Pages

Wednesday, April 28, 2021

Cuộc ra đi thầm lặng của một Tổng Thống

 image

Trong cuốn sách “Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập”, TS Nguyễn Tiến Hưng - cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH - đã nhắc lại một đoạn u tối: “Tại nhà thờ Lutheran ở Arlington, bang Virginia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Schlesinger đã khóc cho miền Nam Việt Nam. Ông được ngài phó giám đốc Cục Tình báo trung ương Vernon Walters kể rằng viên đại sứ Nam Việt Nam ở Washington nói: “Phía bên kia vùng không có bình minh là hoàng hôn đang phủ xuống”.


image


Rồi Schlesinger nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ lời miêu tả của Churchill về sự sụp đổ của nước Pháp trong Thế chiến thứ II. Đây là thảm họa tương tự, dù khác nhau về tầm cỡ. Tôi không trách người Việt Nam đã cố theo đuổi chút hy vọng mong manh. Tôi cảm thương họ. Tôi buồn cho họ!”… Tổng thống (TT) Ford quyết định rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp về mặt quân sự nữa. Sẽ không có những hạm đội đổ bộ đến cứu nguy, cũng không có những chuyến tàu tiếp tế từ phía chân trời như đã từng có từ 10 năm trước đây…”.


image


Gặp ông Thiệu ở Dinh Độc Lập, Tổng trưởng Nguyễn Tiến Hưng đã chứng kiến sự tức giận cùng cực của vị tổng thống suốt 10 năm của nền Đệ nhị Cộng hòa với đồng minh Mỹ: “Điều này không thể tin được. Trước hết ở Midway, người Mỹ bảo tôi chấp thuận vài ngàn lính Mỹ rút quân và tôi vẫn còn nửa triệu lính Mỹ ở lại chiến đấu với tôi. Rồi sau đó, khi họ rút thêm quân, họ đã nói: “Đừng lo, chúng tôi sẽ tăng cường cho ông để bù cho những sư đoàn đã rút lui”.

 

Khi nhịp độ rút quân gia tăng, và năm 1972 họ lại nói với tôi: “Đừng lo, ông còn có những lực lượng dự bị và chúng tôi bù đắp cho việc rút quân bằng việc tăng yểm trợ không lực cho bộ binh của ông”.


image


Sau đó, lính Mỹ rút hết và cũng không còn yểm trợ không lực. Họ lại nói với tôi: “Chúng tôi sẽ tăng cho ông thêm nhiều quân viện để bù đắp vào tất cả những cái đó. Xin đừng quên Đệ thất hạm đội Mỹ và những căn cứ không quân ở Thái Lan sẽ bảo vệ ông trong trường hợp cần thiết”.

 

Cuối cùng, chẳng còn gì hết, người Mỹ không hỗ trợ quân sự cũng cắt tiếp viện cho Sài Gòn!


image


Chính quyền TT Nguyễn Văn Thiệu cố gắng chống chọi bằng mọi giá, từ những lá thư khẩn cầu viện trợ gởi đích danh đến TT Ford, Quốc hội, Bộ Quốc phòng Mỹ, kể cả việc đem các mỏ dầu Hoa Hồng (nay là Bạch Hổ) dù mới ở giai đoạn thăm dò thấy dầu ra “thế chấp” để vay tiền. Trong lá thư đầy u buồn với nhiều lời lẽ van nài của ông Thiệu gửi cho TT Ford có những đoạn như không thể nào buồn và cam chịu hơn được nữa…

 

Giữa tháng 4 cuối cùng của chính thể miền Nam, Tổng trưởng Nguyễn Tiến Hưng cầm lá thư “Freedom Loan” (vay tiền cho tự do) đầy bi thảm này đi Mỹ với trạng thái u uất, không tin mình sẽ thành công. Chuyến phản lực cất cánh trên đường băng Tân Sơn Nhất trong một buổi sáng ầm ì tiếng bom đạn. Mặc dù nó không đầy hành khách, nhưng có cảm giác như nặng nề hơn bình thường với tâm trạng trĩu nặng của Tổng trưởng Hưng. Cô tiếp viên yêu cầu ông đặt chiếc cặp da lên giá hành lý trên đầu, nhưng ông ta khư khư giữ chặt trong lòng vì không muốn rời lá thư này.

 

Về sau, cuốn “Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập” đã thuật lại: “Cảm thấy lòng ngực nhức nhối và chóng mặt. Hưng có một linh cảm sắc bén đây là lần cuối cùng ông ta còn nhìn thấy được quê hương mình, và có lẽ chẳng bao giờ ông còn gặp lại mẹ và các anh chị em của mình. Ông nhìn xuống Sài Gòn qua cửa sổ máy bay một cách tuyệt vọng.



 image


Từ trên cao, Sài Gòn hiện ra thật đẹp, tràn đầy những kỷ niệm của một thời đã qua… Như hiểu được tâm trạng ông, máy bay lượn hai vòng quanh Sài Gòn… Bên dưới vẫn là dòng sông Sài Gòn với màu nước nâu sẫm như chocolate, với hàng dừa chạy dọc hai bên bờ, nơi đó cuối tuần nào ông cũng đến câu cá, bắt tôm. Xa xa, Dinh Độc Lập rực sáng và những nỗi đau khổ trong ba tháng qua lại ập đến với ông”.

 

Và Tổng trưởng Hưng đã dự cảm đúng. Kế hoạch “Freedom Loan”, chiếc phao cứu sinh cuối cùng của Sài Gòn, hoàn toàn đổ vỡ. Từ khẩn cầu vay 3 tỷ USD ban đầu, rút xuống còn 722 triệu có hoàn trả, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn lạnh lùng lắc đầu. Niềm hy vọng mong manh cuối cùng đặt ở nỗ lực của Chính phủ Mỹ đã bị Henry Kissingger dội gáo nước lạnh: “Việc bàn luận về Việt Nam đã chấm dứt. Chính phủ sẽ chấp nhận lời pháp quyết của Quốc hội mà không phản bác lại”.


image


“Chiều ngày 20-4, Đại sứ Martin đến thăm TT Thiệu để hỏi về tình hình và gợi ý ngọt ngào: “Tôi tin rằng một vài ngày nữa, các tướng lãnh của ông sẽ đến đề nghị ông từ chức”. “Nếu tôi từ chức thì sẽ có viện trợ quân sự không” - ông Thiệu hỏi. Martin trả lời: “Tôi không thể hứa với ông nhưng có thể vậy”. Trước khi Martin về, ông Thiệu nói rằng mình sẽ làm những điều tốt nhất cho đất nước”.

 

Cuốn sách của Nguyễn Tiến Hưng nhắc lại những ngày cuối sầu thảm trên chiếc ghế TT VNCH của ông Thiệu.

 

Suốt từ khởi đầu vào thập niên thứ hai của thế kỷ 20, Tân Sơn Nhất đã là chứng nhân của bao biến động thời cuộc. Từ giai đoạn phát triển của miền đất phía Nam trù phú, đến cuộc Thế chiến thứ hai tàn khốc, người Nhật kéo sang, quân Pháp tái xâm lược rồi cũng đến ngày phải rút lui hoàn toàn, quốc gia hình chữ S bị chia đôi bởi vĩ tuyến 17 và nền Đệ nhất, Đệ nhị Cộng hòa mong manh như ngọn đèn dầu trong chiến cuộc kéo dài suốt 20 năm.


image


Đến tận cuối tháng 4-1975, phi trường Sài Gòn này lại trở thành chứng nhân một sự kiện lịch sử thầm lặng nói lên gió đã xoay chiều báo hiệu những trận cuồng phong dữ dội sắp ập đến.

 

Trước áp lực chiến sự dồn dập đẩy chính quyền Sài Gòn vào thế bí, ngày 21-4-1975, TT Nguyễn Văn Thiệu phải ngậm ngùi từ chức, nhường vị trí lãnh đạo lại cho Phó TT Trần Văn Hương, với hy vọng mong manh sự đổi thay chính trị có thể thay đổi thế cờ quân sự đang sắp đến hồi “chiếu tướng” miền Nam.


image


“Về vườn” nhưng vị cựu TT nắm quyền dài nhất ở miền Nam cũng không thể ở lại quê hương của mình. Lực lượng cách mạng buộc phải “loại biên” vĩnh viễn ông Thiệu, chính quyền tân TT Trần Văn Hương cũng cho rằng không thể làm được gì nếu vị cựu TT sắt đá chống cộng và đầy bản lĩnh chính trường còn hiện diện ở Sài Gòn.

 

Ông Thiệu buộc phải ra đi!


image


Và Tân Sơn Nhất là chứng nhân cuộc ra đi thầm lặng, buồn thảm này. Đêm 25-4-1975, một chiếc DC6 thuộc quyền sử dụng của Đại sứ quán Mỹ bay từ Bangkok sang Tân Sơn Nhất để đón một vị khách đặc biệt.

 

Cùng lúc đó, tư dinh Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, trong Bộ Tổng Tham mưu, âm thầm diễn ra buổi chia tay một vị cựu TT như không thể nào sơ sài, giản đơn hơn được nữa. Không có hoa, rượu, cũng chẳng có lời diễn văn tiễn biệt hoa mỹ nào, ông Thiệu lặng lẽ lên một trong ba chiếc công xa màu đen của Đại sứ quán Mỹ lầm lũi chạy thẳng vào phi trường.

 

Ngồi băng ghế sau, vị cựu TT của Chính quyền miền Nam Việt Nam lọt thỏm giữa hai người Mỹ to lớn là tướng Timmes và đặc trách tình báo Polgar. Hộ tống ông Thiệu cũng bằng vài lính thủy quân lục chiến Mỹ, chứ không hề có một người lính Việt nào trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa mà ông từng nhiều năm là tư lệnh tối cao của họ.

 

Đoàn xe chạy qua Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong với dòng chữ “Những hy sinh cao quý của chiến sĩ đồng minh sẽ không bao giờ bị quên lãng”. Ông Thiệu thở dài giữa hai người Mỹ ngồi cùng băng ghế tiễn đưa một cựu TT mà chẳng khác gì như áp tải.

 

Xe cũng không dừng lại ở bãi đậu máy bay của Air Việt Nam, mà sang bãi riêng biệt của Air America với lính thủy quân lục chiến lăm lăm M16 canh gác.


image


Ở đó, Đại sứ Mỹ Graham Martin đã đợi sẵn với cái bắt tay xã giao cùng câu chào ngắn gọn. Ông Thiệu trông có vẻ rất buồn và nhẫn nhịn, nhưng vẫn cố giữ tư cách trang trọng của một TT, để nói lời cảm ơn Martin đã tổ chức chuyến ra đi đặc biệt này. Đại sứ Mỹ đáp lời: “Đây là điều nhỏ nhặt nhất tôi có thể làm. Chào ông và chúc ông may mắn”.


image


Ít phút sau, chiếc DC6 cất cánh rời khỏi Sài Gòn rực ánh hỏa châu báo hiệu chiến sự đang đến rất gần và thời điểm Đô thành thất thủ chỉ còn tính bằng ngày.

 

Ông Thiệu ngậm ngùi dõi mắt qua ô cửa sổ máy bay, nhìn Sài Gòn bỏ lại sau lưng. Bàn cờ chính trị - chiến cuộc trên mảnh đất đẫm máu lửa, thương đau đã tàn và ông ta hiểu đây là lần cuối cùng mình được nhìn thấy quê hương!

 

Người dân, kể cả nhiều chính khách lớn nhỏ của miền Nam, cũng không hề biết một cựu TT của nền Đệ nhị Cộng Hòa đã rời khỏi đất nước và không hề mang theo một thỏi vàng nào trong 16 tấn vàng ngân khố như lời đồn thổi đầy ác ý.

 

Nhưng chiến tranh vẫn không hề được tạm dừng hay một chính phủ liên hiệp nào đó ra đời như một số người hy vọng. Biệt khu Sài Gòn vẫn đang bị thít chặt lại với tốc độ nhanh đến nỗi không ai ở bên trong đó có thể ngờ nổi.

 

Ngày 29-4-1975, một đại diện không chính thức của Chính phủ Mỹ đã tìm gặp ông Thiệu khi ấy vẫn còn đang ở Đài Loan, để chuyển lời rằng ông không nên đến Mỹ vào lúc này, nhân dân phản chiến Mỹ không chào đón ông. Ông Thiệu nhún vai, trả lời một cách ngậm ngùi: “Làm kẻ thù của Mỹ thì rất dễ, nhưng làm bạn rất khó”…


image


Đặc biệt, khi vị TT lưu vong cay đắng thốt lên những lời này, thì ở quê hương Sài Gòn, tướng "độc nhãn" Hoàng Anh Tuấn - trưởng phái đoàn quân sự Chính phủ CMLTMNVN đang ở trại Davis, phi trường Tân Sơn Nhất, đã lệnh cho cấp dưới của mình chuẩn bị một lá cờ cách mạng thật lớn.


image


Đúng 9 giờ sáng ngày 30-4-1975, lá cờ ấy đã được treo lên tháp nước ở trại Davis trước khi quốc kỳ ba sọc VNCH bị hạ xuống ở Dinh Độc Lập.

 

 

 

Quốc Việt

(Trích sách “100 năm Phi trường Tân Sơn Nhất”)

image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.