Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của Tổng thống Biden rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “không thể tiếp tục nắm quyền” có nguy cơ đẩy mối quan hệ Mỹ-Nga đang căng thẳng đi đến chỗ sụp đổ, tác động nghiêm trọng đến khả năng Hoa Kỳ giúp cuộc chiến ở Ukraine kết thúc và khả năng tránh cho cuộc xung đột này lan rộng.
Lời tuyên bố – một câu nói ngẫu hứng gồm 9 từ được đưa ra ở Ba Lan hôm cuối tuần – có vẻ phản ánh một sự thù ghét cá nhân vượt xa các tuyên bố trước đó, khi Biden gọi Putin là “kẻ giết người”, “đồ tể” và “tội phạm chiến tranh”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng tuyên bố của Biden không phù hợp với tất cả các nhà lãnh đạo ở châu Âu. Ông nói rằng nếu muốn đạt một giải pháp thành công về ngoại giao “chúng ta không được để cho tình hình leo thang bằng lời nói hay hành động.”
Tại Washington, tuyên bố này cũng vấp phải sự chỉ trích của Đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ James Risch, trưởng nhóm Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, gọi đó là một “sự hớ hênh khủng khiếp”.
Ông này nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng hầu hết những người không làm việc trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại đều không nhận ra rằng 9 từ mà Tổng thống Biden thốt ra sẽ gây ra sức nổ lớn như thế nào. Bất cứ khi nào ta nói, hoặc chỉ gợi ý thôi, về chuyện thay đổi chế độ cho một quốc gia khác, nó sẽ gây ra một vấn đề lớn.”
Samuel Charap, một chuyên gia về Nga tại tổ chức nghiên cứu Rand, cho biết nỗ lực của Tòa Bạch Ốc nhằm chữa cháy hoặc làm dịu bớt tuyên bố của Biden sẽ không làm thay đổi quan điểm ở Moscow bởi vì Putin từ lâu vẫn tin rằng Hoa Kỳ sẽ thay thế ông và theo truyền thống, các tuyên bố của tổng thống được coi là chính sách chính thức.
Ông nói: “Tuyên bố này làm trầm trọng thêm nhận thức của Nga về mối đe dọa hiện có. Nga có thể có những hành vi thù địch mạnh hơn những gì họ đang làm để đáp trả. Đó quả là một thách thức. ”
Nhưng cũng có người cho rằng phát biểu của Biden nhằm chuẩn bị tinh thần cho các đồng minh sẵn sàng cho một chiến dịch trừng phạt kinh tế Nga kéo dài, đòi hỏi đồng minh có các quyết định chính trị và tài chính khó khăn.
Bài phát biểu của Biden ở Warsaw, diễn ra vài giờ sau cuộc gặp gỡ đầy xúc động với những người tị nạn Ukraine, còn nhằm mục đích thông báo quyết tâm của phương Tây chống lại các hành động của Nga và xa hơn nữa, là các chế độ chuyên quyền trên toàn thế giới. Nó lặp lại những khoảnh khắc mà các tổng thống Hoa Kỳ đã đối đầu với Moscow bằng các lời lẽ gay gắt, trong đó có phát biểu năm 1983 của Tổng thống Ronald Reagan gọi Liên Xô là một “đế chế xấu xa”.
Một ngày sau bài phát biểu, các quan chức Mỹ cho biết rằng họ không nghĩ Nga sẽ trả đũa, họ tìm cách làm giảm nhẹ tầm quan trọng của lời tuyên bố. Ngoại trưởng Antony Blinken đã giải nhiệt khi nói rằng Hoa Kỳ ‘không có kế hoạch thay đổi chế độ ở Nga’, mặc dù vào tuần lễ trước đó, ông Blinken có nói Hoa Kỳ đang đánh giá chuyện quân đội Nga đang phạm “tội ác chiến tranh” tại Ukraine.
Phản ứng trước mắt của Nga trước tuyên bố của Biden tương đối yên lặng, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói về tương lai chế độ của Nga: “Chuyện đó không phải do Biden quyết định. Tổng thống Nga do người Nga bầu ra ”.
Nhưng tuyên bố của Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ củng cố thêm niềm tin từ lâu của Putin là Hoa Kỳ muốn loại ông khỏi quyền lực.
Niềm tin đó ít nhất đã có từ năm 2011, khi Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng các cuộc bầu cử ở Nga là gian lận và Putin, đang giữ chức thủ tướng vào thời điểm đó, cáo buộc Hoa Kỳ kích động các cuộc biểu tình chống lại cuộc bầu cử.
Michael McFaul, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Moscow dưới thời Obama, cho biết: “Trong một thời gian dài, Putin gặp hoang tưởng về việc phương Tây đang tìm cách thay đổi chế độ chống lại chính phủ của ông ta.”
Biden đã không nói chuyện với Putin kể từ Nga tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2, Ngoại trưởng Blinken cũng không nói chuyện với Ngoại trưởng Lavrov, và nỗ lực gần đây để bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau cũng bất thành.
Nga cũng có thể phản ứng kiểu khác. Tòa Bạch Ốc đã đưa ra thêm cảnh báo về khả năng Nga sẽ có các cuộc tấn công mạng nhắm vào các cơ quan chính quyền hoặc các công ty lớn của Hoa Kỳ.
Dù sao, tuyên bố của Biden cũng đặt ra câu hỏi sâu sắc, liệu Hoa Kỳ có còn đóng vai trò quan trọng nào để cuộc xung đột kết thúc một cách hòa bình, vốn đã làm hơn 3 triệu người tị nạn và chưa biết chính xác cái giá phải trả đối với những người còn ở lại Ukraine.
Hiện nay Hoa Kỳ không có vai trò trung gian trực tiếp giữa Kyiv và Matxcơva – trong khi Pháp, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác tìm cách thu xếp ngoại giao – nhưng Hoa Kỳ là thành viên quyền lực nhất của NATO và là người dẫn đầu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Điều đó có nghĩa là nếu quan hệ Mỹ – Nga sụp đổ, sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng khó lường.
Theo Washington Post
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.