Pages

Monday, September 16, 2024

Thế kỷ phai tàn trí nhớ

BM
Công lao thật lớn với đồng bằng miền Nam. Bên cạnh những dòng tin tưởng nhớ đó, lại khiến tôi bỗng nhớ về Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, một con người đã sống với khoa học và hiến dâng trọn đời mình cho một miền Nam phát triển, với tên gọi kiêu hãnh Tây Đô.


Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân là tổng trưởng Văn Hóa – Giáo Dục – Thanh Niên cuối cùng của Chính thể Việt Nam Cộng Hòa, và cũng là người phát hiện, thuyết phục đưa chàng thanh niên Võ Tòng Xuân từ Phi Luật Tân trở về để phục vụ đất nước.


Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Ông là cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diploma (văn bằng thành chung). Ông sang Pháp du học tốt nghiệp cử nhân kinh tế. Ông tiếp tục theo học chương trình sau đại học ở Anh, lấy bằng thạc sĩ về kinh tế học; tiếp đến sang Mỹ theo học ở đại học Vanderbilt, và lấy học vị tiến sĩ kinh tế học rồi trở về Việt Nam năm 1963.


BM

Sau khi về nước ông được bổ nhiệm làm tổng ủy trưởng Tổng Ủy Nông nghiệp, tổng trưởng kinh tế và cố vấn kinh tế của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, bên cạnh đó, ông còn dạy tại các trường đại học kinh tế và trường Quốc Gia Hành Chính. Đầu năm 1970, ông được mời về làm viện trưởng Viện Đại Học Cần Thơ.


Trong thời gian đảm nhận vị trí viện trưởng Viện Đại Học Cần Thơ, giáo sư nỗ lực phát triển mọi lãnh vực, đặc biệt với hai ngành sư phạm và nông nghiệp. Giáo sư cũng là người tiên phong trong việc thiết lập hệ thống đào tạo tín chỉ theo mô hình Đại Học Hoa Kỳ. Năm 1972, ông đích thân giới thiệu, đưa nhà nông học trẻ Võ Tòng Xuân khi ấy đang công tác ở Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế Los Banos Philippines về làm việc ở trường Đại Học Cần Thơ.


BM
Cuộc đời từ sau 1975 của ông Võ Tòng Xuân là một chuỗi dài thăng tiến và được chính quyền mới trọng vọng, bởi ông thừa hưởng tất cả những nền móng mà Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân đã đặt ra ở miền Tây, rồi từ đó xây dựng và phát triển. Nhưng vị giáo sư như là một người anh, là một người thầy của ông Võ Tòng Xuân thì lại không có một kết cục êm ả như vậy.


BM

Sau 1975, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân phải trải qua một thời gian tù ở Thủ Đức, rồi bị đưa đi “học tập cải tạo” tiếp ở trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Năm 1983, nghe nói Giáo Sư Võ Tòng Xuân, khi ấy là Đại Biểu Quốc Hội, thân cận nhiều quan chức đương thời, có tìm đến trại Ba Sao thăm vị giáo sư cũ đàn anh một lần, nhưng chỉ đơn giản là thăm.


Ba năm sau, năm 1986, do tình trạng trại giam cải tạo khắc nghiệt và thiếu thốn, cùng bệnh tật, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân qua đời tại Trại giam, thọ 61 tuổi. Lúc đó, thi hài ông được chôn lặng lẽ ở một quả đồi, khu vực Trại Cải tạo Ba Sao – Hà Nam. Mãi nhiều năm sau, gia đình mới cải táng và mang về để trong một ngôi chùa tại Sài Gòn. Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân chấm dứt 11 năm trong trại tù cải tạo, dù một đời chỉ là nhà khoa học yêu quê hương.


BM

Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân qua đời, là một mất mát không sao kể hết được đối với đất nước. Ông là một trong những trí thức lớn của miền Nam, đã gây dựng lên những nền móng phát triển, tâm huyết với tương lai dân tộc nhưng rồi trớ trêu, bị đưa vào chỗ khốn cùng.


Tiếc là trong những năm tháng sau này, công danh rực rỡ và có tiếng nói quan trọng trong giới truyền thông nhà nước mới, vẫn không thấy ông Võ Tòng Xuân một lần nào nói đủ, nói thật, nói trân trọng về Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, cho thế hệ trẻ được biết công ơn của người đi trước.


Có lẽ ông Võ Tòng Xuân quên. Hay có lẽ ông cũng đã hòa nhập cuộc sống trong một thế kỷ chấp nhận phai tàn trí nhớ như một lẽ thường.


***

Khi tôi gửi bài viết này lên internet, có người nhắn tôi rằng “Sao không đăng bài viết này khi ông Võ Tòng Xuân còn sống?”, tôi có trả lời rằng “Vì tôi vẫn mong ông ấy đến lúc nhắm mắt, sẽ nói một lời nào đó”.




Tuấn Khanh

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.