Pages

Thursday, January 10, 2013

Thư hồi đáp tác giả bài " Tôi muốn được đặt chân tới Mỹ! "

image


Chào bạn trẻ Nguyên Giang,

Tình cờ tôi đọc được bài viết mang tựa đề "Giấc Mơ Nước Mỹ" do một
người bạn gốc H.O. chuyển đến. Mấy ngày sau thì nhận được khá nhiều
emails trung chuyển cùng nội dung. Rõ ràng là những lời trần tình của
bạn đã gây được sự chú ý và trăn trở của khá nhiều người ở ngoài nước.
Tuy nhiên, tôi chưa được dịp đọc một bài nào trả lời trực tiếp cho
bạn.

Do lời kết: "Thôi thì các Chú, Bác anh em đồng bào ở Mỹ có ai còn tâm
tình với những người bên này vui lòng trả lời dùm tôi, một thanh niên
30 tuổi những câu hỏi vừa nêu, để tôi khỏi khắc khoải về một nước Mỹ
vô cùng lạ lẫm, và thần kỳ." của bạn, tôi dành thời giờ hồi đáp, tâm
tình. Hy vọng đây cũng là phần nào những gì mà các "Chú, Bác" khác
cũng muốn gửi đến bạn.

Thưa bạn,

Theo bạn chia sẻ, thì tuổi đời 30+ của bạn nhỏ hơn thời gian tôi "lưu
vong" ở xứ Mỹ. Tôi muốn nhấn mạnh chữ "lưu vong" ở đây để bạn trẻ hiểu
rằng: Kể từ năm 1975, khi ở quê nhà có hàng triệu người đau khổ vì
không thoát được ngục tù CS, thì cùng lúc đó ở nửa vòng địa cầu bên
kia cũng có hàng triệu người khác đau khổ khi không biết ngày nào được
trở lại nơi chôn nhao cắt rốn. Khi cách xa đất nước rồi mới cảm nhận
được cái hạnh phúc được sống từng giờ phút trên quê hương thân yêu của
mình, bạn ạ!

Bây giờ, những người muốn được đặt chân tới Mỹ không phải chấp nhận
đánh đổi tất cả để hy vọng đến được bến bờ tự do như hoàn cảnh nghiệt
ngã ở giai đoạn trước ngày nước Mỹ bắt tay lại với chế độ cựu thù (năm
1995). Gần hai mươi năm qua, ai học giỏi và có thêm chút may mắn thì
cũng có thể đến được xứ Mỹ này để học thêm, hoặc để thực nghiệm những
gì muốn biết rõ. Cho đến nay, đã có hàng chục ngàn người trẻ VN đến Mỹ
du học hay thăm viếng. Những người này chắc chắn đã tìm hiểu được
những điều mà bạn khắc khoải. Nhưng ngược lại, điều tôi và có lẽ khá
nhiều người khác muốn biết là: Những kinh nghiệm từ Mỹ đã và đang đóng
vai trò gì cho công cuộc dân chủ hóa đất nước, để Việt Nam sớm xứng
đáng cho người dân không phải nghĩ đến chuyện bỏ nước ra đi.

Với thời đại thông tin ngày nay, xứ Mỹ không còn là một bí mật gì to
lớn. Người ở Mỹ, bao gồm cả người da trắng và các sắc dân da màu, đã
chia sẻ với thế giới rất nhiều về xứ sở này. Đây là một đất nước có
một lịch sử và nhiều ưu điểm đáng để nhân loại khâm phục, học hỏi. Tuy
nhiên, nó không hoàn hảo mang tính "thiên đường" như một số người viễn
tưởng. Điều đáng trân trọng nhất là ở xứ này, những người có nhân
cách, ý chí và tài năng đều có thể tìm được cho mình một cuộc sống
tương đối hạnh phúc. Như nhiều nước tự do khác, Mỹ là một xứ sở cho
phép người ta vươn lên bằng khả năng và ý chí. Đại khái là vậy, không
có gì lạ lắm đâu!

Điều tôi muốn nói rõ với bạn trẻ là thế này: Không phải Mỹ là đất nước
duy nhất có thể cho con người môi trường để sống một cách lịch sự, nhã
nhặn, văn minh và nhân bản. Hầu hết các nước tự do có nền dân chủ vững
chắc đều có một ưu tính tương tự như vậy. Ở các nước này, xã hội cho
phép những người có óc cầu tiến được học hỏi kiến thức bởi nhiều môi
trường khác nhau, nên việc hấp thụ văn minh không phải là điều lạ.
Nhưng đó không phải là biệt đãi cho các nước phương Tây.

Trước 1975, Miền Nam Việt Nam cũng đã từng được thế giới khen là Hòn
Ngọc Viễn Đông. Thời đó, dù đang bị chiến tranh gây ra bởi chế độ Cộng
sản từ miền Bắc, song tính cách lịch sự, nhã nhặn, văn minh và nhân
bản đã là phong thái thường nhật của những người trí thức bình thường
trong xã hội miền Nam. Ngay cả những người không thuộc thành phần có
ăn học cao hay giàu sang, cũng ít nhiều có được nếp sống tốt đẹp đó.
Do vậy, hy vọng bạn hiểu được rằng: lịch sự, nhã nhặn, văn minh và
nhân bản... là bản sắc tự nhiên của các xã hội tiến bộ đúng nghĩa. Nếu
những nét sống này bây giờ thiếu vắng ở nước mình, thì rõ ràng đó là
hậu quả của một xã hội đang có quá nhiều điều bất thường.

Đối với những người phụ nữ "lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia"
và bị ngược đãi, tôi cảm thông nỗi đau khổ của họ. Nhưng có lẽ vấn đề
là câu hỏi: Tại sao đến giờ này mà vẫn còn có nhiều người phụ nữ phải
liều mình lấy chồng ngoại chủng xa lạ, không cần tìm hiểu tính tình,
gia cảnh và ngay cả tông tích? Tại sao những người phụ nữ chân chất
này phải đánh đổi bản thân, và có người với cả nhân phẩm, để mong có
được một lối thoát mơ hồ nào đó cho gia đình? Câu hỏi đó đáng để cho
nhiều người suy gẫm lắm, bạn ạ!

Còn việc "cả thế giới phải nghe ngóng, chờ đợi mỗi mùa bầu cử Tổng
Thống Mỹ" thì đó là chuyện chờ đợi tất nhiên đối với người lãnh đạo
một siêu cường có ảnh hưởng lớn trên thế giới và đối với nhân loại.
Nhưng khi sống ở Mỹ, chúng tôi biết được khả năng và giới hạn của các
ông Tổng Thống. Họ không phải là siêu nhân, và tất nhiên cũng không
phải là những "ông Trời". Nước Mỹ lớn nên Tổng Thống Mỹ có nhiều quyền
lực cao nhưng các ông vẫn thường xuyên bị dân Mỹ chỉ trích những
khuyết điểm cá nhân và sai lầm trong chính sách. Nước Việt ta cũng đã
có thời đau khổ vì sự thay đổi và bất tín của những người lãnh đạo cao
nhất của Mỹ. Cũng may là dân Mỹ rất nhân hậu nên xứ Cờ Hoa vẫn là quê
hương thứ hai của hàng triệu người Việt tỵ nạn Cộng sản, và hàng trăm
ngàn thân nhân di dân sau này.

Còn câu hỏi của bạn là "các Chú Bác những chiến hữu của Ba tôi ngày
xưa được chìa khóa HO để đến thiên đường nước Mỹ, có còn nhớ đến bạn
bè chiến hữu, quê hương hay không. Mà sao ai cũng chen chân bỏ lại
“chùm khế ngọt” mà hân hoan làm kẻ lưu vong?"  thì nếu nhìn kỹ, bạn đã
thấy là có nhiều người vẫn không "hân hoan làm kẻ lưu vong" đâu, mà
vẫn NHỚ đến đất nước và mấy chục triệu người còn ở quê nhà. Vì nỗi NHỚ
đó, hàng ngàn người đã sớm từ chối cuộc sống đầy đủ, bình an ở "thiên
đường Mỹ" này để tìm đường trở lại quê hương giải cứu đồng đội và đồng
bào đang sống trong ngục tù Cộng sản. Hàng trăm người đã âm thầm nằm
xuống trên đường quay lại quê hương. Sau thời kỳ chiến tranh lạnh,
cũng đã có rất nhiều người tiếp tục dấn thân về nước đấu tranh, bất
chấp hiểm nguy, tù tội. Gần đây cũng đã có một số người bỏ sự nghiệp
to lớn ở xứ Mỹ để tìm đường hồi hương cùng anh chị em chí hữu ở quê
nhà góp sức tranh đấu. Ở đâu cũng có kẻ quên người nhớ, nhưng không ai
lại trâng tráo với phận lưu vong đâu bạn ạ!

Còn so với những "Người Mỹ Gốc Việt" cùng lứa tuổi với bạn đang sống
"cách xa hai nửa bán cầu" , thì tất nhiên phải có nhiều điểm khác
nhau. Môi trường xã hội, giáo dục và sinh sống khác nhau tất sẽ tạo
nên những kiến thức, phong thái và mong đợi khác nhau. Những bạn trẻ ở
Mỹ có những yếu tố và điều kiện mà bạn ở VN sẽ không thể nào có được,
và ngược lại.

Nhưng điều đáng để chúng ta nói với nhau nhiều hơn là "vì sao, hấp lực
gì mà hàng triệu người miền Nam đổ xô ra biển không định hướng những
năm sau 1975 đến những năm 1990 và tiếp tục đến bây giờ bằng nhiều
cách"

Bạn trẻ thân mến,

Ở đời, đại đa số con người đều ham sống và ích kỷ. Thông thường, không
ai muốn phiêu lưu trong cảnh 'thập sinh nhất tử', và không ai sẵn sàng
bỏ hết những tài sản đã dầy công xây dựng suốt đời để tham dự một hành
trình biệt xứ mà tỷ lệ sống sót rất nhỏ bé. Nhưng sau khi Cộng sản
cưỡng chiếm miền Nam, hàng triệu người đã đồng loạt có hành động bỏ
nước ra đi, bất chấp hiểm nguy và những đe dọa sinh mạng trên đường
tìm tự do. Điều đáng nói không phải là chỉ có người miền Nam từ khước
chế độ mới, mà hàng trăm ngàn người dân ở miền Bắc Việt Nam cũng đã
không muốn ở lại với đất nước khi mà chế độ miền Bắc đã chiến thắng
được miền Nam. Trong hơn một thập niên vùng vẫy vượt thoát đó, ít nhất
là hơn 100.000 ngàn người đã chết thảm trên đường tìm tự do. Vậy có
phải chăng hai chữ Tự Do quan trọng và giá trị hơn cả tài sản và sinh
mạng của con người?

Và cho đến ngày hôm nay, vẫn còn có vô số người đang âm thầm tranh đấu
để giành lại những gì mà người Việt ta đã mất: Độc lập, Tự do và Hạnh
phúc. Ngay thời điểm này, có hơn chục người trẻ chẳng nợ nần gì với
chế độ VNCH, đã bị toà án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt tổng cộng
83 năm tù. Tất cả cũng chỉ vì hai chữ TỰ DO.

Bạn trẻ Nguyên Giang thân mến,

Tôi dành thời giờ viết những dòng hồi đáp này đến bạn vì cũng vào
khoảng năm 30 tuổi, tôi đã bỏ cả gia đình ở Mỹ để tìm đường về nước
chiến đấu. Lý do đơn giản là tôi không quên, và đến giờ này vẫn chưa
quên, là ở Việt Nam vẫn còn có những chiến hữu của tôi đang sống trong
khốn khổ, nhục nhằn. Và ở nơi chốn đó, hàng chục triệu đồng bào Việt
Nam vẫn chưa có điều kiện để sống trọn vẹn như là những con người đúng
nghĩa - ở cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Ngày nay, sau hơn 30 năm sống
trên đất Mỹ, Việt Nam vẫn là quê hương của tôi chứ không bị biến thành
"cố hương" chỉ vì thời gian quá lâu và khoảng cách quá xa. Tôi đã dành
một phần lớn cuộc đời của mình để góp phần giành lại Tự Do cho các
đồng bào kém may mắn ở bên nhà và tôi sẽ tiếp tục sống với niềm vui
phụng sự đó cho đến khi ở quê hương mình: Dân lao động nghèo không
phải bán rẽ sức lao động để chỉ đổi lấy miếng cơm, và những người phụ
nữ Việt Nam khốn cùng sẽ không phải đem nhân phẩm hay cuộc đời để tìm
một cơ may thoát khổ.

Và hơn cả, tôi muốn được góp sức cùng với những người Việt Nam có tâm
huyết để hóa giải tình trạng độc tài, tham ô và bất công ở nước mình,
để một ngày không xa, Việt Nam sẽ là một đất nước mà toàn thể người
Việt, dù ở đâu và làm gì, cũng đều có thể ngẫng cao đầu hãnh diện về
quê hương. Mơ ước của tôi là ở đất nước mình sau này: Cơm No Áo Ấm sẽ
được bảo đảm, Công Bằng Xã Hội sẽ được nêu cao, và Nhân Phẩm Con Người
sẽ được tôn trọng.

Khi đó, thực tế sẽ tự nó được giải đáp rất nhiều thắc mắc của các bạn
trẻ về nước Mỹ.

Đầu Xuân Tết đến, tôi xin chúc bạn Nguyên Giang và các bạn trẻ một năm
mới nhiều sức khỏe và thành công trong việc học, việc làm. Hy vọng
rằng những lời tâm tình đầu năm này sẽ đem đến cho bạn được một số
niềm vui nho nhỏ để vững lòng chờ đợi những niềm vui lớn hơn sẽ đến
trong một tương lai thật gần.

Mong lắm thay!

Thân mến,


Nguyễn Công Bằng
Texas ngày 9 tháng 1 năm 2013


Tôi muốn được đặt chân tới Mỹ!

image



image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.