch hoặc mốc thời gian.
Trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) từ ngày 30/04 đến ngày 01/05 gần đây, các thành viên đã nêu lên mối lo ngại về tình trạng lạm phát tồn tại dai dẳng. Tình huống như vậy có thể trì hoãn việc Fed thực hiện cắt giảm lãi suất.
Biên bản cuộc họp cho biết: “Những người tham gia quan sát thấy rằng mặc dù lạm phát đã giảm bớt trong năm qua nhưng trong những tháng gần đây vẫn chưa có tiến triển gì hơn nữa hướng tới mục tiêu 2% của Ủy ban.”
“Dữ liệu hàng tháng gần đây cho thấy sự gia tăng đáng kể trong các thành phần của lạm phát giá hàng hóa và dịch vụ.”
Một cuộc khảo sát mới đây của Đại học Michigan cho thấy người Mỹ không mong đợi lạm phát sẽ sớm giảm bớt. Kỳ vọng về lạm phát năm tới của những người tham gia khảo sát tăng từ 3.2 lên 3.5%. Kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng nhẹ, từ 3 lên 3.1%.
Kỳ vọng lạm phát cao hơn của người tiêu dùng có thể có hại cho nền kinh tế. Nếu người tiêu dùng cho rằng giá sẽ cao hơn trong tương lai, thì họ có thể sẽ mua sắm trong hoảng loạn và yêu cầu mức lương cao hơn cho công việc của họ. Hai hành động này cuối cùng sẽ làm tình trạng lạm phát trở nên tồi tệ hơn.
Một cuộc thăm dò của Gallup ngày 02/05 đã cho thấy tỷ lệ người Mỹ xem lạm phát là vấn đề quan trọng nhất mà gia đình họ phải đối mặt đã đạt mức cao mới trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024. Năm nay, 41% số người được hỏi xem chi phí sinh hoạt cao là vấn đề hàng đầu, tăng từ 35% năm ngoái và 32% vào năm 2022.
Trong một tuyên bố ngày 21/05, Tổng thống Biden nói rằng việc chống lạm phát và giảm chi phí là “ưu tiên kinh tế hàng đầu” của ông. Mặc dù lạm phát đã giảm hơn 60% so với mức cao nhất nhưng giá cả vẫn “vẫn còn quá cao.”
Tổng thống cho biết nghị trình của ông nhằm xây dựng hai triệu ngôi nhà mới, hợp tác với “Big Pharma” để hạ giá thuốc và kêu gọi các chuỗi cửa hàng bách hóa tạo ra “lợi nhuận kỷ lục” để giảm giá sẽ mang lại cho các gia đình Mỹ một ít “không gian để thở.”
Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) chỉ trích chính phủ Tổng thống Biden vì không kiểm soát được lạm phát và khiến cuộc sống của người Mỹ trở nên khó khăn hơn.
“Lạm phát tháng 01/2021 là 1.4%. Tính đến tháng này, giá đã tăng 20% kể từ hồi đó,” ông nói trong bài diễn văn ngày 16/05 tại Thượng viện.
“Theo một ước tính, một gia đình trung bình ở Mỹ phải chi thêm 1,074 USD mỗi tháng để duy trì mức sống như thời Tổng thống Biden nhậm chức.”
Naveen Athrappully _ Vân Du
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.