Trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa như hiện nay, đối với nhiều người, việc sống và làm việc ở ngoại quốc không còn là một viễn cảnh khó khăn. Giấc mơ ấy ngày càng dễ dàng trở thành hiện thực.
Theo Báo cáo Giải mã Nhân tài Toàn cầu (Decoding Global Talent Report) năm 2024 do The Boston Consulting Group (BCG) hợp tác với The Network và The Stepstone Group công bố, “Trên phạm vi toàn cầu, cứ bốn chuyên gia thì có một người đang tích cực tìm kiếm cơ hội làm việc ở ngoại quốc.”
Báo cáo cho thấy mặc dù gần đây có nhiều lo ngại về các vấn đề kinh tế và địa chính trị, nhưng càng ngày càng có nhiều người tích cực tìm kiếm cơ hội làm việc ở ngoại quốc.
Nghiên cứu toàn cầu này dựa trên cuộc khảo sát đối với hơn 150,000 người ở 188 quốc gia. Kết quả cho thấy vào năm 2023, số lượng người mong muốn di cư đã tăng từ 21% vào năm 2020 lên 23% vào năm 2023.
Báo cáo công bố hôm 24/04 này cho thấy “có thể có tới 800 triệu chuyên gia đang sốt sắng tìm kiếm việc làm ở ngoại quốc.”
Theo báo cáo này, có ba lý do phổ biến nhất mà những người được hỏi đưa ra khi di cư ra hải ngoại, bao gồm cơ hội tài chính, phát triển nghề nghiệp, và cơ hội có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Đồng thời, nghiên cứu phát hiện “92% các nhà tuyển dụng và lãnh đạo toàn cầu nói rằng thu hút và giữ chân nhân tài là một trong ba ưu tiên hàng đầu của họ.”
“Thuê nhân công ngoại quốc không những có thể lấp đầy khoảng trống về năng lực, mà các công ty có tính đa dạng toàn cầu tương đối cao sẽ còn có tính đổi mới và thành công hơn.” Trong một báo cáo khác vào năm 2022, BCG chỉ ra rằng khi thuê nhân công ngoại quốc, các công ty này “tạo ra lợi nhuận cao hơn, cơ hội để họ trở thành nhà đổi mới đẳng cấp thế giới cũng cao hơn 75%.”
Theo báo cáo, thủ đô London của Vương quốc Anh trở thành thành phố được các nhân tài trên thế giới lựa chọn nhiều nhất để định cư. Có đến 9% số người được hỏi sẵn sàng chuyển đến London.
Các yếu tố chính đưa thành phố này lên vị trí đứng đầu bao gồm: Anh ngữ là ngôn ngữ chủ yếu, có mạng lưới toàn cầu mạnh mẽ (phần lớn nhân tài của thành phố này đến từ các quốc gia khác), cơ hội tài chính phong phú, và thương hiệu đa văn hóa, nơi đây cũng là trạm dừng để dẫn đến châu Âu và Hoa Kỳ.
Theo Báo cáo Giải mã Nhân tài Toàn cầu năm 2024, London đã duy trì vị trí dẫn đầu kể từ năm 2014.
Lần khảo sát này, Amsterdam, thủ đô của Hà Lan, xếp thứ hai với mức độ ưa thích là 8%.
Các thành phố ở Trung Đông như Dubai và Abu Dhabi lần lượt xếp thứ ba và thứ tư, cả hai đều có mức độ ưa thích là 7%.
Berlin và Barcelona lần lượt xếp thứ sáu và thứ tám, nhưng mức độ ưa thích của hai thành phố như nhau, đều ở mức 5%.
Các thành phố New York, Tokyo, và Sydney lần này đều lọt vào top 10, lần lượt xếp thứ năm, thứ chín và thứ mười, với tỷ lệ ưa thích lần lượt là 6%, 5%, và 4%.
Một thành phố khác cần nhắc đến là Bắc Kinh, xếp thứ 25. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các nhân tài ngoại quốc đã lần lượt rời khỏi Trung cộng. Xu hướng này vẫn tiếp tục trước thực tế nền kinh tế nước này rất khó phục hồi. Cùng lúc đó, càng ngày càng có nhiều người Trung cộng tìm mọi cách để vượt “phong tỏa” để ra hải ngoại.
Báo cáo cho biết: “Ý tưởng cho rằng các quốc gia nguyên quán có thể được hưởng lợi từ việc nhân tài rời đi có vẻ ngược với lẽ thường. Bởi vì từ một góc độ nào đó, những nước này đang gặp tình trạng ‘thất thoát chất xám.’”
Lý Ngôn & Toàn Phong
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.