Pages

Monday, February 11, 2013

Lời tuyên bố thoái vị của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16

image


Các Hiền Huynh thân mến,

Tôi đã triệu tập các Hiền Huynh đến Công Nghị này, không chỉ để bàn về ba án phong Thánh nhưng còn là để trao đổi với các Hiền Huynh một quyết định rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội. Sau khi đã nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng. Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, nhưng phải đi kèm với không ít những lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi đã phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho tôi. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005. Như thế, kể từ 20 giờ ngày 28 Tháng Hai năm 2013, Ngai Tòa Thánh Phêrô, sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo Hoàng bởi những vị có thẩm quyền.
image

Các Hiền Huynh thân mến,

Tôi chân thành cảm ơn tất cả anh em vì tình yêu và những công việc mà anh em đã ủng hộ tôi trong sứ vụ của mình và xin tha thứ cho tất cả các khiếm khuyết của tôi. Và bây giờ, chúng ta hãy ủy thác Giáo Hội cho sự chăm sóc của vị Mục Tử tối cao của chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô, và khẩn cầu Mẹ Maria chí thánh của Ngài trợ giúp các Hồng Y Giáo Phụ với lòng ưu ái từ mẫu của Mẹ trong việc bầu Đức Tân Giáo Hoàng. Liên quan đến bản thân mình, tôi cũng muốn tận tụy phục vụ Giáo Hội Thánh của Thiên Chúa trong tương lai thông qua một cuộc sống tận hiến cho việc chuyên tâm cầu nguyện.

Từ Vatican, ngày 10 tháng 2 năm 2013

BENEDICTUS PP XVI
J.B. Đặng Minh An dịch 2/11/2013



Giáo Hoàng bất ngờ tuyên bố từ chức

image
Đức Giáo hoàng sẽ từ chức sau bảy năm cầm quyền

Đức Giáo hoàng sẽ từ chức vào cuối tháng này trong một diễn biến hoàn toàn bất ngờ, Vatican vừa xác nhận.
Dự kiến ngày Ngài từ nhiệm sẽ là 28 tháng 2, vào lúc 20:00.
Vatican tuyên bố việc chuyển giao chức vụ sẽ êm ả nhưng hiện chưa rõ việc bầu chọn tân giáo hoàng sẽ được tổ chức ra sao.
Lý do sức khoẻ
Vị Hồng y 85 tuổi chuyên về thần học trở thành Giáo Hoàng Benedict XVI hồi tháng Tư 2005, sau khi Giáo hoàng John Paul II qua đời.
Khi đó, Đức Hồng y Joseph Ratzinger, vị giáo sư biết chơi đàn piano, đang định nghỉ hưu. Ngài nói Ngài chưa bao giờ muốn trở thành Giáo hoàng.
Lý do đằng sau việc từ chức đầy bất ngờ của Ngài vẫn chưa được nêu ra.
Ở tuổi 78, cựu Hồng y Joseph Ratzinger là một trong những vị tân giáo hoàng cao tuổi nhất trong lịch sử, khi được bầu chọn.
Từ mấy năm nay sức khoẻ của Đức Giáo hoàng người Đức đã sút giảm.

image
Vatican nói quyết định của Giáo hoàng thể hiện 'lòng dũng cảm'
Hồi lễ Phục Sinh năm ngoái, báo chí đã đưa tin trông Ngài mỏi mệt, chắc là vì chuyến công du kéo dài tới MexicoCuba.
Anh trai Ngài từng nói Giáo hoàng Benedict, khi đó có dự định giảm công du nước ngoài vì lý do sức khỏe.
Hôm nay, 11/2, Vatican trích lời Giáo hoàng nói Ngài không còn đủ sức khoẻ để "hoàn toàn thực hiện sứ mệnh được ủy thác".
Cũng vào Lễ Phục Sinh năm 2012, Ngài lên tiếng cảnh báo rằng loài người đang 'mò mẫm trong bóng tối'.
Tuyên bố từ chức được Đức Giáo hoàng đưa ra bằng tiếng Latin, trong buổi họp các hồng y tại Vatican.
Tòa Thánh nói quyết định từ chức sẽ khiến vị trí Giáo hoàng bị bỏ trống cho tới khi một vị tân giáo hoàng được bầu chọn, dự kiến vào tháng 3, theo Reuters từ Rome.


image
Đức Hồng y Joseph Ratzinger trong lễ tang cố Giáo hoàng nhiệm kỳ trước John Paul II. Lên ngôi năm 78 tuổi, Ngày là một trong những vị giáo hoàng cao tuổi nhất trong lịch sử khi được bầu chọn hồi 2005.

image
Hồng y Ratzinger được Đức Giáo hoàng John Paul II mời về Rome năm 1981 để phụ trách giáo lý cho Tòa Thánh. Ngài đã giữ chức Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican trong nhiều năm.

image
Giáo hoàng thả chim bồ câu trong một ngày lễ của Thiên Chúa giáo La Mã.

image
Khi chưa lên ngôi trị vì Tòa Thánh Vatican, Đức Hồng y Joseph Ratzinger là một giáo sư thần học ở Đức.

image
Sinh năm 1927, hồi trẻ, thanh niên Joseph Ratzinger từng phục vụ trong lực lượng phòng không của quân đội Đức thời chế độ phát-xít.

image
Tuy cũng thăm viếng nhiều nơi nhưng Đức Giáo hoàng Benedict XVI không đi nhiều bằng vị tiền nhiệm người gốc Ba Lan.

image
Đây là vị giáo hoàng La Mã đầu tiên từ chức kể từ 600 năm nay.

image
Đức Giáo hoàng Benedict lên trị vì đúng lúc có một trong những cơn bão tố dữ dội nhất mà Giáo hội La Mã phải đương đầu trong những thập niên qua bùng ra - vụ bê bối các tu sỹ lạm dụng tình dục trẻ em.

image
Di sản của Giáo hoàng được ghi nhận là nêu bật lại các giá trị Công giáo như để đối trọng lại các chủ thuyết khác trong thế kỷ 20 gồm chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa tự do.

image
Dù không chấp nhận chủ thuyết cộng sản, Đức Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã thăm Cuba, và gần đây nhất là đón lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng tại Thư viện của Ngài ở Vatican hôm 22/1/2013. Nhưng Đức Giáo hoàng sẽ không còn dịp đi thăm Việt Nam lúc tại chức như từng mong muốn.



Cuộc đời Giáo hoàng Benedict XVI

image
Đức Giáo hoàng Benedict XVI bất ngờ tuyên bố từ chức
Trong một tuyên bố gây sốc hôm thứ Hai, Vatican nói Đức Giáo hoàng Benedict XVI sẽ rời khỏi chức vụ người đứng đầu Giáo hội La Mã vào ngày 28/2 tới đây. Các lý do khiến Ngài từ chức vẫn chưa được nêu rõ.
Đức Giáo hoàng đã trải qua những thách thức đáng kể trong sự nghiệp của mình.
Ở tuổi 78, Ngài là một trong những vị giáo hoàng cao tuổi nhất trong lịch sử khi được bầu chọn hồi 2005.
Là một giáo sư biết chơi đàn piano, Đức Hồng y Joseph Ratzinger đang định nghỉ hưu khi Đức Giáo hoàng John Paul II qua đời hồi 2005. Ngài nói Ngài chưa bao giờ muốn trở thành Giáo hoàng.
Nếu như Ngài hay bất kỳ ai trong số các vị hồng y đã bầu chọn Ngài nghĩ rằng sau đó sẽ là một thời bình lặng, mở đường tới một kỷ nguyên mới, thì hẳn người đó đã sai.
Đức Giáo hoàng Benedict lên trị vì đúng lúc có một trong những cơn bão tố dữ dội nhất mà Giáo hội La Mã phải đương đầu trong những thập niên qua bùng ra - vụ bê bối các tu sỹ lạm dụng tình dục trẻ em.
Các vụ bê bối khác cũng khiến cho Giáo hội bị hứng chịu những chỉ trích từ trong và ngoài Tòa Thánh.
Trên thực tế, Ngài đã cai quản trong một thời kỳ rất khó khăn, khi một thế giới với những thay đổi nhanh chóng đã đem đến những thách thức liên tục cho Giáo hội vốn có những truyền thống để lại từ 2.000 năm trước.

"Tội lỗi từ bên trong"
image
Benedict đã khởi đầu tình yêu với Giáo hội từ tình yêu với bộ áo choàng giám mục màu đỏ
Hàng loạt những cáo buộc, những vụ kiện tụng và các tường thuật chính thức về tình trạng lạm dụng của các giáo sỹ, cao điểm lên vào năm 2009 và 2010, xảy ra trong triều đại của Giáo hoàng Benedict XVI.

Những cáo buộc gây hại nhiều nhất cho Giáo hội là vụ các giáo phận địa phương - ngay cả ở Vatican - đã tìm cách đồng lõa hoặc che giấu nhiều vụ việc, tránh trừng phạt các tu sỹ phạm tội ấu dâm và có khi còn di chuyển các tu sỹ này sang vị trí mới, để họ tiếp tục lạm dụng.
Trong lúc có một số nhân vật cao cấp trong Vatican ban đầu đã buộc tội truyền thông hoặc nói các cáo buộc đó là một âm mưu chống lại Giáo hội, thì Giáo hoàng đã thừa nhận rằng Giáo hội chấp nhận trách nhiệm, và nói thẳng về "tội lỗi từ bên trong Giáo hội".
Ngài đã gặp gỡ và có một lời xin lỗi chưa từng có đối với các nạn nhân, nói rõ các giám mục phải báo cáo về tình trạng lạm dụng, và phải áp dụng các nguyên tắc nhanh chóng nhằm cho hoàn tục các giáo sỹ phạm tội lạm dụng.

image
Trước khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Hồng y Ratzinger đã có 24 năm giữ vai trò cao cấp tại Vatican, là Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin.
Giữ vị trí cao trong Giáo Hội khiến Ngài có thể nắm bắt được một số các vụ tu sỹ lạm dụng.
Các nhà bình luận nói Ngài đã không nằm sâu sát được tình hình, khiến cho các vụ lạm dụng kéo dài qua nhiều năm mà không được xử lý thỏa đáng - thậm chí họ còn nói Ngài đã cố ý lợi dụng quyền lợi của các nạn nhân để làm lợi cho Giáo hội.
Ngài chưa từng công khai nói lên ý kiến của mình về các sự kiện này.
Những người ủng hộ Ngài thì nói Ngài đã làm nhiều hơn bất kỳ vị giáo hoàng nào khác khi phải đối đầu với tình trạng lạm dụng.

Ngay trước khi được bầu hồi 2005, Ngài nói: "Thật sự là có nhiều sự bẩn thỉu trong Giáo hội này, và thậm chí trong cả trong những người... giữ vị trí tu sỹ."
Một trong những việc đầu tiên Ngài làm sau khi trở thành Giáo hoàng là trục xuất một gương mặt từng được Vatican ưu ái, Cha Marcial Marciel, người bị đưa ra ánh sáng về các hành động lạm dụng tình dục và tội hình sự.

Dày dạn kinh nghiệm

image
Hồng y Joseph Ratzinger từng là một nhân vật nổi bật dưới thời Giáo hoàng John Paul II
Joseph Ratzinger sinh ra trong một gia đình nông dân Bavaria năm 1927, tuy có cha là cảnh sát.
Ngài được cho là khi mới năm tuổi đã say mê bộ trang phục màu đỏ của vị Tổng giám mục Munich tới thăm.
Khi 14 tuổi, Ngài gia nhập Đoàn Thanh niên Phát xít, giống như các thanh niên Đức bị yêu cầu phải làm khi đó.

Trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai, việc học tại Chủng viện Traunstein của Ngài đã bị gián đoạn do bị gọi vào một đơn vị phòng không tại Munich.
Ngài rời bỏ quân đội Đức trước khi kết thúc chiến tranh và có một thời gian ngắn bị Liên quân bắt giữ làm tù binh chiến tranh hồi 1945.

Quan điểm truyền thống, bảo thủ của Giáo hoàng được củng cố thêm từ những kinh nghiệm Ngài trải qua trong thời thập niên 1960.
Ngài dạy học tại Đại học Bonn từ 1959 và đến 1966 giữ một chân trong khoa thần học lý tín tại Đại học Tuebingen.
Nhưng Ngài cũng hoảng sợ trước tình cảm thân Marxist rất phổ biến trong giới sinh viên mà Ngài giảng dạy.

Theo Giáo sư Ratzinger, tôn giáo đã bị đẩy xuống vị thế phục tùng một ý thức hệ chính trị mà Ngài gọi là “độc tài, độc đoán và độc ác”.
Sau đó Ngài trở thành nhà vận động hạng đầu chống lại thần học tự do, là phong trào nhằm đưa Giáo hội tới với chủ nghĩa hoạt động xã hội, điều mà Ngài cho là quá gần với chủ nghĩa Marx.

Nhẹ nhàng và khiêm nhường

image
Năm 1969, Ngài tới Đại học Regensburg ở quê hương Bavaria và vươn lên chức hiệu trưởng, phó chủ tịch trường.
Ngài được Đức Giáo hoàng Paul VI phong làm Hồng y Munich vào năm 1977.
Ở tuổi 78, Joseph Ratzinger là giáo hoàng cao tuổi nhất trở thành Giáo hoàng kể từ khi Clement XII được bầu hồi 1730.
"Nếu như không trở thành Giáo hoàng, thì rất có thể John Paul II đã trở thành một ngôi sao điện ảnh. Nếu không trở thành Giáo hoàng, thì rất có thể Benedict đã trở thành một giáo sư đại học," chuyên gia về Vatican người Mỹ, John L Allen nhận xét.
Ngài nổi tiếng là một nhà thần học bảo thủ, có quan điểm không khoan nhượng về tình dục đồng giới, về việc phụ nữ làm linh mục, và về vấn đề phòng ngừa thai.
Ngài lớn tiếng bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống đói nghèo, chống bất công xã hội.

Chủ đề trọng tâm trong thời gian Ngài trị vì là việc bảo vệ các giá trị Thiên chúa giáo căn bản trong điều mà Ngài coi là sự xuống cấp đạo đức ở hầu hết các nơi trong Châu Âu.
Ngài đã khiến những ai cho rằng Ngài sẽ bổ nhiệm các gương mặt theo đường lối truyền thống, cứng rắn vào các vị trí chủ chốt đã phải ngạc nhiên.
Nhưng hội đồng hồng y, cơ quan sẽ bầu chọn người kế nhiệm Ngài, nay đa phần gồm những người được Benedit chỉ định, với thiên hướng về các giáo sỹ Âu châu, đặc biệt là các tu sỹ người Ý.
Benedict được những người hiểu rõ Ngài mô tả là người có phong thái thoải mái, nhẹ nhàng và khiêm nhường, nhưng có quan điểm đạo đức cứng rắn.
Một vị hồng y nói Ngài là người "rụt rè nhưng bướng bỉnh".

Sự thật tuyệt đối

image
Hồng y Cormac Murphy O'Connor, người từng đứng đầu Giáo hội tại Anh và xứ Wales, nói Ngài "luôn luôn lịch sự" và có nhiều tài lẻ, nhưng không có tài quản lý.
Một rò rỉ tài liệu đáng xấu hổ từ văn phòng Giáo hoàng cho thấy tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém trong Vatican đã dẫn tới vụ người quản gia của Giáo hoàng bị buộc tội. Vụ việc đã tạo ra ấn tượng xấu về chuyện tranh giành quyền lực trong Biển Thánh.
Cách thức Giáo hoàng xử lý các vụ bê bối giáo sỹ lạm dụng tình dục trẻ em cũng khiến cho giới truyền thông thế tục đưa ra những lời chỉ trích gay gắt.
Ngài cũng từng làm mếch lòng người Hồi giáo, Do Thái giáo và Tân giáo bằng các hành động và các bài diễn văn của mình.

Những người ủng hộ nói các sự kiện đó thể hiện không đúng ý nguyện của Ngài trong việc muốn cải thiện mối quan hệ giữa các loại tôn giáo.
Ngài đã xuất hiện rộng rãi, tới thăm Đền thờ Hồi giáo Xanh ở Istanbul, và Vòm Đá ở Jerusalem, và cầu nguyên hòa bình tại Bức Tường Phía Tây.
Nhưng ngay cả vậy thì người ta vẫn đặt câu hỏi về việc ai đã cố vấn cho Đức Giáo hoàng, và mục đích của họ là gì, trong việc cuối cùng đã dẫn tới việc bổ nhiệm một cựu phóng viên của hãng tin Fox News, Greg Burke, làm người phụ trách chiến lược truyền thông của Vatican.
Với Benedict, những hớ hênh trong quan hệ công chúng chỉ là những mối quan ngại thoáng qua nếu so sánh với những thách thức dài hạn mà Giáo hội phải đối mặt - như việc hàng triệu người rời bỏ Giáo hội La Mã, và sự sụt giảm số tu sỹ được tuyển chọn ở phương Tây.
Benedict dường như không đáp ứng bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong số các thách thức trên, nếu phải nhân nhượng thế giới tự do hiện đại.
Ngài luôn tin rằng sức mạnh của Giáo hội đến từ sự thật tuyệt đối, điều không nghiêng ngả trước phong ba.

image
Cách tiếp cận này gây thất vọng cho những người muốn Giáo hội phải hiện đại hóa và những người không hài lòng về quan điểm cương quyết của Ngài theo đó đòi tu sỹ phải sống đời độc thân, và việc Ngài không chấp nhận cho sử dụng bao cao su.
Nhưng với những người ủng hộ Ngài thì đó chính là lý do khiến Ngài là người dẫn dắt Giáo hội đi qua được những thời điểm đầy thách thức.

image

1 comment:

  1. Tổng giám mục Canterbury, Justin Welby, nói thêm trong thông cáo với 80 triệu giáo dân trong cộng đồng Anh giáo rằng ông hoàn toàn thông cảm với quyết định rời chức của Ðức Giáo Hoàng Benedict mà theo ông đã được ngài thực thi với một cách “đường hoàng, can đảm và đầy viễn kiến.”

    Ông Welby cầu xin Thượng Ðế ban phước lành cho Ðức Giáo Hoàng Benedict khi ngài về hưu, cũng như cho những người được giao trọng trách kế nhiệm ngài.

    Thủ tướng Ðức Merkel hôm nay tuyên bố bà dành sự “kính trọng cao độ” cho quyết định khó khăn phải từ chức của vị giáo hoàng người Ðức. Bà Merkel nói giáo hoàng Benedict hiện là và sẽ tiếp tục là một trong các triết gia tôn giáo quan trọng nhất trong thời đại chúng ta.

    Tại Roma, nơi Ðức Giáo Hoàng loan báo quyết định trong một cuộc họp với các hồng y hồi sớm hôm nay, một số người Ý tỏ ý không tin, trong khi những người khác nói họ thông cảm với sự lựa chọn của ngài.

    Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ John Boehner của đảng Cộng Hòa, tuyên bố quyết định của Ðức Giáo Hoàng “chứng tỏ sự khiêm cung khác thường và tình yêu đối với giáo hội.”

    Tại Nam Phi, tổng giám mục Pretoria William Slattery nói 170 người Công giáo ở châu lục này sẽ nhớ tới giáo hoàng với lòng quý mến. Ông nói tin này gây bất ngờ trong giáo phận của ông nhưng dân chúng thông cảm các lý do khiến Ðức Giáo Hoàng từ chức.

    Và tại Trung Ðông, trưởng giáo Israel Yona Metzger, tuyên bố Ðức Giáo Hoàng Benedict đã cải thiện bang giao giữa Do Thái giáo và Cơ đốc giáo, giúp giảm thiểu chủ nghĩa bài Do Thái trên khắp thế giới. Ông tỏ ý hy vọng người kế nhiệm giáo hoàng cũng sẽ đi theo con đường hành động tương tự.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.