Pages

Monday, December 16, 2013

Tham nhũng vì người hay thể chế?

image
Trong cuộc họp báo quốc tế đầu tiên sau khi được bầu vào chức Tổng Bí thư tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng Một năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng ông không muốn ‘tạo dấu ấn’ cho riêng mình trong cương vị mới này.

image
Tổng Bí thư Trọng hiện là Trưởng ban Chống Tham nhũng Trung ương.
Nhưng sau gần ba năm tại chức, xem ra ông đã để lại không ít ‘dấu ấn’ và có nhiều phát biểu khá ‘ấn tượng’.
Chẳng hạn, trong lần tiếp xúc cử tri tại Quận Ba Đình, Hà Nội vào đầu tháng 12 này, khi cử tri bày tỏ bức xúc về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam ông đã nói: ‘Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh’.

image
Ví dụ thật ‘dí dỏm’ và phát biểu rất ‘ấn tượng’ trên của ông Tổng Bí thư đã được báo chí trong nước trích dẫn và đặc biệt cư dân mạng bình phẩm rất nhiều trong những ngày qua.
Câu nói ấy của ông được bàn luận nhiều vì – dù không nói trực tiếp – ông coi bản chất của con người là không lương thiện, gian trá, dễ đi bị tha hóa, sẵn sàng làm điều xấu để đạt được mục đích của mình vì ngay cả ‘Đường Tăng’ (một người thuộc giới tu hành) ‘tới đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh’.

image
Bản chất con người thiện hay ác luôn là một đề tài quan trọng và cũng là một chủ đề gây nhiều tranh luận – đặc biệt trong triết học, nhân bản học hay giáo dục.
Nhưng cứ cho rằng con người có tính bản ác, dễ bị tha hóa và ‘tham nhũng là vấn đề của mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi thời kỳ’ như ông Trọng khẳng định, một câu hỏi được đặt ra là tại sao tham nhũng ở Việt Nam lại nhiều hơn những nước khác?
Nói cách khác, phải chăng người Việt có tính bản ác nhiều hơn – hay ít hướng thiện hơn – người châu Âu, Mỹ hay những nước như Đông Nam Á khác như Singapore nên mới đi hối lộ và tham nhũng nhiều như vậy?

Không phải vì bản chất

image
Các vụ án lớn xảy ra tại những tập đoàn nhà nước (như vụ Vinashin)
Theo chỉ số tham nhũng của Tổ chức minh bạch Quốc tế (International Transparency) năm 2013, Việt Nam bị xếp thứ 116 – sau xa các nước ASEAN khác như Singapore (5) và Malaysia (53) – trên 175 quốc gia, lãnh thổ được International Transparency (IT) khảo sát, đánh giá.
Kết quả của IT cũng cho thấy tình trạng tham nhũng ở Việt Nam trong những năm qua cũng không giảm mặc dù Đảng Cộng sản đã có những chiến dịch, chủ trương chống tham nhũng rầm rộ – như việc ‘kiểm điểm, tự phê bình và phê bình’ theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI – vì năm 2010 Việt Nam cũng bị IT xếp thứ 116.

Điều đáng là nếu dựa trên chỉ số của Tổ chức minh bạch Quốc tế, không ai có thể hay dám khẳng định rằng người Việt dễ bị tha hóa hay tham nhũng hơn người Malaysia hoặc người thuộc các nước châu Âu, như Đan Mạch và Phần Lan.

Trái lại, nếu nhìn qua những chỉ số ấy và so sánh với các chỉ số khác – như dân chủ hay tự do báo chí – chắc ai cũng có thể hiểu được tại sao ở Việt Nam hay Bắc Hàn có nhiều tham nhũng hơn những quốc gia như Đan Mạch hay Phần Lan.

Có thể nêu ra một vài ví dụ, chỉ số cụ thể.
Ngoại trừ Singapore, hầu hết 20 quốc gia, lãnh thổ được International Transparency đánh giá có ít tham nhũng nhất năm 2013 là những nước được The Economist và Reporters Without Borders (Tổ chức phóng viên không biên giới) xếp đầu trong chỉ số dân chủ và chỉ số tự do báo chí của mình năm và 2013.
Cụ thể hơn, năm nước đứng đầu về chỉ số minh bạch (hay có ít tham nhũng nhất) – là Đan Mạch, New Zealand, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy – cũng là năm quốc gia được The Economist xếp đầu về chỉ số dân chủ.
Do vậy, có thể nói ở đâu có một thể chế chính trị cởi mở, dân chủ, có tự do báo chí thì ở đó tình trạng tham nhũng ít vì trong một xã hội như thế mọi lời nói và hành động của một chính trị gia hay một đảng phái chính trị luôn bị người dân, các phe đối lập và đặc biệt báo chí theo dõi, giám sát, phanh phui.

image
Và qua những ví dụ trên, có thể khẳng định rằng tham nhũng nhiều hay ít không phải là ở bản chất con người mà là ở thể chế chính trị. Một ví dụ cụ thể hơn để chứng minh điều đó là trường hợp Bắc và Nam Hàn. Ai cũng biết cả hai quốc gia này đều thuộc bán đảo Triền Tiên, có chung ngôn ngữ và văn hóa, nhưng chỉ khác nhau về thể chế chính trị.

Một nước thì có đa đảng, dân chủ, tự do – được Tổ chức Phóng viên không biên giới xếp thứ 50 về tự do báo chí và The Economist xếp thứ 20 về dân chủ. Bên kia là một thể chế độc tài, gia đình trị – bị xếp gần cuối bảng (chỉ trên Eritrea) về tự do báo chí và xếp cuối bảng về dân chủ.
Vì sự khác biệt về thể chế đó trong khi Nam Hàn được Tổ chức minh bạch thế giới xếp thứ 46, Bắc Hàn bị xếp cuối bảng (cùng với Somalia).

Một yếu tố khác có tác động lớn đến nham nhũng là pháp luật. Cụ thể, trường hợp của Singapore cho thấy nếu một quốc gia có pháp luật nghiêm minh, quốc gia ấy sẽ có ít tham nhũng. Với vị trí thứ năm (cùng với Na Uy), Singapore – một quốc gia được coi là có hệ thống pháp luật rất nghiêm minh, hệ thống tư pháp khá độc lập – là nước Á châu duy nhất được IT xếp vào 10 nước ít tham nhũng nhất năm 2013 dù đảo quốc này bị Tổ chức phóng viên không biên giới xếp thứ 149 và The Economist xếp thứ 81.

Vì thể chế, pháp luật

image
Vụ án Vinalines được dư luận trong và ngoài nước quan tâm theo dõi.
Có thể nói ở Việt Nam tham nhũng nhiều – hơn những quốc gia khác như Đan Mạch, Phần Lan, Singapore tại – vì nước này thiếu dân chủ, thiếu tự do báo chí và pháp luật không nghiêm minh. Các chỉ số về dân chủ, tự do của Việt Nam đều thua các quốc gia trên. Việt Nam cũng không có một hệ thống luật pháp nghiêm minh.
Cụ thể, Việt Nam đều thua xa Singapore về hai chỉ số phụ khác được Tổ chức minh bạch thế giới xem xét để đánh giá tình trạng tham nhũng của một quốc gia là chỉ số về độc lập của hệ thống tư pháp (judicial independence) và chỉ số về thượng tôn pháp luật (rule of law).
Chẳng hạn, về thượng tôn pháp luật, với 1.69 điểm (chỉ số này được đo từ -2.5 đến 2.5), năm 2010, Singapore có tỷ lệ thượng tôn pháp luật là 93%, trong khi đó với số điểm -0.48, tỷ lệ về thượng tôn pháp luật ở Việt Nam chỉ có 39%.

image
Qua những chỉ số trên, việc ông Nguyễn Phú Trọng coi bản tính con người là hối lộ, tham nhũng là nguyên nhân dẫn đến tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam không thuyết phục chút nào.
Một lý do khác được ông đưa ra để giải thích tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là ‘do đồng tiền, chạy theo lợi nhuận, coi thường giá trị con người. Đó là mặt trái của kinh tế thị trường’. Lý do này xem ra cũng không thuyết phục lắm vì đa số các nước tham nhũng ít – cũng là những nước phát triển – là những quốc gia áp dụng nền kinh tế thị trường.

Hơn nữa, Việt Nam cũng không phải hoàn toàn theo kinh tế thị trường vì vẫn còn có ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’. Và trong một chừng mực nào đó sự kết hợp (hơi khập khiểng) này là một trong những lý do dẫn đến nạn tham nhũng vì trong một nền kinh tế như vậy các doanh nghiệp nhà nước được nắm vai trò chủ đạo và hiện tại những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ lớn, tham nhũng nhiều lại là những tổng công ty hay doanh nghiệp nhà nước.

Hai vụ tham nhũng lớn – được coi là trong những ‘đại án’ đã và đang bị xét xử trong những ngày này liên quan đến một công ty con của Ngân Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Vinaline – là những ví dụ điển hình.

image
Trong phát biểu của mình tại buổi tiếp xúc với cử tri đó Giáo sư Nguyễn Phú Trọng cũng khuyên rằng vì ‘Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh’  nên ‘phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng’.

image
Không biết ‘cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng’ của ông Trọng là gì. Nhưng những chỉ số, ví dụ cụ thể trên chứng minh rằng nếu một quốc gia thực sự dân chủ, có tự do báo chí và hệ thống luật pháp nghiêm minh – hay có một hoặc hai trong ba yếu tố này – nước ấy chắc chắn sẽ có ít tham nhũng.

Chẳng hạn, nếu để cho báo chí được tự do phát giác, phanh phui các vụ tham nhũng – từ nhỏ đến lớn – chắc chắn tình trạng tham nhũng của Việt Nam không nhiều như vậy. Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam cho đưa ra xét xử những vụ tham nhũng lớn với những bản án rất nặng, như chung thân hay tử hình đối với một số lãnh đạo ngân hàng Agribank và Vinalines.
Cho tiến hành xét xử những vụ tham ô – còn được gọi là những ‘đại án’ – đó và nghiêm minh trừng phạt những kẻ tham nhũng là một việc nên làm để giới hạn tệ nạn tham nhũng.

image
Nhưng một câu hỏi khác được đặt ra là còn bao nhiều người trong những tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác – hay quan chức lớn nhỏ của Việt Nam – tham nhũng mà chưa được phanh phui, xét xử, trừng phạt?

Hơn nữa, những vụ ‘đại án’ ấy chắc chắn được ngăn ngừa hay bị giới hạn – tránh gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhà nước, cho nhân dân và một số cá nhân không phải mất sinh mạng – nếu có một xã hội thực sự dân chủ, cởi mở và báo chí được tự do điều tra tham nhũng hay pháp luật nghiêm minh.



TS Đoàn Xuân Lộc


Nhân lời phát biểu của Giáo sư Nguyễn Phú Trọng

image

Lời dẫn của Lâm Khang chủ nhân: Gần đây, trong một dịp tiếp xúc cử tri, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng có nói “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ...". Câu nói ấy khiến cư dân mạng bàn tán nhiều lắm! Nhưng Phật tử Phúc Thịnh đã cống hiến một bài viết rất hay về vấn đề này theo kiến giải của người hiểu Đạo Phật, hiểu văn học cổ Trung Hoa.

Xem xong bài viết, ai cũng phải giật mình khi nhớ lại rằng, ông Nguyễn Phú Trọng vốn là sinh viên Tổng hợp Văn (khóa 8). Sinh viên Khoa Văn trường Tổng hợp Hà Nội đều được học về văn học Trung Quốc, trong đó có Tây Du Ký. Vậy mà, trong một phút hưng phấn giữa chốn đông người, ví dụ mà ông đưa ra vừa khập khiễng, vừa tỏ ra là ông chẳng hiểu gì về văn học và về Phật giáo!

image
Có người nói rằng: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ..." là có ý nói việc hối lộ không những là bản tính của tất thảy con người phàm tục, mà ngay cả những con người ở thế giới thanh tịnh được coi là đã diệt trừ được Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến cũng vẫn có chuyện tham nhũng và hối lộ. Nói như thế là để ngụ ý: việc chống tham nhũng là việc khó cô cùng, và không chống được tham nhũng cũng là điều hết sức hiển nhiên.

Vâng, việc chống tham nhũng đương nhiên là khó. Nói là khó, nhưng nếu thực tâm thì vẫn có cách tốt hơn rất nhiều để hạn chế việc này. Ở đây, tôi không bàn đến việc chống tham nhũng được hay không, cũng không bàn đến việc hạn chế tham nhũng bằng cơ chế ưu việt nào, mà chỉ bàn đến một khía cạnh mà người ta hay hiểu nhầm về đoạn kết của câu chuyện Tây Du Ký. 

Lòng người luôn tham dường như là đúng. Chúng ta luôn muốn có nhiều, nhiều hơn nữa những giá trị về mọi mặt. Những giá trị ấy nhìn dưới góc độ Phật giáo thì chỉ là phù du, bóng nước. Phật chỉ thừa nhận có 2 giá trị thực sự mà thôi, đó là sức khỏe và trí tuệ. Ngoài 2 giá trị Sức khỏe và Trí tuệ ra, các giá trị còn lại khác chỉ làm cho con người luẩn quẩn lâu hơn mà không thể liễu thoát sanh tử, không thể Đáo Bỉ Ngạn, hay không thể đạt đến cảnh giới Niết bàn và thành Phật được. Nhà Phật thường nói: muốn đến Niết Bàn, chứng đắc thành Phật thì con người phải biết từ bỏ Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến. Vậy, làm thế nào để từ bỏ những điều trên? Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến từ đâu mà ra? Vâng, nếu biết những điều trên từ đâu mà ra thì giải trừ nó mới dễ dàng, giống như người chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nếu biết rõ nguyên nhân vì sao bạn bị bệnh, thì mới mong cải thiện được nó. 

Nhà Phật xác định rõ nguyên nhân của Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác Kiến là do thái độ Tư Tình và Tư Sản tạo ra. Vâng, đúng vậy. Nếu chúng ta không đau đáu về tình cảm riêng (nghĩa rộng) và tài sản riêng thì Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến sao dễ dàng nổi nên cho được. Vậy, trong truyện Tây Du Ký thì cái bát vàng chính là vật đại điện cho cả Tư Tình và Tư Sản của Đường Tăng. Mặc dù trong đời sống xuất gia, bình bát vốn là biểu tượng của nhà tu khất thực (khất sĩ trì bát). Nhưng ở đây, chiếc bình bát của Đường Tam Tạng nguyên là của vua Đường tặng cho ngự đệ (em vua) kết nghĩa – đó chính là Tư tình. Bình bát ấy bằng vàng – một thứ kim loại quý hiếm – đó chính là Tư sản. Vì vậy, bình bát của Đường Tăng trong tình huống này tượng trưng cho của cải, tình riêng và danh vọng ở thế gian. Để nhận kinh báu của Phật, thì buộc phải dâng nạp bình bát là ngụ ý: muốn thọ lãnh đạo giải thoát của Phật, con người phải xuất gia, phải lìa bỏ danh vọng và của cải thế tục.

Ngày xưa, khi Thái tử Cồ đàm tìm đạo giải thoát, Ngài đã phải đánh đổi cả ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, cả cuộc sống nhung lụa đế vương. Ngay ở Việt Nam ta cũng vậy, thì khi vua Trần Nhân Tông đi tìm đạo giải thoát cũng phải bỏ lại tất cả, ngai vàng, quyền lực, tam cung, lục viện.v.v…lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà) và tu hành, thì mới được người đời sau cung kính gọi là “Phật Hoàng”.

Tóm lại, việc buộc Đường Tăng phải trao bát vàng trước khi nhận kinh Phật là phương pháp áp dụng trực tiếp trong hoàn cảnh cụ thể của Đường Tăng, để diệt trừ Tư tình, diệt trừ Tư sản, loại bỏ mọi của cải và danh vọng của thế tục, diệt cái cội nguồn của tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến, chứ không phải là vấn đề tham lam, hay hối lộ gì ở nơi nước Phật.

Vài lời ngắn ngủi xin được chia sẻ với những ai còn hiểu nhầm, hay cố tình hiểu nhầm để làm gì đó. Xin cảm ơn.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Phật tử Phúc Thịnh 

image

image

Hải quân Mỹ cung cấp nước sạch cho người dân Phili...
Sông Mekong không phải của riêng ai
Ngoại trưởng Kerry thăm vùng đồng bằng sông Cửu Lo...
Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm
Báo cáo về những vụ đàn áp blogger nhân Ngày Nhân ...
Ông Lê Hiếu Đằng 'trong cơn nguy kịch'
Chuyến thăm của Kerry và tương lai của Việt Nam
Phụ huynh ba nhà hoạt động bị giam cầm sang Mỹ vận...
Rồi sẽ đến Biển Đông
Gia đình họ Kim và những ẩn số
Những hình ảnh để đời năm 2013
Obama "mất điểm" với vợ
Quán cafe Pháp thưởng khách hàng lịch sự
THỜI TRANG DÂN OAN
Kim Jong Un làm Bắc Kinh nhức đầu
Con gái Ngoại trưởng Mỹ: ‘Việt Nam là một phần cuộ...
Thói hôi của và sự xuống cấp đạo đức
Viết blog từ trong nước, ai, thế nào?
Diễn biến ghê rợn từ móng tay
Những lời tiên tri bị coi là “điên rồ” trở thành s...
Nhà thực vật Anh mất tích ở Sapa
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô được bình chọn là Nhân vật...
Mỹ phát hành 'tiền hên' nhân dịp Tết Nguyên đán
Hà Giang 'xử lý người tố cáo'
Loạn thờ cúng do đâu?
Gửi người cán bộ Thành Đoàn, thạc sĩ Nguyễn Tuấn A...
Những người đi theo lương tâm mình
36 hình chụp đúng lúc
Chạy Trời không khỏi nắng!
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
Khăn choàng nữ và Cà vạt nam
Biểu tình ở Kiev lật nhào tượng Lenin
Sinh hoạt kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền tại Việt...
Phỏng vấn cô Huỳnh Thục Vy về tuyên cáo thành lập ...
Bị thôi học, Phương Uyên không lùi bước
6 món ăn ngon nhưng nguy hiểm
Vĩnh biệt Nelson Mandela
Nước mắt của rượu
Phản ứng việc ông Lê Hiếu Đằng bỏ đảng
Công ty xe lửa Indonesia
Bông súng mắm kho

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.