Pages

Friday, February 1, 2013

Ông Nguyễn Quốc Quân thách thức VN trưng bằng chứng 'nhận tội'

image
Ông Nguyễn Quốc Quân về tới phi trường Los Angeles ở Mỹ.


Nhà hoạt động cổ xúy dân chủ người Mỹ gốc Việt, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, ngày 31/1 vừa về tới Hoa Kỳ sau khi Việt Nam phóng thích và trục xuất ông trước áp lực ngoại giao từ Washington.

Tiến sĩ Quân, một trong những thành viên chủ chốt của đảng viên đảng Việt Tân ở hải ngoại, bị bắt giam từ tháng tư năm ngoái khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất vì tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng hoan nghênh vụ phóng thích ông Quân, vốn là một hành động bất ngờ và hiếm thấy của Hà Nội xảy ra sau khi tòa đã định ngày xử nhưng hoãn vào phút chót.
Vài giờ sau khi về tới nhà, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân đã dành cho Trà Mi một cuộc phỏng vấn về lý do ông được trả tự do.

image
Nguyễn Quốc Quân: Khi tôi ở trong trại giam, tôi thấy đây (việc phóng thích) cũng là một khả năng để họ giải quyết vấn đề của họ. Ðối với tôi, tôi không có tội gì hết, và tôi tin là họ cũng biết điều đó. Nhưng mà lỡ bắt rồi, đến lúc này thì không biết làm thế nào nên đó cũng có thể là một khả năng để họ tháo gỡ. Nhưng mà khả năng ra tòa rồi họ bằng cách nào đó cho tôi một cái tội vừa đúng, cũng là một khả năng. Và cũng có thể là xử nặng cho tương xứng với những người mà họ đã từng xử rất nặng như các thanh niên yêu nước. Cả 3 khả năng đó tôi đều chấp nhận hết, bản thân tôi về tâm lý đều chấp nhận hết. Nếu mà quá nặng giống những người anh em trong nước thì tôi cảm thấy là tôi có được cái hạnh phúc là mình san sẻ được phần nào với gian nan của anh em, của những người mà mình rất quý mến. Tôi tin rằng khi ra tòa họ sẽ rất là đuối lý để mà tranh luận với tôi. Tôi đã viết ra những căn cứ về tranh luận nhưng mà họ không dám giao cho luật sư của tôi.

Trà Mi: Anh đã chuẩn bị trước cho mình 3 trường hợp, 3 khả năng có thể xảy ra?

Nguyễn Quốc Quân: Vâng, và họ biết rất rõ điều đó. Tôi không có hy vọng ở khả năng được trả tự do sớm. Được trả tự do sớm cũng là một điều rất vui vì mình sớm được gần với gia đình. Nhưng đối với tôi, đó cũng không phải là điều tốt nhất mà tôi muốn. Tôi muốn được ra tòa để nói lên điều tôi muốn nói về sự sai trái, về sự bắt giữ rất là tùy tiện, về Ðiều 79 và Ðiều 88, 2 cái “lỗ đen” của luật pháp Việt Nam. Bất cứ cái gì cũng có thể quy vào đó và trở thành tội được.

Trà Mi: Anh nói không ngạc nhiên khi biết mình được phóng thích. Nhưng vào giờ chót sau khi đã định ngày xử rồi, mà được tin phóng thích, anh có cảm thấy một chút bất ngờ nào đó? Hay có một lý do nào đó khiến anh phải suy nghĩ không?

Nguyễn Quốc Quân: Không. Nhưng rõ ràng nó biểu hiện sự lúng túng, lúng túng ngay từ lúc bắt tôi, không biết ghép tôi về tội gì nữa mà. Ðầu tiên, bắt tôi về tội “khủng bố”, vì tội gặp giảng viên Phạm Minh Hoàng. Thấy chưa đủ nặng, một tuần lễ sau, họ đổi thành tội “hành vi phá đám ngày 30 tháng 4”. Rất khôi hài! Mục tiêu chỉ là để bắt. Về phương diện an ninh, khi mà nghi ngờ người ta phá hoại như vậy, không ai đi bắt mà phải đi theo dõi để có thể làm cho tội đó lớn hơn. Nên tất cả những cái đó chỉ là lý cớ thôi, thật ra giống như kiểu bắt giữ tôi lâu cho tôi chừa đó mà. Nhưng mà họ đã chọn sai đối tượng, vì tôi biết là tôi không làm điều gì vi phạm pháp luật.

Trà Mi: Năm 2007, họ bắt anh về tội “khủng bố”. Lần này, anh bị bắt về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, 2 tội danh rất nặng, nhưng Việt Nam dành cho anh lần trước là bản án 6 tháng tù cho tội “khủng bố”, và trong lần này thì không đưa anh ra tòa mà chỉ giam 9 tháng rồi trả tự do. Giữa 2 yếu tố tội danh và hình phạt ở đây, anh nhận thấy điều gì?

image
Nguyễn Quốc Quân: Nếu là tội “khủng bố” thật sự thì không thể 6 tháng tù. Do đó, tôi đâu có xin khoan hồng mà cũng không coi mình là có tội nữa. Tôi cho là họ trả tự do cho tôi vì họ không thể làm gì khác. Lần này cũng vậy, họ không dám đưa tôi ra tòa vì không muốn thế giới được nghe những luận cứ. Dưới ánh sáng, những luận cứ mà họ ghép tội là điều không đúng. Những cái tội mà họ đang nói cũng tương tự như cái mà họ ghép cho các thanh niên Công giáo, những người tôi rất kính phục vì dám bảo vệ sự thật và công lý đối với chính mình trong hoàn cảnh hết sức khó khăn như vậy.

Trà Mi: Anh cho rằng có sự “nhẹ tay” trong các biện pháp đối với các tội danh rất nặng dành cho anh vì ….

Nguyễn Quốc Quân: Có thể có ảnh hưởng vì tôi không phải là công dân Việt Nam.

Trà Mi: Nhưng anh vẫn là người Việt Nam nếu anh chưa chối bỏ quốc tịch Việt của mình, theo cách nói của nhà cầm quyền. Nhưng anh cho là do họ không đủ căn cứ, cơ sở chứng minh được điều mà họ muốn quy chụp, cho nên họ có những biện pháp nhẹ tay, không xứng với những tội danh rất nặng mà họ đưa ra. Ngược lại, nhà nước Việt Nam nói những biện pháp nhẹ tay đó đối với anh là thể hiện chính sách nhân đạo, anh cảm nhận như thế nào?

image
Nguyễn Quốc Quân: Họ cho đó là “nhân đạo” thì đó là những lời họ nói, và cũng có thể tin được. Nhưng tôi không bao giờ nhận tội và xin khoan hồng, nhưng báo chí bên trong Việt Nam vẫn tiếp tục bảo vì “khoan hồng”, vì “nhân đạo”. Thật sự, đối với tòa án Việt Nam, dù cho họ không đủ căn cứ, họ vẫn đủ sức để ra một bản án 5 năm tù, 1 năm tù, hoặc là tha bổng. Nó thay đổi bất cứ lúc nào, rất dễ dàng, không có căn cứ gì cả. Nội chuyện cho người này, người kia bao nhiêu năm tù cũng là thiếu căn cứ rồi. Cho nên, tôi không lấy sự “nặng” hay “nhẹ” làm căn cứ của “tội lỗi”. Và tôi cũng chỉ theo gương của những người thanh niên trẻ mà tôi lúc nào cũng quý mến. Hãy bảo vệ tất cả những gì mình cho là đúng, là sự thật. Còn kết quả là do những người đang nắm quyền lực làm thôi. Họ tự quyết định những chuyện đó.

Trà Mi: Hoàn toàn không có chuyện anh “nhận tội”, “xin khoan hồng để được đoàn tụ với gia đình”, như họ nói?

Nguyễn Quốc Quân: Tôi thách thức chính quyền Việt Nam đem ra một văn bản hay băng ghi âm “xin khoan hồng” nào đó của tôi trong lần bắt giữ năm 2007 và trong lần bắt giữ năm 2012-2013 này. Tôi thách thức họ, mặc dù xin khoan hồng cũng không phải là một điều gì quá xấu.

Trà Mi: Anh đã dự liệu trước khả năng sẽ bị bắt ngay khi đặt chân tới Việt Nam. Anh cũng từng đã bị bắt trước chuyến đi này. Bao nhiêu nhà hoạt động khác ở nước ngoài muốn về Việt Nam cổ xúy dân chủ hoặc bị bắt, hoặc bị trục xuất, chứ không hoạt động được gì nhiều. Trước những thực tế đó, vì sao anh vẫn quyết định trở về Việt Nam? Có người cho đó là hành động “tự nạp mình cho sói”, hay “chống đối quyết liệt”, “ngoan cố”, theo cách gọi của nhà nước Việt Nam. Phản hồi của anh thế nào?

image
Nguyễn Quốc Quân: Đúng, họ có dùng những từ như thế và tôi có giải thích rằng mỗi người có ý nguyện khác nhau. Tôi muốn về nước xem thử coi mình có thể lưu lại sống lâu dài ở đó không và có thể giúp gì cho những người xung quanh để họ có đời sống hạnh phúc hay không. Khi cổ xúy dân chủ không phải lúc nào cũng phải chống đối. Làm cho xã hội thay đổi cũng là một cách để cổ xúy dân chủ.

Trà Mi: Vừa rồi là một phần trong cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, người được Việt Nam phóng thích hôm 30/1 sau 9 tháng tạm giam về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Mời qúy vị đón nghe toàn bộ cuộc trao đổi này trong chương trình Tạp chí Thanh Niên của buổi phát thanh 10 giờ tối thứ sáu và chủ nhật tuần này trên làn sóng radio đài VOA.



Trà Mi-VOA

image





 image
C.H.X.H.C.N.V.N.
Chẳng H Xấu H Chút Nào Vì Ngu


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.